Từ 15/7/2023, sửa đổi về mức thu, nộp và sử dụng phí thẩm định dịch vụ quan trắc môi trường
(Baonghean.vn) - Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 34/TT-BTC sửa đổi quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường.
Theo đó, Thông tư này áp dụng đối với người nộp phí là tổ chức đề nghị cấp, điều chỉnh nội dung Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường; tổ chức thu phí, tổ chức và cá nhân khác liên quan đến thu, nộp phí thẩm định đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường.
Công nhân quản lý vận hành Trạm kiểm tra mẫu nước thải sau xử lý tại KCN Bắc Vinh. Ảnh: Nguyễn Hải |
Cụ thể như sau:
+ Mức thu phí thẩm định cấp, điều chỉnh nội dung Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường được xác định bằng chi phí thẩm định nhân với hệ số K và nhân với M, trong đó chi phí thẩm định tối thiểu là 42 triệu đồng và K là hệ số vị trí địa lý theo khu vực của tổ chức đề nghị cấp, điều chỉnh nội dung Giấy chứng nhận và M là hệ số điều chỉnh theo lượng thông số môi trường đề nghị cấp, điều chỉnh nội dung giấy chứng nhận.
Mức thu phí thẩm định cụ thể theo vùng như sau: Vùng đồng bằng sông Hồng có hệ số K là 1,0; Trung du và miền núi phía Bắc là 1,1; Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là 1,2; Tây Nguyên là 1,3 và Nam bộ là 1,4. Tại khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, trong đó có Nghệ An nếu dưới 16 thông số tương ứng với hệ số M là 1,0 có mức thu phí là 50,4 triệu đồng, tiếp theo đó, từ 16-30 thông số (M=1,2) là 60,48 triệu đồng; từ 31 đến 45 thông số (M = 1,4) là 70,65 triệu đồng; từ 46 đến 60 thông số (M=1,6) là 80,16 triệu đồng và trên 60 thông số (M=1,8) là 90,72 triệu đồng.
+ Kê khai và nộp phí: Người nộp phí thực hiện nộp phí theo Thông báo thu phí thẩm định của tổ chức thu phí, phí nộp theo hình thức quy định tại Thông tư 74/2022/TT-BTC; chậm nhất là ngày 05 hàng tháng phải gửi số tiền phí đã thu của tháng trước vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách của tổ chức thu phí mở tại Kho bạc Nhà nước.
Cán bộ Trung tâm Quan trắc môi trường tỉnh Nghệ An theo dõi các chỉ số môi trường và nước thải từ hệ thống camera giám sát tự động đặt tại các nhà máy. Ảnh: Nguyễn Hải |
+ Quản lý và sử dụng phí: Tổ chức thu phí phải nộp 100% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước (phí gộp vào ngân sách Trung ương). Nguồn chi phí trang trải cho hoạt động thẩm định và thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu phí theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định. Trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước thuộc diện được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 1, điều 4, Nghị định 120/2016/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết Luật Phí và lệ phí được để lại 60% số tiền phí thu được để chi phí cho hoạt động thẩm định và thu phí theo quy định.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/7/2023 và đồng thời bãi bỏ Thông tư số 185/2016/TT-BTC ngày 08/11/2016 của Bộ Tài chính quy định tương tự về nội dung này; bãi bỏ điều 1 Thông tư số 55/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 Thông tư quy định thu phí trong lĩnh vực tài nguyên môi trường. Các nội dung khác liên quan đến thu, nộp, quản lý, sử dụng chứng từ thu, công khai chế độ thu phí thẩm định đủ điều kiện hoạt động quan trắc môi trường không đề cập tại Thông tư này được thực hiện theo quy định tại Luật Phí và lệ phí, Nghị định 120/2016/NĐ-CP, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, Nghị định số 91/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 126/2020/NĐ-CP.