Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện 1 năm tuyển được 3 học sinh

27/07/2017 07:37

(Baonghean) - Nhiều trung tâm dạy nghề, giáo dục thường xuyên trên địa bàn đang gặp phải tình trạng tuyển sinh lèo tèo, có năm không tuyển được học viên nào.

Hoạt động kém hiệu quả

Trước khi sáp nhập, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 35 trung tâm công lập gồm 12 trung tâm dạy nghề, 2 trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp, 21 trung tâm GDTX.

Trong đó, 12 trung tâm dạy nghề trực thuộc UBND cấp huyện quản lý, 21 trung tâm GDTX trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo. Riêng trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp chỉ có 1 trung tâm trực thuộc huyện ở Thanh Chương và 1 trung tâm ở thành phố Vinh trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo.

Thực tế cho thấy, nhiều năm nay, việc hoạt động của các trung tâm GDTX, trung tâm dạy nghề trên địa bàn tỉnh không phát huy hiệu quả. Ví như ở huyện Con Cuông, năm học 2016 - 2017, trung tâm giáo dục thường xuyên của huyện chỉ tuyển sinh được 3 học sinh lớp 10.

Tình trạng tương tự đã diễn ra nhiều năm về trước, bởi tính đến thời điểm hiện tại, tổng số học sinh khối 10, 11, 12 của toàn trung tâm chỉ có 21 học sinh. Bà Nguyễn Thị Quế - Giám đốc Trung tâm cho biết:

“Việc tuyển sinh hệ giáo dục thường xuyên càng ngày càng khó khăn bởi hiện tại học sinh THPT trên địa bàn đã “co” lại nhiều. Số không học lên cấp THPT, các em lại chuyển sang học trường nghề vì vừa có bằng nghề, vừa được công nhận học xong trình độ văn hóa”.

Giờ học của học sinh Trung tâm GDTX huyện Anh Sơn. Ảnh: Mỹ Hà
Giờ học của học sinh Trung tâm GDTX huyện Anh Sơn. Ảnh: Mỹ Hà

Khó tuyển sinh cũng là thực trạng chung ở nhiều trung tâm GDTX khác. Như ở Trung tâm GDTX huyện Quỳ Châu, năm học 2016 - 2017 chỉ tuyển được 6 học sinh lớp 10; ở Trung tâm GDTX huyện Quế Phong chỉ tuyển được 8 học sinh; còn ở Trung tâm GDTX huyện Tương Dương thậm chí không tuyển được một trường hợp nào!

Chất lượng giáo dục đào tạo ở các trung tâm cũng chưa cao, khi tại Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 vừa qua, tỷ lệ tốt nghiệp của các trung tâm nằm trong nhóm thấp nhất tỉnh. Trong đó, đơn vị có tỷ lệ tốt nghiệp thấp nhất là Trung tâm GDTX Thái Hòa với tỷ lệ là 64%.

Riêng về công tác đào tạo nghề, mặc dù các trung tâm dạy nghề cấp huyện được đầu tư hàng chục tỷ đồng với cơ sở vật chất khang trang nhưng đều rơi vào tình trạng “khát” học viên, hầu hết mỗi năm chỉ đào tạo “nhỏ giọt” vài trăm học viên theo chương trình đào tạo sơ cấp, ngắn hạn.

Từ thực tế này, việc sáp nhập trung tâm là một xu hướng tất yếu. Theo ông Hoàng Nghĩa Tuyến - Phó Trưởng phòng Đào tạo nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

“Việc sáp nhập các đơn vị sẽ mở ra nhiều kỳ vọng nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các trung tâm, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư, giảm bớt đầu mối quản lý, tiết kiệm ngân sách Nhà nước.

Đồng thời, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên có cơ hội vừa học văn hóa, vừa học nghề, nâng cao kỹ năng làm việc, đáp ứng nhu cầu sử dụng của thị trường lao động”.

“Vướng” ở một số địa phương đặc thù

Đối với các địa phương có các loại hình vừa có trường Trung cấp nghề trực thuộc huyện vừa có Trung tâm Giáo dục thường xuyên, hoặc vừa có trường Trung cấp nghề trực thuộc tỉnh vừa có Trung tâm Giáo dục thường xuyên, việc sáp nhập hoặc giữ nguyên đang còn lúng túng.

Cụ thể, các huyện, thành phố: Yên Thành, Nghi Lộc, thành phố Vinh vừa có trung tâm GDTX, vừa có trường trung cấp nghề trực thuộc huyện. Các địa phương: Con Cuông, thị xã Thái Hòa, Đô Lương, Quỳnh Lưu vừa có trung tâm GDTX trực thuộc cấp huyện, còn trường trung cấp dạy nghề lại trực thuộc Sở LĐ, TB&XH.

Nếu thực hiện theo Thông tư 39 thì các trường trung cấp nghề hiện không thuộc đối tượng sáp nhập. Dù vậy, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, thời gian qua, các đơn vị này cũng tiến hành xây dựng đề án nhưng tinh thần chung là vẫn giữ nguyên các đơn vị theo bộ máy riêng và thêm chức năng.

Đơn cử như ở huyện Nghi Lộc, theo đề án, chỉ đổi tên trung tâm GDTX huyện thành trung tâm GDTX nghề nghiệp và GDTX huyện Nghi Lộc và chuyển về cho huyện quản lý. Lý giải điều này, ông Trần Văn Ân - Giám đốc Trung tâm GDTX huyện cho rằng: “Theo quy định mới, chức năng của các trung tâm GDTX sẽ được tăng lên và nếu đứng “một mình” thì trung tâm vẫn có thể liên kết trong đào tạo và mở rộng ngành nghề đào tạo”.

Ở huyện Yên Thành, ông Trần Văn Tuấn - Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề kỹ thuật công - nông nghiệp Yên Thành cho biết: “Quan điểm của địa phương đã có trường Trung cấp nghề thì không nên bổ sung chức năng giáo dục nghề nghiệp cho Trung tâm giáo dục thường xuyên và cũng không thực hiện sáp nhập theo đúng như tinh thần của Thông tư 39.

Đồng thời, nếu sáp nhập thì trường phải gánh thêm một bộ máy khá lớn, trong khi đó thời gian tới trường tiến hành tự chủ, sẽ không đủ khả năng chi trả lương cho cán bộ, công nhân viên nếu số lượng đội ngũ này tăng thêm”.

Dạy nghề may cho học viên ở Trường Trung cấp nghề kỹ thuật công - nông nghiệp Yên Thành. Ảnh: Mỹ Hà
Dạy nghề may cho học viên ở Trường Trung cấp nghề kỹ thuật công - nông nghiệp Yên Thành. Ảnh: Mỹ Hà

Trao đổi về những ý kiến trái chiều, ông Ngô Xuân Vinh - Phó Phòng Tổ chức biên chế, Sở Nội vụ nêu quan điểm:

“Đối với những địa phương vừa có trung tâm GDTX, vừa có trường trung cấp nghề, dù trường trung cấp nghề không thuộc đối tượng áp dụng của Thông tư 39/2015 thì việc sáp nhập 2 đơn vị này là cần thiết. Bởi nếu đưa thêm chức năng đào tạo sơ cấp nghề vào trung tâm GDTX để thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - GDTX, trong khi trên địa bàn đã có một trường nghề riêng, là lãng phí và thiếu hiệu quả”.

Ông Vinh cũng cho biết, lo lắng lớn nhất hiện nay của các đơn vị khi tiến hành sáp nhập là vấn đề nhân sự. Tuy nhiên, điều này đã được Sở Nội vụ tính tới và quan điểm của Sở là có thể điều chuyển những giáo viên văn hóa về các trường trong huyện để đảm bảo quyền lợi cho các giáo viên, chỉ giữ lại những người có thể đảm đương được chức năng, nhiệm vụ.

Mỹ Hà

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện 1 năm tuyển được 3 học sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO