Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành Tư pháp cần 'xem kỹ, soi chặt và tham mưu tốt hơn'

Hoài Thu 23/12/2020 12:23

(Baonghean.vn) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra những tồn tại, hạn chế và các nhiệm vụ của ngành Tư pháp cần thực hiện trong năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025.

Sáng 23/12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác tư pháp năm 2021, định hướng nhiệm kỳ 2021 - 2025. Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ. Tham dự có đồng chí Phan Đình Trạc - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng và đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các địa phương và các ban, ngành liên quan tại các điểm cầu.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Hoài Thu
Chủ trì tại điểm cầu Nghệ An có các đồng chí: Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Quốc Hào - Giám đốc Sở Tư pháp. Ảnh: Hoài Thu

Bảo vệ tốt hơn nền tư pháp của quốc gia

Dự và chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, ghi nhận những kết quả mà ngành Tư pháp đã đạt được trong thời gian qua; khẳng định, trên tinh thần kỷ cương dân chủ, xây dựng pháp luật là nền tảng quan trọng để phát triển đất nước. Năm 2020, dưới tác động của dịch Covid-19, nhiều khó khăn đặt ra cho ngành Tư pháp, nhưng với những nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị đã đạt được những kết quả cao. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nêu một số tồn tại, hạn chế mà ngành Tư pháp cần khắc phục để nâng cao hiệu quả công tác.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, ngành Tư pháp cần thực thi nhiệm vụ trên tinh thần “xem kỹ, soi chặt, đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, làm nhiều, hiểu biết kỹ và tham mưu tốt hơn”.

Bộ Tư pháp và các Sở Tư pháp cần thường xuyên rà soát để tránh chồng chéo các văn bản pháp luật; không để tham nhũng, lợi ích nhóm trong xây dựng hệ thống văn bản pháp luật. Đổi mới và cải cách mạnh mẽ hơn nữa hệ thống dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp. Các cơ quan, con người ngành Tư pháp rất quan trọng, và cần phải gương mẫu, tận tụy, nêu gương, giúp các địa phương quan tâm hơn, thực thi đúng hơn các quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, bảo vệ tốt hơn nền tư pháp của quốc gia Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Hoài Thu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh chụp qua màn hình: Hoài Thu

Tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong công tác tư pháp

Trước đó, hội nghị đã đánh giá kết quả công tác tư pháp năm 2020, nhiệm kỳ 2015-2020; định hướng công tác nhiệm kỳ 2021-2025 và nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2021. Các đại biểu tham gia đã nghe các chuyên đề về: Triển khai thực hiện Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật; Những vấn đề lưu ý chuẩn bị triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính và tiếp tục thi hành Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12/02/2020 về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hành chính. Phát huy vai trò của cơ quan tư pháp địa phương trong việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Năm 2020, tuy ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng Bộ, ngành Tư pháp đã kịp thời chỉ đạo rà soát, điều chỉnh các chương trình, kế hoạch công tác để phù hợp với điều kiện mới, trong đó, hạn chế việc tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn và các đoàn thanh tra, kiểm tra; tăng cường các cuộc họp, chỉ đạo trực tuyến, bám sát tình hình dịch bệnh, chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 để chỉ đạo, hướng dẫn công tác; tập trung đẩy mạnh công tác xây dựng thể chế, tăng cường hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, giải quyết khó khăn, vướng mắc của địa phương, người dân và doanh nghiệp.

Các cấp ngành Nghệ An thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Ảnh tư liệu
Các cấp, ngành Nghệ An thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Ảnh tư liệu

Công tác phối hợp giữa Bộ Tư pháp với các bộ, ngành, địa phương và giữa các Sở Tư pháp, Cục THADS với các sở, ngành tiếp tục được chú trọng, tăng cường, qua đó, kịp thời tháo gỡ những “điểm nghẽn”, những vướng mắc, khó khăn và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Việc trao đổi, chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ giữa Bộ Tư pháp với các bộ, ngành, địa phương được thực hiện thông suốt, gắn kết trong chỉ đạo, điều hành công tác tư pháp, pháp chế các cấp.

Năm 2020, Bộ đã tiếp nhận, trả lời 626 kiến nghị, đề nghị hướng dẫn nghiệp vụ của các bộ, ngành, địa phương (trong đó, có 140 kiến nghị được gửi qua các báo cáo sơ kết 6 tháng; 193 kiến nghị được gửi qua các báo cáo tổng kết); tiếp nhận, trả lời 40 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp gửi qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Các phản ánh, kiến nghị đã được các đơn vị thuộc bộ nghiên cứu trả lời, tiếp thu trong quá trình xây dựng thể chế và tham mưu quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực cụ thể.

Mới nhất

x
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành Tư pháp cần 'xem kỹ, soi chặt và tham mưu tốt hơn'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO