Thực hiện đúng lộ trình sắp xếp đơn vị hành chính ở Nghĩa Đàn

Nguyễn Thị Thanh Liên 25/04/2024 07:45

(Baonghean.vn) - Sắp xếp đơn vị hành chính nhằm tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, tiết kiệm ngân sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp. Trên cơ sở đó, huyện Nghĩa Đàn triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo việc sáp nhập các xã đúng lộ trình đề ra.

bna-Cử tri các xã theo dõi các phương án sáp nhập.jpg
Cử tri các xã ở huyện Nghĩa Đàn theo dõi các phương án sáp nhập xã theo đề án. Ảnh tư liệu: Minh Thái

Xây dựng lộ trình phù hợp

Thực hiện chủ trương, chỉ đạo của các cấp về việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC), huyện Nghĩa Đàn xây dựng Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn. Theo đó, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Nghĩa Phú, ĐVHC đồng thời có diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% tiêu chuẩn vào xã Nghĩa Thọ (ĐVHC liền kề) có diện tích tự nhiên 46,16% và quy mô dân số 284,24% so với tiêu chuẩn để thành lập ĐVHC mới, với tên gọi dự kiến là xã Nghĩa Thọ.

Thoj- phu.jpg
Phương án xã Nghĩa Phú sáp nhập vào xã Nghĩa Thọ (Nghĩa Đàn), lấy tên Nghĩa Thọ. Đồ họa: NN

Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Nghĩa Hiếu, ĐVHC đồng thời có diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% so với tiêu chuẩn, xã Nghĩa Thịnh đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% so với tiêu chuẩn vào xã Nghĩa Hưng (ĐVHC liền kề) có diện tích tự nhiên 34,66% và dân số 139,24% so với tiêu chuẩn để thành lập ĐVHC mới với tên gọi dự kiến là xã Nghĩa Hưng. Sau khi sắp xếp, trụ sở làm việc của xã Nghĩa Thọ (mới) dự kiến đặt tại Trụ sở làm việc của xã Nghĩa Phú (hiện nay); trụ sở làm việc của xã Nghĩa Hưng (mới) dự kiến tại trụ sở làm việc của xã Nghĩa Hưng (hiện nay).

Nghia hung moi.jpg
Xã Nghĩa Hưng (Nghĩa Đàn) sau khi sáp nhập 3 xã: Nghĩa Hiếu, Nghĩa Thịnh, Nghĩa Hưng. Đồ họa: NN

Ban Thường vụ Huyện ủy Nghĩa Đàn đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương nêu cao vai trò, trách nhiệm triển khai nhiệm vụ này.

Thường trực Huyện ủy cũng sớm tổ chức Hội nghị đối thoại với cán bộ, công chức các xã thuộc diện sắp xếp giai đoạn này để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của cán bộ, công chức; đồng thời giao nhiệm vụ cho các cấp ủy tiếp tục tuyên truyền cho nhân dân hiểu được chủ trương sáp nhập để tạo sự đoàn kết, đồng thuận cao trong quá trình thực hiện chủ trương sáp nhập trên địa bàn.

Bna-cử tri xã Nghĩa Phú bỏ phiếu lấy ý kiến về việc sắp xếp đơn vị hành chính.jpg
Cử tri xã Nghĩa Phú -Nghĩa Đàn bỏ phiếu lấy ý kiến về việc sắp xếp đơn vị hành chính. Ảnh tư liệu: Minh Thái

UBND huyện chỉ đạo cơ quan chức năng thống kê, rà soát các ĐVHC thuộc diện phải sắp xếp để xây dựng kế hoạch, phương án sắp xếp theo tinh thần các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh.

Để thực hiện tốt Đề án, Ban Thường vụ Huyện uỷ Nghĩa Đàn đã thành lập Ban Chỉ đạo sắp xếp ĐVHC cấp xã, giai đoạn 2023-2025 do đồng chí Bí thư Huyện ủy làm Trưởng ban; phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ đạo và thành lập 5 Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo triển khai lấy ý kiến cử tri. Đảng uỷ các xã thuộc diện sắp xếp tiến hành thành lập 5 Ban Chỉ đạo sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2023-2025, 5 Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo của xã và thành lập 27 Tổ lấy phiếu ý kiến cử tri tại các xóm. Đồng thời, rà soát, lên phương án giải quyết các vấn đề phát sinh sau khi tổ chức sắp xếp, sáp nhập.

Qua tổ chức lấy ý kiến người dân các xã thuộc diện sáp nhập, tỷ lệ bình quân chung của 5 xã lấy ý kiến đạt trên 97% người dân đồng ý với các phương án sáp nhập; trong đó có 13/27 xóm đạt 100% số phiếu, xóm có số phiếu thấp nhất trên 76 %.

Tạo sự đồng thuận trong thực hiện

Cùng với rà soát, xây dựng phương án, huyện chỉ đạo các ban, ngành, MTTQ, các tổ chức đoàn thể, địa phương thực hiện sắp xếp đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, yêu cầu, ý nghĩa của việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; tuyên truyền các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác này. Trên cơ sở đó, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và sự đồng thuận của nhân dân các địa phương thuộc diện sắp xếp.

bna-nghĩa Thọ.jpg
Một góc xã Nghĩa Thọ hiện nay. Ảnh: Liên Thanh

Tại xã Nghĩa Thịnh, lúc đầu một số người dân vẫn còn băn khoăn về tên gọi, về những khó khăn của học sinh khi đến trường và của bệnh nhân khi đến khám, chữa bệnh ban đầu nếu sáp nhập vào xã Nghĩa Hưng. Đảng uỷ, chính quyền xã đã giải thích rõ cho dân, người dân hiểu được việc sắp xếp ĐVHC cấp xã là yêu cầu cần thiết nên sau khi được tuyên truyền, phổ biến, đa số người dân đã tin tưởng, đồng thuận với chủ trương này.

Đồng chí Võ Đình An - Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Thịnh cho biết: “Ngay sau khi có chủ trương của huyện, Đảng ủy xã đã tổ chức họp để quán triệt đầy đủ các văn bản của Trung ương, của tỉnh về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn. Chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, các xóm đẩy mạnh tuyên truyền về Đề án của huyện nhằm tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong toàn hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đồng thời, làm tốt công tác nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đảng viên, nhân dân nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho họ khi thực hiện sắp xếp".

BNA_HTX dịch vụ NN Cờ đỏ xã Nghĩa Thịnh kiểm tra lúa hè thu trước thu hoạch. NN.JPG
Cán bộ HTX Dịch vụ nông nghiệp Cờ Đỏ, xã Nghĩa Thịnh kiểm tra sản xuất lúa trên địa bàn. Ảnh: Nguyên Nguyên

Quá trình triển khai, có một số đề xuất của người dân, các cấp chính quyền đã tuyên truyền, đối thoại để tạo đồng thuận chủ trương chung. Ông Vũ Văn Hoạt, người dân xóm Sơn Mộng (xã Nghĩa Hiếu) chia sẻ: “Bà con chúng tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương sáp nhập, tuy nhiên khoảng cách từ xóm Sơn Mộng đến trụ sở xã Nghĩa Hưng hiện tại khoảng 10km, không thuận tiện cho việc đi lại của người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính và khám chữa bệnh. Nên một số người dân kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, cho sáp nhập xóm vào xã Nghĩa Thành".

Về kiến nghị đó, cấp ủy, chính quyền xã đã tổ chức các cuộc họp, đối thoại, tiếp xúc cử tri để phổ biến, giải đáp băn khoăn, thắc mắc của người dân nhằm tạo sự đồng thuận. Hướng dẫn cử tri nếu có kiến nghị, đề xuất thì ghi trực tiếp vào phiếu lấy ý kiến để tổng hợp, kiến nghị đầy đủ đến cấp có thẩm quyền. Bằng nhiều giải pháp “hợp tình, hợp lý”, cho nên quá trình lấy ý kiến cử tri ở đây diễn ra thuận lợi, đa số người dân đồng tình, ủng hộ việc sáp nhập vào xã Nghĩa Hưng như đề án.

Với sự chủ động từ sớm, thống nhất trong định hướng tuyên truyền bằng nhiều hình thức, từ thông qua các hội nghị thông tin thời sự cụm đến cán bộ chủ chốt của các xóm thuộc xã sáp nhập; thông qua các bài tuyên truyền ngắn gọn, rõ ràng phát trên hệ thống loa phát thanh các xóm; tuyên truyền lưu động, qua mạng xã hội, đến các cuộc gặp mặt, họp dân để tuyên truyền, giải thích. Cùng đó, ngày 20/4, huyện Nghĩa Đàn tổ chức lấy ý kiến cử tri các xã thuộc Đề án sắp xếp các ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023-2025. Các hoạt động được tổ chức công khai, minh bạch và dân chủ, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân nên đã nhận được sự đồng tình ủng hộ, thống nhất cao của cử tri.

bna_.jpg
Lãnh đạo huyện Nghĩa Đàn kiểm tra việc tổ chức bỏ phiếu lấy ý kiến người dân xã Nghĩa Thọ về sáp nhập đơn vị hành chính. Ảnh tư liệu: Minh Thái

Với sự vào cuộc chủ động của các cấp ngành, địa phương, cùng với phương pháp tuyên truyền, cách làm bài bản, khoa học, quyết liệt, đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tiễn, việc triển khai sắp xếp ĐVHC cấp xã ở Nghĩa Đàn đã và đang thực hiện đúng lộ trình với sự đồng thuận cao. Hy vọng sau khi sắp xếp, cấp ủy, chính quyền và nhân dân ở các đơn vị hành chính mới tiếp tục phát huy khối đoàn kết, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Sau khi hoàn thành sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, giai đoạn 2023-2025, huyện Nghĩa Đàn giảm từ 23 xã, thị trấn xuống còn 20 đơn vị hành chính cấp xã.

Thực hiện đúng lộ trình sắp xếp đơn vị hành chính ở Nghĩa Đàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO