Vì sao thị xã Cửa Lò phải siết chặt quản lý xe điện 4 bánh?
(Baonghean.vn) - Trước tình trạng xe điện 4 bánh phát sinh quá nhiều so với năng lực đáp ứng của hạ tầng giao thông, đồng thời không đảm bảo an toàn, UBND TX.Cửa Lò đã ban hành quyết định siết chặt loại hình phương tiện giao thông này.
Số xe vượt quá tầm kiểm soát
Từ năm 2011, để đáp ứng nhu cầu vận chuyển khách du lịch, ngày 4/5/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký Văn bản số 703/TTg-KTN về việc cho phép thị xã Cửa Lò thí điểm Dự án đầu tư xe ô tô điện phục vụ khách du lịch. Số lượng xe được phép thực hiện thí điểm là 110 xe, trong khoảng thời gian 3 năm, từ 6/6/2011 đến 6/6/2014. Đơn vị thực hiện dự án thí điểm là Công ty TNHH Vận tải du lịch lữ hành và thương mại Cửa Lò. Đến ngày 12/5/2015, lúc này đã hết thời hạn thực hiện thí điểm, UBND TX.Cửa Lò đã phải xin điều chỉnh thời gian thực hiện thí điểm đến hết ngày 31/12/2015.
Xe điện là phương tiện phù hợp với hoạt động phục vụ khách du lịch, nhưng sự bùng nổ số lượng xe trong thời gian qua đã ảnh hưởng lớn đến tình hình trật tự ATGT trên địa bàn thị xã Cửa Lò. Ảnh: Tiến Đông |
Ngày 4/3/2016, tại Văn bản số 161/UBND-ĐT gửi UBND tỉnh Nghệ An về việc đề nghị cho chủ trương quản lý hoạt động xe điện 4 bánh, TX.Cửa Lò cũng đã nêu thực trạng hoạt động của xe điện 4 bánh. Trong 4 năm thực hiện dự án thí điểm, đã góp phần phục vụ tốt du lịch của thị xã. Tuy nhiên, số lượng xe điện phát sinh vượt quá nhiều so với dự án được duyệt (dự án duyệt 110 xe nhưng thống kê đến ngày 1/1/2015 là 447 xe).
Nhiều doanh nghiệp, cá nhân tham gia hoạt động trong lĩnh vực này, chủ yếu là xe điện mua, bán không có giấy tờ, số xe tham gia hoạt động quá lớn gây cản trở giao thông đi lại của nhân dân, du khách. Hoạt động kinh doanh lộn xộn, gây khó khăn trong công tác quản lý, xử lý vi phạm... nguy cơ ảnh hưởng đến ATGT, văn minh đô thị, thương hiệu du lịch Cửa Lò nói riêng và của Nghệ An nói chung.
Sau khi UBND TX.Cửa Lò có đề nghị tại Văn bản số 161, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã có Văn bản số 1832/UBND-GT ngày 29/3/2016, cho phép thị xã Cửa Lò quản lý 447 xe ô tô điện tạm thời trong năm 2016. Dù vậy, trải qua từng năm, số xe điện lại ngày càng tăng thêm, cho đến thời điểm này là 558 xe. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến việc điều hành giao thông, gây ùn tắc và ảnh hưởng đến trật tự ATGT, trật tự công cộng khi đã từng xảy ra việc tranh chấp, tranh giành khách giữa các chủ xe điện với nhau.
Đại uý Nguyễn Mạnh Thắng - Đội phó Đội CSGT, Công an TX.Cửa Lò cho biết: Việc bùng nổ xe điện 4 bánh đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình trật tự, ATGT trên địa bàn. Mùa du lịch năm 2022, đơn vị đã xử phạt tổng số tiền 115 triệu đồng đối với các chủ xe điện. Trong đó, có 186 trường hợp dừng, đỗ sai quy định; 2 trường hợp điều khiển xe điện khi đã sử dụng rượu, bia; 3 trường hợp tự ý nâng giá; 21 trường hợp không sử dụng đồng phục, biển tên; 6 trường hợp sai lịch trình...
Đại úy Nguyễn Mạnh Thắng cũng cho biết: Việc số lượng xe điện vượt quá mức đã dẫn đến tình trạng chèo kéo, tranh giành khách, tự ý nâng giá cước, chở quá số người quy định, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự. Chưa kể đến việc nhiều chủ xe điện thông đồng với cửa hàng bán hải sản, các cửa hàng ăn uống để đưa khách đến, nhằm "ăn" hoa hồng. Làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Cửa Lò.
Cần siết chặt quản lý
Ông Hoàng Minh Thọ - Phó phòng Quản lý đô thị thị xã Cửa Lò cho biết: Sau thời gian thực hiện thí điểm, số xe điện đã tăng đột biến, ảnh hưởng đến việc điều hành, vận hành giao thông trên địa bàn. Đặc biệt, nhiều xe điện đã cũ, xuống cấp không đảm bảo an toàn. Chưa kể, trong số 558 xe thì có đến 131 người có 2 xe. Thậm chí có tình trạng buôn bán "lốt" xe trị giá hàng trăm triệu đồng giữa những chủ cũ đăng ký từ đầu (nay đi nước ngoài hoặc không còn kinh doanh xe điện), với những chủ mới. Trong khi mỗi năm các chủ xe chỉ đóng thuế khoảng 3 triệu đồng/xe/năm.
Trước tình trạng nói trên, ngày 26/12/2022, UBND TX.Cửa Lò đã ban hành phương án quản lý, hoạt động kinh doanh đối với xe điện 4 bánh trên địa bàn. Trong đó, với hạ tầng giao thông hiện có, thị xã chỉ cho phép bố trí tối đa 300 xe điện (giảm từ 558 xe xuống còn 300 xe).
Theo khảo sát của UBND TX.Cửa Lò thì trong số 558 xe đang có, thì chỉ có 171 xe đủ điều kiện đăng ký, đăng kiểm. Để giới hạn 300 xe, những xe không đủ điều kiện đăng ký, đăng kiểm thì tổ chức bốc thăm và được phép mua xe mới để đăng ký, đăng kiểm (nếu chủ xe có nhu cầu); các hộ trước đây có 2 xe thì chỉ được bốc thăm 1 lần...
Riêng mùa du lịch năm 2022, Công an TX. Cửa Lò đã xử phạt tổng số tiền 115 triệu đồng đối với các chủ xe điện. Ảnh: Đ.C |
Đến ngày 30/12/2022, UBND TX.Cửa Lò đã có Quyết định số 3618/QĐ-UBND, ban hành Quy chế quản lý phương tiện xe điện 4 bánh hoạt động kinh doanh, vận chuyển khách du lịch trên địa bàn TX.Cửa Lò năm 2023, cùng các quy định thi hành. Ngoài ra, thị xã Cửa Lò cũng đã ban hành văn bản hướng dẫn lộ trình thực hiện công tác quản lý xe điện. Đồng thời, giới hạn thực hiện việc đăng ký, đăng kiểm đến hết ngày 20/4/2023. Sau thời hạn nói trên, những xe không đủ điều kiện sẽ không được phép hoạt động.
Ông Thọ cũng nhấn mạnh, điều kiện bắt buộc trong phương án quản lý xe điện trong năm 2023 của thị xã là giới hạn trong 300 xe và các xe phải đạt tiêu chuẩn đăng kiểm do cơ quan đăng kiểm xác nhận theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay có một số hộ dân không đồng ý với phương án nói trên nên đã làm đơn, thậm chí kéo lên trụ sở UBND TX.Cửa Lò.
Các ý kiến của người dân chủ yếu xoay quanh vấn đề đăng ký, đăng kiểm đối với những xe không có giấy tờ, thất lạc giấy tờ, những xe kiểm định không đạt; người dân không đồng tình với việc ghép chung xe để giảm số lượng (2 gia đình chung nhau mua 1 xe)...
Ông Hoàng Minh Thọ cũng cho biết, những kiến nghị của người dân đã được lãnh đạo thị xã trả lời bằng văn bản và qua các cuộc tiếp công dân. Thị xã cũng đã chọn ngẫu nhiên 7 xe đẹp nhất trong số xe hiện có để gửi đi đăng kiểm nhưng không xe nào đạt.
Trước đó, tại Văn bản số 1160/SGTVT-VT ngày 23/4/2020, trả lời UBND TX.Cửa Lò về việc tăng cường công tác quản lý hoạt động xe điện 4 bánh, Sở GTVT Nghệ An cũng đã khẳng định, các phương tiện đưa vào hoạt động phải đáp ứng được đầy đủ các điều kiện về an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường và được đăng ký theo quy định tại Thông tư 15/2014/TT-BCA của Bộ Công an và phải được kiểm định theo quy định tại Thông tư 86/2014/TT-BGTVT của Bộ GTVT.
"Rõ ràng, việc các xe điện không đủ điều kiện hoạt động, không vượt qua các quy trình đăng kiểm sẽ không được hoạt động là điều không thể bàn cãi. Bởi nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến an toàn của du khách, nếu không một khi xảy ra TNGT thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm" - ông Thọ nhấn mạnh.