Xã tự đưa quy định 'người dân phải xin xác nhận của thôn trưởng trước khi lên xã làm các loại giấy tờ'?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Xã Thanh An (huyện Thanh Chương), gây ra tranh cãi vì tự ý ban hành quy định, người dân muốn giao dịch, làm các thủ tục hành chính, xác nhận các loại giấy tờ thì phải có xác nhận của thôn trưởng trước.

Quy định gây tranh cãi

Gần 1 tháng nay, nhiều người dân xã Thanh An (huyện Thanh Chương), khi lên trụ sở xã xin xác nhận hồ sơ tỏ ra bất ngờ khi bị cán bộ xã từ chối làm việc và yêu cầu quay trở lại gặp thôn trưởng để xin giấy xác nhận đã “chấp hành tốt chủ trương của Đảng và Nhà nước, các nghĩa vụ đóng góp xây dựng nông thôn mới”.

“Tôi không hiểu ai lại đưa ra cái quy định này. Nhiều lúc rất mất thời gian, rườm rà. Vì thôn trưởng có phải khi nào cũng ngồi ở nhà để chờ mình đến xin giấy xác nhận đâu. Có khi chờ cả ngày cũng không gặp được họ”, một người dân ở xóm An Phú vừa đi xin xác nhận trong hồ sơ để xin việc làm nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên, quy định này của xã Thanh An bắt đầu đưa ra từ ngày 10/3/2024, yêu cầu toàn bộ người dân chấp hành. Theo văn bản thông báo của UBND xã Thanh An thì “hiện tại trên địa bàn toàn xã còn nhiều công trình chưa hoàn thành theo bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, thực hiện theo chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm. Qua triển khai thực hiện một số ít cán bộ, đảng viên và nhân dân có biểu hiện chây ỳ trong việc thực hiện nghĩa vụ đóng góp xây dựng nông thôn mới tại địa phương”.

Thực hiện kết luận hội nghị định kỳ UBND xã, để đảm bảo quyền lợi đi đôi với nghĩa vụ, yêu cầu mọi người dân trên địa bàn toàn xã kể từ ngày 10/03/2024, khi đến UBND xã giao dịch làm các thủ tục hành chính các loại giấy tờ phải có xác nhận của thôn trưởng về việc gia đình đã chấp hành tốt hay chưa chấp hành các chủ trương của Đảng, Nhà nước và các nghĩa vụ đóng góp xây dựng nông thôn mới của địa phương đề ra.

“Nếu chưa có xác nhận của đồng chí thôn trưởng thì UBND xã, bộ phận giao dịch một cửa tạm dừng giao dịch. Đối với cán bộ, đảng viên thôn đến giao dịch phải có xác nhận của Bí thư Chi bộ”, thông báo của UBND xã Thanh An nêu.

bna_xa2.jpg
Gần 1 tháng nay, người dân tới trụ sở xã Thanh An giao dịch, làm các thủ tục hành chính đều phải quay trở lại thôn xin giấy xác nhận. Ảnh: Tiến Hùng

Mục tiêu hoàn thành nông thôn mới

Cũng như các thôn khác, ông Nguyễn Trọng Thành – Thôn trưởng An Phú cho biết, ngay sau khi có thông báo này của xã, ông cũng thông tin rộng rãi tới người dân để chấp hành. Đồng thời, ông đi in các mẫu giấy xác nhận cho người dân.

Cụ thể, người dân được yêu cầu phải gặp trực tiếp trưởng thôn để xin giấy xác nhận. Trong đó, có các nội dung như: Đã chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định, các nội dung thực hiện của xã, của thôn xóm, của cụm - tổ dân cư đã bàn và quyết định; Về các khoản quỹ của Nhà nước từ trước tới nay gia đình đã nộp và chưa nộp; Thực hiện các khoản nghĩa vụ tại địa phương gồm phí môi trường, quỹ giao thông, quỹ nội đồng và khẩu 64 từ năm 2003 đến năm 2021; Phương án xây dựng nông thôn mới từ năm 2022 đến 2024 đã và đang thực hiện tại địa phương.

Theo Thôn trưởng Nguyễn Trọng Thành, để hoàn thành nông thôn mới, giai đoạn 2022 – 2024, thôn chỉ thu tiền của những người trong độ tuổi lao động, mỗi người phải đóng 3 triệu đồng trong 3 năm. Trong khi đó, thôn có hơn 1.200 người đang trong độ tuổi lao động. Như vậy, thôn sẽ thu được hơn 3,7 tỷ đồng trong 3 năm. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ thu được khoảng 1,7 tỷ đồng.

“Chúng tôi không yêu cầu phải nộp hết, mà người dân phải nêu rõ, tất cả các khoản quỹ trên hộ gia đình đã tham gia nghĩa vụ nộp bao nhiêu? Số còn lại gia đình phải cam kết thực hiện nộp thời điểm nào trong năm 2024”, ông Thành nói và cho hay, kể từ khi đưa ra quy định này, rất nhiều người dân đến xin giấy xác nhận của ông và “tất cả đều vui vẻ, không có ý kiến gì”.

bna_xa3.jpg
Mẫu giấy xác nhận của thôn. Ảnh: Tiến Hùng
bna_xa4.jpg
Nếu không có giấy xác nhận này, người dân bị xã từ chối giao dịch. Ảnh: Tiến Hùng

Cũng theo ông Thành, đây không phải lần đầu tiên xã Thanh An áp dụng quy định này. Theo đó, năm 2003, xã Thanh An có tới 4 tỷ đồng tiền nợ. Lãnh đạo xã thời điểm đó đã phải đưa ra quy định tương tự để thu hồi các khoản tiền quỹ từ người dân. Đến năm 2009 thì quy định được bỏ.

“Ngay sau khi bỏ quy định, thì lại bắt đầu xảy ra tình trạng nợ các khoản đóng góp. Chính vì thế, quy định này là biện pháp để thu tiền”, ông Thành nói và cho hay, toàn thôn hiện có 350 hộ và đang có tổng nợ là 18 triệu đồng, kể từ năm 2009 đến nay. Trong đó, hộ nợ nhiều nhất là hơn 1 triệu đồng, còn nhiều hộ chỉ nợ vài chục nghìn đồng. Các khoản mà người dân nợ nhiều chủ yếu là tiền Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ Phòng chống thiên tai.

bna-xa1.jpg
Kể từ khi có quy định, rất nhiều người dân phải đến xin ông Thành xác nhận vào giấy này. Ảnh: Tiến Hùng

Ông Nguyễn Cảnh Nam – Chủ tịch UBND xã Thanh An cho biết, địa phương được huyện giao nhiệm vụ trong năm 2024 phải về đích nông thôn mới. Tuy nhiên, muốn xây dựng nông thôn mới thì phải trao quyền cho các thôn trưởng, để có thể hoàn thành các khoản đóng góp.

“Nói về pháp lý thì quy định này không đúng rồi, không có luật nào cho phép. Nhưng chúng tôi triển khai theo lệ làng. Căn cứ vào tình hình thực tế địa phương và từ các đề xuất của các thôn. Bởi ở địa phương, rất nhiều người dân chây ỳ trong việc đóng các khoản tiền”, ông Nam nói và cho hay, toàn xã chỉ có vỏn vẹn 1.500 hộ với hơn 6.000 nhân khẩu, nhưng đang nợ khoảng 200 triệu đồng. Các khoản nợ tồn đọng từ năm 2016, chủ yếu là Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, giao thông nội đồng, phòng chống thiên tai.

“Lâu nay không có chế tài gì cả, nên không thu được. Quy định này đưa ra cũng là để nâng cao ý thức người dân. Khi đến xin giấy xác nhận, chúng tôi cũng không yêu cầu họ phải đóng hết các khoản tiền. Có thể đóng trước một ít rồi cam kết sẽ đóng phần còn lại. Đối với những trường hợp này, nếu làm hồ sơ đi xin việc, tôi cũng xác nhận là chưa chấp hành tốt chủ trương của Đảng và Nhà nước, chứ tôi cũng không xác nhận họ không chấp hành”, Chủ tịch UBND xã Thanh An nói.

Theo ghi nhận của phóng viên, kể từ khi xã Thanh An đề ra quy định, nhiều người dân bày tỏ không đồng tình. "Số người chây ỳ trong các khoản đóng góp chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Nhưng xã lại bắt buộc người dân toàn xã phải qua thôn xin giấy xác nhận đã mới được lên xã làm việc là không công bằng. Quy định như vậy rất phiền hà", một người dân ở xã Thanh An nói.

Trong khi đó, cũng có một số ít người dân ủng hộ quy định. "Có làm như vậy thì người dân mới chịu đóng nộp, mới xây dựng được đường nông thôn mới. Chứ người đóng, người thì không cũng không công bằng. Tuy nhiên, theo tôi quy định này chỉ nên áp dụng thời gian ngắn, chứ nếu làm lâu dài cũng đúng là phiền phức, rườm rà thật", người này nói.

Tại Điểm b khoản 1 Mục V Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 ban hành kèm theo Quyết định 263/QĐ-TTg năm 2022 có quy định như sau: Chính quyền địa phương (tỉnh, huyện, xã) không quy định bắt buộc nhân dân đóng góp, chỉ vận động bằng các hình thức thích hợp để nhân dân tự nguyện đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương. Cộng đồng và người dân trong xã bàn bạc mức tự nguyện đóng góp cụ thể cho từng dự án, đề nghị Hội đồng nhân dân xã thông qua.

tin mới

Điện Biên Phủ

Hội thảo ‘70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024) và những đóng góp to lớn của quân – dân Nghệ An’

(Baonghean.vn) - Sáng 25/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An phối hợp với Cục Chính trị Quân khu 4 tổ chức Hội thảo khoa học “70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024) và những đóng góp to lớn của quân – dân Nghệ An” cùng triển lãm chuyên đề “Điện Biên Phủ - một thiên sử vàng”.