'Xóa yếu, giảm trắng' tại Nghi Lộc
(Baonghean) - Việc lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng hệ thống chính trị cơ sở xã, thị trấn vững mạnh luôn được cấp ủy, chính quyền huyện Nghi Lộc quan tâm và đã đạt được những kết quả tích cực.
Tập trung khắc phục khâu yếu, mặt yếu
Tại xã Nghi Vạn, nơi có 5.420 khẩu đồng bào theo đạo/7.171 dân số toàn xã, nhờ xây dựng và thực hiện có hiệu quả chương trình “xóa yếu, giảm trắng”, nhiều chi bộ trên địa bàn đã khắc phục được nhiều “khâu yếu, mặt yếu” để giữ vững trong sạch vững mạnh (TSVM) và vươn lên TSVM toàn diện trong nhiều năm; đồng thời lãnh đạo toàn hệ thống chính trị, đoàn thể hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Thường trực Huyện ủy cùng lãnh đạo Ban Dân vận Huyện ủy Nghi Lộc tuyên truyền chủ trương, chính sách bồi thường GPMB cho người dân bị ảnh hưởng thi công đường N5 ở xã Nghi Thuận. Ảnh: Nhật Tuấn |
Như ở xóm Đồng, chi bộ có 7 đảng viên chủ yếu là tăng cường từ nơi khác về, nhưng các phong trào trong xóm phát triển đều, công tác dồn điền, đổi thửa, quy hoạch sân bóng, nhà văn hóa được 100% người dân ủng hộ. Ông Phan Công Văn - Phó Bí thư Đảng ủy xã Nghi Vạn cho hay: Đến nay, 16 xóm trên địa bàn (11 xóm có đồng bào giáo dân) đều có chi bộ đảng, tỷ lệ tập hợp thanh niên 67%, các chi hội đoàn thể khác tỷ lệ tập hợp trên 97%.
Tại các địa phương khác như Nghi Văn, Nghi Diên..., đảng ủy và các chi ủy chi bộ đều xây dựng kế hoạch để lồng ghép triển khai thực hiện các nội dung về khắc phục khâu yếu, mặt yếu, xây dựng đảng bộ, chi bộ và hệ thống chính trị vững mạnh từ cơ sở. Trong quá trình triển khai, BCH Đảng bộ huyện đã ban hành bổ sung nhiều Nghị quyết, đề án có liên quan để tăng cường các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo. Đồng thời nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách tạo điều kiện phát triển hệ thống chính trị vùng đặc thù.
Đồng chí Đinh Thị Tâm - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nghi Lộc cho hay: Huyện xác định đơn vị nào yếu ở đâu thì thành lập ban chỉ đạo, tổ công tác tăng cường xóa khâu yếu, mặt yếu ở đó. Ví dụ, địa bàn yếu về công tác Đảng thì tăng cường cán bộ có kinh nghiệm ở các ban đảng về phụ trách, địa bàn yếu KT-XH sẽ thành lập tổ công tác sẽ do lãnh đạo chính quyền phụ trách.
Song song với xóa khâu yếu, mặt yếu, huyện tập trung củng cố hệ thống chính trị vùng đặc thù thông qua việc ban hành Nghị quyết 10 về đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ và các đoàn thể ở cơ sở, xóa trắng chi đoàn, chi hội. Nhờ vậy, trước năm 2003, toàn huyện còn 22 xóm chưa có đoàn thanh niên; 20 xóm chưa có chi hội phụ nữ, 18 xóm chưa có chi bộ nông dân; 6 xóm chưa có ban công tác mặt trận. Đến nay, 100% xóm có ban công tác mặt trận, chi hội phụ nữ, chi hội nông dân; 99,3% xóm có chi hội CCB, 99,8% xóm có tổ chức đoàn thanh niên.
Bà con Giáo xứ Xuân Kiều, xã Nghi Kiều (Nghi Lộc) hiến đất mở rộng đường theo chuẩn nông thôn mới. Ảnh: Nhật Tuấn |
Bên cạnh đó, các tổ công tác thuộc ban chỉ đạo của huyện đã hướng dẫn các chi bộ vùng đặc thù tập trung chú trọng công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng KHKT vào sản xuất, đa dạng hóa ngành, nghề, dịch vụ nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân; quan tâm công tác bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển đảng...
Nếu trước năm 2003, toàn huyện có 64 xóm chưa có chi bộ, 34 xóm chưa có đảng viên, đến nay đã phát triển được 62 đảng viên, thành lập được 50 chi bộ ở vùng đặc thù. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên tiến hành khảo sát những vấn đề khó khăn, ách yếu tại các xóm vùng đặc thù để có những chính sách ưu tiên đầu tư, như hỗ trợ 150 triệu đồng/xóm để xây dựng nhà văn hóa, hỗ trợ xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế...
Đến nay, huyện Nghi Lộc đã hỗ trợ vùng đặc thù xây dựng 40 nhà văn hóa xóm, 8 nhà văn hóa xã, 10 trụ sở UBND xã, 91 công trình trường học, 42 công trình thủy lợi; 650 km đường giao thông... |
Ngoài các giải pháp trên, công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ vùng đặc thù cũng được cấp ủy, chính quyền đặc biệt quan tâm. Những đơn vị có biến động về tổ chức bộ máy cán bộ đều được củng cố kịp thời, sớm đi vào ổn định và duy trì tốt hoạt động. Hiện tại, đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị vùng đặc thù có 492 người, cơ bản đạt chuẩn.
Trong vòng 15 năm trở lại đây, Nghi Lộc có 87 cán bộ vùng đặc thù đi học đại học, cao đẳng, 57 người học trung cấp chuyên môn; 170 cán bộ học trung cấp lý luận chính trị, trong đó có 6 cán bộ người công giáo, toàn huyện có 121 đảng viên gốc giáo. Đây là lực lượng nòng cốt góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy cấp ủy, chính quyền, đa dạng hóa hoạt động của MTTQ và các đoàn thể, là cầu nối “ý Đảng - lòng dân” ở cơ sở.
Tiếp sức cho chi bộ thôn, xóm
Tuy đã có nhiều nỗ lực nhưng hiện tại trên địa bàn huyện Nghi Lộc vẫn còn 12 xóm chưa có chi bộ, 22 xóm chưa có đảng viên tại chỗ tập trung ở các xã Nghi Văn, Nghi Kiều, Nghi Phương, Nghi Hoa, Nghi Thuận, Nghi Quang... Năng lực của đội ngũ cán bộ ở một số xã còn hạn chế, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trên địa bàn , xử lý những vấn đề phát sinh còn lúng túng.
Tỷ lệ tập hợp đoàn viên, hội viên của các tổ chức đoàn thể vùng đặc thù vẫn còn thấp, việc khắc phục khâu yếu, mặt yếu còn chậm. Trước thực tế đó, BCH Đảng bộ huyện đã ban hành Chương trình hành động số 12 ngày 12/9/2016 và Kế hoạch 58 ngày 08/2/2017 thực hiện Nghị quyết số 03, Đề án số 02- ĐA/HU về “Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở xã, thị trấn giai đoạn 2016 -2020” và Đề án 01- ĐA/TU về “Xây dựng chi bộ, phát triển đảng viên ở các khối xóm chưa có chi bộ, chưa có đảng viên và khối xóm có nguy cơ không còn chi bộ giai đoạn 2016 - 2020”.
Nông dân xã Nghi Hoa trồng dưa chuột trên đất hai lúa. Ảnh: Nhật Tuấn |
Trong đó, tập trung đánh giá việc điều chuyển và tăng cường cán bộ, công chức xã về sinh hoạt tại các chi bộ dân cư để rút kinh nghiệm và tìm giải pháp để bổ sung lực lượng cho các xóm còn thiếu đảng viên hoặc có những khó khăn. Đối với các xã đang còn xóm chưa có chi bộ như Nghi Phương, Nghi Kiều, Nghi Thuận..., trước mắt, huyện tiếp tục tăng cường đảng viên có năng lực, uy tín, am hiểu địa bàn về thành lập chi bộ, không để tình trạng xóm trắng chi bộ kéo dài hay một chi bộ phải lãnh đạo 2 - 3 xóm.
Đối với những đảng bộ đang còn chi bộ sinh hoạt ghép, đảng ủy tiến hành soát xét, chỉ đạo các chi bộ xây dựng kế hoạch phát triển đảng viên tại chỗ và tách chi bộ; đồng thời phân công cấp ủy viên hoặc đảng viên là cán bộ, công chức xã có kinh nghiệm gần địa bàn về sinh hoạt để thành lập chi bộ riêng và giữ chức vụ bí thư chi bộ, như ở xóm 1B Nghi Kiều, xóm 16 Nghi Văn, xóm 6, xóm 15 Nghi Phương, xóm 12 Nghi Thuận...
Đối với công tác phát triển đảng viên, tổ chức cơ sở đảng và chi hội đoàn thể vùng đặc thù phải quan tâm bồi dưỡng các đối tượng quần chúng tiến bộ, có tín nhiệm với dân, trước hết là đội ngũ xóm trưởng, cán bộ đoàn- hội, bộ đội xuất ngũ, thanh niên đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng về địa phương để tạo nguồn lâu dài. “Mục tiêu của huyện đặt ra là: Phấn đấu thành lập được trên 50% chi bộ ở các xóm chưa có chi bộ; mỗi đảng bộ xã phải có 50% chi bộ kết nạp được đảng viên mới từ nguồn tại chỗ, trong đó có ít nhất 1 đảng viên từ các xóm chưa có đảng viên.
Mỗi xóm chưa có chi bộ, chưa có đảng viên hoặc có nguy cơ không còn chi bộ phải giới thiệu được quần chúng ưu tú để bồi dưỡng cảm tình đảng. Bên cạnh đó, tập trung củng cố kiện toàn nâng chất lượng hoạt động của từng đoàn thể tại các xóm đang còn khâu yếu, mặt yếu và thành lập các chi đoàn, chi hội ở các xóm chưa có tổ chức đoàn hội để xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh...” - đồng chí Đinh Thị Tâm - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nghi Lộc cho biết.
Gia Huy
TIN LIÊN QUAN |
---|