Trực thăng tiếp tế lực lượng cứu hộ ở thủy điện Rào Trăng 3

vnexpress.net 14/10/2020 13:43

Trực thăng của sư đoàn 372 bay đến khu vực xảy ra hai vụ sạt lở khiến 30 người mất tích ở xã Phong Xuân (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Phi công thả nhu yếu phẩm cho lực lượng cứu hộ sáng 14/10. Ảnh: Trần Hoài
Phi công thả nhu yếu phẩm cho lực lượng cứu hộ sáng 14/10. Ảnh: Trần Hoài

2 chuyến bay chở hàng cứu trợ vào các nhà máy thủy điện. Các lực lượng đã tiếp cận điểm sạt lở trạm kiểm lâm 67, tuy nhiên, do lượng đất đá rất lớn gây khó khăn trong công tác xử lý. Khi khơi thông đường, chó nghiệp vụ sẽ được đưa vào hiện trường để tham gia cứu nạn, cứu hộ.

Trực thăng tiếp tế cho lực lượng cứu hộ. Video: Trần Hoài
Lúc 11h20, 5 xe tải chở đá hộc vào các điểm sạt lở trên đường 71, hướng vào thủy điện Rào Trăng 3. Trước đó, hai xe lưới sắt cũng được đưa vào hiện trường. Một tài xế chở lưới sắt cho biết, lượng đất đá sạt lở đã được xe múc san ra, tuyến đường đã thông khoảng 20 km. Lực lượng cứu hộ sắp tiếp cận được hiện trường. Đến trưa nay, trời nắng to, không có gió, thuận lợi cho việc đẩy nhanh tốc độ cứu hộ.

Đoàn xe chở đá hộc đi vào hiện trường. Ảnh: Võ Thạnh.
Đoàn xe chở đá hộc đi vào hiện trường. Ảnh: Võ Thạnh.

Tại trường Tiểu học Phong Xuân, trung tâm xã, cách hiện trường 30 km, hai bếp dã chiến của bộ đội được dựng lên, phục vụ cho 100 suất ăn vào trưa nay. Hàng trăm người dân, giáo viên ở xã Phong Xuân và các xã lân cận mang theo rau, gà, trứng, gạo, dầu ăn... đến tiếp tế. Người dân phụ giúp nấu ăn, chuẩn bị các suất ăn. Các suất ăn này sẽ được chuyển vào hiện trường cứu nạn thủy điện Rào Trăng 3.

Người dân giúp các anh nuôi chuẩn bị các suất ăn. Ảnh: Hoàng Táo.
Người dân giúp các anh nuôi chuẩn bị các suất ăn. Ảnh: Hoàng Táo.

9h30 sáng 14/10, trực thăng xuất hiện trên bầu trời xã Phong Xuân (huyện Phong Điền), sau đó bay vào tiểu khu 67, trạm kiểm lâm Sông Bồ, cách trung tâm xã hơn 10 km. Đây là nơi xảy ra vụ sạt lở núi khiến 13 cán bộ, chiến sĩ mất tích.

Theo Trung tướng Nguyễn Doãn Anh - Tư lệnh Quân khu 4, trực thăng tham gia trinh sát đường không, vận chuyển lương thực, thực phẩm, cứu nạn khi thời tiết và địa hình cho phép.

Ngoài trực thăng, Sở Chỉ huy tiền phương tìm kiếm cứu nạn cứu hộ cũng đưa chó nghiệp vụ đến hiện trường để nhanh chóng tìm kiếm những người mất tích.

Trạm kiểm lâm 67 trước (bên trái) và sau khi xảy ra vụ sạt lở (bên phải). Ảnh: Báo Thừa Thiên Huế
Trạm kiểm lâm 67 trước (bên trái) và sau khi xảy ra vụ sạt lở (bên phải). Ảnh: Báo Thừa Thiên Huế

Quân khu 4 và địa phương điều động gần 500 cán bộ, chiến sĩ chia thành các nhóm theo đường bộ, đường thủy tiếp cận tiểu khu 67 và nhà máy thủy điện. Hàng chục người dân thông thạo địa bàn cũng được mời tham gia hỗ trợ cứu nạn.

Hàng chục xe đào múc, máy ủi làm việc liên tục từ hôm qua để thông đường. Do trời mưa lớn nên tuyến đường vào tiểu khu 67 và thủy điện Rào Trăng 3 có hơn 10 điểm sạt lở lớn, 4 con suối nước chảy xiết.

Sáng nay (14/10) trời không mưa, Sở chỉ huy tiền phương chỉ đạo các lực lượng tranh thủ thời tiết, đẩy nhanh tiến độ khai thông các điểm sạt lở, thông tuyến vào khu vực trạm kiểm lâm tiểu khu 67.

Trực thăng tiếp tế lực lượng cứu hộ ở thủy điện Rào Trăng 3
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO