Vùng quê ở Nghệ An đi ăn đám cưới không cần bỏ phong bì

Tiến Hùng 22/01/2024 08:17

(Baonghean.vn) - Tại một vùng quê ở huyện Diễn Châu, mỗi gia đình dù có bao nhiêu con thì cũng chỉ tổ chức đám cưới nhận phong bì của khách 1 lần. Những đứa con còn lại trong nhà, vẫn tổ chức mời khách ăn uống, nhưng tuyệt đối không nhận phong bì mừng cưới từ khách.

Tục đám cưới con gái thì không nhận quà

Trung tuần tháng 1 năm 2024, chúng tôi gặp ông Hoàng Thành Đô (54 tuổi), khi ông đang chuẩn bị đi dự đám cưới một người quen trong xã. Gần 10 năm làm Xóm trưởng xóm Trung Hậu, xã Diễn Vạn (Diễn Châu), ông Đô quen biết khá rộng, nên thường xuyên phải đi dự nhiều đám, đặc biệt vào mùa cưới dịp cuối năm. “Cũng may là ở cái xã này, hầu hết các đám cưới khách đều không phải bỏ phong bì đâu. Nên đỡ được gánh nặng kinh tế”, ông Đô cười nói.

Tục đi đám cưới không cần bỏ phong bì đã có từ lâu, không chỉ ở xã Diễn Vạn mà còn ở các xã lân cận như Diễn Kim, Diễn Bích. Trải qua thời gian, tập tục này đã dần có một số thay đổi. Theo các bậc cao niên ở đây, ngày xưa, mỗi khi tổ chức đám cưới cho con cái, dù là nam hay nữ, đều không nhận quà mừng. Những người đến dự hôn lễ thường mang theo đồ uống để chung vui với gia đình, tuyệt đối không mang theo tiền bạc hay quà cáp có giá trị. Đến khoảng đầu những năm 80, do chi phí mâm cỗ cao nên làng cho phép đám cưới nhà trai được nhận quà mừng, còn nhà gái tuyệt đối không nhận bất cứ món quà nào.

bna-dam3-6162.jpg
Ông Hoàng Thành Đô bên ảnh cưới các con. Ảnh: Tiến Hùng

Người dân ở đây quan niệm, con gái lấy chồng là "lộc, duyên con gái" nên trong ngày cưới, họ chỉ mời một số anh em, bà con thân thích đến uống chén rượu mừng. “Trước khi con gái đi lấy chồng, nhà trai sẽ đến nhà gái nạp tài. Nhà gái coi khoản tiền này là lộc con gái đi lấy chồng, dùng để tổ chức đám cưới. Hầu như đám cưới con gái trong làng không ai nhận phong bì”, ông Hoàng Sỹ Huệ (73 tuổi), trú xóm Yên Đồng, xã Diễn Vạn nói về lý do từ chối nhận phong bì mừng ở đám cưới của cả 2 cô con gái ít năm trước.

Thực tế, khoản tiền thách cưới ở vùng quê này không lớn, dao động từ 5-15 triệu đồng, tùy hoàn cảnh từng gia đình. Chừng ấy là không đủ để trang trải cho một đám cưới tươm tất, phần lớn vẫn do nhà gái lo liệu. Chi ra nhưng không thu vào, phần lớn đám cưới ở nhà gái thường được người dân xã Diễn Vạn tổ chức nội bộ, ít mời khách ở xa để bớt gánh nặng về tài chính. Ông Huệ bảo, cũng nhờ tục lệ này, nhiều gia đình họ nhà gái có thể tổ chức tiệc cưới cho con gói gọn trong họ hàng, bạn bè thân thiết mà không vấp phải sự trách móc của bạn bè, người quen ở xa.

Tục không nhận phong bì mừng cưới con gái từng tồn tại ở nhiều làng quê vùng bãi ngang huyện Diễn Châu. Tuy nhiên, vì vấp phải các ý kiến cho rằng, “trọng nam khinh nữ”, gây thiệt thòi và gánh nặng về kinh tế cho nhiều gia đình có đông con gái nên nhiều nơi đã quyết định bỏ. Một số vùng thì những gia đình sinh con một bề gái, gia chủ thường nhận phong bì mừng 1 lần để “nhận lộc” của làng, còn những đám sau chỉ tổ chức gọn nhẹ, không nhận quà mừng. Một số vùng như xã Diễn Vạn lại có một số thay đổi để phù hợp hơn.

Ông Hoàng Thiên Long - Chủ tịch UBND xã Diễn Vạn cho hay, hiện nay, không chỉ đám cưới ở nhà gái, nhiều đám cưới ở nhà trai cũng không nhận phong bì mừng. “Ngày nay, nhiều người tổ chức đám cưới cho con thường chỉ mời rộng và nhận phong bì mừng 1 lần, không kể trai hay gái. Nhà có 3 con trai thì cũng chỉ mời rộng 1 lần, những lần sau thì không nhận phong bì nữa. Ngoài đám cưới, giờ người dân xã Diễn Vạn cũng rất hiếm khi tổ chức tiệc mừng tân gia, có chăng cũng chỉ làm vài mâm cơm mời người thân thiết thôi”, ông Long nói.

bna-dam2-1504.jpg
Cảnh 1 đám cưới ở xã Diễn Vạn. Ảnh: Thiên Long

Đám cưới không cần thiệp mời

Cũng như phần lớn các gia đình khác ở xã Diễn Vạn, ông Hoàng Thành Đô cũng tuân thủ khi tổ chức đám cưới cho 2 con. Đối với cậu con trai, ông Đô làm đến 50 mâm cỗ, với 500 khách tới dự. Đám này, ông Đô có nhận phong bì mừng cưới của khách. Tuy nhiên, đám của cô con gái đầu trước đó, ông Đô cũng làm tới 40 mâm cỗ, nhưng không nhận đồng nào tiền mừng cưới.

“ Riêng ở cái xóm Trung Hậu chúng tôi, trên 90% hộ dân tuân thủ tập tục này. Số còn lại, vì nhiều lý do, trong đó, phần lớn là do con cái đi làm ở xa, nên thông cảm cho họ”, ông Đô nói.

bna-dam4-6026.jpg
Một góc xã Diễn Vạn. Ảnh: Tiến Hùng

Như các gia đình khác, mỗi lần tổ chức đám cưới cho các con, ông Đô tốn rất ít thiệp mời cưới, hầu hết người dân đều tự giác đến dự. “Đám cưới cậu con trai, có 500 khách tới dự, nhưng trước đó tôi chỉ phát khoảng 100 thiệp mời thôi. Các thiệp mời này gồm những người trong nội tộc để thể hiện sự tôn trọng và những người bạn bè ở xa, vì sợ họ không biết tin. Còn đối với khách trong xã, không cần mời họ cũng đến. Người thì vì tình cảm quý mến, người thì vì ngày xưa tôi đi đám họ, bây giờ họ đi lại”, ông Đô kể.

Ngoài ra, theo ông Đô, các đám cưới ở đây hầu hết không đặt nhà hàng, mà gia chủ tự làm cỗ. Khi đến ngày cưới, họ hàng, người quen tự giác đến giúp đỡ, mỗi người một tay. “Cũng vì đám cưới không phát thiệp mời nên rất khó lường lượng khách tới dự để làm mâm, thừa hoặc thiếu mâm là chuyện dễ xảy ra. Tuy nhiên, mỗi khi thấy khách dự đông hơn dự kiến, mỗi người một tay sẽ bắt đầu làm thêm mâm. Thực phẩm thì mua rất dễ, nên không mất nhiều thời gian. Còn nếu thừa thì có con cháu, không phải lo gì”, ông Đô cười nói.

Tương tự như người dân ở xóm Trung Hậu, bà Trần Thị Loan (70 tuổi), ở xóm Yên Đồng cho hay, gia đình bà đã 5 lần tổ chức đám cưới cho con (3 trai, 2 gái), song chỉ 1 lần nhận phong bì mừng ở đám cưới cậu con cả. Những lần tổ chức đám cưới cho con tiếp theo, dù trai hay gái, vợ chồng bà Loan đều không nhận tiền mừng. Xác định như vậy, trong các đám cưới, bà Loan đều không chuẩn bị thùng bỏ phong bì, song nhiều khách ở xa, không biết tập tục này vẫn cố “dúi” tiền mừng cưới vào túi vợ chồng bà bằng được.

Từ chối nhận phong bì mừng ở đám cưới của 2 cô con gái, song bà Vũ Thị Liên (70 tuổi) nói “không thấy thiệt thòi”. Không nhận tiền mừng, đám cưới con gái bà Liên chỉ làm 20 mâm, gọi là mời anh em họ tộc, hàng xóm thân thiết đến chung vui. “Nếu lấy tiền mừng cưới rồi tổ chức linh đình cả trăm mâm, kéo theo nhiều chi phí lại mệt hơn. Mình không nhận tiền mừng, sau này đám cưới khác trong làng mình cũng không phải lo bỏ tiền mừng bao nhiêu nữa”, bà Liên cười nói.

Gần 10 năm trước, lúc đang là sinh viên năm cuối ở Hà Nội, chị Phạm Thị Hằng (32 tuổi) ở xã Diễn Vạn, không ít lần được bạn bè giục cưới chồng với lý do “cưới mày không phải gửi phong bì đúng không? Để bọn tao về ăn miễn phí”. Mỗi lần như vậy, Hằng chỉ cười bảo rằng: “Đúng rồi. Nhưng tao không nhận phong bì, sau này cưới tụi bây cũng không phải mừng lại”. Với chị Hằng, tục không nhận phong bì trong đám cưới là một nét đẹp, giúp nhiều người không còn thấy gánh nặng mỗi mùa cưới.

Diễn Vạn có 6 xóm, với khoảng 9.000 nhân khẩu, sống dọc bờ sông. Tên gọi của xã lấy từ tên của khúc cuối cùng con sông Bùng trước khi đổ ra biển - Lạch Vạn. Người dân Diễn Vạn trước đây phần lớn dựa vào nghề làm muối, nghề nướng cá..., cuộc sống khá khó khăn. Những năm gần đây, nhờ xuất khẩu lao động, đời sống của người dân dần được nâng lên.

Theo ông Hoàng Thiên Long, hiện nay trên địa bàn xã có trên 80% các hộ dân tuân thủ tập tục này mỗi khi tổ chức đám cưới. “Việc thay đổi tập tục như hiện nay giúp văn minh hơn. Mỗi gia đình chỉ tổ chức đám cưới nhận phong bì 1 lần thôi. Nên đông con cũng như ít con, trai cũng như gái. Tùy thuộc vào hoàn cảnh, nhà nào có điều kiện, các đám cưới không nhận phong bì nhưng vẫn làm rất hoành tráng, đông vui. Nhưng những gia đình hoàn cảnh khó khăn hơn chút thì tổ chức nội bộ, ít mâm cỗ hơn để đỡ tốn kém”, Chủ tịch UBND xã Diễn Vạn nói.

Mới nhất
x
Vùng quê ở Nghệ An đi ăn đám cưới không cần bỏ phong bì
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO