Kinh tế

Vì sao nhiều hộ dân ở Quế Phong chưa chuyển đến điểm tái định cư Pù Sai Cáng?

Xuân Hoàng - Quang An 18/09/2024 13:49

Khu tái định cư Pù Sai Cáng đã hoàn thành, bàn giao cho địa phương từ tháng 6/2024, nhưng đến nay, nhiều gia đình trong số 33 hộ dân nằm trong khu vực nguy cơ lũ quét và sạt lở núi của bản Mường Phú và Mường Piệt, xã biên giới Thông Thụ (Quế Phong) vẫn "cố thủ" tại nơi ở cũ.

Clip: Xuân Hoàng - Quang An

"Cố thủ" bên miệng hà bá

Ngày 17/9, chúng tôi có mặt tại khu tái định cư Pù Sai Cáng của xã biên giới Thông Thụ, huyện Quế Phong. Cả 2 điểm tái định cư đã hoàn thành phần mặt bằng, xây dựng hạ tầng điện, đường, nước… và bàn giao cho địa phương di dời dân đến sinh sống. Tuy nhiên, lúc này chỉ có 2 hộ dân đang tiến hành vận chuyển vật liệu xây dựng, làm móng nhà, còn lại phần lớn diện tích cả 2 điểm tái định cư đang bỏ không.

tdc 17
Toàn cảnh khu tái định cư Pù Sai Cáng tại xã Thông Thụ, huyện Quế Phong. Ảnh: Xuân Hoàng

Anh Hà Văn Hùng đang thu xếp vật liệu xây dựng, chuẩn bị đón thợ về làm nhà cho biết, gia đình anh ở bản Mường Piệt, cạnh con suối Nậm Piệt, thuộc diện phải di dời khẩn cấp, tránh lũ ống, lũ quét. Sau khi khu tái định cư hoàn thành, tháng 7 vừa qua, xã vận động các hộ dân bốc thăm nhận lô nền làm nhà ở, thì gia đình bốc được thăm số 09. Nhận được phần đất tái định cư, gia đình quyết định xây dựng nhà để ổn định cuộc sống.

tdc 15
Lối vào khu tái định cư Pù Sai Cáng. Ảnh: Xuân Hoàng

Được Nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng, tôi cùng với gia đình vay Ngân hàng Chính sách xã hội 100 triệu đồng để làm nhà. Cách đây 5 ngày, tổ thợ đã làm xong móng nhà rộng 65m2 và gia đình vận chuyển gạch, cát, sỏi…, ít hôm nữa sẽ tiến hành xây tường, phấn đấu hoàn thành nhà để cả gia đình lên sinh sống trong tháng 10 tới. Lâu nay sinh sống nơi ở cũ, mỗi khi đến mùa mưa bão là nơm nớp lo sợ lũ quét.

Anh Hà Văn Hùng ở xã Thông Thụ (Quế Phong)

tdc 9
Gia đình anh Hà Văn Hùng là hộ dân đầu tiên làm móng nhà trên khu tái định cư. Ảnh: Quang An

Cạnh đó là hộ ông Quang Văn Diện cũng đã làm xong móng nhà và tiếp tục vận chuyển các loại vật liệu, chuẩn bị cho việc làm nhà mới. Như vậy, khu tái định cư Pù Sai Cáng đến thời điểm này mới chỉ có 2 hộ dân đến làm nhà ở, sau khi bốc thăm nhận lô nền.

tdc 2
Hàng chục hộ dân sống cạnh suối Nậm Piệt - nơi mực nước thường dâng cao vào mùa lũ. Ảnh: Xuân Hoàng

Tìm hiểu được biết, trong số 33 hộ dân bản Mường Phú và Mường Piệt, xã Thông Thụ nằm trong diện phải di dời đến khu tái định cư, thì hiện nay chỉ có 17 hộ đã bốc thăm nhận lô nền, còn 16 hộ chưa chịu bốc thăm nhận lô nền tái định cư.

Đến khu vực bản Mường Piệt và Mường Phú cho thấy, hàng chục ngôi nhà của người dân sinh sống hai bên Quốc lộ 48, phía ta luy âm sát với miệng hà bá là dòng suối Nậm Piệt, bắt nguồn từ nước bạn Lào về; phía ta luy dương là khu vực đồi núi, nhiều điểm có nguy cơ sạt lở cao.

tdc 12
Những ngôi nhà cách dòng suối chỉ vài mét. Ảnh: Quang An

Gặp ông Lương Văn Nguyên - Trưởng bản Mường Phú, cũng là một trong những hộ chưa chịu bốc thăm nhận lô nền nhà ở tái định cư. Ông Lương Văn Nguyên cho biết nguyên nhân chưa bốc thăm nhận lô nền nhà ở tái định cư, là do gia đình sinh sống ở đây nhiều năm, nhà cửa và các công trình phụ đã được đầu tư, nếu chuyển lên điểm tái định cư thì không có điều kiện để xây dựng lại từ đầu. Cùng đó, mới rồi gia đình đầu tư 48 triệu đồng xây kè chống sạt lở phía sau nhà bằng bê tông, cốt thép, cao hơn mặt nước của con suối Nậm Piệt 3m, nên phần nào yên tâm hơn.

“Hiện gia đình đang đề xuất địa phương cho ở lại nơi ở cũ, nếu chính quyền địa phương kiên quyết di dời dân thì gia đình chấp hành đến khu tái định cư, nhưng đề nghị xã cho gia đình tiếp tục sản xuất trên phần đất ở cũ. Đây cũng là mong muốn của 8 hộ dân trong bản hiện chưa bốc thăm nhận lô nền nhà ở tại khu tái định cư”, ông Lương Văn Nguyên chia sẻ.

bna_tdc6.jpg
Gia đình ông Lương Văn Nguyên đã đổ đất, làm kè để ngăn sạt lở. Ảnh: Quang An

Đối với 15 hộ đã bốc thăm nhận lô nền nhà ở tại khu tái định cư, nhưng chưa làm nhà, tìm hiểu nguyên nhân được biết, do hoàn cảnh phần lớn các gia đình là hộ nghèo, chưa có đủ điều kiện làm nhà, cùng đó, bà con kiêng tháng 7 âm lịch, khi hết tháng 7 thì thời tiết không thuận lợi, mưa nhiều. Đây chính là nỗi lo của địa phương khi mùa mưa lũ đang đỉnh điểm.

Đặt an toàn của người dân lên trên hết

Trao đổi với phóng viên, ông Lương Văn Huân – Chủ tịch UBND xã Thông Thụ cho biết: Địa phương có 33 hộ dân thuộc diện phải di dời khẩn cấp do nằm trong vùng sạt lở và lũ quét, đã lập danh sách từ nhiều năm trước, đặc biệt là sau trận lũ năm 2018. Sau khi khu tái định cư Pù Sai Cáng hoàn thành, bàn giao cho địa phương trong tháng 6 vừa qua, xã đã tuyên truyền, vận động các hộ dân bốc thăm nhận lô nền làm nhà ở trước mùa mưa lũ. Tuy nhiên, đến thời điểm này mới có 17 hộ bốc thăm nhận lô nền, trong đó, 2 hộ đang tiến hành làm nhà, còn 16 hộ chưa chịu bốc thăm nhận lô nền tái định cư. Trong quá trình các hộ dân di dời đến điểm tái định cư, đều được các lực lượng của địa phương hỗ trợ tháo dỡ, vận chuyển vật liệu.

bna_tcd17.jpg
Khu tái định cư mới chỉ có 2 hộ chuyển lên sinh sống. Ảnh: Xuân Hoàng

Quan điểm của địa phương là cương quyết di dời tất cả 33 hộ dân đến khu tái định cư mới, không để hộ dân nào sinh sống trong khu vực mất an toàn bởi thiên tai. Do đó, đề nghị của những hộ dân chưa bốc thăm nhận lô nền tái định cư, mà ở lại chỗ cũ là địa phương không chấp nhận, bởi mùa mưa lũ, thiên tai xảy ra khó lường. Địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ dân đến nơi ở mới.

tdc 13
Một số hộ vẫn bám trụ tại nơi ở cũ. Ảnh: Quang An

Ông Bùi Văn Hiền – Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho rằng, quan điểm của huyện là đặt an toàn của người dân lên trên hết. Do đó, việc Nhà nước hỗ trợ xây dựng dự án khu tái định cư cho 33 hộ dân nói trên là phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương khó khăn về đất đai và sự nguy hiểm của thiên tai trên địa bàn.

Vùng đất cũ sát với Quốc lộ 48, thuận lợi cho việc buôn bán, giao thương; song rất nguy hiểm bởi lũ quét của suối Nậm Piệt và sạt lở đất ở ta luy dương. Vì vậy, quan điểm của huyện là tuyên truyền, vận động đến mức tối đa, để bà con di chuyển đến nơi ở an toàn hơn. Đề nghị của bà con muốn giữ lại mảnh đất cũ, thì với 11m hành lang của Quốc lộ 48, phần đất còn lại của các hộ dân rất ít, sát với mép suối, không thể sản xuất được, mong muốn của huyện là các hộ dân bàn giao đất cho xã quản lý.

bna_tdc8.jpg
Dòng Nậm Piệt, nơi nước thường xuyên dâng cao trong mùa mưa bão. Ảnh: Xuân Hoàng

Quan điểm của huyện là đặt an toàn của người dân lên trên hết. Trường hợp các hộ dân không chịu rời đi, khi thiên tai xảy ra, chính quyền địa phương sẽ áp dụng các biện pháp buộc họ phải di dời...

Ông Bùi Văn Hiền - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong

Đang cao điểm của mùa mưa bão, thiên tai lũ ống, lũ quét và sạt lở đất đối với vùng miền núi cao xảy ra bất cứ lúc nào, ở đâu. Do đó, mỗi khi chính quyền địa phương đã xác định vùng không an toàn như trên địa bàn xã Thông Thụ, thì người dân cần nhận thức rõ và chủ động di dời đến nơi ở an toàn. Cùng đó, chính quyền địa phương cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, cương quyết không để người dân sinh sống tại khu vực rủi ro bởi thiên tai.

tdc 1
Đường giao thông, hệ thống điện...tại khu tái định cư đã được hoàn thiện. Ảnh: Quang An

Ngày 3/12/2020, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 4382/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu Dự án Di dời 33 hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ lũ quét và sạt lở đất nguy hiểm tại xã Thông Thụ. Cuối năm 2020, huyện Quế Phong đã tiến hành sửa chữa, nâng cấp khu tái định cư Pù Sai Cáng để đón 33 hộ dân di dời đến nơi này. Tổng mức đầu tư được phê duyệt là 14,9 tỷ đồng. Tổng diện tích san nền 28.662 m2 với các hạng mục chính như đường giao thông, hệ thống cấp nước, điện chiếu sáng... Dự án đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ ngày 10/6/2024.

Mới nhất
x
Vì sao nhiều hộ dân ở Quế Phong chưa chuyển đến điểm tái định cư Pù Sai Cáng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO