Xóa tư tưởng “cha chung không ai khóc” ở các công trình nước tự chảy

Nhóm PV - Kỹ thuật: Lâm Tùng 31/03/2019 14:03

(Baonghean) - Sau khi Nhà nước đầu tư, hầu hết các công trình cấp nước tự chảy ở các huyện miền núi được giao cho các xã, bản quản lý. Thế nhưng do nhiều nguyên nhân, các công trình bị hư hỏng, thiếu nguồn nước, không có kinh phí sửa chữa.

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 512 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung tại 17 huyện, trong đó chỉ có 105 công trình được đánh giá hoạt động hiệu quả, 171 công trình hoạt động trung bình, 105 công trình hoạt động kém hiệu quả và 131 công trình ngừng hoạt động. Thực tế cho thấy nơi nào có cơ chế quản lý tốt thì ở đó công trình có sức bền hơn, ngược lại nơi nào công trình không được quản lý thì nhanh chóng xuống cấp và người dân lại thiếu nước.

Hiệu quả ở Con Cuông, Tương Dương

Năm 2015, khi huyện Tương Dương đầu tư hệ thống nước tự chảy, giao cho xã Thạch Giám quản lý, 106 hộ của bản Cây Me và các bản của xã Thạch Giám rất phấn khởi khi nước sạch đã về tận các hộ, lại không mất chi phí nào. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian, không được tu bổ nên hệ thống cấp nước đã xuống cấp, nước chảy tự do, hệ thống van vòi hư hỏng, trong khi nguồn quỹ của bản lại ít, việc sửa chữa, bảo dưỡng không được thường xuyên. Bên cạnh đó một số hộ ở trên cao bị thiếu nước dùng.

Trước thực trạng đó, xã đã nhiều lần đề xuất với huyện bàn hình thức quản lý nguồn nước sao cho có hiệu quả, nhằm đảm bảo 100% hộ được dùng nước sạch. Đến cuối năm 2017, huyện quyết định giao cho doanh nghiệp quản lý và có thu phí nước sạch đối với tất cả các hộ dùng nước.

Việc quản lý khai thác hệ thống cấp nước ở vùng cao Nghệ An còn nhiều bất cập. Ảnh: Lữ Phú - Đào Thọ
Việc quản lý khai thác hệ thống cấp nước ở vùng cao Nghệ An còn nhiều bất cập. (Trong ảnh: Công trình nước chung hư hỏng nên người dân không có nước sạch để sinh hoạt; Hàng ngày người dân vùng cao phải gùi từng can nước ở khe về sinh hoạt. Ảnh: Lữ Phú - Đào Thọ.

Bản cây Me, bản Phòng giao cho Công ty cổ phần cấp nước Nghệ An, chi nhánh Tương Dương trực tiếp đầu tư và quản lý, thu phí. Bản Mon, giao cho Công ty TNHH Trường Vinh đầu tư và quản lý. Sau khi nhận, các công ty đã tập trung đầu tư, mỗi bản xây dựng 1 bể lọc và 1 bể chứa, đường ống dẫn nước từ đầu nguồn đập khe thuộc địa phận quản lý.

Các hộ chỉ có mua dây dẫn về nhà và phải trả mức phí 2.500 đồng/m3. Đồng thời huyện tích cực tuyên truyền để người dân hiểu về tầm quan trọng của việc dùng nước sạch và sự thuận tiện của việc chủ động được nguồn nước.

Từ khi chủ động nguồn nước, các hộ dân trong bản tự có ý thức bảo quản, không để nước tự chảy ở các bể như trước, van, vòi được chú trọng mua hàng có chất lượng về dùng. Mọi sinh hoạt của người dân thuận lợi hơn

Anh Lương Văn Hùng – Trưởng bản Cây Me, xã Thạch Giám

Năm 2007, bản Liên Đình, xã Chi Khê (Con Cuông) cũng được Nhà nước đầu tư xây dựng công trình nước sinh hoạt tự chảy, với 9 bể nước cộng đồng. Tại mỗi bể nước, được lắp đặt van đóng mở, có sân, nhà tắm phục vụ giặt rửa cho bà con dân bản. Trong quá trình sử dụng, do ý thức của một số người dân, dẫn đến một số thiết bị hư hỏng, hơn nữa tại các bể nước không có hệ thống thoát nước nên nước thải ứ đọng, gây mất vệ sinh chung. Đặc biệt, vào mùa nắng nóng, người dân đi làm về tập trung đến các bể chứa nước tắm giặt, rửa ráy... dẫn đến tình trạng tranh giành, chen lấn.

Thực tế đó, chi bộ, Ban quản lý thôn bản đã tổ chức họp dân tìm ra phương án sử dụng nguồn nước hiệu quả nhất. Chi bộ thống nhất các hộ nên đầu tư lắp đặt hệ thống dẫn nước về tận từng nhà, vừa đỡ phải chen lấn, lại nâng cao ý thức bảo vệ công trình, đảm bảo nguồn nước hợp vệ sinh. Để thực hiện được ý tưởng đó, Chi bộ đã vận động nhân dân đóng góp mỗi hộ 300.000 - 1.000.000 đồng.

Từ đó, ở Chi Khê (Con Cuông), hệ thống nước tự chảy được quản lý tốt, đời sống sinh hoạt của bản thuận tiện, sạch sẽ. Trên 400 hộ dân thuộc 6 bản: Nam Đình Liên Đình, Trung Đình, Sơn Khê, Tổng Chai và Bãi Văn luôn có nước sạch. Trưởng bản và các đoàn thể trong thôn, bản tuyên truyền đến người dân nên công trình phát huy tốt tác dụng. Nguồn nước dồi dào, người dân không phải cõng nước như trước đây.

6 bản nói trên có 415 hộ, đến nay đã có 403 hộ lắp đặt được hệ thống dẫn nước về tận nhà. Xã thành lập Ban quản lý gồm đồng chí Phó Chủ tịch làm trưởng ban, phối hợp với các trưởng bản làm thành viên. Khi chúng tôi đến thăm nhà người dân trong bản, họ rất phấn khởi, nguồn nước trong vắt từ suối về nhà ai cũng thoải mái sử dụng.

Ông Lô Hồng Minh - Chủ tịch UBND xã Chi Khê

Nhiều công trình sớm xuống cấp

Hệ thống nước sạch ở xã Châu Thành, huyện Quỳ Hợp là một trong những công trình được xây dựng theo Chương trình Mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, tổng kinh phí đầu tư hơn 3,2 tỷ đồng với mục đích cấp nước sạch cho 425 hộ dân đồng bào Thái của 3 bản Trung Thành, Tiến Thành và bản Cô.

Tuy nhiên, sau khi hoàn thành vào năm 2014, chỉ sau 1 năm hoạt động, công trình đã phải “đắp chiếu” nằm phơi nắng, phơi mưa. Hiện tại 31 bể nước kèm theo nhà tắm công cộng bị bỏ hoang. Hệ thống đường ống bị hư hỏng và được người dân thu gom về bảo quản.

Công trình nước sạch khi mới làm xong bà con nhân dân họ cũng rất vui mừng nhưng đáng buồn là mới sử dụng được 1 năm là xuống cấp, hư hỏng

Anh Vy Văn Hùng - Trưởng Bản Cô, xã Châu Thành (Quỳ Hợp)

Công trình sử dụng nước suối bản Cô, tuy nhiên nước chỉ đến được mấy bể đầu nguồn còn phía dưới không có nước sử dụng.

Người dân bản Cây Me, xã Thạch Giám (Con Cuông) chủ động nguồn nước sinh hoạt. Ảnh: May Huyền - Bá Hậu
Người dân bản Cây Me, xã Thạch Giám (Con Cuông) chủ động nguồn nước sinh hoạt. Ảnh: May Huyền - Bá Hậu

Ở xã vùng cao Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, từ năm 2011 đến 2017, trên địa bàn xã đã có 6 đợt được Nhà nước đầu tư xấp xỉ 20 tỷ đồng để thi công mới và duy tu, sửa chữa các công trình nước sinh hoạt cho bà con. Thế nhưng, theo phản ánh của các hộ dân sau khi các công trình nước sạch đi vào hoạt động, người dân chỉ được sử dụng nguồn nước phập phù, sau đó ngừng sử dụng. Từ đó, nhiều hạng mục của công trình bị xuống cấp, máy móc, hệ thống lọc nước không thể vận hành, đường ống dẫn nước đến nhà dân bị hư hỏng nặng, mất trộm…


Huyện Quỳ Châu có 12 xã, thị trấn, gần như mỗi xã, thị đều có từ 1 đến 2 công trình nước sinh hoạt tự chảy. Tại xã Châu Bình, hệ thống nước sạch được bàn giao vào cuối năm 2012, hệ thống này đã cung cấp nước cho 500 hộ dân và 3 đơn vị trường học trên địa bàn. Nhưng người dân chưa được thụ hưởng bao lâu thì nay công trình này đã bị hư hỏng và xuống cấp, nguồn nước không thể cung cấp đến tận các hộ. Không có nước sạch, người dân ở bản Bình 1, xã Châu Bình đành phải xuống suối cõng nước.

Ở các huyện vùng núi cao khác như Quế Phong, Kỳ Sơn, do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân không được phân công quản lý, nhiều công trình nước hư hỏng…

Sau một thời gian đưa vào sử dụng nay nhiều công trình đã xuống cấp hư hỏng và không thể sử dụng. Ảnh: Bá Hậu

Nghệ An có 457 công trình cấp nước tự chảy hầu hết được đầu tư từ ngân sách. Nguồn nước chủ yếu sử dụng nước mặt từ các khe suối, cấp nước cho từng bản hoặc nhiều bản với lưu lượng từ 100 đến 200m3/ngày đêm, xử lý nước chủ yếu bằng hệ thống lắng lọc bằng lớp cát và lớp sỏi, không thực hiện xử lý bằng hóa chất, dẫn nước đến các bể công cộng để cấp nước cho các cụm dân cư và chủ yếu tập trung tại các huyện miền núi như Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp...

Quá trình sử dụng, chất lượng các công trình xuống cấp, cùng với đó là địa hình phức tạp và ý thức sử dụng của người dân chưa cao nên nguồn nước đang bị lãng phí.

Một phần nguyên nhân do các cấp chính quyền chưa vào cuộc trong công tác quản lý, bảo dưỡng, cộng thêm ý thức của dân bản là hệ thống nước miễn phí nên không chung tay bảo vệ, khai thác. Vấn đề đặt ra là người dân cần đóng góp kinh phí và giao trách nhiệm cho doanh nghiệp hoặc tổ hợp tác quản lý, khai thác hệ thống một cách tốt nhất.

Hiện có 5 công trình nước tự chảy thực hiện thu tiền nước và vận hành tốt: Ở xã Chi Khê (Con Cuông), hiện nay mỗi hộ 1 tháng nộp 10.000 đồng và đồng bào “ưng cái bụng”. Còn ở Tương Dương, người dân một số địa phương đang sử dụng nguồn nước tự chảy với mức giá 2.500 đồng/m3 (không quá cao, nhưng với một địa phương có đến 85% hộ dân phụ thuộc hoàn toàn vào nương rẫy, thu nhập không ổn định, dân bản mong giảm xuống 2.000 đồng/m3).

Mới nhất

x
Xóa tư tưởng “cha chung không ai khóc” ở các công trình nước tự chảy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO