Xử lý dứt điểm dự án 'treo' ở Nghệ An

14/12/2016 08:12

(Baonghean) - Thời gian qua, Nghệ An thu hút được nhiều dự án đầu tư, tạo bước đột phá, mang lại diện mạo mới cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Tuy nhiên vẫn còn các dự án đã triển khai nhưng chậm tiến độ hoặc không triển khai ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh; vi phạm các quy định và cam kết trong đầu tư, gây bức xúc trong nhân dân.

» Cử tri thị xã Cửa Lò đề nghị thu hồi dự án treo

» TP Vinh: Dự án 'treo' trên đất 'vàng'

Những dự án "đắp chiếu"

Là địa bàn trung tâm kinh tế của tỉnh nên trong thời gian qua, thành phố Vinh có hàng trăm dự án thu hút đầu tư vào địa bàn. Nhiều dự án đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát triển thành phố. Tuy nhiên, hiện nay thành phố Vinh cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn khi trên địa bàn có không ít dự án vẫn trong tình trạng “đắp chiếu”.

Xã Hưng Hòa (TP. Vinh) là một trong những địa phương có nhiều dự án đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết nhiều năm, nhưng vẫn chưa được nhà đầu tư triển khai. Đơn cử, Dự án Trung tâm thương mại dịch vụ tại xã Hưng Hòa do Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Nam Bình làm chủ đầu tư có quy mô diện tích đất 41.960m2, dự kiến triển khai từ năm 2012. Thế nhưng 4 năm trôi qua dự án vẫn đang “dẫm chân” tại chỗ.

Tương tự, Dự án của Tổng Công ty Hợp tác kinh tế Việt - Lào được khởi động từ năm 2010 với mục đích xây dựng khu đô thị và nhà ở xã hội với diện tích 200 ha, cũng chỉ mới triển khai được hạng mục hàng rào bao quanh. Dự án của Công ty Hà Thành (Thanh Hóa) với diện tích 80 ha, được phê duyệt quy hoạch chi tiết từ năm 2010 đến nay trở thành bãi đất trống. Điều đáng nói là 6 năm qua nhà đầu tư chưa chi trả tiền đền bù cho người dân. Hay, dự án của Công ty Vinaconex được phê duyệt quy hoạch chi tiết từ 10 năm nay cũng “đắp chiếu” nằm chờ sau khi mới thi công phần san lấp mặt bằng.

Ông Trần Cao Cường - Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Hòa trao đổi: “Có nhiều dự án hàng chục năm nay được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết, thay đổi giấy chứng nhận lần này đến lượt khác nhưng đến nay trở thành nơi chăn thả gia súc hết sức lãng phí. Cuộc họp tiếp xúc cử tri nào dân cũng kiến nghị, xã cũng có ý kiến nhưng đâu lại vào đấy...”.

Công ty TNHH Lam Hồng tại xã Hưng Hòa (TP. Vinh) trở thành bãi chăn bò.
Công ty TNHH Lam Hồng tại xã Hưng Hòa (TP. Vinh) trở thành bãi chăn bò.

Tình trạng trên cũng đang diễn ra ở nhiều phường trung tâm của TP. Vinh với nhiều dự án ở những vị trí sinh lợi nhưng triển khai không đúng tiến độ, như: Dự án Trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê nhà chung cư cao tầng và nhà ở liền kề tại phường Hưng Dũng; Dự án Nhà thương mại mua bán và xưởng lắp ráp ô tô tại phường Hà Huy Tập; Dự án trung tâm dịch vụ xe ô tô tại xã Nghi Phú của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Nam Kinh; Dự án Bệnh viện Tai mũi họng miền Trung (đường Lê-nin)…

Tương tự, thị xã Cửa Lò có trên 10 dự án xây dựng nhà nghỉ, cảng cá, khu nghỉ dưỡng, bất động sản... với diện tích hàng trăm nghìn m2 đang chậm tiến độ, thậm chí chưa triển khai xây dựng sau nhiều năm cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Tọa lạc tại vị trí trung tâm của thị xã Dự án BMC Cửa Lò Palaza được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết từ năm 2008 với tổng mức đầu tư là 933 tỷ đồng ,nhưng đến nay chưa triển khai hạng mục nào. Với 5.274 m2 diện tích đất mặt tiền đường Nguyễn Sinh Cung (phường Nghi Hương, TX. Cửa Lò) để bố trí các hạng mục Dự án Tòa tháp đôi cao 21 tầng làm siêu thị, khách sạn cao cấp đang là bãi đất trống, cỏ mọc dày.

Hay, Dự án khu nghỉ dưỡng Sông Hồng tại phường Nghi Hòa với diện tích sử dụng đất là 9.890 m2 được phê duyệt quy hoạch từ năm 2008, với mục đích là xây dựng khách sạn, nhà hàng, biệt thự nhưng đến nay nhà đầu tư chỉ xây xong tường rồi để vậy. Dự án Khu khách sạn nghỉ dưỡng của Công ty CP Du lịch Hà Nội tại phường Nghi Hòa được phê duyệt quy hoạch chi tiết từ năm 2006 đến nay chỉ dừng lại ở các hạng mục tường bờ rào bao quanh, cổng chính, trồng cây xanh và hệ thống đèn điện chiếu sáng.

Dự án Cảng cầu tàu và cảng cá do Công ty TNHH Hà Dung làm chủ đầu tư với tổng mức vốn hơn 94 tỷ đồng, diện tích quy hoạch cả 2 vị trí gần 30.000 m2, được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2009, đến nay, vị trí 1 chưa thực hiện xây dựng, vị trí 2 mới triển khai một số hạng mục nhỏ…

a
Dự án Khu Khách sạn nhà nghỉ của Công ty CP Du lịch Hà Nội trên địa bàn Cửa Lò chậm triển khai

Trên địa bàn thị xã Cửa Lò còn có các dự án đầu tư của một số cơ quan đơn vị quốc phòng, an ninh đã được giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 2007 nhưng đến nay chưa triển khai.Tình trạng trên cũng đang diễn ra ở nhiều phường trung tâm của TP. Vinh với nhiều dự án ở những vị trí sinh lợi nhưng triển khai không đúng tiến độ, như: Dự án Trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê nhà chung cư cao tầng và nhà ở liền kề tại phường Hưng Dũng; Dự án Nhà thương mại mua bán và xưởng lắp ráp ô tô tại phường Hà Huy Tập; Dự án trung tâm dịch vụ xe ô tô tại xã Nghi Phú của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Nam Kinh; Dự án Bệnh viện Tai mũi họng miền Trung (đường Lê-nin)…

Thực trạng nhiều dự án chậm tiến độ, không hoàn thành nghĩa vụ thuế theo quy định và không thực hiện đúng theo thời gian gia hạn không chỉ xảy ra ở các khu vực trung tâm như TP. Vinh, TX. Cửa Lò mà còn xảy ra ở nhiều địa phương trong toàn tỉnh. Trong năm 2016, UBND tỉnh đã chỉ đạo thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tiến độ các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Trong đó Đoàn số 1 do Sở Kế hoạch và Đầu tư làm trưởng đoàn được giao kiểm tra 20 dự án của 20 tổ chức/doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh từ ngày 10/4 - 10/5/2016.

Qua kiểm tra, đoàn đã kiến nghị UBND tỉnh ban hành Quyết định hủy bỏ quy hoạch của 3 dự án; chấm dứt hoạt động, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư của 3 dự án (Dự án Bệnh viện Đa khoa Đức Hồng Minh của Công ty TNHH Đức Hồng Minh; Dự án Tổ hợp chợ Hiếu – TX. Thái Hòa của Công ty CP Tổng Công ty xây lắp Dầu khí Nghệ An; Dự án Nhà máy sản xuất Hợp kim của Công ty CP Đầu tư khoáng sản Thái An); có 1 dự án bị đề nghị xóa tên khỏi danh mục các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh là Dự án Nhà máy gạch không nung Golden Land của Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng Golden Land.

Tiếp đó, đoàn kiểm tra liên ngành 2 (do Sở Xây dựng chủ trì) kiểm tra tiến độ 21 dự án từ ngày 16/5- 27/5/2016 đã kiến nghị UBND tỉnh ban hành văn bản thông báo hủy bỏ Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng và các văn bản pháp lý liên quan đến dự án của 6 dự án.

Đoàn 3 đoàn kiểm tra liên ngành 3 (do Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì) kiểm tra 26 dự án của 26 doanh nghiệp/nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh từ ngày 10/6 - 10/7/2016. Qua đó, kiến nghị thu hồi 7 dự án, trong đó Nhà máy xử lý rác thải để sản xuất năng lượng khu vực thị xã Thái Hòa và các vùng lân cận (Công ty TNHH Costructa S.r.l được UBND tỉnh đồng ý đầu tư dự án, hiện tại không có các hoạt động để tiếp tục thực hiện dự án, vi phạm Luật Đầu tư); Dự án chợ, khu phố thương mại Quỳ Hợp do Công ty CP Đầu tư hạ tầng đô thị Thăng Long làm chủ đầu tư (đã được UBND tỉnh cho gia hạn tại Văn bản số 6804/UBND-ĐTXD ngày 27/9/2013, trong đó yêu cầu khởi công dự án trong quý II/2014 nhưng chủ đầu tư không tiếp tục thực hiện.

Lãng phí tài nguyên đất

Việc các dự án chậm tiến độ đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngoài làm lãng phí tài nguyên đất đai, tăng chi phí, giảm hiệu quả đầu tư, ảnh hưởng tới kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, còn tác động tiêu cực tới sự phát triển xã hội, dân sinh, môi trường...

Điều đáng nói là các dự án hầu hết nằm ở những vị trí đắc địa. Đất được cấp cho dự án bỏ hoang hàng chục năm, trong khi người dân không có đất sản xuất. “Là địa phương thuần nông, không có cơ quan, đơn vị nào đóng trên địa bàn, khi có dự án đầu tư vào cả chính quyền và nhân dân đều rất phấn khởi, nhưng nhiều dự án hàng chục năm vẫn trong tình trạng “treo”, nằm trên giấy tờ, trong khi dân không có đất sản xuất...

a
Dự án bệnh viên tai mũi họng miền Trung dọc đại lộ Lê Nin chưa triển khai. Ảnh C.L

Thực trạng trên được cử tri kiến nghị qua rất nhiều cuộc tiếp xúc với đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. “Cán bộ và nhân dân địa phương mong muốn các dự án bắt tay vào hoạt động; trong điều kiện nhà đầu tư không thực thi được thì thu hồi trả lại đất cho nhân dân sản xuất”- Ông Trần Cao Cường - Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Hòa phản ánh.

Thu hồi dự án, rút giấy phép đầu tư, chuyển dự án cho nhà đầu tư khác có năng lực hơn… là đòi hỏi của đa số người khi nói về các dự án không khả thi. Ông Võ Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò kiến nghị: “Trong lúc thị xã không còn quỹ đất để đấu giá, thu hút nhà đầu tư có năng lực, không có quỹ đất để hoàn vốn cho một số dự án đã triển khai trên địa bàn, đề nghị tỉnh có văn bản yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện dự án, nếu quá thời hạn chủ đầu tư không triển khai thì lập thủ tục thu hồi dự án”.

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Võ Viết Thanh - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Vinh cho biết: “Việc các dự án vào địa bàn là cần thiết để xây dựng thành phố xứng tầm đô thị loại 1. Tuy nhiên, khó khăn là nhiều dự án doanh nghiệp “ôm” hàng trăm ha đất nhưng chưa đền bù cho người dân. Đặc biệt có những dự án đã cấp phép trên chục năm nhưng vẫn không triển khai, gây lãng phí tài nguyên đất.

Đối với TP. Vinh, bước đầu kiểm tra 34 dự án đang đề nghị tỉnh xem xét và sắp tới thành phố tiếp tục kiểm tra để tham mưu cho tỉnh biện pháp xử lý. Những nhà đầu tư không có năng lực, không có thiện chí, chỉ chờ để bán, chuyển nhượng dự án đề nghị tỉnh thu hồi để đảm bảo sử dụng đất có hiệu quả. Như xung quanh khu vực hồ điều hòa (thuộc các xã, phường Hưng Lộc, Hưng Dũng, Hưng Hòa) là khu tiềm năng đất đai lớn nhất nhì thành phố, trong khi một số nhà đầu tư lấy hàng trăm ha đất nhưng gần như chỉ trên giấy tờ chứ chưa đền bù, chưa có động thái gì. Đề nghị tỉnh thu hồi, quy hoạch lại và dành quỹ đất này để kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm năng”.

Một số lãnh đạo các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng cho hay, tình trạng nhiều dự án "treo", chậm tiến độ đã gây khó khăn cho chính quyền cơ sở trong triển khai dự án mới. Chẳng hạn như việc vận động người dân bàn giao mặt bằng trên thực tế không đơn giản, có dự án lực lượng chức năng phải tổ chức cưỡng chế, nhưng sau khi mặt bằng được bàn giao cho chủ đầu tư lại bỏ không, trong khi người dân thiếu đất sản xuất gây tâm lý bức xúc. Cùng với đó là những dự án GPMB dở dang, chủ đầu tư không có năng lực tài chính để chi trả cho người dân theo quy định, dẫn đến khiếu nại tố cáo.

Nhiều dự án để hoang hóa trở thành nơi đổ phế liệu, rác thải gây ô nhiễm môi trường, tụ điểm hút chích… vi phạm quy định về sử dụng đất đai, gây thất thu ngân sách, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh và các địa phương.

(Còn nữa...)

Nhóm P.V

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Xử lý dứt điểm dự án 'treo' ở Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO