Việc sử dụng điện thoại thông minh ở trẻ em có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe tâm thần khi lớn lên
(Baonghean.vn) - Theo một nghiên cứu toàn cầu mới được công bố bởi Tổ chức phi lợi nhuận Sapien Labs (Mỹ), trẻ em sử dụng điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng khi còn nhỏ có nhiều khả năng gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần khi trưởng thành.
Báo cáo của Sapien Labs được công bố vào ngày 14 tháng 5 vừa qua, đã đưa ra kết quả đánh giá tình trạng sức khỏe tâm thần của 27.969 người trong độ tuổi từ 18-24, chủ yếu đến từ 41 quốc gia ở các khu vực như Bắc Mỹ, châu Âu, châu Mỹ Latinh, châu Đại Dương, Nam Á và châu Phi.
Ảnh minh họa. |
Báo cáo cho thấy, thanh niên trong độ tuổi 18-24, những người đã sử dụng điện thoại thông minh từ khi còn nhỏ, được phát hiện có sức khỏe tâm thần kém hơn, trong đó phụ nữ bị ảnh hưởng nặng nề hơn nam giới. Theo đó, tỷ lệ nam giới gặp phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần đã giảm từ 42% đối với những người có điện thoại thông minh đầu tiên vào năm 6 tuổi, xuống còn 36% đối với những người có điện thoại thông minh đầu tiên ở tuổi 18. Trong khi đó, đối với phụ nữ, tỷ lệ này giảm từ 74% đối với những người có điện thoại thông minh đầu tiên vào năm 6 tuổi, xuống 46% đối với những người có điện thoại thông minh đầu tiên ở tuổi 18.
Báo cáo này góp phần quan trọng trong việc hình thành hiểu biết của chúng ta về vai trò của việc tiếp cận sớm với công nghệ trong việc ảnh hưởng đến kết quả sức khỏe tâm thần của trẻ em và thanh thiếu niên. Những phát hiện này có ý nghĩa quan trọng đối với trường học, phụ huynh và người sử dụng lao động.
Kết quả nghiên cứu này cũng rất quan trọng vì chúng ta thường thấy ngày càng có nhiều trẻ em sở hữu điện thoại di động của riêng mình. Theo báo cáo xuất bản năm 2021 của tổ chức phi lợi nhuận Common Sense Media của Mỹ, thanh thiếu niên từ 13 tuổi đến 18 tuổi dành trung bình 8,4 giờ mỗi ngày trên màn hình điện thoại thông minh để giải trí, trong khi đó những trẻ em từ 8 tuổi đến 12 tuổi dành trung bình 5,3 giờ.
Cũng theo báo cáo của Sapien Labs, những người trong độ tuổi từ 18 đến 24 có điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng đầu tiên ở độ tuổi lớn hơn thì có sức khỏe tâm thần tốt hơn và do đó ít gặp các vấn đề về tâm lý như ý định tự tử, cảm giác thù địch với người khác và cảm giác xa rời thực tế. Điều này cho thấy tác động tích lũy của việc sử dụng điện thoại thông minh khi còn bé.
Báo cáo cũng tiết lộ rằng tác động này có thể tồi tệ hơn ở phụ nữ. Theo đó, 60% - 70% nữ giới sử dụng điện thoại thông minh trước 10 tuổi gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần khi trưởng thành. Mặc dù đàn ông không được miễn dịch, nhưng tỷ lệ ảnh hưởng thấp hơn, khoảng 45% - 50% nam giới sử dụng điện thoại thông minh trước 10 tuổi gặp phải vấn đề tương tự khi về già.
Cũng theo báo cáo, trước khi Internet ra đời, vào thời điểm một người tròn 18 tuổi, họ sẽ dành từ 15.000 đến 25.000 giờ đồng hồ tương tác với gia đình và bạn bè đồng trang lứa. Song từ khi có Internet, thời gian này giảm xuống, chỉ còn 1.500 đến 5.000 giờ.
Trong một tuyên bố của mình, người sáng lập Sapien Labs, Tiến sĩ Tara Thiagarajan cho biết: “Những phát hiện này cho thấy rằng, việc sử dụng điện thoại thông minh ở trẻ em càng muộn thì sức khoẻ tâm thần càng tốt hơn khi lớn lên”.
“Điều quan trọng là chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu mối quan hệ giữa việc sử dụng điện thoại thông minh ở trẻ em với sức khỏe tâm thần, đồng thời tăng cường phát triển các chính sách và biện pháp can thiệp hiệu quả để có thể hỗ trợ sự phát triển sức khoẻ tâm thần lành mạnh trong thời đại kỹ thuật số”, Tiến sĩ Tara Thiagarajan cho biết thêm.
Tóm lại, báo cáo của Sapien Labs đã nhấn mạnh mối quan hệ có thể có giữa việc sử dụng điện thoại thông minh thời thơ ấu và sức khỏe tâm thần khi trưởng thành. Báo cáo cũng cho thấy rằng khi độ tuổi sử dụng điện thoại thông minh lần đầu tiên tăng lên, thì sức khỏe tâm thần của những người trẻ tuổi cũng tăng theo. Đồng thời, đây cũng là bằng chứng thuyết phục giúp cho các bậc cha mẹ có cái nhìn đúng đắn về việc sử dụng điện thoại thông minh ở trẻ em./.