Độc đáo ẩm thực ngày Tết của các dân tộc vùng cao Nghệ An
(Baonghean.vn) - Mỗi dân tộc ở vùng cao Nghệ An như Thái, Mông, Khơ mú đều có những nét độc đáo riêng trong văn hóa ẩm thực. Tết đến Xuân về, họ đều chuẩn bị cho gia đình những món ăn đặc trưng để vừa cúng tổ tiên vừa tiếp khách quý.
Mỗi dân tộc ít người ở miền Tây Nghệ An đều có một cái Tết riêng, tuy nhiên, hiện nay, đồng bào cũng đều tổ chức vui Tết Nguyên đán cổ truyền của toàn đại dân tộc Việt Nam. |
Trong những món ăn ngày Tết, rượu cần là thức uống không thể thiếu của người Thái, Khơ mú. Mỗi cuộc vui dài hay ngắn đều tùy thuộc vào số lượng rượu cần do gia chủ chuẩn bị. |
Với người Khơ mú, trong mâm cúng ngày Tết, bí đỏ là món bắt buộc để thể thiện tấm lòng thủy chung, nhớ ơn của con cháu đối với tổ tiên. |
Ngoài ra, cộng đồng này còn có món cá nướng, hoặc moọc cá. Theo quan niệm, cá dùng để cúng nhằm cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa. |
Mâm cúng ngày Tết của cộng đồng Khơ mú. |
Có một điều khác biệt hơn trong cộng đồng người Thái, ấy là mâm cơm ngày Tết của họ món không thể thiếu là thịt giàng, rượu cẩm, lạp xường. |
Món lạp xường của người Thái. |
Những gia đình nào chuẩn bị kỹ càng hơn thì có thêm món rêu đá. Rêu đá được vớt từ khe suối lên và làm sạch qua nhiều công đoạn sau đó mới chế biến. |
Đối với người Mông, trong lễ Tết hay bất kỳ sự kiện trọng đại nào, thịt lợn là thực phẩm quan trọng. Lợn được làm ra một phần dùng để ăn, một phần dùng để biếu thầy mo và họ hàng bên ngoại. |
Phần ruột được người Mông làm sạch và phơi khô trên gác bếp sau đó chế biến thành món “nhú dử” (một kiểu làm dồi nhưng nhân là nếp và nhiều loại gia vị khác) để đãi khách quý. |
Ngoài ra, một số gia đình kể cả người Thái, Mông hay Khơ mú đều dự trữ được một ít thịt thú thuộc loài chuột rừng phơi khô làm thực phẩm trong ngày Tết. |