Tuyên dương 64 giáo viên "cắm bản" tiêu biểu

13/11/2015 08:21

Tối 12/11, tại Hà Nội, T.Ư Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT, Tập đoàn Thiên Long tổ chức chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” 2015 - Tuyên dương 64 thầy, cô giáo “cắm bản” tiêu biểu đang công tác tại 64 huyện nghèo trên cả nước.

Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” 2015 là hoạt động triển khai phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi” do Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2014 - 2019 phát động và chào mừng Kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11.

Các giáo viên cắm bản tiêu biểu trong buổi gặp gỡ lãnh đạo Bộ GD&ĐT chiều 12/11. Ảnh: Xuân Tùng
Các giáo viên cắm bản tiêu biểu trong buổi gặp gỡ lãnh đạo Bộ GD&ĐT chiều 12/11. Ảnh: Xuân Tùng

Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Phi Long chia sẻ: Chương trình nhằm cổ vũ, động viên và tri ân các thầy giáo, cô giáo xung kích, tình nguyện công tác tại các trường học điểm lẻ ở miền núi có điều kiện kinh tế khó khăn, có nhiều cống hiến, đóng góp vào sự nghiệp giáo dục và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; khơi dậy tinh thần xung kích của xã hội, đặc biệt là đoàn viên, hội viên, thanh niên trong việc mang tri thức tới cho các con, em đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn của Tổ quốc. Qua đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kêu gọi xã hội tiếp tục quan tâm, giúp đỡ đội ngũ giáo viên và học sinh ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Để có được kết quả này, suốt nhiều năm qua, giáo viên của trường không ngại khó khăn, gian khổ, hàng ngày bám trường, bám lớp để học sinh yên tâm đến trường
Giáo viên miền núi Nghệ An vượt qua khó khăn, hàng ngày bám trường, bám lớp để học sinh yên tâm đến trường. (Ảnh: Mỹ Hà).

64 thầy cô giáo cắm bản tiêu biểu (gồm 32 thầy cô là dân tộc Kinh, 32 thầy cô là dân tộc thiểu số) được tuyên dương đều là những tấm gương rất sinh động về tình yêu nghề, thương trẻ và đức hy sinh. Nhiều thầy cô giáo đã gắn bó với các điểm trường vùng sâu, vùng xa nghèo khó hàng chục năm. Tiêu biểu có thầy Lò Văn Xuân, đã có 35 năm giảng dạy tại huyện nghèo Sốp Cộp, Sơn La; cô Nguyễn Thị Hương Bình có hơn 20 năm gắn bó với giáo dục huyện nghèo vùng biên huyện Quản Bạ, Hà Giang; thầy Lê Đình Thường có hơn 18 năm gieo chữ ở huyện nghèo Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam...

Bên cạnh đó, cũng có những giáo viên trẻ thuộc thế hệ 9X nhiệt tâm với nghề với trẻ và đạt được nhiều thành tích trong giảng dạy như cô Đàm Thị Thu Thủy (Trường Mẫu giáo Thải Giàng Phố, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai), cô Phùng Thị Huyền (Trường Mầm non Huổi Lếch, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) với 4 năm giảng dạy ở thôn bản.

Thương học trò hơn

Trong khuôn khổ chương trình lễ tuyên dương, những thầy cô giáo nơi thôn bản vùng sâu đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham quan khu di tích Hồ Chí Minh, Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Với nhiều thầy cô, đây là lần đầu tiên đến Hà Nội, được tận mắt chiêm ngưỡng những điểm di tích, sự nhộn nhịp của Thủ đô. Cô giáo Đinh Thị Ngấy (SN 1987, dân tộc Hrê) cho hay: “Trước đây, tôi chỉ biết về Hà Nội, Bác Hồ, Quảng trường Ba Đình... và dạy cho trẻ qua tranh ảnh. Nay được ra tham quan, tôi thấy rất tự hào và xúc động. Trở về tôi sẽ kể thêm cho học sinh nhiều chi tiết mà tranh ảnh trong bài học chưa có”.

Cô Ngấy cũng cho hay, khi gặp các học sinh mầm non Hà Nội đi dã ngoại, thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám càng thương học trò của cô hơn. “Học trò của tôi so với học trò ở thành phố là khoảng cách một trời một vực; còn thiếu thốn rất nhiều cả về vật chất lẫn tinh thần”.

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Chi trao giấy khen của Sở Giáo dục và Đào tạo cho các giáo viên được trao thưởng
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Chi - Giám đốc Sở GD ĐT Nghệ An trao giấy khen của Sở Giáo dục và Đào tạo cho các giáo viên tiêu biểu. (Ảnh minh họa)

Ngay tại buổi gặp gỡ và trao đổi với lãnh đạo Bộ GD&ĐT, các thầy cô giáo đều ít nói về những khó khăn trong điều kiện sống để cắm lớp, cắm trường gieo chữ mà chia sẻ về những thiếu thốn vất vả của học sinh. Cô Tạ Thị Hương (Trường Tiều học Kon Tum) trình bày: “Tôi đã làm nghề giáo được 20 năm, trong đó có 15 năm công tác tại miền xuôi tại Bắc Giang, có 5 năm công tác tại miền núi nên rất thấm thía được những khó khăn của các em học sinh. Các em học sinh dưới miền xuôi còn có nhiều điều kiện nhưng các em ở miền núi cái gì cũng thiếu thốn. Để chất lượng giáo dục được đồng đều không thể không nâng cao cơ sở vật chất”.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa: Nhiều giáo viên cắm bản 20 năm chưa được về!

Trao đổi về thực trạng chậm luân chuyển giáo viên cắm bản, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định đây là một thực trạng không dễ giải quyết. Quy định giáo viên đi cắm bản từ 3 - 5 năm nhưng trên thực tế có giáo viên 20 năm vẫn chưa được luân chuyển. Bà Nghĩa cho hay: Những năm qua Đảng, Nhà nước có nhiều chính sách thu hút, phụ cấp, ưu đãi cho giáo viên vùng núi, vùng đặc biệt khó khăn ở Nghị định 19, Nghị định 116 của Chính phủ. Cụ thể, gồm các chế độ như: hỗ trợ 10 tháng lương cơ bản khi nhận việc, nhà giáo có gia đình chuyển đi theo thì được trợ cấp tiền tàu xe, cước phí hành lý cho các thành viên, được trợ cấp chuyển vùng bằng 12 tháng lương tối thiếu và các mức lương tăng thêm…Tuy nhiên, chính sách hiện cũng chỉ giúp họ giảm được một phần khó khăn.

Theo quy định, khi đưa giáo viên lên vùng khó khăn thì với giáo viên nữ đảm bảo 3 năm, nam đảm bảo 5 năm. Tuy nhiên, trên thực tế chỉ một số địa phương làm tốt được việc luân chuyển này. Nhiều địa phương có địa bàn miền núi rộng, việc luân chuyển không thực hiện được theo nguyện vọng của giáo viên. Có nhiều thầy cô giáo cắm bản đến 20 năm chưa được về, có cô thậm chí đã không lấy được chồng, có trường hợp công tác một nơi, chồng con đau ốm ở một nơi xa khác…

Theo Tiền phong

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Tuyên dương 64 giáo viên "cắm bản" tiêu biểu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO