Ứng dụng công nghệ số trong hoạt động thương mại

Thu Huyền 26/08/2022 17:20

(Baonghean.vn) -  Mua sắm trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt đang dần trở thành xu hướng phát triển. Bán hàng qua sàn thương mại điện tử, hay mô hình “chợ 4.0” đang được triển khai rộng khắp, giúp cho việc giao thương, trao đổi trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

Chợ online, thanh toán số lên ngôi

Sau khi được công nhận 4 sao OCOP, bà Hồ Thị Quế ở xóm 4, xã Hạnh Lâm - Giám đốc Hợp tác xã chế biến nhút và nông sản đặc sản Thanh Chương, đã tìm mọi cách để quảng bá sản phẩm nhút đến mọi người thông qua các kênh bán hàng online như: sàn thương mại điện tử Nghệ An, trang bán hàng online, Fanpage… Nhờ đó, doanh thu từ nhút của hợp tác xã không ngừng tăng, thị trường được mở rộng.

Theo bà Quế, việc đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử đã mang lại hiệu quả thấy rõ, lượng người biết đến sản phẩm nhút Thanh Chương tăng mạnh; mỗi năm bán được hàng nghìn sản phẩm, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho các thành viên hợp tác xã. Nhờ chiếc điện thoại thông minh kết nối Internet mà bà đã đưa đặc sản quê hương đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Công nghệ số hóa giúp giao dịch, mua bán thuận lợi, hiệu quả. Ảnh: Thu Huyền

Ứng dụng công nghệ thông tin, đưa hàng hóa, sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử đang được nhiều nông dân từng bước áp dụng; trở thành giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp, và nông dân mở rộng thị trường tiêu thụ, giảm chi phí sản xuất. Thời đại công nghệ thông tin, không chỉ đưa hàng lên sàn thương mại, nhiều hoạt động thanh toán cũng được “số hóa”.

Tiên phong chuyển đổi số, đẩy mạnh thương mại điện tử, Viettel chính thức triển khai mô hình “chợ 4.0” - chợ không tiền mặt trên khắp 63 tỉnh, thành tại 3 miền Bắc, Trung, Nam. Từ tháng 3/2022 Viettel Nghệ An phối hợp Sở Công Thương triển khai thí điểm dự án chợ 4.0 tại chợ Vinh và tiếp tục triển khai thêm 5 chợ trong quý II gồm chợ Đô Lương, chợ Giát (Quỳnh Lưu), chợ Tân Thành (Yên Thành), chợ Ga Vinh, chợ Hôm (TX. Cửa Lò). Chỉ trong 4 tháng triển khai đã phát triển được hơn 1.000 tiểu thương sử dụng QR code để giúp người dân đi chợ có thể thanh toán không cần tiền mặt với mọi mệnh giá.

Người tiêu dùng dễ dàng kết nối, thực hiện trao đổi, mua bán hàng hóa chỉ với số điện thoại. Ảnh: Thu Huyền

Chị Nguyễn Thị Huyền – chuyên viên phụ trách dự án mô hình “chợ 4.0” của Viettel Nghệ An cho biết: Sau khi triển khai thí điểm, Viettel tổ chức rút kinh nghiệm và từ tháng 9 tiếp tục mở rộng hệ sinh thái “chợ 4.0” ra cụm tuyến phố. Mục tiêu hết năm 2022 có từ 15 - 20 chợ hoặc tuyến phố 4.0. Việc mở ra những cơ hội giao thương, kinh tế mới trên nền tảng số cho người dân góp phần tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế, tài chính; người dân từ thành thị đến nông thôn đều có thể dễ dàng kết nối, thực hiện trao đổi, mua bán hàng hóa chỉ với số điện thoại.

Khái niệm chuyển đổi số, thương mại điện tử đã không còn là khái niệm xa lạ trong xã hội, nhất là trong thời đại công nghệ số 4.0 hiện nay. Bà Trần Thị Mỹ Hà - Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương cho biết: Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã chủ động đổi mới trong phương thức kinh doanh để phù hợp với xu hướng tiêu dùng của người dân. Việc tiêu thụ sản phẩm qua giao dịch thương mại điện tử giúp nhiều loại nông sản đã tìm được đầu ra ổn định, người nông dân từng bước phục hồi kinh tế tránh tình trạng được mùa rớt giá lâu nay vẫn xảy ra.

Song song với phương thức kinh doanh truyền thống, trực tiếp, các doanh nghiệp trong tỉnh đã kết nối với các sàn thương mại điện tử để bán hàng, tích cực đưa sản phẩm lên các kênh phân phối lớn trong nước. Không chỉ sử dụng các website của đơn vị để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, các doanh nghiệp cũng phát huy các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, Tiktok… để đăng bài, quảng cáo hình ảnh sản phẩm, đăng video, livestream giới thiệu sản phẩm, hàng hóa. Thông qua đó, người tiêu dùng tuy không trực tiếp đến cửa hàng nhưng vẫn nắm bắt và cập nhật đầy đủ thông tin, hình ảnh về số lượng và chất lượng của sản phẩm, từ đó kích cầu tiêu dùng. Đây chính là giải pháp đưa số hóa vào cuộc sống của người dân một cách thiết thực và hiệu quả nhất, từ đó thúc đẩy nền kinh tế phi tiền mặt, rộng mở cánh cửa giao thương, phát triển kinh tế số và xã hội số.

Tiếp tục đẩy mạnh thương mại điện tử

Ngày 5/8/2022, Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tập trung triển khai thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực: quản lý hành chính, nông nghiệp, công thương, văn hóa và du lịch, giao thông vận tải và logistics, an ninh, trật tự, an toàn giao thông.

Thanh toán không dùng tiền mặt phù hợp xu hướng phát triển của tiêu dùng thông minh. Ảnh: Thu Huyền

Với mục tiêu trọng tâm là phát triển kinh tế số - thương mại điện tử, thời gian qua, Sở Công Thương Nghệ An đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn thực hiện nhiều chương trình kết nối, hỗ trợ thiết thực các đơn vị, doanh nghiệp, khai thác tốt các cơ hội thị trường trong nước, mở rộng xuất khẩu, đẩy nhanh quá trình khôi phục sản xuất sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Để thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về thương mại điện tử, Sở Công Thương Nghệ An đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch về phát triển thương mại điện tử tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025. Sở cũng phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương đào tạo, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các sàn giao dịch trong và ngoài nước trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; đào tạo kiến thức, kỹ năng ứng dụng cho sinh viên Trường Đại học Kinh tế; thực hiện nâng cấp sàn giao dịch và phối hợp các sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa,... trên sàn 37nghean.com.

Mua bán tại các siêu thị hiện đang áp dụng nhiều phương thức thanh toán thông minh, tiện lợi. Ảnh: Thu Huyền

Cùng với thúc đẩy hoạt động sàn giao dịch thương mại Nghệ An, 2 năm qua, Sở Công Thương đã hỗ trợ hơn 30 đơn vị, doanh nghiệp xây dựng website thương mại điện tử; chuyển giao hàng chục bộ phần mềm quản lý khách hàng, quản lý bán hàng, quản lý khách sạn thông minh; hỗ trợ 6 đơn vị (HTX Sen quê Bác, gà Thanh Chương…) phát triển thương hiệu trực tuyến bằng xây dựng các clip TVC, phim ngắn giới thiệu doanh nghiệp để phát trên truyền hình, website, mạng xã hội...

Ông Phạm Văn Hóa – Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Hiện nay, chúng tôi đang triển khai kế hoạch hỗ trợ đưa các sản phẩm đặc trưng, đặc sản, tiêu biểu, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn… lên sàn thương mại điện tử 37nghean.com và một số sàn uy tín trong và ngoài nước. Thời gian tới, ngành tập trung lựa chọn các đơn vị đủ điều kiện, có sản phẩm được chứng nhận an toàn thực phẩm; các sản phẩm đạt các chứng chỉ, chứng nhận như OCOP, VietGAP, GlobalGAP, HACCP, ISO,...; các sản phẩm xuất khẩu chủ lực, sản phẩm công nghiệp nông thôn, các sản phẩm có tiềm năng theo đề xuất của địa phương để hỗ trợ, xây dựng điển hình, qua đó dẫn dắt, lan tỏa hoạt động mua, bán và tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử.

Theo khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, hiện 100% doanh nghiệp tỉnh Nghệ An đã sử dụng email trong công việc trao đổi, hóa đơn, hợp đồng, kê khai thuế phí qua mạng…; trên 80% doanh nghiệp xây dựng website, tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử hoặc ứng dụng mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu, mua bán các sản phẩm và các dịch vụ kèm theo.
Chỉ số phát triển thương mại điện tử tỉnh Nghệ An (EBI index) nhiều năm liền luôn đứng trong tốp cao cả nước, cụ thể: Năm 2016 đứng thứ 17, năm 2017 đứng thứ 16, năm 2018-2019 đứng thứ 15; năm 2020 đứng thứ 12; năm 2021 đứng thứ 16. Mới đây, tại diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2022 tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, Nghệ An xếp thứ 15 trên bảng xếp hạng.
Mới nhất
x
Ứng dụng công nghệ số trong hoạt động thương mại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO