TRỰC TIẾP: Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn

baochinhphu.vn - 06/06/2018 08:24
Tiếp tục chương trình chất vấn và trả lời chất vấn, ngày 6/6, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Đầu giờ sáng đã có 63 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. Mở đầu phiên chất vấn đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung; Nguyễn Văn Thân, Đào Tú Hoa,... chất vấn về vấn đề phân luồng học sinh phổ thông, giáo dục nghề nghiệp; giải pháp khắc phục tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm; tiến độ thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục...

Về vấn đề phân luồng, Bộ trưởng cho rằng đây không phải là vấn đề mới, Trung ương đã chỉ đạo nhiều, nhưng kết quả thực hiện chưa đạt như mong đợi, nguyên nhân thì có nhiều nhưng cốt lõi là do chương trình giáo dục; hiện cơ quan chức năng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định về phân luồng, trong đó trong chương trình phổ thông có quy định về giáo dục hướng nghiệp, nhằm khắc phục tình trạng này. Bên cạnh đó, trong thiết kế chương trình phổ thông phải lồng ghép thông tin về cuộc Cách mạng 4.0 vào kiến thức lý thuyết để các em ngay trên ghế nhà trường đã nắm được thông tin thực tiễn; đồng thời tạo đam mê, động lực cho học sinh với nghề nghiệp tương lai,...

Cụ thể, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sẽ trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ 4: Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giáo dục phổ thông. Công tác quản lý giáo dục mầm non, nhất là giáo dục mầm non ngoài công lập. Giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống cho giáo viên và học sinh trong nhà trường.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Nội vụ và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ khác cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan (nếu có).

Với tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống của học sinh, giáo viên trong nhà trường hiện nay, để khắc phục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, đã và đang thực hiện nhiều giải pháp.

Trong đó, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện Đề án Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015 - 2020; quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Hoàn thiện Đề án Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; chỉ đạo sửa đổi, bổ sung các nội dung về đạo đức nhà giáo, đưa quy tắc ứng xử vào quy chế làm việc; phát huy dân chủ trường học; đẩy mạnh công tác tư vấn tâm lý học đường...

Ban hành Chỉ thị số 1737/CT-BGDĐT ngày 15/5/2018 về việc tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo. Theo đó, để nâng cao đạo đức nhà giáo, chấn chỉnh tình trạng giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, Bộ GDĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục và đào tạo: Phối hợp với các cơ sở đào tạo giáo viên xây dựng và tập huấn cho giáo viên cách nhận diện và phòng ngừa những tình huống, nguy cơ có thể dẫn đến hành vi vi phạm đạo đức. Hỗ trợ tư vấn tâm lý cho nhà giáo và người học khi có tình huống xảy ra.

Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra nền nếp, kỷ cương trường học. Xử lý nghiêm các giáo viên, nhân viên, người lao động có hành vi vi phạm đạo đức, bạo hành thể chất, tinh thần học sinh và người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra các vụ việc vi phạm. Phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về giáo dục...

Chia sẻ ý kiến của bạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO