Những ngày này, các địa phương trong tỉnh đang bước vào vụ gặt. Trên các cánh đồng, người dân làm nghề săn "tôm bay" bằng xe máy vẫn tích cực hoạt động. Trong ảnh: Người dân xã Quỳnh Trang (TX Hoàng Mai) săn châu chấu trên ruộng lúa ở xã Minh Sơn (Đô Lương). Ảnh: Huy Thư |
Anh Hồ Trọng Thành (41 tuổi), trú tại xã Quỳnh Trang (TX. Hoàng Mai) chia sẻ: Hiện ở xã anh có hàng chục người theo nghề săn châu chấu, gồm châu chấu thịt (dùng làm mồi nhậu) và châu chấu cốm (làm thức ăn cho chim). Công việc chính của anh là thợ thạch cao, nhưng đến mùa châu chấu thịt, anh lại đổi nghề vài tháng để kiếm thêm thu nhập. Mùa châu chấu thịt năm nay, người dân quê anh đã khởi động vào nghề gần 1 tháng nay. Ảnh: Huy Thư |
Phương tiện, dụng cụ bắt châu chấu thịt là những chiếc xe máy, buộc phía sau 2 cái vợt lớn được may bằng vải dù hoặc màn tuyn. Những chiếc vợt này có thể đóng mở, cụp xòe theo ý muốn. Xe chạy càng nhanh, gió thổi mạnh, châu chấu tuôn vào vợt càng nhiều. Nghề săn châu chấu bằng xe máy chỉ những người chạy xe sành điệu, gan dạ mới dám làm, vì đi xe tốc độ nhanh trên bờ ruộng mấp mô không hề đơn giản. Ảnh: Huy Thư |
Theo kinh nghiệm của người dân trong nghề, vợt to dễ săn châu chấu, nhưng lực cản lớn, khó chạy xe và khá mau rách. Ảnh: Huy Thư |
Anh Ngô Quang Vinh (39 tuổi), trú ở xã Quỳnh Trang (TX. Hoàng Mai) cho biết: Vụ lúa chiêm đang thu hoạch có ít châu chấu hơn vụ hè thu, nên mỗi ngày đi săn, mỗi người chỉ kiếm được 5 - 10 kg châu chấu. Ảnh: Huy Thư |
Anh Hồ Trọng Thành cho biết, mỗi ngày, người săn châu chấu phải vượt quãng đường không dưới vài trăm km, có khi không săn cụ thể ở 1 huyện mà phải qua 2 -3, thậm chí 4 -5 huyện. Nếu đi săn ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), họ phải thức dậy, rời nhà khi 2 -3h sáng, vượt quãng đường gần 200 km mới đến chỗ để săn. Săn châu chấu xa, người làm nghề khá mất ngủ. Việc đi đêm về hôm cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ, nhất là tai nạn giao thông. Ngoài ra, chạy xe trên bờ ruộng mấp mô, rất dễ bị ngã, chấn thương. Ảnh: Huy Thư |
Săn châu chấu trên ruộng, xe máy thường chạy số 2, số 3, khá tốn xăng, mỗi ngày phải đổ 3 - 6 bình xăng tùy vào việc đi xa hay gần. Săn châu chấu trong tỉnh cứ 4 ngày lại đổ 1 bình, còn đi ngoại tỉnh 2 ngày đổ 1 bình. Một chiếc xe máy tầm trung dùng để săn châu chấu chỉ được 3 năm là tàn…Riêng vợt săn châu chấu thì hư, rách thường xuyên. Rách chỗ nào thì dừng xe, sửa tức thời chỗ đó. Ảnh: Huy Thư |
Săn châu chấu giữa mùa gặt vụ chiêm nắng như đổ lửa khá vất vả. Đi làm sớm quá thì châu chấu chưa lên, còn đi muộn thì trời nắng, chạy xe rất mệt. Những hôm nắng nóng khốc liệt như những ngày qua, nhiều người chỉ làm buổi sáng, kết thúc buổi trưa do quá mệt nên ra về luôn. Trong quá trình chạy xe, người làm nghề nếu không quan sát lượng xăng, xe có thể hết xăng giữa ruộng, rất khó nhọc. Ảnh: Huy Thư |
Nếu xe bị hư giữa ruộng, như chết máy, đứt xích, thủng xăm... người làm nghề phải mày mò tự sửa hoặc phải dừng công việc mang xe đi tiệm sửa, có khi phải quay về. Mặc dù, dân làm nghề thường rất dụng công trong việc sắm chiếc xe ít hỏng hóc, nhưng sự cố hư xe vẫn thường xuyên xảy ra. Trong ảnh: Một thợ săn "tôm bay" quê TX. Hoàng Mai bị hư xe giữa ruộng tại huyện Thanh Chương. Ảnh: Huy Thư |
Công việc săn "tôm bay" khá vất vả, đổi lại việc tiêu thụ khá dễ dàng. Người dân đi săn về được bao nhiêu châu chấu lái buôn sẽ thu mua hết bấy nhiêu. Hiện giá châu chấu thịt bán nhập là 170.000 đồng/kg, châu chấu cốm là 200.000 đồng/kg. Săn châu chấu là nghề phụ mang tính tự phát, nhưng đem lại thu nhập chính cho những người dân theo nghề. Mỗi ngày ra đồng, lao động tích cực, mỗi người có thể kiếm được 500.000 - 700.000 đồng, thậm chí tiền triệu. Ảnh: Huy Thư |
Điều khiển xe máy săn châu chấu trên ruộng. Video: Huy Thư |