Tương Dương quan tâm phát triển sản phẩm OCOP, nâng giá trị nông sản địa phương
(Baonghean.vn) - Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) trên địa bàn huyện Tương Dương giai đoạn 2021-2025 đã và đang mang lại hiệu quả rõ nét, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người dân.
7 sản phẩm OCOP 3 sao
Đến nay, huyện Tương Dương có 7 sản phẩm OCOP đã được công nhận, đều là sản phẩm tiêu biểu của các cơ sở sản xuất, hộ dân, hợp tác xã. Những sản phẩm OCOP đang dần khẳng định thương hiệu và có chỗ đứng nhất định trên thị trường, không chỉ đối với người tiêu dùng trong tỉnh mà còn vươn ra nhiều tỉnh, thành khác.
Các sản phẩm OCOP của huyện Tương Dương. Ảnh: T.D |
Trong số đó, phải kể đến bò giàng Tương Dương của HTX Sản xuất và Kinh doanh bò giàng Thảo Hảo. Sản phẩm của cơ sở đã tham gia nhiều hội chợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm tại Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Thanh Hóa, TP. Vinh và hiện đã được Siêu thị BigC ký hợp đồng thỏa thuận tiêu thụ sản phẩm.
Bà Trần Thị Thảo - Chủ nhiệm HTX cho biết: Bò giàng là đặc sản vùng cao với vị ngon riêng có và được người miền xuôi ưa chuộng. Trung bình HTX ngày thường làm từ 3 yến thịt, còn vào tháng giáp Tết, nhất là tháng cuối năm tiêu thụ được khoảng 1 tấn. Theo bà Thảo, để làm bò giàng ngon, phải chọn bò bản địa, thịt bò loại 1. Mỗi con bò cũng chỉ chọn được 1 yến thịt để làm. Trong đó, ngoài khâu tẩm ướp cần bí quyết, công đoạn giàng rất quan trọng. Thịt được buộc dây để phơi dưới nắng nhẹ, đêm cho vào bếp, củi được đốt bên dưới trong nhiều giờ để hong. Quy trình này kéo dài liên tục 5 ngày đến khi thịt khô cong, có mùi vị thơm ngon thì dừng lại.
Ngoài sản xuất thịt bò giàng, bà Thảo còn làm thịt lợn giàng, thịt ba chỉ gác bếp, lạp xưởng. Với sản phẩm đã được công nhận 3 sao OCOP, việc tiêu thụ khá dễ dàng, giá bán ổn định: bò giàng 1.000.000 đồng/kg, lợn giàng 600.000 đồng/kg, ba chỉ gác bếp 400.000 đồng/kg, lạp xưởng 350.000 đồng/kg.
Bà Trần Thị Thảo - Chủ nhiệm HTX Sản xuất và Kinh doanh bò giàng Thảo Hảo đóng gói các sản phẩm. Ảnh: Đ.C |
Tương tự, bà Trần Thị Phương - Chủ nhiệm Tổ hợp tác rượu nếp cẩm Tương Dương cho biết: Với nghề làm rượu men lá đã có từ lâu, chúng tôi được huyện hỗ trợ tham gia chứng nhận OCOP, thực hiện thủ tục, đăng ký bao bì, mã vạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, tổ chức xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm... Sau khi được cấp Giấy chứng nhận OCOP, từ chỗ chỉ được người tiêu dùng trên địa bàn biết đến, thì nay qua các kênh quảng bá, rượu nếp cẩm Tương Dương đã có mặt tại nhiều nơi.
Theo bà Phương, để duy trì, phát huy thương hiệu Rượu nếp cẩm Tương Dương, quy trình sản xuất đòi hỏi khắt khe từ khâu chọn nguyên liệu, vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… Trong đó, bí quyết làm men rất quan trọng, là yếu tố quyết định đến 70% thành bại của thành phẩm. Men dùng ủ rượu là men thuốc Bắc, được rửa sạch, sao vàng, xay thành bột mịn và trộn với bột gạo theo tỷ lệ và bí quyết riêng. Sau đó, vắt thành từng viên, ủ 5-7 ngày quan sát sẽ thấy trên viên men có sợi men bông tơi thì tiến hành phơi nắng hoặc xông trên bếp củi, sau 15 ngày mới có thể dùng. Cùng với đó, nếp để ủ rượu cũng được chọn lựa kỹ càng, là những loại nếp mới, có mùi thơm đặc trưng, góp phần tạo nên một mẻ rượu ngọt, ngon.
Diễn đàn kết nối cung - cầu
Theo ông Lô Khăm Kha - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện: Ngoài các sản phẩm hiện đạt 3 sao, gồm cà chua múi Tương Dương của Tổ hợp tác sản xuất rau bản Phòng (thị trấn Thạch Giám); Cà ngọt Khe Ngậu của Tổ hợp tác sản xuất và chế biến cà ngọt bản Khe Ngậu, xã Xá Lượng; Rượu nếp cẩm Tương Dương của Tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh, chế biến sản phẩm sạch Hà Phương (thị trấn Thạch Giám); Lạp xưởng và bò giàng Tương Dương của Hợp tác xã Sản xuất và Kinh doanh bò giàng Thảo Hảo (thị trấn Thạch Giám); Măng khô Tương Dương của Tổ hợp tác sản xuất, chế biến và kinh doanh nông sản bản Phồng, xã Tam Hợp.
Huyện còn xây dựng thêm các sản phẩm như: Gà đen Tương Dương (Tam Hợp), nếp cẩm Tương Dương (Yên Na), rượu siêu (Tam Đình), cơm rượu nếp cẩm lên men (thị trấn Thạch Giám), bí xanh (Lưu Kiền), măng chua (Xá Lượng), me ngào (Tam Thái); Du lịch cộng đồng Khe Cớ (Tam Đình)... Hiện tại, huyện đang hướng dẫn các chủ cơ sở xây dựng hồ sơ, củng cố cơ sở sản xuất, thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác để tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2022.
Có thể thấy, sau khi thành lập, ban chỉ đạo, ban điều hành của huyện đã chủ động triển khai thực hiện chương trình có hiệu quả, đã hoàn thành chỉ tiêu đề ra. UBND huyện đã tập trung chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm tiềm năng, đồng thời, tăng cường thúc đẩy công tác xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm, hướng dẫn các chủ thể xây dựng hồ sơ đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP nhằm nâng cao giá trị, tạo thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của huyện.
Sản phẩm OCOP của huyện Tương Dương có mặt tại các triển lãm, hội chợ. Ảnh: T.D |
Cùng với đó, trong giai đoạn 2020-2021, UBND huyện đã trích nguồn xây dựng NTM hỗ trợ thực hiện năm 2020, nguồn ngân sách huyện hỗ trợ năm 2021 (tổng kinh phí 558,115 triệu đồng) để hỗ trợ xây dựng hồ sơ, thiết kế logo, tem, nhãn mác, đăng ký nhãn hiệu ở Cục Sở hữu trí tuệ, hỗ trợ xây dựng hồ sơ tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP,...
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, quy mô các cơ sở chủ yếu còn ở mức nhỏ, các sản phẩm sản xuất còn thô sơ, sản lượng sản xuất chưa nhiều, chủ yếu phục vụ ở một số thời điểm như lễ, tết; chưa sản xuất thường xuyên trong năm. Trong khi máy móc, thiết bị còn lạc hậu, vẫn còn sản xuất thủ công là chủ yếu. Các sản phẩm sản xuất ra, giá cả không ổn định, do chưa có nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc, phần lớn chưa có thương hiệu. Ngoài ra, phần lớn các cơ sở chưa nhận thức tầm quan trọng, nên chưa chủ động đăng ký tham gia xây dựng sản phẩm OCOP, công tác xúc tiến quảng bá sản phẩm trên các hệ thống mạng xã hội, các hội chợ triển lãm; sau khi sản phẩm đạt OCOP chưa mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư trang thiết bị, máy móc…
Xác định Chương trình OCOP là hướng đi mới, phù hợp nhằm khuyến khích, hỗ trợ các đối tượng sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ và vừa ở nông thôn, trong thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, hình thành các diễn đàn kết nối cung - cầu, góp phần giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội trên địa bàn.
Trên cơ sở tiếp tục triển khai Đề án thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn huyện Tương Dương, giai đoạn 2021-2025, huyện đăng ký qua Sở Công Thương đưa các sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch điện tử của tỉnh, tiếp tục hỗ trợ các chủ thể quảng bá sản phẩm trên các trang thương mại điện tử trong và ngoài tỉnh, hỗ trợ các chủ cơ sở thiết kế logo, tem, nhãn mác, đăng ký nhãn hiệu; hàng năm tổ chức thi đánh giá, phân hạng cấp huyện để tham gia thi đánh giá, phân hạng cấp tỉnh...