Nghệ An khắc phục khó khăn để triển khai hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông mới ở bậc tiểu học

Mỹ Hà 03/08/2023 12:41

(Baonghean.vn) - Chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018 ở bậc tiểu học diễn ra trong bối cảnh thiếu giáo viên, các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn nhiều khó khăn.

Sáng 3/8, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị đánh giá 3 năm triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, cấp tiểu học.

Năm học 2022 - 2023 là năm thứ 3 toàn ngành Giáo dục triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới với 3 lớp 1, 2, 3. Qua thực tế triển khai, theo đánh giá của các giáo viên và các nhà trường, chương trình mới có nhiều ưu điểm như bảo đảm tính đồng bộ giữa mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục của chương trình, bảo đảm tính tiếp nối liên thông giữa các cấp học, lớp học, môn học, bảo đảm yêu cầu tinh giản, thiết thực, cập nhật với xu thế hiện đại của thế giới, kế thừa ưu điểm của chương trình hiện hành, đồng thời, tham khảo, tiếp thu kinh nghiệm có chọn lọc, có tính mở...

bna_Các đại biểu tham dự hội nghị.jpg
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Mỹ Hà

Tại Nghệ An, sau 3 năm triển khai, giai đoạn đầu của lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa trên toàn tỉnh được thực hiện đúng kế hoạch, đảm bảo yêu cầu, mục tiêu đặt ra. Trong quá trình thực hiện, dù trong bối cảnh thiếu giáo viên nhưng nhiều huyện, thành, thị đã nỗ lực để tổ chức dạy học theo chương trình 2 buổi/ngày, 32 tiết/tuần, cho các khối lớp, 100% cơ sở giáo dục tổ chức dạy Tiếng Anh và Tin học cho học sinh lớp 3. Ngoài các môn học bắt buộc, nhiều địa phương đã tổ chức được nhiều nội dung tăng cường, các hoạt động ngoài giờ chính khóa.

bna_Ông Đào Công Lợi, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại hội nghị. Ảnh - Mỹ Hà.jpg
Ông Đào Công Lợi - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Mỹ Hà.

Nhờ thực hiện chương trình mới, việc xây dựng kế hoạch dạy học môn học mới có nhiều đổi mới. Giáo viên đã chú trọng thiết kế các hoạt động dạy học theo định hướng tổ chức hoạt động trải nghiệm, học thông qua chơi; các nhà trường đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng nhiều giải pháp phần mềm trong quá trình quản lý. Việc lựa chọn sách giáo khoa theo chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” được đánh giá hoàn toàn phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội. Qua đó, tạo điều kiện để các nhà trường, học sinh có nhiều sự lựa chọn để tìm bộ sách có chất lượng và phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi địa phương.

Tại hội nghị, bên cạnh đánh giá những kết quả đạt được, các đại biểu cũng đã phân tích những tồn tại, hạn chế, như tình trạng thiếu giáo viên dạy văn hóa. Hay chương trình mới bổ sung thêm một số môn học mới làm thay đổi nhu cầu về cơ cấu đội ngũ giáo viên, khiến việc bố trí giáo viên của các trường gặp khó khăn. Trong quá trình triển khai, nhu cầu đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học, nhất là thiết bị tối thiểu đáp ứng yêu cầu thực hiện là rất lớn, nhưng nguồn ngân sách đầu tư hạn hẹp, không đủ để cung ứng hoặc cung ứng chậm và chưa đồng bộ.

bna_Ông Nguyễn Hồng Hoa - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học báo cáo về kết quả đạt được sau 3 năm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh - Mỹ Hà.jpeg
Ông Nguyễn Hồng Hoa - Trưởng phòng Giáo dục tiểu học báo cáo về kết quả đạt được sau 3 năm triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Ảnh: Mỹ Hà

Phát biểu tại hội nghị, ông Đào Công Lợi - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng, việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới diễn ra trong bối cảnh còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao, sự nỗ lực của toàn ngành và sự cố gắng của các thầy, cô giáo việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới ở Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Trong các năm tới, ngành Giáo dục cũng xác định những khó khăn về cơ sở vật chất, về đội ngũ giáo viên sẽ tiếp tục tác động đến quá trình thực hiện. Vì vậy, để việc triển khai hiệu quả, ngoài những khó khăn khách quan, các nhà trường, các giáo viên cần phải linh hoạt, xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với hoàn cảnh thực tế, tăng cường sinh hoạt chuyên môn liên trường. Bên cạnh đó, phải tăng cường công tác chuyển đổi số, tiếp tục làm tốt công tác truyền thông để nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của phụ huynh học sinh.

bna_Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Nghi Hương - thị xã Cửa Lò.jpg
Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Nghi Hương, thị xã Cửa Lò. Ảnh: Mỹ Hà

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị các địa phương cần phải xây dựng kế hoạch dạy học của các nhà trường đảm bảo chất lượng. Trong quá trình thực hiện, giao quyền chủ động cho các giáo viên trong tổ chức dạy và học, lấy kết quả và sự tiến bộ của học sinh là thước đo đánh giá cuối cùng.

Về phía ngành sẽ tham mưu, tích cực tuyển dụng giáo viên để đảm bảo bố trí đủ 2 tiết/tuần, huy động mọi nguồn lực để đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy học, ưu tiên mua sắm máy tính để học tin học, phòng học ngoại ngữ./.

Mới nhất

x
Nghệ An khắc phục khó khăn để triển khai hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông mới ở bậc tiểu học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO