Ưu tiên các đề tài, dự án NCKH ứng dụng kết quả phát triển thành sản phẩm hàng hóa
(Baonghean.vn)- Cử tri một số địa phương phản ánh hiệu quả ứng dụng của một số đề tài nghiên cứu khoa học - công nghệ trên địa bàn tỉnh còn chưa cao, cần có giải pháp khắc phục thực trạng này.
Vấn đề này UBND tỉnh trả lời như sau:
UBND tỉnh ghi nhận phản ánh của cử tri về: Hiệu quả ứng dụng của một số đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ trên địa bàn còn chưa cao. Đây cũng là tình trạng chung của cả nước (Bộ KH&CN đánh giá, hiệu quả ứng dụng của các đề tài, dự án nghiên cứu ứng dụng đạt 60-65%. Riêng ở Nghệ An là 65-70%).
Thu hoạch ngô bằng máy móc tại vùng nguyên liệu của Trang trại bò sữa TH. Ảnh Phú Hương |
Nguyên nhân về mặt chủ quan:
- Tổ chức bộ máy quản lý khoa học và công nghệ ở các ngành và các huyện còn nhiều bất cập do vậy công tác tham mưu còn hạn chế.
- Việc xác định các đề tài đặt hàng, tuyển chọn các tổ chức, cá nhân chủ trì các đề tài, dự án mặc dầu đã thực hiện công khai, dân chủ, đúng luật, tuy nhiên vẫn còn một số đề tài, dự án có tính khoa học nhưng tính ứng dụng chưa cao. Việc thực hiện cơ chế đặt hàng trực tiếp từ các huyện, ngành và các doanh nghiệp để gắn với việc sử dụng kết quả nghiên cứu khi đề tài, dự án kết thúc chưa nhiều.
- Việc tổ chức thực hiện các đề tài, dự án còn dàn trải (đang tổ chức thực hiện theo 12 chương trình KH&CN trọng điểm cấp tỉnh) do vậy nguồn lực đầu tư bị phân tán cho nên hiệu quả chưa cao
Nguyên nhân khách quan
- Hoạt động nghiên cứu khoa học mang đặc trưng là tính mạo hiểm, rủi ro cao do vậy có những đề tài chỉ thành công về mặt khoa học còn hiệu quả ứng dụng chưa cao (nhất là khi có biến động liên tục do kinh tế thị trường).
- Hoạt động nghiên cứu khoa học mang đặc trưng là độ trễ lớn nên có một số đề tài (đặc biết là các đề tài thuộc lĩnh vực KHXH&NV) sau khi nghiên cứu xong 2-3 năm thậm chí lâu hơn mới phát huy hiệu quả.
- Doanh nghiệp Nghệ An nhỏ, yếu, hợp tác xã cũng yếu, đất đai quy mô hộ quá nhỏ lẻ cũng là lực cản và khó khăn của sự nhân rộng ứng dụng.
|
Một số giải pháp khắc phục:
- Tập trung đầu tư ngân sách SNKH cho việc triển khai thực hiện 6 chương trình KH&CN trọng điểm (thay vì 12 chương trình như trước đây).
- Tăng cường cơ chế đặt hàng trực tiếp từ lãnh đạo tỉnh, các ngành, huyện và các doanh nghiệp cho nghiên cứu khoa học gắn với việc sử dụng kết quả nghiên cứu của các đề tài, dự án.
- Ưu tiên các đề tài, dự án nghiên cứu phát triển các sản phẩm theo chuỗi từ khâu giống, quy trình thâm canh (nuôi trồng), thu hoạch sản phẩm, chế biến sau thu hoạch và phát triển thị trường sản phẩm. Ưu tiên các các đề tài, dự án có gắn kết với doanh nghiệp ứng dụng kết quả phát triển thành sản phẩm hàng hóa.
- Kiện toàn tổ chức bộ máy hoạt động KH&CN tại các ngành, huyện phù hợp với thực tiễn hoạt động của các ngành, huyện.
PV (TH)