Tội đưa, nhận hối lộ bị xử lý như thế nào?

Gia Huy 05/02/2023 13:57

(Baonghean.vn) - Thời gian qua, một số cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh đã bị khởi tố, bắt giam vì những hành vi liên quan đến tham nhũng. Trong đó có hành vi nhận hối lộ, đây là hành vi có thể xảy ra rất nhiều, nhưng rất khó phát hiện, khó xử lý.

Một số vụ việc được đưa ra ánh sáng

Những vụ án tham nhũng có hành vi nhận hối lộ được phát hiện, xử lý gần đây khiến niềm tin của nhân dân với cấp uỷ, chính quyền và lực lượng chức năng trong việc đấu tranh phòng chống tham nhũng ngày càng được nâng cao. Cuối năm 2022, đầu năm 2023, lực lượng chức năng đã khởi tố, bắt giam một số cán bộ, công chức có hành vi nhận hối lộ.

Điển hình liên quan đến vụ án "Đưa hối lộ, nhận hối lộ", tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn, mới đây Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã có quyết định khởi tố, bắt tạm giam thêm 4 bị can, gồm các ông: Nguyễn Cảnh Dũng và Lê Đình Sơn (đều là Phó chi Cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn); ông Lưu Hồng Lân - Phó Đội trưởng Đội nghiệp vụ; ông Vũ Hồng Hải - công chức thuộc Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn.

Cơ quan CSĐT thi hành lệnh bắt tạm giam đối với bị can Phan Văn Nhâm - Chi Cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn. Ảnh tư liệu: Văn Hậu

Trước đó, ngày 29/12/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã ra quyết định khởi tố vụ án "Đưa hối lộ, nhận hối lộ", khởi tố, ra lệnh bắt tạm giam 3 bị can về hành vi "nhận hối lộ", gồm: Phan Văn Nhâm (SN 1964), Chi Cục trưởng; Ngô Xuân Khang (SN 1968), Đội trưởng Đội nghiệp vụ; Đặng Minh Sơn (SN 1973), cán bộ Đội nghiệp vụ, về hành vi nhận hối lộ. Đồng thời, khởi tố, ra lệnh bắt tạm giam bị can Đinh Thị Hòa (SN 1980), Phó Giám đốc Công ty TNHH Lao Base Barite về hành vi đưa hối lộ. Bước đầu, làm rõ hành vi từ tháng 5 - 11/2022, các cán bộ hải quan trên đã nhận tiền để làm thủ tục cho 5,1 nghìn xe ô tô quá tải qua Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn, với số tiền hơn 2,1 tỷ đồng.

Các bị can trong vụ án "Đưa hối lộ, nhận hối lộ" xảy ra tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn. Ảnh tư liệu: Văn Hậu

Tương tự, ngày 27/1, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An đã phê chuẩn các Quyết định khởi tố, Lệnh tạm giam đối với ông Trần Anh Tuấn –Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Nghĩa Đàn liên quan đến hành vi "nhận hối lộ". Đồng thời khởi tố, ra lệnh bắt tạm giam ông Lê Sơn Đông - Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển An Việt, có trụ sở tại TP. Vinh về hành vi “đưa hối lộ”.

Phòng làm việc của ông Trần Anh Tuấn - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: PV

Trước đó, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An cũng đã phê chuẩn Quyết định khởi tố, Lệnh tạm giam đối với ông Lê Quang Sáng - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Nghĩa Đàn liên quan đến hành vi “nhận hối lộ”. Theo thông tin chúng tôi có được, ông Trần Anh Tuấn và ông Lê Quang Sáng trong quá trình thực thi công vụ đã nhận từ Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng An Việt số tiền hơn 300 triệu đồng. Điều đáng nói là cả 2 vị lãnh đạo này chỉ mới được bổ nhiệm cách đây chưa lâu, vào ngày 1/6/2022.

Hệ thống mương thoát nước và cọc tiêu hai bên lề đường của tuyến đường cứu hộ, cứu nạn mà Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng An Việt thi công tại Nghĩa Đàn chưa làm xong. Ảnh: PV

Sau khi Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An có các thông báo về việc phê chuẩn quyết định khởi tố bị can là đảng viên đối với ông Lê Quang Sáng và ông Trần Anh Tuấn, ngày 1/2/2023, Đảng uỷ cơ quan Chính quyền huyện Nghĩa Đàn cũng đã có công văn đề nghị "đình chỉ sinh hoạt đảng" đối với ông Lê Quang Sáng và ông Trần Anh Tuấn gửi Ủy ban Kiểm tra Huyện uỷ Nghĩa Đàn xem xét xử lý theo quy định. Ngày 2/2/2023, Ủy ban Kiểm tra Huyện uỷ Nghĩa Đàn căn cứ theo các quy định, Điều lệ Đảng, đã ban hành các quyết định đình chỉ sinh hoạt đảng đối với ông Sáng và ông Tuấn.

Cống điều tiết tại xã Nghĩa Khánh (Nghĩa Đàn), một hạng mục trong dự án sửa chữa, nâng cấp tuyến kênh tiêu xã Nghĩa Khánh, mà chất lượng được cho là có liên quan đến vụ việc. Ảnh: PV

Tội nhận hối lộ theo Điều 354, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

Điều 364, Bộ luật Hình sự cũng quy định: Đưa hối lộ là hành vi đưa tiền, tài sản, lợi ích vật chất, lợi ích phi vật chất cho những người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

Theo các cơ quan chức năng, hành vi đưa, nhận hối lộ thường diễn ra kín đáo, bí mật, cả người đưa và người nhận hối lộ đều tìm cách che giấu, trốn tránh nên rất khó phát hiện xử lý. Bên cạnh đó, người nhận hối lộ thường là người có chức vụ quyền hạn, có sức ảnh hưởng đối với xã hội, họ là người có hiểu biết, có nhiều mối quan hệ, có nhiều kinh nghiệm trong ứng xử tình huống; thủ đoạn nhận hối lộ thường tinh vi, ít khi để lại dấu vết... gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc phát hiện xử lý.

Xử lý nghiêm

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, ngày 27/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 223 ấn định hình phạt tội đưa và nhận hối lộ. Theo đó “Tội đưa hối lộ cho công chức, tội công chức nhận hối lộ, hoặc phu lam, hoặc biển thủ công quỹ hay của công dân đều bị phạt khổ sai từ 5 năm đến 20 năm và phạt bạc gấp đôi tang vật hối lộ, phu lam hay biển thủ; Tang vật hối lộ bị tịch thu xung công quỹ. Người phạm tội còn có thể bị xử tịch thu nhiều nhất là đến ba phần tư gia sản. Các đồng phạm và tòng phạm cũng bị phạt như trên”.

Sắc lệnh 223 được xem là Đạo luật chống tham nhũng đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Trong trả lời chất vấn của Quốc hội vào năm 1946, Người cũng nói: “Chính phủ hết sức làm gương, nếu làm gương không xong thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ hối lộ, đã trừng trị, đang trừng trị và sẽ trừng trị cho kỳ hết”. Điều này cho thấy quyết tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Chính phủ trong chống tham nhũng, quan liêu, làm trong sạch bộ máy.

Ảnh minh hoạ.

Còn hiện nay, theo Điều 2, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 thì đưa, nhận hối lộ là một trong các hành vi tham nhũng, gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm hoạt động bình thường của cơ quan tổ chức, làm suy thoái, ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ cán bộ cũng như hoạt động quản lý nhà nước. Trong Luật Hình sự Việt Nam, nhận hối lộ bị coi là một tội phạm về chức vụ. Tuỳ theo mức độ vi phạm người có hành vi đưa, nhận hối lộ sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Về xử lý hành chính: Theo Điều 9, 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP người có hành vi đưa, nhận hối lộ có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đến 4.000.000 đồng đối với hành vi đưa, môi giới, nhận hối lộ trong việc đăng ký, quản lý cư trú; Phạt tiền từ 6.000.000 đến 8.000.000 đồng đối với hành vi đưa tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất hối lộ cho người thi hành công vụ.

Về xử lý hình sự: Theo Điều 354, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, tội nhận hối lộ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nhận hối lộ với mức hình phạt cao nhất là tử hình. Tội đưa hối lộ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ với mức phạt cao nhất lên đến 20 năm tù theo Điều 354, Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, Điều 364, Bộ luật Hình sự cũng quy định về trường hợp người đưa hối lộ do bị ép buộc, sau đó chủ động khai báo với cơ quan chức năng thì được miễn trách nhiệm hình sự. Đây là quy định mới, mở thêm hướng để phát hiện hành vi nhận hối lộ. Bởi nhiều trường hợp người đưa hối lộ bị hạch sách, sách nhiễu, bị đe dọa, ép buộc phải đưa hối lộ nên họ đã chủ động lưu lại các chứng cứ làm căn cứ tố cáo sau khi hành vi nhận hối lộ xảy ra. Theo quy định, họ được miễn trách nhiệm hình sự nên việc phát hiện, chứng minh tội phạm từ quy định này thuận lợi hơn trước.

Về xử lý kỷ luật, theo Khoản 4, Điều 8; khoản 5, Điều 16; khoản 2, Điều 30; khoản 2, Điều 37, Nghị định 112/2020/NĐ-CP: Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy định về phòng, chống tham nhũng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo.

Đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì có thể bị áp dụng hình thức kỷ luật giáng chức hoặc cách chức.

Trường hợp công chức, viên chức bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng, trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án, cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc.

Bên cạnh đó, chiếu theo khoản 3, Điều 39, Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương về kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên thì cán bộ công chức là đảng viên có hành vi “Đưa, nhận, môi giới hối lộ; môi giới làm thủ tục hành chính hoặc lợi dụng vị trí công tác để môi giới hưởng thù lao dưới mọi hình thức trái quy định. Đưa, nhận “hoa hồng” hoặc môi giới đưa, nhận “hoa hồng” trái quy định. Nhũng nhiễu, vòi vĩnh khi thực thi công vụ” sẽ bị kỷ luật bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng.

Mới nhất
x
Tội đưa, nhận hối lộ bị xử lý như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO