Xã biển ở Nghệ An sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền pháp luật cho ngư dân

Gia Huy 27/10/2019 16:10

(Baonghean) - Dù tất bật với những chuyến bám biển dài ngày hay mải miết với công việc mưu sinh “trên bến, dưới thuyền” thì người dân ở xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai) vẫn cập nhật kịp thời thông tin về các chủ trương, chính sách mới, các hoạt động diễn ra trên địa bàn thông qua trang web riêng của địa phương, kênh Facebook của các hội, đoàn thể...

Bình yên " trên bến, dưới thuyền"

Trở về sau chuyến đi biển dài nửa tháng, ông Trương Quang Vinh, trú ở thôn Đồng Tâm, xã Quỳnh Lập - chủ tàu cá NA.93968 cùng 12 thuyền viên được lãnh đạo Hội Nông dân xã và Đồn Biên phòng Quỳnh Phương lên tận thuyền thăm hỏi tình tình khai thác, tuyên truyền việc chấp hành Luật Thủy sản và dự báo ngư trường khai thác nghề rê, khu vực có khả năng khai thác cao tại vùng biển Vịnh Bắc bộ, Trung bộ và quần đảo Hoàng Sa...

Cán bộ hội nông dân xã Quỳnh Lập và Đồn biên Phòng Quỳnh Phương tuyên truyền các quy định về đánh bắt hải sản trên biển cho ngư dân. Ảnh: G.H
Cán bộ Hội Nông dân xã Quỳnh Lập và Đồn Biên phòng Quỳnh Phương tuyên truyền các quy định về đánh bắt hải sản trên biển cho ngư dân. Ảnh: G.H

Trò chuyện với chúng tôi, ông Vinh vui vẻ cho biết: “Mặc dù thường xuyên phải đi biển xa nhà nhưng tôi và các thuyền viên vẫn cập nhật được tin tức qua trang thông tin điện tử của xã, trang Facebook và YouTube của Đảng ủy, HĐND, UBND xã, của các tổ chức, đoàn thể như hội nông dân, hội nghề cá....”.

Tàu của ông Vinh cũng là một trong những tàu đầu tiên chấp hành việc lắp thiết bị giám sát hành trình. Ông Lê Bá Kỷ - Chủ tịch Hội Nông dân xã Quỳnh Lập cho biết: “Hiện toàn xã có hơn 150 tàu đánh cá các loại, trong đó có 140 chiếc công suất từ 90 CV đến 1.000 CV. Nhờ công tác tuyên truyền thực hiện tốt, Quỳnh Lập đã có 37 thuyền lắp thiết bị giám sát hành trình, còn 7 chiếc chuẩn bị lắp; thành lập được 17 tổ liên kết trên biển, mỗi tổ từ 6 - 10 tàu để hỗ trợ nhau làm ăn. Nhìn chung, ngư dân chấp hành tốt Luật Thủy sản và các quy định về đánh bắt hải sản trên biển.

Ngư dân Quỳnh Lập đọc tờ rơi tuyên truyền pháp luật ngay trên thuyền. Ảnh: G.H
Ngư dân Quỳnh Lập đọc tờ rơi tuyên truyền pháp luật ngay trên thuyền. Ảnh: G.H

Không chỉ quan tâm đến việc cập nhật chính sách pháp luật cho ngư dân, từ thực tế trên địa bàn tồn tại những hạn chế liên quan đến ô nhiễm môi trường, cờ bạc, nạn tảo hôn, lấn chiếm hành lang ATGT... xã Quỳnh Lập còn quan tâm đến công tác tuyên truyền lưu động trực tiếp tại các địa bàn trọng điểm. Đây là một trong những giải pháp để cụ thể hóa Đề án 06/ĐA -ĐU của BCH Đảng bộ xã về đổi mới nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tuyên truyền, phổ biến pháp luật đi đôi với công tác dân vận.

Ông Vương Đại Tương - Phó Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Lập cho hay: “Các hoạt động tuyên truyền lưu động trực tiếp, ngoài trời có sử dụng trình chiếu PowerPoint, nội dung ngắn ngọn, kèm hình ảnh, video để người dân dễ hiểu, nhớ sâu, lồng ghép các trò chơi, các câu hỏi liên quan đến an toàn giao thông, Luật Thủy sản, các tệ nạn xã hội, vệ sinh môi trường... đã thực hiện ở các thôn Tân Minh, Đồng Minh, Đồng Thanh (Khu công nghiệp Đông Hồi) luôn thu hút đông đảo người dân tham gia”.

Cán bộ đảng ủy xã Quỳnh Lập cập nhật thông tin mới lên trang Web riêng của địa phương ( ảnh trên); Ngư dân Quỳnh Lập theo dõi tin tức qua mạng xã hội ngay trên thuyền ( ảnh dưới). Ảnh: G.H
Cán bộ Đảng ủy xã Quỳnh Lập cập nhật thông tin mới lên trang Web riêng của địa phương (ảnh trên); Ngư dân Quỳnh Lập theo dõi tin tức qua mạng xã hội ngay trên thuyền (ảnh dưới). Ảnh: G.H

Bên cạnh đó, xã cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên trang thông tin điện tử riêng của địa phương với đầy đủ các chuyên mục từ xây dựng Đảng đến cải cách hành chính, bản tin an ninh, tin tức sự kiện...; lượng tin, bài được cập nhật thường xuyên, phản ánh toàn diện các vấn đề diễn ra trên địa bàn. Qua đó giúp người dân cập nhật kịp thời các chủ trương, chính sách, văn bản mới cũng như các vấn đề diễn ra trong đời sống hàng ngày. Chẳng hạn như khi tội phạm trộm cắp tài sản ở khu vực cảng cá trên địa bàn thị xã nói chung, xã Quỳnh Lập nói riêng có diễn biến phức tạp.

Điển hình như vào ngày 20/6/2019, kẻ gian đột nhập lên thuyền đánh cá đang neo đậu tại cảng cá thuộc thôn Đồng Tiến lấy trộm 42 quả chấn lưu, 20 kg chì và 3 ắc quy trị giá khoảng 45.000.000 đồng, Công an xã Quỳnh Lập đã thông báo tình hình trên trang web của xã và đề nghị quần chúng nhân dân, đặc biệt là các chủ tàu thuyền nâng cao tinh thần cảnh giác.

Đảng ủy xã Quỳnh Lập và Công an thị xã Hoàng Mai phối hợp tổ chức tập huấn công tác chính trị tư tưởng và an ninh mạng cho cán bộ, đảng viên. Ảnh: tư liệu
Đảng ủy xã Quỳnh Lập và Công an thị xã Hoàng Mai phối hợp tổ chức tập huấn tương tác không gian mạng và tham gia mạng xã hội cho cán bộ, đảng viên. Ảnh: tư liệu

Công tác tuyên truyền, đấu tranh với những thông tin xấu, độc trên không gian mạng thông qua Facebook của các hội, đoàn thể như đoàn thanh niên, hội nông dân, hội phụ nữ, hội CCB và các Facebook cá nhân của cán bộ, đảng viên cũng được cấp ủy, chính quyền xã Quỳnh Lập quan tâm thực hiện.

Đề án 06 nêu rõ: “Đảng ủy khuyến khích mỗi cán bộ, đảng viên có trách nhiệm tham gia công tác tư tưởng trên mạng xã hội, góp phần cổ vũ, thúc đẩy những điều tốt đẹp, đấu tranh phê bình hành vi tiêu cực và phản bác những thông tin bôi nhọ Đảng, Nhà nước, những thông tin bạo lực, dung tục đi ngược truyền thồng văn hóa, đạo đức của người Việt Nam...”, đồng thời “xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên sử dụng mạng cá nhân đi ngược lại chủ trương, đường lối của Đảng và lợi ích của nhân dân”.

Một góc bình yên ở bến cá Quỳnh Lập. Ảnh: G.H
Một góc bình yên ở bến cá Quỳnh Lập. Ảnh: G.H

“Cuộc chiến” đẩy lùi nạn tảo hôn

Một trong những vấn đề nhức nhối được cấp ủy, chính quyền xã Quỳnh Lập trăn trở nhất là nạn tảo hôn. Với đặc thù xã có hơn 1.700 /2.707 hộ sống bằng nghề khai thác thủy, hải sản. Tư tưởng người dân luôn muốn có con trai để đi nghề biển, vì thế học hết THCS, học sinh nam thường bỏ học để bám biển vươn khơi, các em nữ mới 16 - 17 tuổi đã sớm lấy chồng. Như trong năm 2017, toàn xã có 357 trường hợp khai sinh mới, thì có 30 trường hợp có mẹ ở độ tuổi từ 16 -17, chiếm tỷ lệ 8,3%. Đây là con số khá báo động.

Tảo hôn kéo theo nhiều hệ lụy đói nghèo, thất học, mâu thuẫn gia đình, đặc biệt là ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Tuy nhiên, nhiều gia đình vẫn chưa ý thức được tác hại của việc tảo hôn, thường để các con về sống với nhau, sinh con rồi chờ đến đủ tuổi mới đi đăng ký kết hôn. Như trường hợp em N.T.T thôn Đồng Minh (SN 2000) nhưng năm 2017 em đã sinh con. Đến năm 2018 vừa tròn 18 tuổi, 2 vợ chồng mới đi đăng ký kết hôn để khai sinh cho con. Hay em Tr.T.Ng ở thôn Quyết Tâm, mới sinh năm 1999 nhưng đã có 3 con, do tuổi quá trẻ nên lần nào em cũng sinh non. Cả 3 bé sinh ra cân nặng đều dưới 2 kg và phải chăm sóc, nuôi dưỡng chế độ đặc biệt.

Các xưởng sơ chế, hấp cá đốm, cá trỏng xuất khẩu. Ảnh tư liệu minh họa
Qua làm việc nhóm, hội phụ nữ đã tham gia tuyên truyền tốt về phòng, chống tình trạng tảo hôn. Ảnh tư liệu minh họa

Để phòng, chống và đẩy lùi tình trạng này, UBND xã Quỳnh Lập đã ban hành kế hoạch riêng về tuyên truyền phòng, chống tình trạng tảo hôn trên địa bàn. Giao trách nhiệm cho các đoàn thể chính trị xã hội, nhất là hội phụ nữ và các nhà trường tận dụng mạng xã hội để có những bài viết, hình ảnh kèm ví dụ thực tế tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, học sinh chấp hành nghiêm Luật Hôn nhân và Gia đình. Các thông tin về quy định của pháp luật trong xử phạt các cá nhân, gia đình tổ chức cưới tảo hôn hay việc sẽ không xem xét các danh hiệu thi đua đối với hộ có người tảo hôn cũng được đăng tải trên trang web của địa phương, trang Facebook của chi hội đoàn thể trong xã...

Nghề biển luôn khát lao động, đó là một trong những nguyên nhân dẫn tới nạn tảo hôn. Ảnh tư liệu minh hoa
Nghề biển luôn khát lao động và đó là một trong những nguyên nhân dẫn tới nạn tảo hôn. Ảnh tư liệu minh họa

Nhờ đó, góp phần giảm thiểu dần tình trạng tảo hôn trên địa bàn. Nếu như năm 2017 toàn xã có khoảng 30 trường hợp tảo hôn thì đến năm 2018 giảm xuống còn 16 trường hợp và năm 2019 đến thời điểm hiện tại giảm còn 5 trường hợp. Tuy nhiên, theo lãnh đạo xã Quỳnh Lập thì đây vẫn được coi là cuộc chiến lâu dài, đòi hỏi sự vào cuộc thường xuyên, phối hợp chặt chẽ của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là công tác tuyên truyền (trực tiếp và thông qua mạng xã hội) nhằm tạo chuyển biến về nhận thức cho người dân, nhất là các hộ có truyền thống đi biển về hệ lụy của nạn tảo hôn đối với gia đình và xã hội...

Mới nhất

x
Xã biển ở Nghệ An sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền pháp luật cho ngư dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO