Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu: Cần cơ chế đặc thù
(Baonghean) - Đến cuối năm 2017, 100% số xã của huyện Nam Đàn được công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM). Hiện Nam Đàn đang tiếp tục lộ trình xây dựng huyện Nông thôn mới kiểu mẫu của cả nước. Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Lâm Sơn - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Nam Đàn về việc thực hiện mục tiêu này.
P.V: Được biết đến nay Nam Đàn 100% xã công nhận xã đạt nông thôn mới. Đạt kết quả trên, cấp ủy các cấp ở Nam Đàn đã tập trung công tác lãnh đạo chỉ đạo như thế nào, thưa ông?
Đồng chí Nguyễn Lâm Sơn: Xác định xây dựng huyện NTM là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, Huyện ủy Nam Đàn đã ban hành Nghị quyết số 04/NQ-HU ngày 24/10/2010 về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM huyện Nam Đàn giai đoạn 2010 – 2020.
UBND huyện ban hành đề án, kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể và thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng NTM huyện Nam Đàn giai đoạn 2010 – 2020 do đồng chí Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban; đồng thời chỉ đạo 23/23 xã thành lập Ban chỉ đạo cấp xã do đồng chí Bí thư Đảng ủy làm Trưởng ban, Ban quản lý do đồng chí Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban, Ban giám sát cộng đồng do đồng chí Chủ tịch UBMTTQ xã làm trưởng ban và Ban phát triển thôn tại các xóm.
Mỗi tổ chức cơ sở đảng đều phải xây dựng kế hoạch cụ thể hóa từng năm, Đảng ủy các xã ban hành nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM; UBND các xã xây dựng đề án, kế hoạch để thực hiện. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng chương trình hành động, kế hoạch để tuyên truyền, vận động các đoàn viên, hội viên tham gia xây dựng NTM.
Một góc làng quê xã Kim Liên, huyện Nam Đàn. Ảnh: Thanh Lê |
Hàng năm, huyện thành lập các tổ công tác chỉ đạo trực tiếp tại các xã đăng ký về đích trong năm, nhằm đôn đốc, hướng dẫn và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện xây dựng NTM tại các xã.
Hàng tháng Huyện ủy, UBND huyện tổ chức giao ban với các phòng, ngành và các xã để nghe báo cáo tiến độ hàng tháng, từ đó có giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp với từng xã, từng tiêu chí. Đặc biệt, huyện đã làm tốt vai trò nòng cốt trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng NTM và thực hiện dân chủ ở cơ sở như việc tổ chức tiếp xúc, đối thoại giữa cấp uỷ, chính quyền với đảng viên và nhân dân tại 24/24 xã, thị (trong đó, huyện trực tiếp đối thoại tại 2 xã).
Phải khẳng định rằng, kết quả 23/23 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM là sự quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống chính trị, trong đó cấp ủy, chính quyền các cấp có kế hoạch chỉ đạo cụ thể, chủ động, sáng tạo, sâu sát, nhất là phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp.
P.V: Bên cạnh kết quả đạt được, Nam Đàn vẫn còn những khó khăn nào trong lộ trình xây dựng huyện NTM kiểu mẫu?
Ông Nguyễn Lâm Sơn: Trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng huyện NTM, một số tiêu chí còn “dở dang”. Cụ thể, quy hoạch vùng của Nam Đàn đến nay chưa được phê duyệt. Đối với tiêu chí giao thông một số tuyến đường liên xã, nội xã đã xuống cấp chưa được đầu tư, xây dựng.
Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đảm bảo, đơn cử Trung tâm Văn hóa huyện Nam Đàn chưa đạt chuẩn theo quy định. Đây là những tiêu chí cần nguồn lực đầu tư lớn, trong khi ngân sách của huyện và nguồn lực trong dân rất khó khăn.
Trồng chanh phát triển kinh tế vườn đồi ở xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn. Ảnh: Thanh Lê |
Ngoài khó khăn về kinh phí đầu tư cho xây dựng NTM, Nam Đàn còn chật vật trong thực hiện tiêu chí về môi trường. Theo quy định, huyện đạt chuẩn NTM có 60% người dân sử dụng nước sạch và có hệ thống xử lý nước thải rắn nhưng hiện ở Nam Đàn, người dân chủ yếu dùng nước hợp vệ sinh và chưa có quy hoạch hệ thống xử lý chất thải rắn. Ô nhiễm môi trường trong khu dân cư vẫn còn tồn tại.
Cùng đó, khó khăn lớn của huyện Nam Đàn là kinh tế chủ yếu sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết bền vững trong sản xuất dẫn đến khó khăn đầu ra cho nông sản. Việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp còn chưa đồng đều dẫn đến thu nhập bình quân đầu người ở một số xã còn thấp hơn so với mức bình quân của tỉnh. Ðịa phương chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, nông thôn.
Hơn nữa, khó khăn của huyện Nam Đàn đó là được chọn huyện NTM kiểu mẫu của cả nước nhưng đến nay Trung ương chưa có cơ chế đặc thù cho địa phương.
P.V: Vậy để đạt mục tiêu huyện NTM kiểu mẫu của cả nước theo Nghị quyết 07 của BTV Tỉnh ủy ngày 16/6/2017 về phương hướng nhiệm vụ phát triển huyện Nam Đàn đến năm 2025, tầm nhìn 2030, Nam Đàn sẽ tập trung giải pháp trọng tâm nào?
Ông Nguyễn Lâm Sơn: Triển khai Nghị quyết của BTV Tỉnh ủy, BTV Huyện ủy Nam Đàn ban hành kế hoạch số 60 - KH/HU và Chương trình, đề án thực hiện với các giải pháp và lộ trình cụ thể. Trong đó, huyện đã bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Nam Đàn giai đoạn 2020 đến 2030, quy hoạch thị trấn Nam Đàn mở rộng, quy hoạch tổng thể Khu du lịch Quốc gia đặc biệt Kim Liên, tỉnh Nghệ An đến 2020, tầm nhìn đến 2030.
Mô hình trang trại nuôi lợn công nghiệp tại xã Nam Lộc, Nam Đàn. Ảnh: Thanh Lê |
Song song đẩy nhanh việc xây dựng xã Kim Liên thành xã nông thôn mới kiểu mẫu, huyện xây dựng thêm 1-3 xã NTM kiểu mẫu; trình Trung ương, Chính phủ đầu tư nâng cấp di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và một số công trình có quy mô lớn trên địa bàn huyện.
Trên lĩnh vực kinh tế, thực hiện đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển theo hướng tập trung, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, bảo đảm chất lượng, gắn với phát triển du lịch. Ưu tiên phát triển công nghiệp sạch, công nghiệp nhẹ, công nghệ tiên tiến, sử dụng nhiều lao động gắn với bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái, phù hợp với yêu cầu phát triển du lịch.
Cùng đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. Tạo môi trường đầu tư thông thoáng để thu hút các dự án trên các lĩnh vực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, huyện thực hiện đánh giá lại được công tác cán bộ của huyện để có giải pháp sắp xếp, bố trí, bồi dưỡng, thu hút cán bộ hợp lý nhằm nâng chất lượng cán bộ đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Ngoài ra, để Nam Đàn phát triển xứng tầm với tiềm năng lợi thế, trở thành huyện NTM kiểu mẫu theo mục tiêu đề ra, cùng với sự nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân huyện nhà thì Nam Đàn rất cần có cơ chế đặc thù cho huyện xây dựng NTM kiểu mẫu, cùng sự hỗ trợ nguồn lực từ Chính phủ các bộ, ban, ngành Trung ương và tỉnh.
P.V: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Thanh Lê
(Thực hiện)