Tích hợp kiểu này, “giết” môn Sử

Nhật Duy 23/01/2018 11:20

Giáo dục hiện nay đang khiến học sinh của chúng ta mất gốc. Đã có quá nhiều bài học về sự diệt vong của một quốc gia, dân tộc bắt đầu từ sự vong bản.

Xung quanh môn học “tích hợp” Lịch sử với Địa lý ở bậc trung học cơ sở trong chương trình mới, thầy giáo Nhật Duy có bài viết chia sẻ góc nhìn của mình.

Thầy Duy cho rằng, Chương trình 2000 đã một lần “giết môn Sử”, và điều này có thể lặp lại nghiêm trọng hơn trong chương trình mới.

“Tích hợp” 2 môn, 3 môn vào 1 sách đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

Vụ “ép duyên” Vật lý - Hóa học - Sinh học vào 1 môn Khoa học tự nhiên nhưng vẫn do 3 ông thầy đảm trách, quý thầy cô đã phân tích nhiều.

Nay chúng tôi xin phân tích những bất cập khi cột 2 môn Lịch sử, Địa lý vào 1 sách Lịch sử và Địa lý bậc trung học cơ sở trong chương trình mới, một cách làm rất chủ quan, duy ý chí và phản khoa học.

Hình minh họa, cắt từ clip phóng sự của Chuyển động 24h, VTV.

Sau những câu hỏi không có lời đáp thỏa đáng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam giữa anh chị em giáo viên đứng lớp với một số quý thầy chủ biên, tổng chủ biên, chúng tôi chỉ còn biết chờ đợi công bố dự thảo các chương trình môn học.

Ngày 19/11/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo chương trình các môn học, chúng tôi nhận thấy môn Lịch sử và Địa lý vẫn là 2 “phân môn” độc lập.

Sự khác biệt cơ bản nhất là môn học này là được sự sắp xếp theo một trình tự không gian: Thế giới- khu vực-Việt Nam- địa phương, riêng trong “phân môn” Lịch sử thì rối rắm hơn rất nhiều so với Chương trình 2000.

Vì ngoài trục thời gian (sắp xếp theo niên đại), nay có thêm trục không gian, tức là trong cùng 1 giai đoạn lịch sử, thay vì học sử thế giới hoặc sử Việt Nam, nay học trò sẽ phải học cả 2 và thêm 2 phần nữa: sử khu vực, sử địa phương.

Cùng với sự thay đổi về cách sắp xếp về không gian thì ban biên soạn chương trình môn học cũng chưa “nghĩ thêm” được chủ đề tích hợp nào, ngoài 4 chủ đề “tích hợp” Lịch sử với Địa lý.

Loạn tích hợp

Việc tích hợp 2 môn học Lịch sử với Địa lý được ban biên soạn định hướng như sau:

“Trong chương trình có ba mức độ tích hợp nội dung Lịch sử và Địa lý: a) tích hợp nội môn (trong từng nội dung giáo dục Lịch sử và giáo dục Địa lý);

b) Tích hợp nội dung Lịch sử trong những phần phù hợp của bài Địa lý và tích hợp nội dung Địa lý trong những phần phù hợp của bài Lịch sử, nhằm tạo ra sự đối chiếu, tương tác tốt nhất giữa các kiến thức của hai môn;

c) Tích hợp tạo thành chủ đề liên môn”.

Trả lời báo chí về môn học này trong mấy ngày trước, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới nói về việc tích hợp môn Lịch sử và và Địa lí ở cấp trung học cơ sở rằng:

“Điểm mới trong cấu trúc, tích hợp của phân môn lịch sử ở cấp trung học cơ sở là nếu chương trình và sách giáo khoa lịch sử hiện hành viết riêng lịch sử thế giới, sau đó là lịch sử Việt Nam, thì nội dung lịch sử trong chương trình mới ở cấp trung học cơ sở lấy trục thời gian làm trục xuyên suốt.

Vì thế, ở mỗi giai đoạn lịch sử đều cố gắng thiết kế theo mô hình: thế giới - khu vực – Việt Nam - lịch sử địa phương trong đó, lấy lịch sử Việt Nam làm trọng tâm, chiếm 60% thời lượng của chương trình”.

Như vậy, việc tích hợp nội môn sẽ được xoay theo trục thế giới- khu vực- Việt Nam- địa phương. Trong một số bài của 2 phân môn Lịch sử và Địa lí sẽ có thể tích hợp ở những “phần phù hợp” và ngoài ra còn có thêm 4 chủ đề tích hợp cho cả cấp học trung học cơ sở.

Theo chúng tôi, nếu chương trình chỉ “tích hợp” có bấy nhiêu thôi thì việc gộp 2 môn học độc lập hiện nay ở cấp trung học cơ sở thành 1 môn học tích hợp là một việc làm không thuyết phục và phản khoa học.

Bởi thực tế yếu tố “tích hợp” chỉ nằm ở 4 chủ đề cho 2 phân môn này mà thôi.

Những cái mà ban soạn thảo chương trình gọi là “tích hợp nội môn” liệu có phải là tích hợp hay không?

Theo chúng tôi thì việc sắp xếp các phần nội dung của Lịch sử hay Địa lí lại với nhau theo một cấu trúc nhất định chưa phải là tích hợp.

Bởi so với chương trình hiện hành được bố trí theo từng phần riêng biệt thì bây giờ ban soạn thảo chương trình chỉ “sắp xếp” lại cho nó “mới” hơn và phức tạp hơn, kết hợp niên đại với trình tự không gian.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Vì vậy, việc gán ghép các đơn vị kiến thức của 1 môn học theo trình tự không gian lại để gọi là “tích hợp” theo chúng tôi là rất khiên cưỡng, không đúng thuật ngữ khoa học và những gì mà Bộ đã triển khai cho giáo viên trong thời gian qua.

Chẳng hạn, với môn Ngữ văn có 3 phân môn là tiếng Việt, tập làm văn và tác phẩm văn học. Nội dung 3 phần này có vai trò, mục đích khác nhau thì gộp lại mới có thể gọi là tích hợp nội môn.

Còn nếu nói phân môn Lịch sử hay phân môn Địa lí gộp các nội dung về thế giới- khu vực- trong nước- địa phương lại với nhau là “tích hợp nội môn” thì đối với môn Văn nên gọi là tích hợp gì, bởi môn Văn cũng có phần văn học thế giới- văn học khu vực - văn học Việt Nam-văn học địa phương?

Việc sắp xếp các điểm tương đồng theo không gian của một môn học để gọi là “tích hợp” rõ ràng chỉ là trò chơi ngôn từ để qua mắt dư luận, nhưng không thể thuyết phục được giáo viên đang dạy 2 môn này cũng như dư luận xã hội.

Giáo viên đã tích hợp lâu rồi

Chỉ vì muốn có “môn học tích hợp” để cho có “cái mới” so với chương trình hiện hành mà ban soạn thảo chương trình đã muốn xóa bỏ những môn học độc lập với nhau thì thật chẳng biết phải nói gì.

Bởi thực tế, từ khi chưa có chủ ý gộp 2 môn học này thành 1 thì trong quá trình giảng dạy, giáo viên đã làm công việc tích hợp từ lâu rồi, mà thầy cô làm còn làm hay hơn chương trình các thầy chuẩn bị cho ra đời.

Ví dụ, khi giảng về Đồng bằng Sông Hồng (môn địa lí) thì giáo viên không chỉ cung cấp cho học sinh những kiến thức địa lí mà cũng đã cung cấp cho các em lịch sử hình thành đồng bằng Sông Hồng (lịch sử);

Cũng có thể đọc chùm thơ Thu của Nguyễn Khuyến và một số bài thơ, câu ca dao về các mùa trong năm (văn học), cũng cung cấp mùa nào thì có loại hoa trái sản vật gì đặc trưng vùng miền và địa phương (sinh học)…

Toàn cảnh họp báo công bố dự thảo các chương trình môn học giáo dục phổ thông mới chiều 19/1/2018. Ảnh: Quý Trung / TTXVN

Khi giảng về địa hình vùng Bắc Trung Bộ và đề cập đến dãy Trường Sơn, giáo viên cũng có thể đọc bài thơ Qua đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan (văn học);

Cũng có thể ngân nga hát Trường Sơn Đông-Trường Sơn Tây của Phan Huỳnh Điểu phổ thơ Phạm Tiến Duật ( m nhạc); cũng có thể kể cho các em nghe về chuyến hành trình nhân đôi nước Việt của Chúa Nguyễn Hoàng (Lịch sử)…

Bản chất của việc mà ban biên soạn chương trình nói sẽ tích hợp nào là nội môn, nào là liên môn hay “chỗ nào phù hợp” thì những công việc này lâu nay giáo viên đã làm, mà làm từ mấy chục năm về trước.

Môn Sử đã một lần bị hủy hoại vì “tích hợp”

Trong lần thay chương trình, sách giáo khoa hiện hành (Chương trình 2000), chính quý thầy biên soạn chương trình sách giáo khoa đã 1 lần “tích hợp” cả các kiến thức về quản lý nhà nước, văn hóa, kinh tế, chính trị...vào trong phân môn Lịch sử, sách Lịch sử và Địa lý lớp 4, lớp 5.

Cách làm này đã giết môn Lịch sử, vì trước Chương trình 2000, thế hệ chúng tôi đến bậc trung học cơ sở mới bắt đầu học Lịch sử, Địa lý, thì chương trình hiện hành đã đưa 2 môn này xuống bậc tiểu học.

Hơn nữa, quý thầy soạn chương trình sách giáo khoa lại biết những đứa trẻ mới 9, 10 tuổi đầu thành những siêu nhân, những cái đầu có bộ nhớ như siêu máy tính;

Bởi riêng phần lịch sử lớp 4 trong môn "tích hợp" Lịch sử với Địa lý, chúng đã phải ghi nhớ “tri thức thông sử” của 26 thế kỷ, từ Nhà nước Văn Lang đến triều đình nhà Nguyễn.

Hơn nữa, quý thầy còn “tham tích hợp” đủ thứ thông tin kiến thức các môn khoa học mà bậc đại học mới tiếp cận nổi, vào cái đầu còn rất non nớt của học sinh lớp 4:

Bài 13. Nhà Trần và việc đắp đê; Bài 17. Nhà Hậu Lê và việc tổ chức quản lý đất nước; Bài 18. Trường học thời Hậu Lê; Bài 19. Văn học và khoa học thời Hậu Lê;

Bài 22. Cuộc khẩn hoang ở Đàng Trong; Bài 23. Thành thị ở thế kỷ XVI-XVII; Bài 26. Những chính sách về kinh tế và văn hóa của vua Quang Trung.

Thế nên trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2015, môn Lịch sử có số lượng thí sinh chọn thi thấp nhất, với 153.688 em đăng ký (chiếm 15,3% trong tổng số gần 960 nghìn thí sinh đăng ký dự thi).

Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội), chỉ có 1 học sinh chọn môn Lịch sử. Trường Trung học phổ thông Việt Đức (Hà Nội) có 3% Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng có 6% học sinh đăng ký thi môn này…

Trong buổi sáng ngày 4/7, các điểm thi ở Yên Thành và thị xã Thái Hòa (Nghệ An) do Hội đồng thi của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An chủ trì, chỉ có duy nhất 1 thí sinh thi môn Lịch sử…

VTV đã có một phóng sự khiến chúng tôi giật mình, đau đớn cho nền giáo dục phổ thông nước nhà, đặc biệt là giáo dục lịch sử.

37/40 học sinh Hà Nội độ tuổi từ 9-15 trả lời sai câu hỏi Quang Trung và Nguyễn Huệ có mối liên hệ gì với nhau.

Tất cả những thảm trạng này là trách nhiệm của ngành giáo dục, nhưng không ai phải chịu trách nhiệm cả.

Nói như một vị giáo sư đang đảm nhiệm trọng trách chuyến thay chương trình, sách giáo khoa lần này, “ông đương chức còn chả chịu trách nhiệm huống hồ ông về hưu”, bởi “nước mình lâu nay nó thế”.

Chương trình mới sẽ bồi thêm 1 đòn nữa vào môn Lịch sử khi ngoài “kiến thức thông sử” như trên, các em còn phải nhớ thêm “sử thế giới, sử khu vực, sử địa phương” cùng với sử Việt Nam trong cùng một giai đoạn.

Giáo dục hiện nay đang khiến học sinh của chúng ta mất gốc.

Đã có quá nhiều bài học về sự diệt vong của một quốc gia, dân tộc bắt đầu từ sự vong bản trong cách làm giáo dục. Không biết quý thầy biên soạn chương trình có bao giờ vắt tay lên trán suy nghĩ về điều này?

Theo giaoduc.net.vn
Copy Link
Mới nhất
x
Tích hợp kiểu này, “giết” môn Sử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO