Tìm cây quế Quỳ trên đất Quế

17/12/2016 19:25

(Baonghean) - Tôi không biết cái tên huyện Quế Phong có liên quan gì đến loài cây quế trên vùng đất này. Nhưng Quế Phong từng là thủ phủ của cây quế trên miền Tây Nghệ An; thời kỳ cao điểm trên địa bàn có trên dưới 3.000 ha quế. Tuy vậy, do các yếu tố khách quan diện tích cây trồng này dần bị thu hẹp.

Phòng Nông nghiệp huyện Quế Phong đã đánh số cho những cây quế Quỳ còn lại trên địa bàn. Trong ảnh là gốc quế gần 30 năm tuổi của gia đình ông Hà Sỹ Quế ở xã Tiền Phong
Phòng Nông nghiệp huyện Quế Phong đã đánh số cho những cây quế Quỳ còn lại trên địa bàn. Trong ảnh là gốc quế gần 30 năm tuổi của gia đình ông Hà Sỹ Quế ở xã Tiền Phong

Cây quế ở huyện Quế Phong lâu nay vẫn được gọi với cái tên “quế Quỳ”. Huyện Quế Phong vốn được tách ra từ huyện Quỳ Châu vào năm 1963, chính vì vậy nhiều sản vật trên vùng đất này vẫn gắn với tên đất, tên mường thuở trước. Với mong muốn hiểu hơn về một loại lâm sản - cây công nghiệp một thời vang bóng trên mảnh đất nằm ở cực Tây Bắc xứ Nghệ, chúng tôi đã tìm về huyện rẻo cao Quế Phong…

Từ Quốc lộ 48, đến ngã 3 Phú Phương (xã Tiền Phong) xe chúng tôi rẽ vào đường Tây Nghệ An để đi Hạnh Dịch, Đồng Văn, Thông Thụ… là những xã giáp biên của huyện Quế Phong. Trên cung đường nối huyện Quế Phong với tỉnh Thanh Hóa, thi thoảng chúng tôi bắt gặp những người cả phụ nữ, đàn ông hối hả vác gỗ keo từ trong rừng tập kết lên xe tải đỗ bên đường; lại thấy nhiều người khác dựng lều ở bìa rừng để cưa nứa lùng ra từng đoạn, phân loại để nhập bán cho tư thương.

Ông Phạm Hoàng Mai - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quế Phong, người đi cùng chúng tôi nói rằng, cũng trên tuyến đường này nếu cách đây hơn 15 năm là bạt ngàn rừng quế, là tấp nập kẻ bán, người mua, là hương thơm nồng ấm ngan ngát cả vùng. Mãi rồi chúng tôi cũng bắt gặp một hộ dân sinh sống ven đường đang thu hoạch, bóc vỏ quế. Đó là gia đình ông Sầm Văn Thanh và bà Hà Thị Xuân ở bản Hiệp An, xã Thông Thụ. Khi chúng tôi tiến vào ngôi nhà sàn, 2 ông bà vẫn đang loay hoay với hơn chục gốc quế vừa đốn về. Người con trai và con rể của ông bà cũng tham gia bóc vỏ quế giúp bố mẹ.

Bà Hà Thị Xuân ở bản xã Thông Thụ phơi số vỏ quế vừa bóc
Bà Hà Thị Xuân ở bản Hiệp An, xã Thông Thụ phơi số vỏ quế vừa bóc .

Được biết, giống quế Chương trình dự án 327 cấp cho người dân trồng trước đây được du nhập từ tỉnh Yên Bái, không phải là giống bản địa. Vậy tìm đâu những cây quế Quỳ gốc? Năm 2015, phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quế Phong đã tiến hành các hoạt động nghiên cứu, khảo sát và thống kê những gốc quế Quỳ bản địa còn sót lại. Nói như ông Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện thì thực chất của hoạt động này nhằm bảo tồn giống cây bản địa chứ chưa hẳn mang lại giá trị kinh tế vì hiện nay cây trồng này không còn phù hợp nữa.

Dẫu vậy, chúng tôi vẫn muốn được tận mắt nhìn thấy loài cây từng được mệnh danh là: “Nhất quế Quỳ…”.Ông Thanh cho biết, vào năm 1992 gia đình ông tham gia trồng quế theo Chương trình dự án 327 - phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Thời điểm đó làng bản đâu cũng trồng quế. Mấy khu đồi của gia đình ông Thanh cũng được phủ xanh bằng cây quế. Thế nhưng theo thời gian, diện tích quế thu hẹp dần, đến nay gia đình ông chỉ còn lại khoảng 100 gốc và cũng “thanh lý” dần mà không trồng mới nữa. Bà Hà Thị Xuân, vợ ông Thanh nói rằng, 1 kg quế hiện nay có giá chưa đến 30.000 đồng, và 1 gốc cũng chỉ bóc được trên dưới 5kg vỏ, trong khi đó thời gian trồng đến cả 9 - 10 năm.

Gốc quế Quỳ của gia đình ông Hà Sỹ Quế.
Gốc quế Quỳ của gia đình ông Hà Sỹ Quế.

Từ xã biên giới Thông Thụ, chúng tôi lại bám theo đường Tây Nghệ An để quay trở ra xã Tiền Phong. Tìm đến bản Long Quang, hỏi nhà ông Hà Sỹ Quế, một người dân chỉ tay nói: “Nhà ông Quế nằm sát đường, có cây “cỏ què” thật là to đó”. Ấy là đồng bào dân tộc Thái gọi cây quế là “cỏ què” và cách chỉ đường của người đàn ông nọ khiến ai nấy thấy vui vui. Ông Quế không có nhà, cô con gái bảo với khách: “Bố lên xã rồi. Trưởng công an xã mà! Nhiều việc lắm!”. Nhưng rồi cô con gái vui tính ấy cũng bấm điện thoại liên lạc với bố. Họ trao đổi với nhau bằng tiếng Thái, tôi chỉ bập bõm nghe “cỏ què” gì đó.

Khi ông Hà Sỹ Quế trở về, thay cho câu chào hỏi thông thường ông nói với chúng tôi: “Ồ không bán cây quế mô. Mấy tiền cũng không bán”. Mãi sau khi nghe chúng tôi giải thích, ông cười lớn cho biết, năm ngoái có người trong xã đến hỏi mua, trong lúc vui ông đồng ý bán và cũng đã nhận 3,5 triệu đồng từ họ. Trở về nhà day dứt khôn nguôi, lại bị vợ con “quạt cho một trận”, rằng đáng gì mấy triệu bạc mà nỡ lòng bán cây quý suốt bao nhiêu năm chăm sóc, bảo vệ. “May mà người mua cũng gần bản, tôi đã phải đến tận nhà nói khó để họ nhận lại tiền. May hơn là cây chưa kịp chặt” - ông Quế chia sẻ.

Những cây quế non mọc quanh bộ rễ của 1 gốc quế Quỳ
Những cây quế non mọc quanh bộ rễ của 1 gốc quế Quỳ.

Rồi chúng tôi cũng được chủ nhà dẫn ra chiêm ngưỡng cây quế hiếm có trên đất Quế Phong hiện nay. Ông Hà Sỹ Quế cho biết, cây cao khoảng 30m, “vanh” gốc hơn 130cm. “So với các loại cây thân gỗ, nó chẳng là gì cả, nhưng so với cây trồng cùng loại thì nó đứng nhất nhì Quế Phong” - ông Phạm Hoàng Mai cho hay.

Cây quế Quỳ này được ông Hà Sỹ Quế tìm thấy từ trong rừng sâu vào năm 1988. Thời điểm đó, vùng rừng núi Pù Hoạt vẫn còn nhiều quế Quỳ. Và việc người dân vào rừng hái măng, kiếm củi tìm vài cây về nhà trồng để làm thuốc cũng là điều bình thường. Cây “cỏ què” được ông Quế trồng sau nhà, trên đồi có dốc thoai thoải. “Gia đình mỗi khi có ai đau bụng đều ra hái mấy lá quế nhai là khỏi!” - ông Quế ngắt một lá cây khoe.

Khác với giống quế của Yên Bái, Quảng Nam, cây quế Quỳ của huyện Quế Phong lá nhỏ, dài, vỏ cây dày, cay hơn và thơm nồng hơn. Những năm 1987 - 1993 có thể coi là thời kỳ thịnh vượng của cây quế Quỳ. Từ giống quế bản địa, đã được nhân rộng trên phạm vi nhiều xã. Toàn huyện lúc bấy giờ có hàng ngàn ha quế.

Ông Lê Khắc Đồng - nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Nông, lâm nghiệp sông Hiếu cho biết, vào thời kỳ hoàng kim mỗi năm Quế Phong xuất hàng chục tấn hạt giống cho tỉnh Quảng Nam. Ông Đồng cũng cho biết, vào giai đoạn này quế Quỳ còn được chưng cất tinh dầu từ cành, lá để xuất khẩu sang Liên Xô và các nước Đông Âu. Được xem là loài cây trung tính, cây quế vừa có khả năng chịu đựng các loài hình thời tiết cực đoan, vừa không cần quá nhiều ánh sáng và cây phát triển tốt khi được trồng tập trung thành vùng ổn định.

Một cây quế Quỳ non
Một cây quế Quỳ non.

Khi chủ trương phát triển diện tích quế lên đến cao trào, Nghệ An bắt đầu nhập hạt giống từ tỉnh Yên Bái. Và đây cũng là giai đoạn Nhà nước triển khai Chương trình dự án 327. Sự du nhập của giống quế Yên Bái đã bắt đầu làm thoái trào giống quế Quỳ với chất lượng đã được chứng minh trong thực tế. Bên cạnh đó, từ khi trồng đến thời kỳ thu hoạch cây quế cần 10 năm, trong khi đó giá trị mang lại không cao.

Đây chính là lý do khiến diện tích của cây trồng này bắt đầu bị thu hẹp và teo tóp dần trên bản đồ cây công nghiệp của Nghệ An. Nhưng điều đáng quan tâm hơn cả là cây quế Quỳ bản địa cũng biến mất trước sự hiện sinh của các cây trồng có giá trị cao hơn như: keo, cao su… Người dân tiếc đấy, nhớ đấy, nhưng nhu cầu cơm áo không phải là một cuộc chơi!

Theo thống kê chưa đầy đủ của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quế Phong, cho đến nay trên địa bàn huyện người dân còn lưu giữ chăm sóc khoảng 25 cây quế Quỳ từ 30 tuổi trở lên. Trong số 19 cây của xã Mường Nọc, có 5 cây đạt đường kính trên 30cm, cá biệt gia đình ông Vi Hải Truyền ở bản Na Ngá còn lưu giữ, chăm sóc 2 gốc quế Quỳ có đường kính 45cm, tương đương chỉ số vanh 135cm. Ngoài ra, ở xã Châu Kim người dân đang tiếp tục chăm sóc hàng chục cây “cỏ què” bản địa có kích thước nhỏ hơn với mong muốn bảo tồn giống cây quý của quê hương mình. Đó cũng có thể coi là kết thúc “có hậu” cho cây quế Quỳ trến đất Quế.

Đào Tuấn

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Tìm cây quế Quỳ trên đất Quế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO