Xây dựng nông thôn mới vùng miền núi: Còn xa mục tiêu
(Baonghean) - Qua hơn 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2011 - 2015, nông thôn tỉnh ta đã có nhiều khởi sắc, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng kiên cố, đời sống của người dân từng bước được nâng cao... Tuy nhiên, tại các địa phương vùng miền núi, việc xây dựng NTM vẫn còn là bài toán khó vì mức hoàn thành các tiêu chí còn khá thấp.
Những khó khăn
Theo Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh, toàn tỉnh có hơn 200 xã thuộc 11 huyện, thị xã miền núi đang thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Qua 5 năm thực hiện xây dựng NTM, việc hoàn thành các tiêu chí NTM tại các xã miền núi đạt khá thấp so với mức bình quân của cả tỉnh. Đặc biệt có 3 huyện: Quế Phong, Quỳ Châu và Kỳ Sơn chưa có xã nào đạt chuẩn NTM; 2 huyện là Tương Dương và Con Cuông, mỗi huyện mới có 1 xã cán đích NTM. Đến thời điểm này, trong tổng số hơn 200 xã xây dựng NTM của 11 huyện miền núi mới có 31 xã đạt 19/19 tiêu chí NTM, trên tổng số 110 xã đã về đích NTM của tỉnh. Các tiêu chí như: Tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập, chợ, môi trường… ở các xã miền núi vẫn còn khoảng cách lớn so với các xã ở khu vực đồng bằng.
Hơn 70% tuyến đường giao thông của xã Yên Khê (Con Cuông) đã được bê tông hóa. |
Nguyên nhân do nhiều yếu tố, trong đó, có điểm xuất phát của các xã miền núi rất thấp, dẫn đến việc tổ chức phát triển sản xuất, tạo sinh kế để nâng cao thu nhập cho người dân còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nông dân ở các xã miền núi cao thuộc diện hộ nghèo, thiếu vốn sản xuất còn cao, việc tiếp thu kiến thức khoa học - kỹ thuật còn hạn chế. Một bộ phận không ít hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn thụ động, thiếu năng lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Số hộ thoát nghèo có nguy cơ tái nghèo hàng năm còn rất cao, kết quả giảm nghèo chưa bền vững.
Bên cạnh đó, tập quán sản xuất của người dân khu vực miền núi còn lạc hậu, diện tích đất canh tác ít, chủ yếu là đất đồi rừng, khó sản xuất; việc sản xuất ở một số vùng còn mang tính tự phát, làm theo phong trào, chưa có nhiều mô hình sản xuất hàng hóa tập trung. Số lượng doanh nghiệp trên địa bàn xã không nhiều, quy mô không lớn, nên khả năng thu hút lao động, tạo nguồn thu ngân sách không cao, việc giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân không dễ khắc phục. Do vậy sự huy động toàn dân chung tay xây dựng NTM tại các huyện miền núi cao, mặc dù được người dân đồng tình hưởng ứng, nhưng sự đóng góp bằng vật chất rất khó khăn, trong khi đó nhiều tiêu chí xây dựng NTM cần phải có sự đầu tư kinh phí mới hoàn thành được, như: Giao thông, nhà văn hóa cộng đồng, thủy lợi. Biết rằng, thời gian qua, có những thôn, bản ngoài sự hỗ trợ của nhà nước, bà con đã đồng tình đóng góp sức người, sức của để đổ bê tông đường giao thông nội bản một cách quyết liệt, hiệu quả. Song con số đó chưa nhiều so với yêu cầu thực tế.
Ngoài tiêu chí thu nhập, hộ nghèo, các tiêu chí mà các xã miền núi khó hoàn thành là: Giao thông, thủy lợi, chợ, môi trường... Theo quy định, để được công nhận đạt tiêu chí giao thông, địa phương phải đạt 70% tổng chiều dài đường giao thông trên địa bàn được bê tông hóa, cứng hóa. Thế nhưng các xã miền núi phần lớn địa hình là vùng đồi núi, dân cư sinh sống phân tán, không tập trung, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo nhiều nên việc huy động nhân dân đóng góp xây dựng đường giao thông còn rất hạn chế; dẫn đến việc đầu tư xây dựng giao thông ở các xã thuộc miền núi cao của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn.
Cần cơ chế hỗ trợ đặc thù
Ông Lang Văn Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết: Trong những năm gần đây, bên cạnh nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM của Trung ương, tỉnh hỗ trợ, huyện cũng đã lồng ghép thêm với các nguồn vốn khác từ Chương trình 30a, Chương trình 135/CP… để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Tuy nhiên, do xuất phát điểm kinh tế, xã hội của các xã còn quá thấp nên mặc dù ưu tiên cho công tác hỗ trợ sản xuất, giảm nghèo, nhưng tỷ lệ hộ nghèo của người dân tại nhiều xã còn ở mức trên 30%.
Do số hộ nghèo cao, việc huy động các nguồn lực trong dân không thể thực hiện được, đã khiến việc thực hiện các tiêu chí về hạ tầng của các xã gặp khó khăn lớn. Bên cạnh đó, việc tìm nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng các công trình thiết yếu cũng đang là bài toán khó giải đối với các xã xây dựng NTM tại địa phương. Huyện đề nghị tỉnh, Trung ương xem xét, có chính sách đặc thù ưu tiên hỗ trợ các xã miền núi khó khăn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất để sớm hoàn thành các tiêu chí NTM.
Cải tạo vườn tạp để trồng đậu cô ve tại xã Thạch Giám (Tương Dương). |
Trước những khó khăn thực tế đó, đầu năm 2016, tỉnh ta có chủ trương chỉ đạo các huyện miền núi cao xây dựng NTM từ thôn, bản. Theo đó, các địa phương xây dựng kế hoạch, các thôn, bản đăng ký xây dựng NTM theo lộ trình. Đầu tháng 4 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1263/QĐ-UBND của UBND tỉnh về quy định tạm thời Bộ tiêu chí xóm, bản NTM áp dụng trên địa bàn các xã miền núi của tỉnh. Theo quy định này, thôn, bản chỉ thực hiện 14 tiêu chí NTM, các huyện chỉ đạo các xã lựa chọn thôn, bản để thực hiện; lập kế hoạch, giám sát, kiểm tra, đôn đốc; hàng năm tổ chức thẩm định, đánh giá và quyết định công nhận các xóm, bản đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện nay, văn phòng điều phối NTM tỉnh đang triển khai văn bản hướng dẫn các địa phương miền núi thực hiện xây dựng thôn, bản NTM.
Từ những khó khăn của các xã miền núi, vấn đề đặt ra hiện nay là Nhà nước cần có cơ chế đặc thù hỗ trợ phát triển sản xuất cho phù hợp với điều kiện sản xuất của người dân các xã miền núi còn khó khăn. Tăng cường hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng cao, hình thành các vùng sản xuất tập trung theo hướng trang trại, gia trại. Cần có chính sách hỗ trợ về vốn, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, mô hình tổ chức sản xuất mới để hỗ trợ cho người dân vùng sâu, vùng xa và miền núi trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ nông, lâm sản. Đồng thời, các cấp, các ngành cũng cần ưu tiên triển khai, ứng dụng và nhân rộng các mô hình khoa học công nghệ ở các xã khó khăn, miền núi.
Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 110 xã đạt chuẩn NTM. Trong đó, 11 huyện miền núi có 31 xã về đích NTM; có 3 huyện: Kỳ Sơn, Quỳ Châu và Quế Phong chưa có xã về đích NTM. Theo thống kê của Văn phòng điều phối NTM tỉnh, trong năm nay có 1 xã của 3 huyện nói trên đăng ký về đích NTM. Đến nay, các địa phương có tiêu chí đạt bình quân thấp nhất là Kỳ Sơn 4 tiêu chí, Tương Dương 7 tiêu chí; Quế Phong 7,43 tiêu chí, Quỳ Châu 10,20 tiêu chí. |
Xuân Hoàng
TIN LIÊN QUAN |
---|