Vở diễn 'Nợ nước non' - xúc động hình ảnh của 20 năm đầu cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh

Khôi Nguyên 27/05/2022 12:14

(Baonghean.vn) - Vở diễn “Nợ nước non” khắc họa 20 năm đầu trong cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh, vừa ra mắt công chúng dịp Kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, giúp công chúng có một cái nhìn đầy đủ và rõ nét hơn về thời niên thiếu, những bước ngoặt tác động mạnh đến tư tưởng của Người, cho đến khi Người ra đi tìm đường cứu nước…

Câu chuyện về Người được tái hiện trên sân khấu cải lương

Vở diễn là sự kết hợp giữa nghệ thuật sân khấu cải lương (là loại hình chủ đạo trong vở) và một số loại hình nghệ thuật truyền thống khác như Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, ca Huế, bài chòi khu 5 và dân ca Nam Bộ, khắc họa hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh thời ấu thơ đến lúc Người lên tàu sang Pháp. “Nợ nước non” để lại nhiều ấn tượng với công chúng khi kể câu chuyện về thời hoa niên của Bác Hồ.

Hình ảnh Nguyễn Tất Thành trong vở diễn sân khấu cải lương Nợ nước non. Ảnh tư liệu của TH

Vở diễn khắc họa khá rõ nét về hình tượng cậu bé Nguyễn Sinh Cung, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành cùng hình tượng mẹ Hoàng Thị Loan và cha Bác Hồ - cụ Nguyễn Sinh Sắc… trong không gian văn hóa các vùng miền từ Bắc chí Nam.

Mở đầu vở diễn là hình ảnh chàng trai Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn, chuẩn bị ra đi tìm đường cứu nước. Từ mạch hồi tưởng của Nguyễn Tất Thành, những sự kiện từ khi lọt lòng, đến lúc trưởng thành của nhân vật lần lượt được tái hiện xúc động gây ấn tượng mạnh trên nền nhạc dân ca.

Bắt đầu từ câu chuyện tình dẫn đến mối lương duyên giữa bà Hoàng Thị Loan và ông Nguyễn Sinh Sắc, cho đến khi cậu bé Nguyễn Sinh Cung cất tiếng khóc chào đời, hòa trong không gian cảnh sắc mùa sen nở trên quê mẹ Hoàng Trù. Cảnh gia đình cậu bé Nguyễn Sinh Cung sinh sống ở Huế, trong căn nhà đơn sơ, nỗi vất vả lo toan của người Mẹ. Rồi hình ảnh bà Hoàng Thị Loan đau ốm mà qua đời tại đất kinh kỳ trong khi chồng và con trai đầu đang đi công vụ ở xứ Thanh, đã lấy nhiều nước mắt của khán giả.

Trường đoạn bà Hoàng Thị Loan đau ốm, yêu cầu Nguyễn Sinh Cung hát ru con út đang khóc, bài "Hò ru con" được lồng ghép: "À ơi, ru em em théc cho muồi. Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu"... Khi bà Loan qua đời, trời đổ mưa gió, một bên là Nguyễn Sinh Cung gọi mẹ, một bên em bé Nguyễn Sinh Nhuận khóc ngặt, giai điệu dân ca Huế vang lên, được đánh giá là một trong những lớp diễn xuất sắc cả kỹ năng diễn xuất, kỹ năng tạo hình và âm thanh.

Theo dòng hồi tưởng của Nguyễn Tất Thành, bước ngoặt tác động mạnh đến tư tưởng của Nguyễn Tất Thành là khi người cha - ông Nguyễn Sinh Sắc, tri huyện Bình Khê, Bình Định - bị triệu hồi về Huế chịu án phạt vì bênh vực dân nghèo, khích lệ tinh thần yêu nước... Khi cha và anh trai về Huế, Nguyễn Tất Thành được bạn cũ của cha giới thiệu đến dạy học ở Trường Dục Thanh.

Cảnh trong vở "Nợ nước non". Ảnh: Tư liệu

Sau đó, Nguyễn Tất Thành lên đường vào Sài Gòn, đến trụ sở Liên Thành Thương Quán. Đây là tổ chức kinh doanh do các sĩ phu yêu nước ở Bình Thuận sáng lập năm 1906 để hưởng ứng phong trào Duy Tân do Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng khởi xướng. Tại đây, Nguyễn Tất Thành tìm kiếm cơ hội lên tàu sang Pháp, tìm đường cứu nước.

PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ trả lời báo chí trong buổi họp báo trước ngày công chiếu vở diễn. Ảnh tư liệu

Trong quá trình công chiếu, "Nợ nước non" đã lấy nhiều nước mắt khán giả, không chỉ ở những điểm nhấn tiêu biểu như trường đoạn Nguyễn Tất Thành chia tay cô Lê Thị Huệ ra đi tìm đường cứu nước, mà còn gây hứng thú cho người xem bởi đây là tác phẩm không chỉ có loại hình cải lương mà còn lồng ghép dân ca Nghệ Tĩnh với những lớp diễn rất đặc sắc.

Có thể thấy, trong 120 phút của vở diễn “Nợ nước non”, bằng những lát cắt lịch sử, ê-kíp thực hiện đã khắc họa sâu sắc về tuổi thơ cũng như quá trình phát triển tư tưởng, khát vọng của người thanh niên Nguyễn Tất Thành, từ khi sinh ra, lớn lên khi đất nước đã đắm chìm trong đêm trường nô lệ. Người sớm chịu ảnh hưởng sâu sắc từ mảnh đất giàu truyền thống xứ Nghệ, được giáo dục bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, ý chí ham học hỏi, ham hiểu biết từ cha mẹ… đã nuôi dưỡng, hun đúc trong Nguyễn Tất Thành tình yêu nước, thương dân với một thiên hướng đặc biệt.

Vở diễn gây hứng thú vì sự mới mẻ

Kịch bản “Nợ non nước” được Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ xây dựng dựa trên tác phẩm “Nợ nước non” - phần 1 trong bộ tiểu thuyết “Nước non vạn dặm” của ông. Vở diễn được Nghệ sỹ Nhân dân Triệu Trung Kiên - Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cùng ê-kíp nghệ sỹ nổi tiếng dàn dựng.

Vở diễn kể về cuộc đời lúc sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng đã tạo ra được những nét riêng, không gây nhàm chán bởi những trường đoạn xuất sắc mà các vở diễn, thước phim khác đã có được. “Nợ nước non” cũng chuyển tải những lát cắt tiêu biểu chứ không phải là tác phẩm kể về cuộc hành trình. Tác giả, biên kịch Nguyễn Thế Kỷ cho biết: Ông không làm công việc chép sử mà chỉ thể hiện những lát cắt và dấu mốc từ khi thơ bé của cậu bé Nguyễn Sinh Cung cho đến lúc chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước.

Nhiều nhà phê bình đã nhận xét: "Đạo diễn đã chắt lọc, lựa chọn những bài có thể kết hợp hai loại hình, hòa quyện vào nhau. Khi nghệ sĩ đang hát ví giặm, chuyển qua vọng cổ, vẫn rất nhuần nhuyễn. Một vở diễn về Chủ tịch Hồ Chí Minh đầy chất thơ, trang trọng, thành kính".

Nghệ sỹ Nhân dân Triệu Trung Kiên trong cuộc trả lời báo chí cho biết: Để dựng vở diễn này, ê-kíp thực hiện đã dành nhiều thời gian tham gia các hội thảo khoa học, nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đó lồng ghép tư liệu vào vở diễn.

Bên cạnh sự kết hợp giữa thủ pháp nghệ thuật sân khấu, ê-kíp thực hiện còn sử dụng màn hình LED hỗ trợ trên sân khấu, tạo không gian chân thực, gây ấn tượng mạnh với người xem khi gợi lại bối cảnh cuối thế kỷ XIX, đời sống người dân cùng cực dưới ách áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến…

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân đến xem và chụp ảnh lưu niệm cùng các nghệ sỹ. Ảnh tư liệu của TH

Vở diễn không lựa chọn cách dùng giọng nói tiếng địa phương theo vùng miền, nhưng các nghệ sỹ đã khắc họa thành công nhân vật bởi lối diễn chân thực, giàu cảm xúc. Nghệ sỹ Minh Hải - đảm nhận vai Nguyễn Tất Thành - Bác Hồ thời trẻ đã lột tả được thần thái mộc mạc, giản dị nhưng đầy ý chí quyết tâm của Bác với cốt cách, trí tuệ, tri thức.

Bên cạnh nghệ sỹ Minh Hải, diễn xuất của các diễn viên khác như bé Anh Đức (vai Nguyễn Sinh Cung), nghệ sỹ Như Quỳnh (vai bà Hoàng Thị Loan), nghệ sỹ Ưu tú Mạnh Hùng (vai ông Nguyễn Sinh Sắc)… cũng để lại ấn tượng mạnh trong lòng công chúng. Diễn xuất nhuần nhuyễn của các nghệ sỹ cùng sự sáng tạo mang tính ngẫu hứng, linh hoạt của ê kíp sáng tạo trong xử lý bối cảnh sân khấu mang đến những cảm giác mới mẻ với công chúng.

"Nợ nước non" là phần đầu tiên trong dự án sân khấu "Nước non vạn dặm" về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh do Nhà hát Cải lương Việt Nam thực hiện. Hai phần sau dự kiến ra mắt vào năm 2023 và 2024, tập trung vào hành trình Nguyễn Tất Thành hoạt động ở nước ngoài rồi về nước làm cách mạng.

Sau khi công chiếu tại Thủ đô Hà Nội, Nhà hát Cải lương đang tiến hành biểu diễn tác phẩm “Nợ nước non” ở các tỉnh miền Trung và miền Nam, đặc biệt là những địa danh đã từng in dấu chân Bác trên hành trình đi tìm hình của nước.

Mới nhất

x
Vở diễn 'Nợ nước non' - xúc động hình ảnh của 20 năm đầu cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO