Vì sao doanh nghiệp Nghệ An khó giữ chân lao động chất lượng cao?

Diệp Thanh 22/03/2022 14:29

(Baonghean.vn) - Để sự hợp tác trong đào tạo và kết nối cung - cầu lao động giữa các trường nghề và doanh nghiệp ở Nghệ An hiệu quả, lâu dài, doanh nghiệp và nhà trường cần có kết nối để xây dựng kế hoạch, lộ trình, chương trình đào tạo... đặc biệt là tăng mức lương và bổ sung các chính sách hỗ trợ lao động.

KẾT NỐI, THIẾU VÀ THỪA

Vừa qua, dưới sự sắp xếp của KKT Đông Nam và Sở LĐ-TB&XH, một cuộc làm việc giữa doanh nghiệp và các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn đã được tổ chức. Sự kiện nhằm giải quyết tình trạng thiếu lao động. Cũng từ cuộc làm việc này có thể thấy mối quan hệ, kết nối giữa nhà trường và nhà tuyển dụng trên địa bàn tỉnh còn nhiều vấn đề cần bàn.

Hội thảo kết nối cung cầu lao động giữa nhà đầu tư, nhà nước và nhà trường năm 2021. Ảnh: D.T

Vấn đề này đã từng được đề cập đầu năm 2021, khi Ban Quản lý KKT Đông Nam cũng đã tổ chức một hội thảo kết nối cung cầu lao động giữa 3 nhà: Nhà đầu tư - Nhà nước - Nhà trường. Tại hội thảo này, đại diện Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam đã giới thiệu về nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, các dự án trong Khu Kinh tế Đông Nam và Khu Công nghiệp Nghệ An năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó nêu rõ nhu cầu sử dụng lao động tại các doanh nghiệp dự tính cũng sẽ tăng cao đột biến cả về lao động chất lượng cao và lao động phổ thông. Đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các trường đại học, cao đẳng cũng đưa ra những giải pháp để phát triển nguồn nhân lực trong thời gian tới, đồng thời đẩy mạnh công tác gắn kết với doanh nghiệp để tạo việc làm bền vững sau đào tạo.

Phát biểu tại hội thảo, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh khẳng định, với hơn 1,9 triệu lao động (nguồn lao động dư), Nghệ An sẽ cung cấp đủ lao động theo nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp. Tỉnh cũng đề nghị các nhà đầu tư cần đưa ra các tiêu chí cần thiết về số lượng lao động, thời gian tuyển dụng, cam kết về tuyển dụng, việc làm, chế độ phúc lợi...

Đại diện các trường tham quan doanh nghiệp trước khi xây dựng chương trình kết nối lao động. Ảnh: D.T
Đại diện các trường tham quan doanh nghiệp trước khi xây dựng chương trình kết nối lao động. Ảnh: D.T

Mong muốn là vậy, nhưng kể từ đó đến nay, sự kết nối này chưa thật sự được quan tâm và cho đến khi xảy ra tình trạng thiếu lao động trầm trọng từ sau Tết Nguyên đán 2022, một doanh nghiệp lớn trên địa bàn mới cấp tập cầu cứu các ban, ngành liên quan để có được sự chi viện khẩn từ nguồn lao động ở các trường đại học, cao đẳng, đào tạo nghề.

Ông Hồ Văn Đàm - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc chia sẻ: “Thực tế là chúng tôi không thiếu nguồn lực lao động nhưng từ trước đến nay chủ yếu kết nối, cung cấp cho các doanh nghiệp thuộc các tỉnh phía Bắc. Trong 52 doanh nghiệp mà chúng tôi từng kết nối cung cấp lao động chất lượng cao thì chỉ khoảng 10 doanh nghiệp là nội tỉnh. Đây là lần thứ 3 chúng tôi được kết nối với một doanh nghiệp lớn trên địa bàn”. Không chỉ Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, đại diện nhiều trường trên địa bàn tỉnh cũng cùng ý kiến.

KHÔNG ĐỂ “CHẢY MÁU” LAO ĐỘNG

Lý giải sự phối hợp thiếu nhịp nhàng, gắn kết giữa nhà trường với các doanh nghiệp trên địa bàn, ông Hồ Văn Đàm - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc cho biết: “Các doanh nghiệp ngoài tỉnh, nhất là những tập đoàn lớn ở các tỉnh phía Bắc có sự chủ động hơn trong kết nối với nhà trường. Hàng năm đều đưa ra những kế hoạch làm việc cụ thể bao gồm số lượng thời gian, lưu ý về chương trình đào tạo... Ngoài ra, thế mạnh về công nghệ, máy móc hiện đại và mức lương cũng là ưu điểm nổi trội của những đơn vị này. Chính vì thế, sinh viên có nguyện vọng đi thực tập ở đây nhiều hơn”.

Lớp học may của Trường Trung cấp DTNT Nghệ An. Ảnh: Mỹ Hà

Tuy nhiên, để sự hợp tác trong đào tạo và kết nối cung - cầu lao động giữa các trường nghề và doanh nghiệp ở Nghệ An hiệu quả, lâu dài, doanh nghiệp và nhà trường cần ngồi lại với nhau, xây dựng kế hoạch, lộ trình, chương trình đào tạo, đặc biệt là cập nhật công nghệ, hỗ trợ thiết bị, máy móc. Đối với lao động kỹ thuật cao, các doanh nghiệp cần phải ký hợp đồng đào tạo riêng để nhà trường có kế hoạch tuyển sinh, đồng thời phải có phương án để ràng buộc người lao động sau đào tạo.

Ông Trần Thanh Hà - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Vinh cho rằng, doanh nghiệp và nhà trường cần phải khớp nhau về chương trình đào tạo, tránh tình trạng khi sinh viên có thể đi làm thì doanh nghiệp không cần, khi doanh nghiệp cần hỗ trợ thì sinh viên đang vào mùa thi hay đã có kế hoạch thực tập nơi khác.

Ông Hồ Văn Đàm - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc cho rằng, doanh nghiệp cần thay đổi vấn đề tiền lương và bổ sung các chính sách hỗ trợ để thu hút lao động từ các trường. Ảnh: D.T

Ngoài chương trình đào tạo, thiết bị thực hành thì vấn đề tiền lương và các chính sách hỗ trợ cũng là quan tâm hàng đầu của sinh viên. "Lương là vấn đề cốt lõi để người lao động đưa ra quyết định có làm ở doanh nghiệp hay không. Nhân lực không mặn mà làm việc tại Nghệ An vì thu nhập thấp hơn các khu vực khác. Người lao động sẵn sàng bỏ một tháng thu nhập để chi trả chi phí vào miền Nam làm việc và họ có thể kiếm tiền bù khoản chi phí này trong vài tháng sau" - ông Trần Ngọc Quang - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật số 1 Nghệ An thẳng thắn chia sẻ.

Trong cuộc làm việc với doanh nghiệp, từ chia sẻ của các trường có thể thấy rằng, sinh viên được kết nối cơ bản 100% có việc làm, thực tập sinh nhà trường giới thiệu làm việc tại các doanh nghiệp có mức lương khởi điểm từ 5-8 triệu đồng. Ở các tập đoàn lớn, nhiều lao động mới ra trường có thể có được mức lương 12 triệu đồng/tháng mà không cần quá cố gắng. Trong trường hợp tăng ca thì có thể lên đến 14-15 triệu đồng. Không ít sinh viên chia sẻ, các em chọn ngoại tỉnh vì làm 1 năm xa nhà bằng làm 1 năm rưỡi ở gần nhà.

Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề của doanh nghiệp khá lớn. Tuy nhiên, nhiều học sinh vẫn thích đi làm thay vì đi học nghề. Ảnh: Mỹ Hà

Có thể khẳng định, sự kết nối giữa các trường và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ đem lại nhiều lợi ích. Doanh nghiệp có được lao động chất lượng cao, nhà trường thuận lợi trong xây dựng chương trình đào tạo, dễ dàng kiểm tra, giám sát sinh viên, sinh viên không phải đi xa. Không những thế, đây cũng là cách góp phần hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào Nghệ An. Tuy nhiên, để đạt được những lợi ích trên, rất cần đến sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp chính quyền, ban ngành liên quan cũng như sự thay đổi, chủ động từ các doanh nghiệp.

“Chúng tôi hy vọng sau sự kiện này, sự phối hợp giữa doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và nhà trường sẽ có những chuyển biến, mở ra nhiều cơ hội hợp tác, cải thiện tình trạng “chảy máu” lao động trong tương lai” - ông Hồ Văn Đàm - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc bày tỏ./.

Mới nhất

x
Vì sao doanh nghiệp Nghệ An khó giữ chân lao động chất lượng cao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO