Tranh cãi việc bỏ kỳ thi THPT quốc gia
Bỏ kỳ thi THPT quốc gia; không nên bỏ thi tốt nghiệp; nên tổ chức xét tốt nghiệp; nên tổ chức thi đại học... đó là những ý kiến trái chiều của nhiều chuyên gia giáo dục góp ý đổi mới kỳ thi năm tới.
Tại buổi họp báo kết thúc kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, tổ chức cụm thi ở tất cả các tỉnh/thành phố trong cả nước có thể xem như là một phép thử quan trọng để tiếp tục đổi mới công tác thi/tuyển sinh nhẹ nhàng, hiệu quả hơn trong những năm sắp tới.
Tới đây Bộ sẽ tổ chức các hội thảo lấy ý kiến rộng rãi để quyết định phương thức tổ chức kỳ thi trong các năm tiếp theo. Các thông tin xã hội và báo chí phản ánh đều được Bộ ghi nhận và đưa ra phương án sớm nhất.
Đưa kỳ thi tốt nghiệp về cho địa phương
PGS.TS. Lê Trọng Thắng, Trường Đại học Mỏ - Địa chất cho rằng, bất kỳ phương án thi nào đưa ra cũng có mặt được và chưa được, do đó chúng ta phải chọn phương án cho phù hợp.
"Quan điểm của tôi không bỏ thi tốt nghiệp THPT mà giao việc tổ chức thi tốt nghiệp hàng năm về các địa phương tự tổ chức, vì đây là một công việc đánh giá bình thường quá trình học tập cấp THPT của học sinh. Việc tổ chức như vậy sẽ phù hợp với trình độ học tập cũng như điều kiện dạy và học ở địa phương. Bộ GD-ĐT đưa ra yêu cầu chất lượng tối thiểu. Cách tổ chức như vậy còn tạọ động lực cho các địa phương không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học ở địa phương mình" - ông Thắng cho biết.
Đối với kỳ thi năm 2017, theo ông Thắng, không nên thay đổi quá nhiều vì với giáo dục nên hạn chế thay đổi trong thời gian ngắn, cái gì khiếm khuyết thì nên sửa. Nếu thay đổi chóng mặt như hiện nay gây tâm lý không tốt cho học sinh, rất mệt mỏi, và dư luận xã hội cho rằng ngành giáo dục liên tục đưa học sinh ra thử nghiệm.
Về việc kỳ thi tốt nghiệp nên xét tốt nghiệp hay thi tốt nghiệp, ông Thắng cho hay, cách thi là điều chỉnh cách học, cách dạy. Học là phải thi chứ không phải học là bỏ đấy.Thi như thế nào phải đúng bản chất, đánh giá đúng người học chứ không phải vì đỗ 98, 99% tốt nghiệp.
Đồng quan điểm, PGS.TS Phan Quang Thế, Hiệu trưởng trường ĐH kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên cho rằng: “Đã học là phải thi, không bỏ thi cấp học nào từ tiểu học đến đại học. Việc thi như thế nào không quan trọng nhưng gốc học là phải thi. Ở đây, không nên nói thí sinh vất vả, không nói tới áp lực, đã nói đến giáo dục là nói đến rèn luyện, đã nói đến giáo dục là phải nói đến áp lực và thử thách. Không thể đưa giáo dục trở lại vấn đề “nhàn như đi chơi” thì còn nói gì đến giáo dục”.
Nên tổ chức kỳ thi vào đại học
PGS.TS Lê Hữu Lập - Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông cho rằng, nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Giao thi kỳ thi tốt nghiệp THPT cho các Sở GD&ĐT tổ chức và lấy đề thi từ Bộ GD&ĐT. Còn thi để lấy nhân tài đào tạo chất lượng cao thì nên để các trường đại học tổ chức.
“Mục tiêu của các cuộc thi là khác nhau, thi đại học là chọn học sinh giỏi xuất sắc còn thi tốt nghiệp là đạt ngưỡng nào đó để tốt nghiệp như 1 đợt kiểm tra cuối kỳ nhẹ nhàng”- ông Lập cho hay.
Theo ông Lập, nên tổ chức kỳ thi vào đại học, bởi vì thi như hiện nay không chọn được người tài. Đề thi có 60% kiến thức để tốt nghiệp và 40% kiến thức để thi đại học sẽ không được chính xác, chọn rất khó. Phân loại như vậy không ổn vì môn xã hội chênh nhau 0,25 điểm đã đỗ hay trượt rồi. Trong khi đó, thi đại học rất sòng phẳng, chỉ có những thí sinh giỏi hẳn mới vào được. Còn học sinh học phổ thông đã có đánh giá, phân loại chặt chẽ hàng năm rồi các em vẫn tuần tự lên lớp.
Đối với thi đại học ông Lập cho rằng nên thành lập một trung tâm khảo thí độc lập. Trung tâm này sẽ giúp các trường ĐH tổ chức thi cho thí sinh. Trường nào thích thì lấy kết quả từ trung tâm, còn không thích thì xét học bạ.
“Bộ GD&ĐT là cơ quan quản lý nhà nước, không nên sa đà vào việc tổ chức thi cử. Bộ phải đưa ra chủ trương, chính sách và thanh tra, giám sát, đảm bảo cho sự phát triển giáo dục và sự công bằng xã hội về lĩnh vực giáo dục” – ông Lập nói.
Trước đó, trả lời báo chí, GS Hoàng Tụy nhận định, kỳ thi THPT quốc gia đã thật sự đổi mới. Nhờ dựa trên quan niệm đúng đắn về thi cử nên tổ chức kỳ thi gọn nhẹ, tiết kiệm, giảm thiểu rủi ro cho thí sinh và tạo điều kiện thúc đẩy việc dạy và học theo hướng lành mạnh, tiến bộ, tích cực.
Quan niệm về học và thi, GS Hoàng Tụy cho rằng, thi tức là kiểm tra chất lượng học tập, thi tốt nghiệp là kiểm tra chất lượng đào tạo lần cuối trước khi ra trường. Cũng giống như kiểm tra sản phẩm của xí nghiệp trước khi xuất xưởng.
Ý kiến về việc sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh ĐH-CĐ, theo GS Hoàng Tụy, đối với các đại học thì kiểu thi cũ với mấy đợt thi 3 chung có thể dễ hơn cho việc sử dụng để tuyển sinh, nhưng đối với thí sinh và xã hội lại căng thẳng và tốn kém quá mức cần thiết. Nay tất cả gộp lại trong một kỳ thi duy nhất, đương nhiên cách sử dụng để tuyển sinh ĐH-CĐ phải phức tạp hơn, nhưng thí sinh và xã hội đỡ căng thẳng và tiết kiệm được nhiều công sức, tiền của. Thế thì cái giá phải trả để đỡ cho thí sinh và xã hội một gánh nặng như vậy chẳng có gì quá đáng.
Tuy nhiên, GS Hoàng Tụy cho rằng, vấn đề phức tạp ở chỗ thi tốt nghiệp và thi tuyển vào đại học có những yêu cầu rất khác nhau, không dễ kết hợp được trong một kỳ thi duy nhất. Nếu làm không tốt, không đúng, sẽ còn tai hại hơn là cứ để hai kỳ thi như cũ.
Bộ GD&ĐT cần lắng nghe ý kiến của dư luận về các hạn chế và thiếu sót của kỳ thi đổi mới để rút kinh nghiệm, năm sau có một kỳ thi càng tốt hơn nữa./.
Theo Dantri
TIN LIÊN QUAN |
---|