Thường trực HĐND tỉnh tổ chức Phiên giải trình về giải quyết tình trạng thiếu đất, nhà ở, nước sinh hoạt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Thành Duy 14/11/2023 18:20

(Baonghean.vn) - Chiều 14/11, Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An tổ chức Phiên giải trình tình hình thực hiện Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt.

Đây là một trong các dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia Phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

bna_IMG_3297.JPG
Toàn cảnh Phiên giải trình. Ảnh: Thành Duy

Các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đồng chủ trì.

Dự cuộc làm việc có đồng chí Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An; Bùi Đình Long - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh; cùng lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh, một số tổ đại biểu, sở, ngành, địa phương liên quan.

TỐC ĐỘ GIẢI NGÂN CHẬM

Thực hiện Dự án 1, giai đoạn 2021 - 2025, kế hoạch vốn Trung ương giao (bao gồm vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp) cho Nghệ An dự kiến hơn 340,6 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách bố trí cho các năm 2022, 2023 là 147,015 tỷ đồng (bao gồm 1,789 tỷ đồng vốn đối ứng của tỉnh).

bna_IMG_3303.JPG
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An Nguyễn Như Khôi đặt vấn đề Phiên giải trình. Ảnh: Thành Duy

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Dân tộc HĐND tỉnh, kết quả thực hiện Dự án 1 nhìn chung vẫn còn chậm so với kế hoạch. Nguồn vốn Trung ương giao năm 2022 và năm 2023 là hơn 145 tỷ đồng, nhưng đến thời điểm báo cáo mới chỉ giải ngân được hơn 35 tỷ đồng (tỷ lệ 24,35%).

Cùng với đó, các bước lập hồ sơ, thẩm định hồ sơ của dự án còn chậm; số hộ được khảo sát có nhu cầu về đất ở, đất sản xuất; tỷ lệ giải ngân hỗ trợ chuyển đổi nghề đang rất thấp (8,36%).

bna_IMG_3466.JPG
Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Lô Thị Kim Ngân trình bày đánh giá báo cáo của UBND tỉnh về thực hiện Dự án 1. Ảnh: Thành Duy

Việc tham mưu ban hành quyết định, quy định định mức đất ở, định mức bình quân đất sản xuất để làm cơ sở thực hiện các nội dung hỗ trợ cho các đối tượng thụ hưởng chính sách chậm được triển khai thực hiện.

Công tác phối hợp giữa các ban, ngành, địa phương chưa chặt chẽ, kịp thời; số lượng cán bộ của Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng còn thiếu và yếu; công tác cải cách hành chính và thủ tục hành chính còn rườm rà.

bna_IMG_3491.JPG
Đại biểu HĐND tỉnh Trình Văn Nhã - Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương phát biểu chất vấn tại Phiên giải trình. Ảnh: Thành Duy

Công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện chưa thường xuyên, kịp thời. Việc quản lý số liệu, chế độ, thông tin báo cáo ở một số địa phương chưa được thực hiện nghiêm túc; công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện dự án còn hạn chế.

Tại Phiên giải trình, ý kiến các đại biểu đề nghị lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh giải trình làm rõ các nguyên nhân hạn chế trên, chỉ ra giải pháp để đẩy nhanh tốc độ giải ngân trong thời gian tới.

bna_IMG_3537.JPG
Đại biểu HĐND tỉnh Võ Thị Minh Sinh - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An phát biểu chất vấn tại Phiên giải trình. Ảnh: Thành Duy

Đại biểu cũng đề nghị làm rõ nguyên nhân vì sao, nhu cầu qua khảo sát rất lớn nhưng cả giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh chỉ đề xuất hỗ trợ đất ở đối với 31 hộ với nguồn vốn chỉ 1,24 tỷ đồng.

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Vi Văn Sơn đã giải trình làm rõ các nội dung mà đại biểu quan tâm; đặc biệt là tiếp thu vấn đề rà soát lại quy trình đề xuất, tổng hợp để lý giải rõ nguyên nhân chỉ có 31 hộ được hỗ trợ đất ở cho cả giai đoạn 2021 - 2025.

bna_IMG_3525.JPG
Trưởng ban Dân tộc tỉnh Vi Văn Sơn phát biểu giải trình. Ảnh: Thành Duy

Thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh giải trình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long nhìn nhận, qua 3 năm triển khai Dự án 1 đã bộc lộ một loạt khó khăn, hạn chế, nổi bật nhất là “tiền thì có mà giải ngân không được”.

Lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An thẳng thắn cho rằng, nguyên nhân khách quan nhiều, song chủ quan vẫn là chính.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho rằng, công tác tổ chức triển khai Dự án 1 cũng đang có vấn đề, đặc biệt điều băn khoăn nhất là có những địa phương đã có văn bản trả lại vốn, hiện gần 5 tỷ đồng; qua đó đề nghị các huyện cần cân nhắc kỹ vấn đề này.

bna_IMG_3548.JPG
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long phát biểu giải trình. Ảnh: Thành Duy

Nhấn mạnh, đến nay cơ bản các khó khăn đã được giải quyết; các dự án đã vào khuôn khổ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các địa phương được thụ hưởng Dự án 1 căn cứ chức năng, nhiệm vụ tăng cường công tác tổ chức, triển khai thực hiện gắn với công tác giám sát.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng thời cam kết với Thường trực HĐND tỉnh sẽ giải ngân nguồn vốn Dự án 1 đúng như kế hoạch mà UBND tỉnh đã báo cáo.

PHẢI VÀO CUỘC VỚI TÂM THẾ XEM ĐÂY LÀ NHIỆM VỤ QUAN TRỌNG

Kết luận nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý - Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh, Dự án 1 là một trong các dự án rất quan trọng của Chương trình mục tiêu Quốc gia Phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 vì liên quan đến cấp đất ở, đất sản xuất, nhà ở…

bna_IMG_3451.JPG
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý - Chủ tịch HĐND tỉnh kết luận Phiên giải trình. Ảnh: Thành Duy

Chủ tịch HĐND tỉnh cũng chia sẻ đây là vấn đề khó, nhạy cảm, phức tạp; đồng thời chỉ ra các nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến Dự án 1 giải ngân chậm.

“Qua phiên giải trình cho thấy, tỉnh cơ bản hoàn thành hệ thống quy định, hướng dẫn tạo hành lang pháp lý để thực hiện Dự án 1”, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An đánh giá, đồng thời ghi nhận UBND tỉnh đã vào cuộc chỉ đạo trong quá trình triển khai khi có vướng mắc.

bna_IMG_3367.JPG
Lãnh đạo UBND tỉnh và các ban, ngành tại Phiên giải trình. Ảnh: Thành Duy

Trên cơ sở chỉ rõ các hạn chế như tỷ lệ giải ngân tổng thể chậm, trong đó có những nội dung triển khai còn rất thấp và sau gần 2 năm mới ban hành được định mức đất ở, đất sản xuất,… người đứng đầu HĐND tỉnh nói rằng, đó là những bài học sâu sắc về trách nhiệm, sự vào cuộc, trăn trở khi thực thi chương trình của các cơ quan hữu quan và địa phương được thụ hưởng.

Trên cơ sở đó, thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị, các cấp, ngành, địa phương liên quan phải xác định đây là nhiệm vụ quan trọng vì liên quan sát sườn đến đời sống người dân.

Do đó, các huyện được thụ hưởng khi triển khai Dự án 1 phải hết sức quan tâm thực hiện chính xác, công tâm, khách quan, không để xảy ra sai sót, đặc biệt phải tạo được sự đồng thuận của người dân.

bna_IMG_3364.JPG
Lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh tại Phiên giải trình. Ảnh: Thành Duy

Chủ tịch HĐND tỉnh đồng thời yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, đôn đốc; gắn với đẩy nhanh quy trình thực hiện các thủ tục liên quan không chỉ đối với Dự án 1, mà còn với các dự án khác thuộc chương trình mục tiêu quốc gia này. Đồng thời, UBND tỉnh phải quan tâm bố trí vốn đối ứng kịp thời; rà soát hệ thống số liệu.

Người đứng đầu HĐND tỉnh yêu cầu tiếp tục kiến nghị với Trung ương về những nội dung bất cập trong Dự án 1 và các dự án còn lại của Chương trình mục tiêu Quốc gia Phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; đồng thời đề xuất thêm các nội dung khác.

bna_IMG_3341.JPG
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An Nguyễn Nam Đình phát biểu kết luận đối với việc thực hiện 4 Thông báo kết luận các Phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay. Ảnh: Thành Duy

Trước đó, Thường trực HĐND tỉnh đã nghe và cho ý kiến về việc thực hiện 4 Thông báo kết luận các Phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, về tình hình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh; công tác quản lý, sử dụng tài sản công sau sáp nhập đơn vị hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh; việc thực hiện Nghị quyết số 27/2021/NQ-HĐND ngày 9/12/2021 của HĐND tỉnh quy định một số giải pháp tăng cường giải toả vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025 và công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh; về công tác giao đất, giao rừng, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh (giai đoạn 2018 - 2022).

Thường trực HĐND tỉnh tổ chức Phiên giải trình về giải quyết tình trạng thiếu đất, nhà ở, nước sinh hoạt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO