Vì sao ở Việt Nam bệnh nhân rất sợ bác sĩ?

30/11/2015 07:58

Ở Việt Nam, sinh viên cứ nhận bằng Bác sĩ đa khoa là được phép khám chữa bệnh, trong khi đó ở nhiều nước như: Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh lại khác...

Có bằng cũng chưa được phép khám chữa bệnh?

Trong khi ở Việt Nam cứ nhận bằng Bác sĩ đa khoa là được phép khám chữa bệnh. Một số bệnh viện chuyên khoa có yêu cầu bác sĩ mới vào làm học chuyên khoa định hướng trong vài tháng. Kỳ thi tốt nghiệp chuyên khoa này do chính trường đào tạo tổ chức thi.

Còn ở Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh có bằng Bác sĩ đa khoa cũng chưa được phép khám chữa bệnh. Ở các quốc gia này, sau khi có bằng Bác sĩ đa khoa - bác sĩ đó tuyệt đối không được tự mình kê đơn thuốc chữa bệnh. Họ bắt buộc phải tham gia các lớp học chuyên sâu. Gọi là chuyên sâu nhưng nó bao gồm chuyên khoa chính và các chuyên khoa liên quan đến chuyên khoa chính đó. Ở Nhật Bản, thời gian học lớp chuyên khoa này là 2 năm.

Sau khi học xong lớp chuyên khoa này, họ phải tham gia một cuộc thi toàn quốc về năng lực thực hành. Kỳ thi này do Bộ Y Tế tổ chức và áp dụng chung cho toàn quốc. Các trường không được phép tự tổ chức thi. Nếu qua được cửa ải này họ mới chính thức được độc lập khám chữa bệnh.

Sự khác nhau của các trường chất lượng hay không chất lượng thể hiện ở tỷ lệ bao nhiêu phần trăm sinh viên qua được các cửa ải trên.

Với cách quản lý đầu ra như vậy, chất lượng bác sỹ dù là học trường Y ở Tokyo hay ở những tỉnh hẻo lánh về cơ bản là tương đương nhau. Những bệnh thông thường đều được xử lý tốt ở các bệnh viện cơ sở. Các bệnh viện lớn có nhiệm vụ giải quyết những ca phức tạp và tập trung nghiên cứu khoa học. Tiền bệnh viện có được phụ thuộc trực tiếp vào ngân sách bảo hiểm y tế và các tổ chức hợp tác nghiên cứu khoa học với bệnh viện. Thu nhập của bác sỹ không phụ thuộc vào số lượng bệnh nhân đến khám ở bệnh viện đó nhiều hay ít.

Đó là lý do tại sao ở các nước phát triển, các bệnh viện trung tâm không bị quá tải.

Người dân Việt Nam có quá bất công với đội ngũ nhân viên y tế không?

Trước tiên tôi phải khẳng định những bác sĩ giỏi và tốt bụng ở Việt Nam vẫn nhiều hơn những người xấu. Tôi gọi những bác sĩ mài đũng quần ở quán game và những người vòi vĩnh tiền của của những bệnh nhân khi hành nghề là những hạt sạn.

Tôi cũng thấy một điều vô cùng kỳ lạ ở Việt Nam là bệnh nhân rất sợ bác sĩ. Nếu coi bệnh viện công là những công ty cổ phần mà cổ đông là 90 triệu người dân thì cứ 90 triệu VNĐ có trong bệnh viện thì một nhân viên y tế của cơ sở đó chỉ có cổ phần 1 đồng. Nhân viên bệnh viện dù ở vị trí nào đều là những người làm thuê cho ông chủ là 90 triệu người dân.

Quay trở lại với câu hỏi “Người dân Việt Nam có quá bất công với đội ngũ nhân viên y tế không?”

Nếu chúng ta có một bát gạo tám thơm tuyệt hảo mà ở trong đó cứ 2 hạt gạo người ta trộn 1 hạt sạn thì bạn sẽ dùng bát gạo đó vào việc gì? Chắc chắn chúng ta mang đi nấu cám lợn!

Khi đổ bát gạo tám thơm ấy đi nấu cám lợn tôi đảm bảo không ai không thấy tiếc nuối. Vậy hãy trở thành những ông chủ luôn luôn đúng nhưng đầy thông thái đi. Hãy thật khó tính và tìm công cụ loại bỏ hết những hạt sạn ấy từ trước khi nó được nhào trộn cùng những hạt gạo tám thơm mà chính tay các bạn dày công trồng cấy mới có được.

Nếu các bạn quá dễ dãi, chính các bạn, người thân của các bạn và có thể là người thân của tôi một ngày nào đó có thể đau đớn vì nuốt phải một viên sạn cứng đầu đầy gai góc. Những hạt gạo tám bản thân nó không có cách nào bò ra khỏi cái bát gạo có rất nhiều sạn kia.

Hãy sử dụng quyền lực của cổ đông chính để loại hết sạn đi, để những cây lúa tám thơm không phải mang nỗi uất hận rằng đã gồng mình đón những tia nắng rực rỡ của mặt trời và những giọt nước mát lành để làm nên những hạt gạo tám thơm lừng trong trẻo-thứ mà ở nhà bên cạnh người ta làm thành những chiếc bánh ngon lành thơm tho thì ở nhà mình người ta cho vào nồi cám lợn!

Nhưng nếu các bạn đã có chắc một bát gạo toàn là những hạt gạo tám thơm tuyệt hảo và không có sạn thì cũng nên nâng niu và chăm sóc nó như nhà hàng xóm nhé! Hãy để cho những cây lúa tám thơm hảo hạng cảm thấy cần cố gắng hết mình và có thể hy sinh một chút quyền lợi cá nhân vì những ông chủ thông thái của mình!

Theo Vietnamnet

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Vì sao ở Việt Nam bệnh nhân rất sợ bác sĩ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO