Vụ chống người thi hành nhiệm vụ trên sông Lam: Chính quyền xã không hợp tác!
(Baonghean.vn) - Liên quan đến việc đoàn kiểm tra của Sở GTVT Nghệ An kiểm tra phương tiện thủy nội địa vi phạm trên sông Lam nhưng bị chống đối, ông Phan Huy Chương - Phó Chánh Thanh tra sở này cho rằng, chính quyền xã Đức Quang, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) không hợp tác với đoàn kiểm tra.
Nhóm thanh niên chống người thi hành công vụ trên sông Lam
(Baonghean.vn) - “Trong khi kiểm tra phương tiện thủy có vi phạm trên sông Lam, đoàn kiểm tra liên ngành do Sở GTVT chủ trì đã bị một số đối tượng cản trở, có hành vi gây nguy hiểm đến các thành viên của đoàn…”.
Sáng 21/4, ông Phan Huy Chương – Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Nghệ An cho biết, đoàn kiểm tra của Sở vẫn chưa thể lập được biên bản đối với 2 phương tiện có hành vi hoán cải phương tiện không phù hợp với thiết kế đã được cơ quan đăng kiểm thẩm định để hút cát trên sông Lam, đoạn giáp ranh giữa tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Phương tiện được cải hoán để khai thác cát trên sông Lam bị lực lượng thanh tra Sở GTVT Nghệ An phát hiện vào chiều ngày 20/4. (ảnh đoàn kiểm tra cung cấp) |
“Lúc ấy, chúng tôi đã thông báo cho chủ phương tiện lỗi vi phạm “Hoán cải phương tiện không phù hợp với thiết kế được cơ quan đăng kiểm thẩm định”, cụ thể là hành vi lắp thêm hệ thống bơm hút để hút cát, đồng thời mời chủ 2 phương tiện nói trên vào bến cát để làm việc theo yêu cầu tháo dỡ, ký cam kết không tái phạm nhưng 2 chủ phương tiện không chấp hành và bỏ đi”¸ ông Phan Huy Chương – Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT, Trưởng đoàn kiểm tra cho biết.
Vào lúc 18h15 phút, 2 phương tiện nói trên đã cập bến tại xã Đức Quang, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) và chủ phương tiện cùng 2 người đàn ông lạ mặt rời khỏi thuyền để lên bờ, không chấp hành yêu cầu của đoàn kiểm tra.
Theo ông Chương, đây là hành vi vi phạm, xem thường pháp luật, gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến an toàn của người thi hành nhiệm vụ nên đoàn kiểm tra đã lập biên bản sự việc, đồng thời đề nghị Công an xã Đức Quang (Đức Thọ, Hà Tĩnh) phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm vi phạm của 2 chủ phương tiện nói trên; xác minh 2 đối tượng chỉ đạo chủ phương tiện không chấp hành yêu cầu của Đoàn kiểm tra và xử lý theo đúng quy định của pháp luật; tiếp nhận phương tiện vi phạm và bàn giao các giấy tờ liên quan đến 2 phương tiện HT-1104 và HT-1048.
Phương tiện thủy nội địa có vi phạm đều đang khai thác cát. (Atnh đoàn kiểm tra cung cấp) |
“Khi các phương tiện cập bờ tại xã Đức Quang, chúng tôi có đề nghị chính quyền địa phương và công an xã phối hợp xử lý nhưng không nhận được sự phối hợp từ họ. Lúc 20h11 phút, Trưởng và Phó trưởng Công an xã Đức Quang có ra nhưng không nói gì. Chỉ khoảng 5 phút sau thì họ về. Lúc tôi điện lại thì Chủ tịch UBND xã Đức Quang nói công an xã đang đi giải quyết vụ tai nạn", ông Phan Huy Chương – Phó Chánh thanh tra Sở GTVT Nghệ An cho biết.
Đến 21h18 phút cùng ngày, ông Chương gọi thêm một cuộc nữa vẫn nhận được câu trả lời tương tự, trong khi đó số điện thoại di động của Trưởng Công an xã Đức Quang không liên lạc được. Đến 22h, đoàn kiểm tra vẫn chưa thể lập được biên bản sự việc nên đành phải ra về.
Trao đổi qua điện thoại, ông Chu Đình Lưu – Chủ tịch UBND xã Đức Quang (Đức Thọ, Hà Tĩnh) cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin yêu cầu phối hợp của Đoàn kiểm tra Sở GTVT Nghệ An, do đang bận họp với Ngân hàng Chính sách xã hội nên ông đã cử Trưởng và Phó trưởng Công an xã ra hiện trường.
“Muốn lập biên bản phải xác định được nơi các phương tiện này hút cát là của Đức Quang hay của Nghệ An, nhưng Đoàn kiểm tra Sở GTVT Nghệ An không xác định được. Do không xác định được tọa độ ở đâu, điểm hút cát ở đâu nên 2 bên không thống nhất được”, ông Lưu nói và khẳng định rằng, hơn 20h (ngày 20/4 - PV), trên địa phận xã Đức Quang có vụ tai nạn, công an xã phải đi giải quyết và việc đoàn kiểm tra nói xã không phối hợp là không đúng ?.
Ông Lưu cho rằng, đấu tranh với nạn khai thác cát trái phép là trách nhiệm chung, dù xảy ra ở địa bàn nào cũng phải xử lý nghiêm túc. Vị Chủ tịch UBND xã Đức Quang thông tin thêm rằng, chủ các phương tiện thủy nội địa trên không phải là người địa phương.
Phương tiện vi phạm rời khỏi hiện trường và được một phương tiện khác đẩy phía sau đuôi, chạy về địa phận tỉnh Hà Tĩnh. (Ảnh đoàn kiểm tra cung cấp) |
Tuy nhiên, theo ông Phan Huy Chương thì tuyến sông Lam được Trung ương ủy thác cho địa phương quản lý, cụ thể là Sở GTVT Nghệ An. Mọi hành vi vi phạm ở trên tuyến sông đó thì đơn vị quản lý phải phát hiện kịp thời và xử lý đúng theo quy định của pháp luật.
“Chúng tôi không kiểm tra việc khai thác cát sỏi mà chỉ kiểm tra phương tiện đang hoạt động trên tuyến sông đó về quy định đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa của người và phương tiện. Vì thế, xã yêu cầu cung cấp tọa độ khai thác cát là không đúng. Giữa 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã ký Quy chế phối hợp công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản ở khu vực giáp ranh.
Việc đoàn kiểm tra đề nghị chính quyền địa phương xã Đức Quang phối hợp trong xử lý các phương tiện thủy nội địa có hành vi vi phạm trên sông Lam là phù hợp. Và tôi khẳng định, chính quyền địa phương cấp xã đó không hợp tác với đoàn kiểm tra”, ông Chương nói.