‘Làn gió mới’ ở mường Choọng

Khánh Ly- Quỳnh An 01/09/2023 07:46

(Baonghean.vn) -Về với xã Châu Lý - đất mường Choọng xưa, là địa bàn khó khăn của huyện miền núi Quỳ Hợp, đến đâu cũng nghe náo nức chuyện hiến đất, mở đường, phát triển cây nguyên liệu, làm du lịch cộng đồng. Phong trào xây dựng nông thôn mới đã giúp xã nghèo khởi sắc, đưa ấm no về với đồng bào.

“Đường mở đến đâu, hiến đất đến đó”

Đến thăm bản Lấu, xã Châu Lý, ấn tượng đầu tiên là những con đường bê tông thoáng đãng uốn lượn bên những cánh đồng lúa xanh trải dài nối vào chân núi gợi cảnh sắc yên bình.

Những ruộng lúa nước xanh mơn mởn ở bản Lấu xã Châu Lý.jpg
Những ruộng lúa nước xanh mơn mởn ở bản Lấu, xã Châu Lý. Ảnh: KL

Làm “hoa tiêu” dẫn đường cho chúng tôi, chị Mai Hương - cán bộ phụ trách mảng địa chính - nông nghiệp xã Châu Lý cho biết: Là địa bàn thuần nông có 74 hộ, 334 nhân khẩu, lao động chủ yếu sản xuất nông nghiệp, nhưng bản Lấu là một trong những bản đi đầu trong xây dựng nông thôn mới, nhất là phong trào hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn...

Gặp Bí thư Chi bộ bản Lấu - chị Trần Thị Lý đang đi kiểm tra tình hình sản xuất trên đồng ruộng, chị vui vẻ cho biết: Bản đang phấn đấu về đích nông thôn mới trong năm nay, hiện đã đạt 10/13 tiêu chí. Bên cạnh chăm lo phát triển kinh tế, với lợi thế có nhiều tổ xây dựng, người dân của bản tích cực góp sức tu sửa, chỉnh trang khuôn viên, bờ rào của mỗi gia đình, ngõ xóm. Trong 6 tháng đầu năm 2023, bản được cấp 150 tấn xi măng, Chi bộ đã họp triển khai vận động nhân dân góp gần 160 triệu đồng tiền mặt, huy động 350 ngày công làm gần 1,7 km đường bê tông nội bản.

FotoJet.jpeg
Đường giao thông nông thôn ở bản Lấu (xã Châu Lý, Quỳ Hợp) được xây dựng thoáng, rộng ( ảnh trên); Ông Trương Xuân Thảo (áo trắng) ở bản Lấu, xã Châu Lý trao đổi về tinh thần tự nguyện hiến đất mở đường. Ảnh: Khánh Ly- Quỳnh An

Thời gian qua, trong khí thế sôi động “làm” nông thôn mới ở xã Châu Lý, câu chuyện bà con hiến đất, hiến cây mở đường giao thông gợi nhiều cảm xúc đối với đội ngũ lãnh đạo xã, bản và khách xa tới đây. Đáng quý nhất là bà con hiến đất mà không hề có chút tính toán thiệt hơn.

Bí thư Chi bộ bản Lấu vừa dẫn chúng tôi đi vào thăm bản vừa kể :“Đoạn ngã ba vào bản này, trước đây góc cua nhỏ hẹp, bị che khuất tầm nhìn nên xe cộ qua lại khó khăn, nhất là ô tô. Khi xóm có chủ trương làm đường, gia đình ông Trương Xuân Bảo đã tự nguyện tháo dỡ bờ rào, hiến đất chiều ngang 3m, chiều dài hơn 20m để mở rộng góc cua, lòng đường cũng được nới rộng thêm 2m thuận tiện cho xe cộ đi lại dễ dàng”.

Trò chuyện với chúng tôi bên dãy bờ rào mới được xây lại, quét vôi trắng tinh, ông Bảo hồn hậu chia sẻ “tấc đất, tấc vàng thật đấy, nhưng để làm đẹp đường, đẹp xóm, gia đình tôi không thấy tiếc”.

11_Ngã 3 trung tâm bản Lâú được mở rộng giúp bà con địa phương đi lại dễ dàng..jpg
Ngã 3 trung tâm bản Lấu được mở rộng giúp bà con địa phương đi lại dễ dàng. Ảnh: QA

Phong trào “đường mở đến đâu, bà con hiến đất đến đó” cũng giúp các công trình giao thông trên địa bàn bản Xết của xã Châu Lý được thực hiện một cách nhanh chóng. Tuy bản còn nhiều khó khăn (có đến 25% hộ nghèo), nhưng quá trình vận động xây dựng nông thôn mới luôn nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân.

“Đầu năm 2023, người dân bản Xết đã giải phóng mặt bằng, làm nền 3 tuyến đường, tổng chiều dài gần 2 km. Đối với đời sống kinh tế còn khó khăn như bản Xết, thì đó là nỗ lực cao của bà con”, Bí thư Chi bộ bản Xết - ông Trương Văn Kiên cho hay.

FotoJet.jpeg
Người dân bản Xết xã Châu Lý, hiến đất, hiến cây, hiến bờ rào để mở rộng đường giao thông nông thôn. Ảnh CSCC

Khi có chủ trương của cấp trên, nhiều hộ dân bản Xết tự nguyện hiến đất, hiến cây để làm đường giao thông nông thôn. Trong đó, phải kể đến gia đình anh Nguyễn Văn Ngọc đã hiến 40m bờ rào kiên cố, 3 cây lát hoa đã nhiều năm tuổi, 1 hồ nước và hơn 200 cây keo giá trị lên tới cả trăm triệu đồng. “Gia đình tôi ủng hộ việc chung của bản, không màng tới chuyện được, mất, là vì hiểu được và mong muốn quê hương luôn phát triển, đời sống người dân như chúng tôi ngày một khấm khá” - anh Ngọc mộc mạc, chân tình chia sẻ.

Châu Lý là xã đặc biệt khó khăn thuộc huyện Quỳ Hợp, với tổng diện tích tự nhiên 6.559 ha, dân số 1.547 hộ, với 7.264 nhân khẩu thuộc 3 dân tộc Kinh, Thái, Thổ chung sống tại 11 bản. Trước đây, hệ thống giao thông chưa được đầu tư đồng bộ, kinh tế kém phát triển.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đặt mục tiêu: Phát huy tối đa các nguồn lực, từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ; đề xuất, xúc tiến, thu hút đầu tư mở các tuyến đường nối Châu Lý đi Thọ Sơn (Anh Sơn), Thạch Ngàn (Con Cuông), Châu Lý đi Tân Hợp (Tân Kỳ), xây dựng xã nhà thành điểm trung tâm kết nối phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nam Nghệ An.

dáng-vóc-con-đường-Châu-Lý-Tân-Kỳ-Tân-Hợp-Quỳ-Hợp-đã-bắt-đầu-hình-thành.jpeg
Dáng vóc con đường Châu Lý ( Tân Kỳ )- Tân Hợp (Quỳ Hợp) đã bắt đầu hình thành. Ảnh: KL

Ghé qua bản Choọng Bùng, cùng một niềm vui nghe chuyện bà con dân bản hiến đất, chuyển nhà để mở đường. Đó là gia đình anh Vi Văn Phố tự nguyện tháo dỡ hẳn ngôi nhà ở để phục vụ mặt bằng thi công công trình cầu cứng thuộc dự án đường Châu Lý (Quỳ Hợp) - Tân Hợp (Tân Kỳ).

Theo chia sẻ của Bí thư Chi bộ bản Choọng Bùng - anh Lô Văn Hoàng (người tiên phong hiến 700m2 đất sản xuất làm đường), thì toàn bản có 36 hộ hiến đất ruộng, cây cối để phục vụ thi công dự án đường Châu Lý - Tân Hợp; trong đó, gia đình anh Phố bị ảnh hưởng lớn nhất, bởi có ngôi nhà sàn 3 gian bề thế mà theo bản vẽ thi công thì nằm ngay ở vị trí tim mố cầu cứng trên tuyến.

Anh-2.png
Người dân giúp gia đình anh Vi Văn Phố bản Chọong Bùng dỡ nhà để phục vụ làm cầu, làm đường đường. Ảnh: CSCC

Trò chuyện, anh Vi Văn Phố nói: “Ngôi nhà mua lại của người khác từ năm 2016 trên diện tích 452m2, với trị giá 360 triệu đồng cho gia đình con trai cả ra ở riêng. Nhà gắn bó với gia đình bao năm, nay dỡ đi, cũng tiếc lắm chứ! Nhưng nghĩ đi, nghĩ lại vì lợi ích chung nên tôi đã vận động vợ con tháo dỡ để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Hiện tôi đang dựng tạm lán trại cho gia đình con trai ở”...

Theo quy hoạch tuyến đường giao thông liên huyện từ bản Choọng Bùng, xã Châu Lý (Quỳ Hợp) đến xã Tân Hợp (Tân Kỳ) có tổng đầu tư dự kiến lên đến 70 tỷ đồng, với tổng chiều dài 11,5 km được kỳ vọng sẽ giúp xã Châu Lý thúc đẩy phát triển kinh tế, trở thành trung tâm vùng Tây Nam của huyện.

Anh-vi-văn-phố-và-vợ-chồng-con-trai-cùng-với-bí-thư-chi-bộ-bản-chọong-Bùng-tại-vị-trí-vốn-trước-đây-có-ngôi-nhà-sàn-cũ-đã-tháo-dỡ-phục-vụ-làm-cầu.jpeg
Anh Vi Văn Phố và vợ chồng con trai cùng với Bí thư Chi bộ bản Choọng Bùng tại vị trí vốn trước đây có ngôi nhà sàn cũ đã tháo dỡ phục vụ làm cầu cứng trên tuyến đường nối Châu Lý (Quỳ Hợp) với Tân Hợp (Tân Kỳ). Ảnh: KL

Ông Vi Văn Quành - Chủ tịch UBND xã Châu Lý cho biết: Sau khi nắm được thông tin về việc triển khai thi công tuyến đường, đặc biệt là dự án không có kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng, xã chỉ đạo toàn hệ thống chính trị từ xã đến xóm tuyên truyền, phổ biến cho người dân hiểu rõ. Đến khi dự án triển khai, có 126 hộ thuộc các bản Choọng Bùng, Thắm, Xết, Bồn… bị ảnh hưởng hoa màu, cây cối, nhà cửa, công trình cổng, bờ rào kiên cố. Tuy nhiên, tinh thần của bà con đều sẵn sàng ủng hộ vì lợi ích chung.

Nói về quyết tâm mở đường, ông Cao Duy Thái - Bí thư Đảng ủy xã Châu Lý cho hay: Xác định giao thông có vai trò cực kỳ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương giai đoạn hiện nay, cũng như chiến lược phát triển trong tương lai. Nửa nhiệm kỳ qua, Đảng ủy, chính quyền xã đặc biệt ưu tiên quy hoạch, mở rộng, nâng cấp các tuyến đường để kết nối xã Châu Lý thành trung tâm vùng Tây Nam của huyện, của vùng với tổng mức đầu tư trên 120 tỷ đồng.

Những tuyến đường giao thông ở châu lý đang được triển khai xây dựng nhờ sự ủng hộ củ người dân2.jpg
Những tuyến đường giao thông ở Châu Lý đang được triển khai xây dựng nhờ sự ủng hộ của người dân. Ảnh: CSCC

Bên cạnh dự án đường giao thông nối bản Choọng Bùng, xã Châu Lý (Quỳ Hợp) với xã Tân Hợp (Tân Kỳ) hiện đang triển khai đồng bộ, còn có tuyến đường nối bản Khúa (xã Châu Lý) và bản Cáng (xã Châu Đình) với tổng mức đầu tư 35 tỷ đồng, dự kiến sẽ thi công trong năm 2024. Tuyến đường này hoàn thành sẽ thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế, kết nối xã Châu Lý với các xã Châu Đình, Văn Lợi...

Nhiều tuyến đường bê tông nội xã được đầu tư bài bản, như tuyến đường bản Bồn, bản Thắm với tổng mức đầu tư 7,7 tỷ đồng; tuyến đường bản Bồn - bản Bàng với tổng mức đầu tư 10,8 tỷ đồng; tuyến đường bản Côn Xáo, Ngọn Pạn, Choọng Bùng, bản Lấu đưa vào sử dụng tháng 5 năm 2023, với tổng mức đầu tư 1,8 tỷ đồng... đã và đang tạo nên một diện mạo mới, đáp ứng yêu cầu phát triển trên địa bàn.

Một trong những điểm mạnh của xã Châu Lý là “Ý Đảng, lòng dân đồng thuận”, người dân tin tưởng vào các quyết sách vì dân của Đảng ủy, chính quyền địa phương. Trong nửa nhiệm kỳ qua, người dân đã tự nguyện hiến đất, hiến cây, tháo dỡ công trình, thuê ô tô, máy xúc để mở đường giao thông, tạo nên phong trào sôi nổi. Các tuyến đường nội bản mới mở đều có chiều rộng từ 7- 9 mét. Số kinh phí đã huy động từ “sức dân” để xây dựng nông thôn mới là 1.440 triệu đồng; ngoài ra, người dân còn đóng góp 7.722 ngày công, hiến 20.048 m2 đất và 1.440 cây các loại”- Bí thư Đảng ủy Cao Duy Thái phấn khởi nói.

Khai phá tiềm năng, thế mạnh

Mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng nay cũng đang được cấp ủy, chính quyền, người dân các thôn, bản trên địa bàn xã Châu Lý quan tâm. Là mảnh đất giàu bản sắc văn hóa và hội tụ nhiều tiềm năng, với các danh thắng như thác Bìa, thác Tấn, thác Ken, cùng hệ thống hang đá kỳ thú như hang bản Vực, bản Thắm, hang lèn đá Đồng Vình và các mó nước trong vắt ở các bản Vực 1, Vực 2, bản Bồn… Đặc biệt là Di tích Lịch sử đền Choọng nổi tiếng miền Tây Bắc xứ Nghệ, tọa lạc trên núi Pu Đên thuộc trung tâm Mường Choọng xưa, sông núi hữu tình, trầm tích văn hóa và đời sống tinh thần vô cùng phong phú.

Lễ hội Đền Choọng, xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp. anh Lao Thanh Chương.jpeg
Lễ hội Đền Choọng, xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp. Ảnh tư liệu: Lao Thanh Chương

Hiện nay, được sự quan tâm đặc biệt của Huyện ủy, UBND huyện Quỳ Hợp, xã Châu Lý bắt đầu triển khai quảng bá và phát huy giá trị di tích lịch sử và danh thắng trên địa bàn. Quyết tâm ấy thể hiện qua việc đưa du lịch cộng đồng bản Choọng Bùng đi vào hoạt động theo mô hình homestay.

Ông Lô Văn Hoàng - Bí thư Chi bộ bản Choọng Bùng cho biết thêm: Khi mới bắt đầu, những người nông dân suốt đời gắn bó với hạt lúa, củ khoai như chúng tôi chưa ai hiểu làm du lịch cộng đồng là như thế nào? Nhưng được sự động viên của chính quyền địa phương, qua các chuyến đi học tập tại các điểm du lịch homestay ở trong tỉnh và các tỉnh bạn như Pù Luông (Thanh Hóa), Mai Châu (Hòa Bình)…, chúng tôi đã đúc rút kinh nghiệm để về xây dựng các điểm du lịch cộng đồng đầu tiên của bản mang đậm bản sắc văn hóa của mường Choọng.

Nhờ vậy, dù đi vào hoạt động chưa lâu, nhưng mô hình homestay đã trở thành điểm đến yêu thích cho du khách, mở ra hướng mới trong phát triển của địa phương.

Cổng-vào-homestay-bản-Choọng-Bùng..jpg
Cổng vào homestay bản Choọng Bùng. Ảnh: Q.A

Dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, nhưng do xuất phát điểm thấp nên tỷ lệ hộ nghèo của địa phương còn cao (chiếm 23,34%), nhiều hộ còn khó khăn về nhà ở. Đó cũng là trăn trở lớn nhất của cấp ủy, chính quyền địa phương. Do vậy, Ban Chấp hành Đảng bộ xã Châu Lý nhiệm kỳ 2020-2025 đã có cuộc họp bàn, tìm hướng phát triển kinh tế dựa trên tiềm năng, thế mạnh sẵn có. Trong đó, xác định tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng lâm nghiệp, ngành nghề, dịch vụ; tuyên truyền, vận động người dân đổi mới cách nghĩ, cách làm, chú trọng phát triển chế biến, vận tải gỗ keo nguyên liệu và dịch vụ hỗ trợ, nhằm tăng hiệu quả kinh tế trên diện tích rừng trồng.

Chủ tịch UBND xã Vi Văn Quành thông tin thêm: Với tổng diện tích rừng trồng hiện có trên 3.000 ha keo nguyên liệu, theo chu kỳ hiện tại thì mỗi năm xã nhà khai thác và trồng mới luân phiên ước đạt 500 ha keo nguyên liệu. Với giá thời điểm năm 2022, tổng thu mỗi héc-ta keo ước đạt 130 triệu đồng; tổng toàn xã năm 2022 thu nhập từ cây keo ước đạt 65 tỷ đồng.

Thu nhập từ cây keo đã và đang trở thành một thế mạnh trong phát triển kinh tế của xã Châu Lý; hiện đã hình thành nhiều nhóm nhân công chuyên trồng, làm cỏ, khai thác và vận chuyển keo; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn. Cùng với ổn định diện tích cây keo, cơ cấu kinh tế đang phát triển theo hướng mở ngành nghề, dịch vụ.

Trên địa bàn ngoài có 4 trạm cân thu mua của 4 xưởng chế biến keo, hiện một dự án lớn về đầu tư nhà máy thu mua và chế biến gỗ keo nguyên liệu (Công ty THT) đã và đang tiến hành thủ tục xin cấp phép đầu tư tại bản Khúa. Thương mại, dịch vụ phát triển nhanh với hệ thống ốt, quán đa dạng dọc theo trục Quốc lộ 48C, từ sửa chữa điện tử, ô tô, xe máy đến kinh doanh hàng tạp hóa, ăn uống và chăm sóc sức khỏe, đáp ứng nhu cầu của người dân, tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho bà con các thôn, bản trên địa bàn.

Không gian homestay ở Choọng Bùng; Thác Bản Bìa (xã Châu Lý, Quỳ Hợp); Cọn nước xã Châu Lý (Quỳ Hợp). anh tu lieu Hoàng Vĩnh, P.V, Lê Quang Dũng.png
Không gian homestay ở Choọng Bùng; Thác Bản Bìa (xã Châu Lý, Quỳ Hợp); Cọn nước xã Châu Lý (Quỳ Hợp). Ảnh tư liệu: Hoàng Vĩnh, P.V, Lê Quang Dũng

Châu Lý “vùng khó” hôm nay thực đã chuyển mình, xứng với kỳ vọng trung tâm cụm xã từ hàng thập kỷ về trước. Sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh, huyện cùng với những bước đi sáng tạo, đúng đắn của Đảng bộ, chính quyền địa phương trong khai thác tiềm năng, thế mạnh; biết phát huy tinh thần đoàn kết, “trên dưới đồng lòng” của đồng bào các dân tộc trong công cuộc giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới... đã và đang tạo luồng gió mới giúp xã từng bước tự tin vươn lên.

Mới nhất

x
‘Làn gió mới’ ở mường Choọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO