Với miền Nam đêm nào cũng thức
(Baonghean.vn) - Còn nhớ những năm đầu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Nghệ An chưa cân đối được nhu cầu lương thực. Hạt gạo làm ra dưới tầm bom, trong điều kiện lũ lụt, thiên tai dữ dằn vẫn phải chia ba: phần nuôi quân đánh giặc, phần san sẻ cho 3 vạn bà con Vĩnh Linh sơ tán đến và phần ít ỏi dành nuôi dân, giữ vững hậu phương. Thế mà mỗi năm, Nghệ An vẫn gom góp, chắt chiu trên 6.000 tấn lương thực, 500 tấn thực phẩm, 2.000 tấn muối chuyển vào miền Nam ruột thịt. Hội Mẹ chiến sỹ Nam Đàn, Diễn Châu, Thanh Chương lập “Hũ gạo nuôi quân”, “Hạt gạo Trường Sơn”.
Trên những cung đường khát vọng
Binh trạm 9 đặt 20 trạm đón nhận quân từ Quỳnh Châu (Quỳnh Lưu) vào Nam Hoành, Nam Kim (Nam Đàn). Những đêm đón quân, cả làng rậm rịch lo thu xếp nơi ăn, chốn ở, nhường chăn, chiếu cho bộ đội ngủ ngon giấc sau chặng đường hành quân vất vả. Mỗi ban mai, mặt đường làng, ngõ xóm bắt gặp chi chít dấu gậy “Trường Sơn” là thầm hiểu đêm qua thêm một đoàn quân tiến về phía Nam.
Dưới tầm pháo kích từ biển vào, bà con ngư dân Diễn Châu, Quỳnh Lưu vẫn thu gom, phơi sấy đóng vào bì gai hàng nghìn tấn cá cơm, cá nục, cá trích gửi vào tiền phương. Hợp tác xã Phú Nghĩa (Quỳnh Lưu), Vạn Phần (Diễn Châu) sáng tạo công nghệ chưng cất thủ công “nước mắm cô đặc”, tiện lợi khi vận chuyển, bảo quản và sử dụng tại chiến trường.
Bốc xếp hàng hóa ra chiến trường. Ảnh tư liệu |
Vào đầu năm 1966, bảo đảm cho lực lượng vận tải cơ giới, hoạt động tuyến giáp mặt trận, Tổng cục Hậu cần tiền phương giao trách nhiệm trung chuyển tuyến sau cho các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Tỉnh ủy Nghệ An thành lập Ban chỉ huy vận tải thống nhất, chỉ đạo tổ chức lực lượng tiếp nhận, vận tải hàng hóa quân sự từ Khe Nước Lạnh (giáp Thanh Hóa), chuyển vào La Khê (Hà Tĩnh). Gần 200 xe giải phóng, “Zin 3 cầu”, “Gát 51” của Xí nghiệp vận tải số 1 (Đoàn A) thuộc Ty Giao thông Nghệ An được biên chế thành tiểu đội, trung đội, đại đội vận tải quân sự. Từ địa điểm sơ tán (Hồng Sơn, Hòa Sơn) Đô Lương và Nghĩa Thuận (Nghĩa Đàn), lực lượng vận tải cơ giới Nghệ An đã vượt qua các trọng điểm ác liệt: Cầu Hổ, Khe Nước Lạnh, phà Hoàng Mai, Cầu Giát, ga Yên Lý, Truông Bồn, phà Phương Tích, phà Linh Cảm, phà Bến Thủy, Truông Trầm, ngã ba Đồng Lộc, phà Địa Lợi, chuyển hàng vạn tấn hàng vào phía Nam trót lọt.
Các chiến dịch vận tải “VT5”, “VT6” ra đời, trở thành niềm thôi thúc, vượt lên bom đạn, chết chóc, đưa hàng ra mặt trận trong mỗi cán bộ, chiến sỹ vận tải Nghệ An. Không chỉ dừng lại ở La Khê, đơn vị chủ lực vận tải cơ giới của Nghệ An còn chủ động “cắt cung vượt tuyến” đẩy hàng qua Đèo Ngang, vượt phà Long Đại, giao hàng tận binh trạm 12, cận kề mặt trận Đường 9. Những ngày, đêm chiến dịch vận tải, trong căn hầm Triều Tiên, Trạm chỉ huy, điều độ vận tải 30, anh Lê Văn Khôi gần như thức trắng, thắc thỏm theo từng đầu xe, từng cung đường. Vào tháng chiến dịch, Diễn Châu thành lập 28 trạm đèn phòng không, chuẩn bị 5 vạn gùi đất, sẵn sàng san lấp hố bom, chống lầy tuyến đường tránh 205. Thành phố Vinh huy động 500 xe ba gác, xe ngựa và 200 xe xích lô thường trực sơ tán hàng tại các điểm giao nhận hàng quân sự. Dọc tuyến vận tải, các trung đoàn pháo cao xạ 233, 222 và tiểu đoàn cao xạ 14 (Tỉnh đội Nghệ An), xây dựng trận địa cơ động, đánh trả mọi hướng ném bom, bắn phá của máy bay Mỹ. Vào thời khắc trước tổng tiến công Mậu Thân 1968, cả Nghệ An như “hợp chủng đại binh trạm” dồn sức người, sức của cho tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn, cho chiến trường rộng lớn miền Nam.
Đường Hồ Chí Minh - tuyến vận tải chiến lược trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: Tư liệu |
Từ năm 1965 đến cuối năm 1967, Nghệ An tin cậy, thương yêu và rứt ruột gửi vào mặt trận 18.000 con em trai trẻ, ưu tú, trong đó có 6.000 tân binh chiến đấu, phục vụ hậu cần tại tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn. Nếu tính đến giữa năm 1975, Binh đoàn Trường Sơn (thành lập từ 29 tháng 7 năm 1970) đã tiếp nhận số lượng tân binh tương đương 4 sư đoàn con em xứ Nghệ. Ấy là chưa kể hơn 5.000 dân công hỏa tuyến sử dụng xe đạp thồ hàng ra mặt trận, nối dài thêm cung đường vận tải phía Nam khu Bốn.
Thắm mãi tuổi 20 trên đường ra trận
Khi Bộ Tư lệnh Đoàn 559 quyết định mở đường 20, nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn, đoạn đường mà tuổi trẻ Nghệ An đảm nhận nằm ở trọng điểm Cà Roòng. Km số 52 đến Km số 59. Ở trọng điểm ác liệt này, mỗi ngày đủ loại máy bay phản lực Mỹ, ngụy đánh phá bình quân 20 trận. Tàn độc hơn, chúng rải dày đặc chất độc dioxin hòng ngăn chặn lực lượng mở đường. Chúng ném bom phát quang, bom na-pan, lân tinh, bom bươm bướm và bom nổ chậm. Chiến sỹ Nguyễn Bá Thanh lái xe gạt đã hy sinh tại Km59. Khẩu lệnh truyền nhau “Giữ đường như giữ máu trong tim” đã thôi thúc Nguyễn Văn Khoái, C168 sau này được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang sáng tạo cách đào hầm tránh bom bên ta-luy đường, hạn chế thương vong và bảo đảm thời gian thi công thông tuyến.
Trong 70 ngày mở đường 20, nhiều tấm gương dũng cảm của lực lượng thanh niên xung phong Nghệ An luôn ngời sáng. Tiểu đội trưởng Đinh Bạt Tuyên, quê Nghi Công (Nghi Lộc) đã thay thế vị trí lái máy gạt khi lái chính bị thương. Trung đội trưởng Hồ Bá Thành, C168 cùng tập thể chiến sỹ chốt giữ trọng điểm ngầm Aky, từ Km 62 đến Km 72 suốt mùa mưa năm 1966, bảo đảm thông đường liên tục dưới tầm kiểm soát của bom, đạn Mỹ. Sau chiến dịch mở đường “Quyết thắng- Đường 20”, tránh túi nước ngầm ở Seng Phan, nối Đông Trường Sơn tại Ka Tốc, Lùm Bùm (Khăm Muộn - Lào), Đội Thanh niên xung phong Nghệ An lại cùng Binh trạm 8 bám trọng điểm chuyển hàng vào tuyến trong và san lấp hố bom, chống lầy, cứu xe, cứu hàng tại trọng điểm “cua” chữ A.
Bộ đội, Thanh niên xung phong phá đá mở đường 20 Quyết Thắng. Ảnh tư liệu |
Trong ngày 15 tháng 2 năm 1969, sau một trận bom B52 trút xuống tuyến đường, các anh Nguyễn Văn Khoái (vừa được đề bạt Đại đội trưởng), Võ Văn Tiến, Hồ Trung Tứ, cùng quê Nghi Lộc và 5 đồng chí nữa đã hy sinh. Máu, xương những cán bộ, đội viên thanh niên xung phong Nghệ An như thắm mãi tuổi 20 con đường ra trận. Khắc ghi trang sử 16 năm đầy khốc liệt bảo đảm tuyến đường Trường Sơn, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn đã nâng niu, trân trọng khi viết vào cuốn lịch sử Binh đoàn Trường Sơn: “Nghệ An là nơi khởi nguồn đường Hồ Chí Minh. Nghệ An đã có những đóng góp làm nên huyền thoại con đường mang tên Bác. Điều đáng trân trọng hơn Nghệ An là một trong những tỉnh có quân số vào chiến trường Trường Sơn nhiều nhất, sớm nhất và cũng là tỉnh chịu sự hy sinh, mất mát to lớn nhất”.
Một thời và mãi mãi
Sự kiện, nhân chứng lịch sử bao giờ cũng sống mãi với thời gian. Thế hệ trẻ hôm nay hẳn đã biết đường Trường Sơn bắt đầu từ mốc số “0”, thị trấn Lạt, Tân Kỳ, hiển hiện vào thời điểm Thượng tá Võ Bẩm dẫn đầu “Đoàn công tác đặc biệt” soi đường vào phía Nam. Tiểu đoàn 301 mở đầu tuyến vận tải Trường Sơn năm 1961 tại Khe Hó (Tây Quảng Bình), do Đại úy Chu Đăng Chữ chỉ huy là người con quê Nam Cường, Nam Đàn. Người gùi hàng vào mặt trận bằng đôi vai, ròng rã bốn năm đường Trường Sơn với tổng cung độ hành trình bằng nửa vòng trái đất là anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Viết Sinh, quê Xuân Hòa, Nam Đàn. Và người chiến sỹ hy sinh đầu tiên trong trận đánh bảo vệ cung trạm vận tải số 5, số 6 là thượng sỹ Nguyễn Đức Thông, quê ở xã Diễn Phong, Diễn Châu. Anh hy sinh ngày 4 tháng 4 năm 1961 lại Động Tro (Tây Thừa Thiên) khi tròn 30 tuổi. Một thời máu lửa, cả Nghệ An cùng cả nước với miền Nam đêm nào cũng thức.
Sừng sững, san sát và trang nghiêm những ngôi mộ liệt sỹ ở nghĩa trang Trường Sơn. Trong số 10.000 liệt sỹ được quy tập về đây, con em Nghệ An cũng chiếm tới 1.000 người. Còn có sự ghi công nào cao hơn thế với hậu phương Nghệ An trong kháng chiến chống Mỹ dai dẳng, bền bỉ về nghĩa tình sâu nặng, máu chảy ruột mềm với Trường Sơn, với tiền tuyến lớn miền Nam một thời và mãi mãi.
Dâng hương tại các phần mộ liệt sỹ quê tỉnh Nghệ An ở Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn. Ảnh tư liệu: Thành Duy |