180 ha sắn ở Quỳ Châu bị mắc bệnh khảm lá phải nhổ bỏ
(Baonghean.vn) - Hiện nay toàn huyện đã có 180/tổng số 220ha sắn nhiễm bệnh khảm lá đang cần nhổ bỏ, tiêu hủy.
Sắn không phải là cây trồng trọng điểm của huyện Quỳ Châu nhưng trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, toàn huyện đã có hơn 2.000 ha sắn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Thế nhưng, theo kiểm tra của huyện, hiện nay vùng trồng sắn này có gần 100% các cây trồng đều nhiễm bệnh khảm lá sắn.
Gia đình bà Hồ Thị Nguyên có 5 sào với diện tích hơn 1,3ha trước đây được gia đình trồng mía. Nhận thấy một số hộ trồng sắn năm ngoái có thu nhập gấp 2 lần trồng mía, năm nay gia đình bà đã thuê máy cày và đưa giống sắn về trồng. Sau hơn 3 tháng, cây sắn được trồng lên có hiện tượng lá sắn xoăn, cong queo, các khảm vàng loang lổ trên lá và dần chết.
Bà Nguyên chia sẻ: “Mình làm nông dân cứ nghĩ cây trồng có giá trị thì trồng, giờ mất trắng tiền làm đất, tiền công cày, tiền đầu tư giống rồi. Chính quyền cũng kêu gọi vận động nhổ bỏ để trồng cây khác nhưng chất đất khô nên trồng cây gì cũng khó hiệu quả”.
Cán bộ nông nghiệp kiểm tra tình hình bệnh khảm lá sắn. Ảnh: Bé Vinh |
Người dân bản Quỳnh 1, xã Châu Bình cho biết, trước đây người dân cũng trồng sắn với diện tích ít để làm thức ăn chăn nuôi. Còn hiện nay, một số thương lái nhận thu mua số lượng lớn nhập cho các nhà máy chế biến tinh bột nên khoảng 2 năm trở lại đây trên địa bàn đã có hàng trăm hecta trước đây trồng mía nguyên liệu được chuyển đổi sang trồng sắn.
Ông Nguyễn Văn Cừ - Trưởng bản Quỳnh 1 cho biết, chất đất ở đây là đất pha cát khi khô hạn nóng và khó giữ nước nên rất kén các cây trồng khác. Bên cạnh đó, vùng này cũng là vùng thường xuyên thiếu nước sinh hoạt và sản xuất nên khó có nước tưới thường xuyên. Bệnh khảm lá sắn là năm đầu tiên xuất hiện, gây thiệt hại về kinh tế cho người dân. Theo ông Cừ tính cứ 1ha, người dân mất 5 triệu đến 7 triệu đồng tiền làm đất và mua giống chưa tính công chăm sóc mà từng hộ bỏ ra.
Lá sắn quăn cong queo khi nhiễm bệnh. Ảnh: Bé Vinh |
Ông Nguyễn Xuân Linh - Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện khuyến cáo: “Bệnh khảm lá sắn là một đối tượng bệnh hại đặc biệt nguy hiểm trên cây sắn. Bệnh do virus có tên khoa học là Sri Lanka Cassava Mosaic Virus gây ra. Bệnh có khả năng phát tán và lây lan nhanh chóng qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng và qua hom giống.
Hiện nay, chưa có thuốc để diệt trừ virus gây bệnh khảm lá sắn, chỉ có phòng bệnh là chủ yếu và khi cây sắn bị bệnh thì phải tiêu hủy. Triệu chứng đặc trưng dễ nhận biết của bệnh khảm lá sắn là khảm vàng loang lổ trên lá. Khi bị bệnh ở mức độ hại nhẹ lá sắn không bị biến dạng hoặc biến dạng nhẹ, mức độ hại nặng sẽ làm cho lá sắn bị xoăn, cong queo. Đối với hom giống lấy từ cây sắn bị bệnh khi mọc mầm sẽ có biểu hiện bệnh ngay và không cho thu hoạch, khi cây sắn còn non nếu bị nhiễm virus cũng không cho thu hoạch.
Đến thời điểm này, 180ha/220ha trồng sắn trên địa bàn xã Châu Bình đã nhiễm bệnh trên 70%, có những vùng 100% cây nhiễm bệnh. Dù các cấp chính quyền đã vào cuộc nhưng việc tiêu hủy, nhổ bỏ đang còn mang mún, nhỏ lẻ. Cán bộ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp khuyến cáo người dân phải tự nhổ bỏ và tiêu hủy toàn bộ diện tích sắn bị nhiễm bệnh để cải tạo đất chờ đợi mùa sản xuất các cây trồng mới.