TP Vinh: Chuyển mạnh dịch vụ thương mại ven đô

27/02/2017 13:04

(Baonghean) - Thành phố Vinh có tốc độ đô thị hóa rất nhanh, cùng với đó là nhu cầu gia tăng về hệ thống thương mại dịch vụ hiện đại. Tuy nhiên, hiện khu vực ngoại thành có 9 xã còn những vấn đề cần quan tâm để phát triển phù hợp.

Phát triển mạnh thương mại dịch vụ

Trong quá trình đô thị hoá mạnh mẽ của thành phố Vinh, xã Nghi Phú phát huy các ngành nghề truyền thống, đồng thời chú trọng phát triển đa dạng các ngành nghề sản xuất - kinh doanh, thương mại, dịch vụ với giá trị sản xuất ngày càng được nâng cao, tạo ra nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.

Năm 2016, tỷ trọng thương mại - dịch vụ chiếm 63%; CN-TTCN-XD đạt 35,5%; nông nghiệp giảm còn 1,5%. Thu nhập bình quân đầu người không ngừng tăng cao, năm 2014 đạt 32,7 triệu đồng; năm 2015 đạt 35,9 triệu đồng, năm 2016 đạt 39 triệu đồng/năm.

Trong lĩnh vực dịch vụ - thương mại, hiện Nghi Phú có khoảng 1.000 hộ sản xuất kinh doanh với 1.300 lao động. Ở các chợ trên địa bàn do xã quản lý (chợ Mới Dâu và chợ Quán Bánh) có 350 ki-ốt cho 350 hộ kinh doanh buôn bán ổn định và có trên 200 hộ buôn bán không thường xuyên, tạo việc làm cho hơn 500 lao động.

Nhiều hộ khai thác lợi thế quá trình đô thị hóa đã mở rộng các ngành nghề, dịch vụ ăn uống, giải khát, nhà nghỉ, cho thuê phòng trọ... Ông Nguyễn Văn Toàn – Phó chủ tịch UBND xã cho hay: “Chính quyền luôn tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh tại 2 chợ, tạo thêm việc làm cho người lao động. Do đó, các loại hình dịch vụ phát triển tăng về số lượng, đa dạng về các loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ...”.

Một góc chợ Cọi, xã Hưng Lộc (TP. Vinh). Ảnh Thu Huyền
Một góc chợ Cọi, xã Hưng Lộc (TP. Vinh). Ảnh: Thu Huyền

Đến nay, 9/9 xã của TP. Vinh được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành trước 2 năm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Vinh khóa XXIII. Ông Trần Quang Lâm – Trưởng phòng Kinh tế thành phố Vinh cho biết: Hoạt động Thương mại - Dịch vụ từng bước phát triển cả về số lượng, chất lượng và quy mô hoạt động.

9 xã ngoại thành có 9 chợ, 15 HTX dịch vụ nông nghiệp; 6 HTX phi nông nghiệp, 6 tổ hợp tác đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Thu nhập bình quân của người dân các xã ngoại thành năm 2014 đạt 27,67 triệu đồng/người, tăng hơn gấp đôi so với năm 2010 là 12,61 triệu đồng/người, năm 2015 đạt 31,47 triệu đồng/người, năm 2016 đạt 33,86 triệu đồng/người.

Và những vấn đề đặt ra

Những năm qua, thành phố Vinh chú trọng gắn kết giữa phát triển đô thị với nông thôn, hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước đồng bộ và hiện đại, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; gắn nông nghiệp đô thị sinh thái với phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại, nâng cao đời sống, thu nhập của nhân dân. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống trung tâm thương mại mới chỉ tập trung phát triển mạnh ở trung tâm thành phố, còn khu vực các xã ngoại thành vẫn chưa làm tốt vai trò là vùng đệm, chưa hình thành các dịch vụ vệ tinh.

Trong sự phát triển mạnh mẽ của đô thi, những vùng ngoại ô của TP Vinh vẫn duy trì phát triển nông nghiệp. Ảnh Sỹ Minh
Trong sự phát triển mạnh mẽ của đô thị, những vùng ngoại ô của TP Vinh vẫn duy trì phát triển nông nghiệp, du lịch sinh thái. Ảnh: Sỹ Minh

Mặc dù hiện nay thành phố Vinh đã hình thành vùng sản xuất rau an toàn diện tích quy hoạch 370 ha (xã Hưng Đông 120 ha, xã Nghi Kim 70 ha, xã Nghi Ân 80 ha, xã Nghi Liên 80 ha, phường Đông Vĩnh 20 ha); hạ tầng vùng rau an toàn từng bước được quan tâm đầu tư nhưng tốc độ mở rộng mô hình vẫn còn chậm, quy mô nhỏ, các địa phương chưa chú trọng đến sản xuất rau an toàn gắn với thị trường tiêu thụ.

Ngoài ra chưa có sự liên doanh, liên kết giữa các hộ sản xuất trong cùng xóm, xã và các xã khác trên địa bàn thành phố. Doanh nghiệp chưa đáp ứng được vấn đề tiêu thụ sản phẩm rau an toàn cho bà con nông dân cũng như có hình thức bảo quản, chế biến nâng cao chất lượng, giá trị hàng hoá. Vì thế, hướng phát triển nông nghiệp sinh thái ven đô cần được phát huy nhằm tạo nguồn hàng hóa cho thị trường và cảnh quan sinh thái hấp dẫn.

Khu vực vùng ven đang phát triển song song với quá trình mở rộng thành phố, gồm những trung tâm đã được hình thành từ trước với khu vực xung quanh theo hướng dịch vụ hậu cần ăn theo các nhà máy, doanh nghiệp. Tuy nhiên, sự chuyển biến vẫn còn khá chậm. Ví như tại xã Hưng Tây (Hưng Nguyên), Dự án xây dựng Khu công nghiệp đô thị, du lịch VSIP Nghệ An đang được triển khai nhưng khu vực liền kề đó là Hưng Đông, Đông Vĩnh chưa có những dịch vụ đón đầu cho dự án… Một trong những vấn đề đặt ra cho thành phố Vinh là cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh tại các xã, cần duy trì bền vững các tiêu chí, nhất là nâng cao đời sống người dân.

Hướng đi tích cực được nhìn nhận trong thời gian tới là đẩy mạnh thương mại, dịch vụ tại các xã có các cụm công nghiệp, trung tâm thương mại...; Tiếp tục phát triển các làng nghề hoa, cây cảnh, chiếu cói, chế biến thực phẩm tại các xã theo hướng gắn kết với các doanh nghiệp tạo đầu ra cho sản phẩm. Thành phố Vinh đang phấn đấu đến năm 2020, thu nhập bình quân của các xã đạt trên 70 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ lao động có việc làm đạt 98%, 100% xã có hợp tác xã hoạt động theo Luật HTX năm 2012 mang lại hiệu quả, 100% xã có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực của xã đảm bảo bền vững.

Thu Huyền

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
TP Vinh: Chuyển mạnh dịch vụ thương mại ven đô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO