Vắc xin mở lối thoát Covid-19, Mỹ lo ca nhiễm tăng mạnh
Các quan chức y tế Mỹ cho biết, sự lây lan của biến thể Delta có thể khiến số ca mắc Covid-19 mới mỗi ngày ở nước này trở lại mức 250.000.
Số liệu thống kê của Đại học Johns Hopkins được hãng tin AP công bố hôm 7/8 cho thấy, số ca nhiễm Covid-19 mới hàng ngày tại Mỹ ở thời điểm cuối tháng 6 là khoảng 11.000. Con số đó hiện trên 100.000, bất kể hơn 70% người trưởng thành tại Mỹ đã được tiêm vắc xin.
Người dân New York, Mỹ đi tiêm chủng. Ảnh: AP |
Theo số liệu trên, biến thể Delta đang lây lan mạnh tại nhiều bang miền Nam, nhất là ở những khu vực đông dân chưa tiêm vắc-xin do hệ thống y tế tại đó bị quá tải. Điều này khiến nhiều chuyên gia y tế Mỹ lo ngại số ca nhiễm mới sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.
“Nếu chúng ta không tiêm chủng cho người dân, thì số ca nhiễm mới có thể vượt mức vài trăm nghìn ca/ngày, giống như thời điểm bùng phát dịch hồi tháng 1”, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, bà Rochelle Walensky nhận định.
Số liệu cập nhật lúc 5h sáng 8/8 của trang thống kê Worldometers cho thấy, Mỹ hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19, với tổng cộng hơn 36,5 triệu người dương tính và gần 633.000 ca tử vong tính từ đầu dịch đến nay.
Đức tuyên bố vắc-xin mở lối thoát đại dịch
Viện nghiên cứu Robert Koch của Đức trong một thông cáo đưa ra hôm 7/8 cho biết, việc tiêm chủng vắc-xin hàng loạt hơn 6 tháng qua ở nước này đã cứu được mạng sống của 38.000 người. Hơn 76.000 ca nhiễm bệnh ở mức nhẹ tránh phải nhập viện và gần 20.000 ca không phải vào phòng điều trị tích cực, ngăn chặn kịch bản hệ thống y tế Đức trong năm nay phải "gánh thêm" hơn 706.000 ca nhiễm.
“Hiệu quả cao của chiến dịch cho thấy, việc tiêm chủng đã "mở ra" con đường giúp chúng ta thoát khỏi đại dịch Covid-19”, hãng tin AP dẫn thông cáo của Viện nghiên cứu Robert Koch viết.
Theo số liệu được Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn công bố hôm 7/8, Đức hiện có hơn 45 triệu người, tức 54,5% tổng dân số, đã nhận đủ hai mũi tiêm vắc-xin phòng Covid-19.
Ấn Độ cấp phép sử dụng vắc-xin Johnson & Johnson
“Chúng tôi đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc-xin do hãng Johnson & Johnson của Mỹ sản xuất. Việc này sẽ tăng cường hơn nữa nỗ lực của Ấn Độ trong việc chống lại đại dịch”, hãng tin AP dẫn bài trên Twitter hôm 7/8 của Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Mansukh Mandaviya.
Hãng tin AP nhận định, động thái của Bộ Y tế Ấn Độ là nhằm củng cố hy vọng tỷ lệ tiêm chủng tại nước này sẽ tăng lên. Bởi sau đợt tiêm hồi tháng 6, tỷ lệ tiêm chủng ở nước này đã giảm xuống do một số vấn đề liên quan tới nguồn cung ứng và việc phê chuẩn vắc-xin mới.
Một số diễn biến khác về dịch bệnh
Cập nhật lúc 6h sáng 8/8 của trang thống kê Worldometers cho thấy, dịch Covid-19 đang hoành hành ở 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho hơn 202,9 triệu người và cướp đi mạng sống của gần 4,3 triệu bệnh nhân. Số hồi phục đạt trên 182,2 triệu trường hợp.
Nhật Bản đã ghi nhận ca Covid-19 đầu tiên nhiễm biến thể Lambda. Bệnh nhân là một phụ nữ trong độ tuổi 30, trở về từ Peru. Cô này được phát hiện dương tính với Covid-19 tại một điểm kiểm tra cách ly ở sân bay, và không có triệu chứng nhiễm bệnh.
Theo giới chức y tế Nhật Bản, biến thể Lambda được phát hiện lần đầu tại Peru vào tháng 8/2020 và hiện đã lây lan rộng tại Nam Mỹ. So với chủng Covid-19 ban đầu, biến thể này có khả năng lây nhiễm cao hơn, cũng như kháng được vắc-xin mạnh hơn.