Vụ xuân 2023 Nghệ An thắng lợi toàn diện
(Baonghean.vn) - Vụ xuân năm nay được đánh giá là vụ sản xuất thắng lợi toàn diện. Lúa xuân được mùa, được giá, trong khi chi phí đầu tư giảm nhờ thời tiết khá thuận lợi và ít sâu bệnh hại, càng giúp nâng cao giá trị sản xuất.
Lúa được mùa, được giá
Thu hoạch xong 6 sào lúa xuân, ông Nguyễn Văn Ngọc ở xóm 3, xã Diễn Liên (Diễn Châu) khẩn trương ra đồng làm đất, gieo cấy vụ hè thu.
“Phấn khởi lắm, lúa năm nay hầu như không bị sâu bệnh hại, đỡ hẳn chi phí mua thuốc bảo vệ thực vật, ít khi phải ra đồng phun thuốc. Gần 2 tấn lúa, tôi để lại một ít để sử dụng, còn lại bán lúa tươi ngay tại ruộng, đỡ công phơi phóng. Năm nay, giá thu mua lúa cũng cao hơn năm ngoái khoảng 1.000 đồng/kg”, ông Ngọc vui vẻ cho hay.
Với năng suất lúa đạt gần 69 tạ/ha, vụ xuân 2023 được đánh giá là một vụ sản xuất thắng lợi toàn diện. Đồ họa: Lâm Tùng |
Với năng suất đạt khoảng 75 tạ/ha, đây là một trong những năm được mùa nhất của huyện Diễn Châu, nhiều mô hình năng suất đạt trên 80 tạ/ha, một số diện tích đạt tới 90 tạ/ha. Không chỉ được mùa, mà bà con nông dân còn rất phấn khởi khi lúa rất được giá.
Theo ông Võ Anh Khoa - Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, hiệu quả và giá trị sản xuất vụ xuân năm nay đạt cao còn nhờ chi phí đầu tư giảm do ít sâu, bệnh; thời tiết nắng mưa xen kẽ, việc chăm sóc, tưới tiêu thuận lợi nên phân bón giảm bốc hơi, hao hụt.
Nông dân Nghệ An thu hoạch lúa xuân. Ảnh: Quang An |
“Dù đầu vụ có rét đậm nhưng nhờ mạ được phủ ni lông 100% nên không bị thiệt hại; nhiều năm, lúa xuân của huyện Diễn Châu bị bệnh đạo ôn gây hại nặng, thậm chí nhiều cánh đồng trắng xóa do bệnh bạc lá; thế nhưng, vụ xuân năm nay, các loại sâu, bệnh hại nguy hiểm như đạo ôn, bạc lá hầu như không xuất hiện. Một yếu tố nữa giúp huyện Diễn Châu được mùa cao là bộ giống lúa rất tiến bộ, với các bộ giống lúa lai năng suất cao, chất lượng tốt chiếm tới 75% diện tích, trong đó, một số giống như Quốc tế 1, VT868 cho năng suất thực tế 3,9- 4,2 tạ/sào; các giống lúa thuần cũng đi theo hướng năng suất và chất lượng với các giống TBR225, BC15, ADI28”, ông Võ Anh Khoa cho biết.
Nếu mọi năm, lúa vụ xuân của gia đình anh Nguyễn Văn Tài ở làng Trung Thượng, xã Hưng Tân (Hưng Nguyên) chỉ đạt khoảng 2,5 - 2,7 tạ/sào, thì năm nay, với 7 sào lúa, anh thu về gần 2,3 tấn lúa. Anh Tài phấn khởi cho hay: Năm nay, hầu như lúa không có sâu, bệnh, không mất công phun thuốc bảo vệ thực vật mà năng suất lại cao hơn hẳn.
Gieo cấy 6 sào lúa vụ xuân, anh Tài thu về trên 2 tấn lúa. Ảnh: Phú Hương |
Là vụ sản xuất được mùa, năng suất lúa vụ xuân 2023 của huyện Hưng Nguyên đạt bình quân 68,5 tạ/ha, cao hơn vụ xuân 2022 là 2,3 tạ/ha. Theo ông Lê Viết Hùng - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, đầu vụ sản xuất năm nay, rét kéo dài làm trà lúa gieo cấy trước tết Nguyên đán bị ảnh hưởng, sinh trưởng chậm hơn. Tuy nhiên, trong suốt vụ thời tiết khá thuận lợi, đặc biệt, vụ xuân năm nay, bà con tuân thủ khá tốt từ lịch thời vụ, cơ cấu giống cho đến quy trình kỹ thuật.
“Nếu những năm trước, rất nhiều vùng gieo cấy sớm thì năm nay, diện tích sản xuất trước lịch thời vụ không đáng kể, chỉ ở những diện tích đặc thù tại các xã vùng ngoài đê, soi bãi, sâu trũng như Châu Nhân, Hưng Lợi, Hưng Thịnh…, tập quán người dân canh tác các giống lúa dài ngày như IR1820, Ci22, Ci23 thì bà con mới bắc mạ sớm để gieo cấy sớm”, ông Lê Viết Hùng cho biết.
Đặc biệt, giá trị sản xuất lúa xuân của huyện Hưng Nguyên cũng rất cao, với bộ giống trên 95% diện tích sử dụng giống lúa thuần, trong đó, trên 70% là lúa thuần giá trị, chất lượng cao như TBR225, VR20…; toàn huyện chỉ có hơn 30 ha gieo cấy các loại giống lúa lai như Thái xuyên111.
Với diện tích 8.650 ha/kế hoạch 8.000 ha, đây cũng là năm huyện Thanh Chương có một vụ xuân thắng lợi nhất cả về diện tích, năng suất, sản lượng và hiệu quả sản xuất. Đầu vụ, hơn 1.000 ha lúa bị ảnh hưởng do các trạm bơm dọc sông Lam không hoạt động được vì thiếu nước, trong đó, gần 130 ha vùng sâu xa, cuối kênh tại xã Đại Đồng bị giảm năng suất, tuy nhiên, trên bình diện chung, đây là vụ lúa xuân thắng lợi, được mùa nhất trong vòng 5 năm lại đây.
Trời nắng ráo, thuận lợi để nông dân huyện Diễn Châu quạt và phơi lúa. Ảnh: Quang An |
Thời tiết thuận lợi, công tác phòng trừ sâu, bệnh hại tốt, các trà lúa cơ bản sạch bệnh; theo ông Lê Đình Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện, thì Đề án sản xuất ban hành sớm, chỉ đạo triển khai quyết liệt, bộ giống tiến bộ và người dân chấp hành nghiêm túc lịch thời vụ, là những yếu tố quan trọng giúp huyện Thanh Chương đạt được kết quả đó. Hiện tại, ở nhiều xã như Thanh Lĩnh, Thanh Liên, Xuân Tường, Thanh Khai… bà con đã xuống đồng gieo cấy, với phương châm thu hoạch vụ xuân đến đâu sản xuất vụ hè thu đến đó. Đặc biệt, trước nhận định năm nay các hồ chứa thủy điện có khả năng tích nước không đảm bảo, huyện Thanh Chương càng quyết liệt hơn trong chỉ đạo sản xuất, chỉ cơ cấu ở những diện tích hoàn toàn chủ động nước.
Vụ xuân thắng lợi toàn diện
Vụ xuân năm nay, Nghệ An gieo cấy hơn 91.400 ha lúa. Đến nay, toàn tỉnh cơ bản đã thu hoạch xong diện tích lúa xuân. Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năng suất dự kiến đạt 68,09 tạ/ha, cao hơn vụ xuân năm 2022 gần 2 tạ/ha.
Theo đánh giá chung, đây là một trong những vụ sản xuất thắng lợi toàn diện nhất trong mấy năm trở lại nay. Những huyện trọng điểm lúa như Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu dẫn đầu về năng suất, đạt trên 70 tạ/ha, tuy nhiên, tất cả các địa phương khác trên địa bàn toàn tỉnh đều được mùa toàn diện, không chỉ lúa mà cả các loại cây trồng khác như ngô, lạc, rau màu đều cho năng suất, giá trị cao.
Niềm vui được mùa. Ảnh: Quang An |
Bà Võ Thị Nhung - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Nghệ An đã đưa vào sử dụng bộ giống lúa tiến bộ, năng suất cao, chất lượng tốt; cùng với sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt của các địa phương và các ban, ngành chức năng, thì điều đáng ghi nhận là bà con nông dân đã rất đồng hành trong việc chấp hành nông lịch, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, phòng trừ sâu, bệnh hại. Đầu vụ xuất hiện rét, nhưng khác với mọi năm, năm nay rét ngắn ngày và cách quãng, không kéo dài, hầu như không ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây lúa, trong khi cây lúa vẫn có điều kiện tích lũy vật chất để tạo năng suất. Đặc biệt, giai đoạn lúa chuẩn bị trổ bông, thời tiết rất thuận lợi cho lúa trổ cũng như hạn chế phát sinh sâu, bệnh hại.
Thực tế, chênh lệch nhiệt độ ngày đêm cao, sương mù và độ ẩm đã làm bệnh đạo ôn lá phát sinh gây hại trên nhiều diện tích, nhưng một tuần trước trổ, trời lại nắng với nhiệt độ không đến mức ảnh hưởng lúa thụ phấn, gây hạt lép và giảm năng suất, nhưng lại đủ để diệt được nấm đạo ôn, giảm hẳn nguy cơ gây hại của bệnh đạo ôn - một trong những loại bệnh nguy hiểm hàng đầu với lúa vụ xuân. Cộng thêm các giải pháp kỹ thuật, phòng trừ sâu, bệnh hại được thực hiện hiệu quả nên lúa phát triển tốt và cho năng suất.
Vụ xuân 2023 được đánh giá thắng lợi toàn diện. Trong ảnh: Thu hoạch lúa ở huyện Nam Đàn. Ảnh: Thanh Phúc |
Bên cạnh đó, bộ giống lúa tiến bộ, trong đó, trên 50% diện tích sử dụng các giống lúa thuần mới, các giống lúa năng suất cao, chất lượng và khả năng thích ứng rộng như TBR225, Thái xuyên 111,… ngày càng được mở rộng. Cơ bản các địa phương đều chấp hành nghiêm túc nông lịch được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra. Sự chỉ đạo sản xuất thực hiện toàn diện hơn, cả về điều tiết nước, phòng trừ sâu, bệnh hại, quy trình chăm sóc trong suốt vụ, phù hợp từng thời kỳ sinh trưởng phát triển của lúa vụ xuân. Không chỉ được mùa, mà lúa vụ xuân cũng rất được giá, đầu vụ lúa tươi được mua tại ruộng với giá 6.000 đồng/kg lúa lai, nếp 6.000- 6.200 đồng/kg, lúa thơm 6.500 đồng/kg, đều cao hơn mọi năm từ 500 - 1.000 đồng/kg.