3 bài học từ Estonia - quốc gia xây dựng xã hội số tiên tiến nhất thế giới

Phan Văn Hòa 27/05/2023 05:25

(Baonghean.vn) - Estonia được coi là một trong những quốc gia xây dựng xã hội số tiên tiến nhất trên thế giới.

Để vươn tới những tầm cao hơn thường đòi hỏi phải rút ra những bài học từ kinh nghiệm trong quá khứ và áp dụng chúng vào những mục tiêu trong tương lai.

Ảnh minh họa.

Ý tưởng này có xu hướng áp dụng cho tất cả các khía cạnh của cuộc sống và chuyển đổi số cũng không ngoại lệ.

Để trở thành một quốc gia có “xã hội số tiên tiến nhất trên thế giới”, Estonia đã phải trải qua một hành trình liên tục, từ việc hình thành một hệ thống pháp lý thuận lợi để thiết lập trao đổi dữ liệu an toàn đến triển khai nhận dạng kỹ thuật số trên toàn quốc.

Thế giới dường như đang hướng về Estonia để tìm kiếm bí quyết chuyển đổi số thành công của một quốc gia. Các chuyên gia cho rằng, mỗi quốc gia cần có một con đường riêng để đạt được thành công trong quá trình chuyển đổi số. Tuy nhiên việc rút ra các bài học từ các quốc gia thành công đi trước cũng sẽ giúp ích cho các quốc gia đi sau tránh được các sai lầm.

Mặc dù, Estonia là quốc gia nhỏ bé nằm ở khu vực Bắc Âu với diện tích chỉ hơn 45.000 km2 và dân số hơn 1,32 triệu người. Tuy nhiên, Estonia được coi là một trong những xã hội điện tử tiên tiến nhất trên thế giới.

Thành công trong quá trình chuyển đổi số của Estonia được công nhận lần đầu tiên vào năm 2000 khi Estonia vượt trội hơn nhiều nước giàu có về cung cấp dịch vụ công trực tuyến và có lẽ là quốc gia duy nhất trên thế giới có 99% dịch vụ công có sẵn trực tuyến 24/7. Điều này có nghĩa là hầu hết mọi tương tác với nhà nước, chẳng hạn như bỏ phiếu, khai thuế và đăng ký khai sinh,…đều có thể được thực hiện hoàn toàn trực tuyến từ hầu hết mọi nơi trên thế giới.

Chỉ có các dịch vụ như đăng ký kết hôn, ly hôn và và giao dịch bất động sản là người dân vẫn phải ra khỏi nhà vì nhà chức trách cho rằng các giao dịch này cần có sự hiện diện của các bên liên quan, các dịch vụ còn lại chỉ cần ngồi nhà có thể giao dịch được. Hầu như tất cả mọi thứ và mọi công dân ở Estonia đều được kết nối với Internet: Tính đến đầu năm 2023, tỷ lệ dân số sử dụng internet ở mức 92,3%, tương đương khoảng 1,22 triệu người; tỷ lệ kết nối di động đạt 146,8%, tương đương 1,94 triệu và 1,07 triệu người dùng mạng xã hội, tương đương khoảng 80,8% tổng dân số.

Theo kết quả Khảo sát về Chính phủ điện tử toàn cầu năm 2022 của Liên Hợp Quốc công bố, các dịch vụ điện tử của khu vực công của Estonia được đánh giá là tốt nhất trên thế giới.

Sau đây 3 bài học quý giá nhất được đúc rút ra từ ​​hành trình chuyển đổi số của Estonia mà các chuyên gia cho là quan trọng để các quốc gia khác có thể tham khảo.

Bài học số 1: Lãnh đạo trong thời đại số cần dũng cảm và kiên nhẫn

Để thành công trên hành trình chuyển đổi số, những người lãnh đạo đóng vai trò hết sức quan trọng. Lãnh đạo của một quốc gia đang trên con đường chuyển đổi số không chỉ cần có tư duy số mà cần thể hiện những hiểu biết về những gì chuyển đổi số đòi hỏi, can đảm thử nghiệm những cái mới và kiên nhẫn để những thay đổi lớn trở thành hiện thực.

Hannes Astok, Giám đốc Phát triển tại Học viện Chính phủ điện tử Estonia cho biết: “Khi triển khai các ứng dụng mới như thẻ công dân điện tử (e-ID), kê khai thuế trực tuyến hay bỏ phiếu điện tử (e-Voting),…không có gì đảm bảo rằng nó sẽ thành công. Nhưng sự can đảm của lãnh đạo cho phép thử nghiệm đã làm cho các ứng dụng này hiện diện rộng khắp khu vực công”.

Việc kê khai thuế qua mạng là một ví dụ tuyệt vời. Astok giải thích: “Ủy ban thuế hiểu rằng lợi ích của việc kê khai thuế chính xác và kịp thời lớn hơn bất kỳ rủi ro tiềm ẩn nào. Vì vậy, họ quyết định thử nghiệm, từ việc số hóa hệ thống đến cách họ khuyến khích mọi người dân bắt đầu sử dụng dịch vụ trực tuyến”.

Thử nghiệm là một quá trình vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số sẽ có tác động đến rất lớn đến xã hội nên một phần thành công của chuyển đổi số ở Estonia cũng được quyết định bởi sức chịu đựng đáng ngưỡng mộ của xã hội trong việc thích ứng với sự thay đổi.

Arne Ansper, Giám đốc Phát triển tại công ty công nghệ Cybernetica (Estonia) nhận xét: “Lãnh đạo công nghệ thông tin trong khu vực công cần kiên nhẫn trong giai đoạn thích ứng xã hội này và cần đủ thời gian để thay đổi các lối suy nghĩ cũ, có thể không phải về mặt kỹ thuật mà chính xác là ở cách chúng phù hợp với các khuôn mẫu và hành vi xã hội”.

Một tổ chức chuyển đổi thành công trong kỷ nguyên số phụ thuộc nhiều vào cách thức các nhà lãnh đạo của tổ chức đó chấp nhận và truyền văn hóa làm việc mà trong đó công nghệ số được sử dụng như một công cụ để tổng hợp thông tin trong thời gian thực hơn là lệ thuộc hoàn toàn vào công nghệ. Trong toàn bộ quá trình công tác, các nhà lãnh đạo phải nắm rõ và cập nhật các xu hướng số, những gợi mở của các xu hướng đó đối với công việc và biết cách tận dụng công nghệ mới.

Nhưng điều đó không có nghĩa họ phải biết cách thức vận hành cụ thể của công nghệ mà hiểu tại sao công nghệ đó lại quan trọng và sử dụng như thế nào. Hình tượng về vai trò của nhà lãnh đạo là người đảm bảo mức độ trưởng thành số của một tổ chức với một tầm nhìn và chiến lược số, để chuyển hóa vào công tác quản lý bằng cách sắp xếp con người, các quy trình, dịch vụ công nghệ, mô hình tương tác, cơ cấu tổ chức và mô hình công tác để hiện thực hóa tầm nhìn đó.

Bài học số 2: Kết hợp lực lượng khu vực công và khu vực tư nhân

Nhưng khả năng lãnh đạo không chỉ là của một vài bộ óc thông minh đứng đầu. Thay vào đó, cần có kết hợp giữa nhiều bên liên quan trong khu vực công và tư nhân. Do đó, bài học lớn thứ hai là cần có sự kết nối, hợp tác chặt chẽ các lực lượng để mang lại một xã hội số tiên tiến.

Ngoài sự can đảm thử nghiệm và kiên nhẫn của các nhà lãnh đạo, Hannes Astok cũng nhấn mạnh ý chí và sự đồng thuận giữa khu vực công và tư nhân cũng như các trường đại học trong việc thực hiện các kế hoạch đã đề ra. “Đã có sự thừa nhận lẫn nhau về trách nhiệm và mục tiêu chung. Không ai quyết định đi theo con đường của riêng mình và sau đó đổ lỗi cho người khác khi mọi việc không như ý”, Astok lưu ý.

Trao đổi dữ liệu là một ví dụ quan trọng. Trong thực tế, Estonia đã xây dựng hệ thống X-Road để tạo ra một môi trường an toàn và chuẩn hóa cho kết nối, cho phép trao đổi, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin khác nhau trong khu vực công và tư nhân, để cung cấp dịch vụ cho các tổ chức và cá nhân.

Tháng 12 năm 2001, Chính phủ Estonia đã triển khai xây dựng X-Road - là một cơ chế chia sẻ thông tin an toàn cho công dân, các cơ quan chính phủ và các doanh nghiệp tư nhân. X-Road ra đời từ nhu cầu chuẩn hóa việc sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia do sự phát triển hệ thống thông tin và dịch vụ điện tử ngày càng tăng yêu cầu sử dụng chéo dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu khác nhau. Khả năng chia sẻ thông tin giữa các bên giúp giảm thiểu yêu cầu nhập lại thông tin, đồng thời hạn chế vấn đề sai lệch thông tin giữa các hệ thống. Hệ thống này cho phép công dân Estonia làm mọi việc với chiếc thẻ công dân điện tử (e-ID).

X-Road đóng vai trò là trục xương sống của hệ thống chính phủ điện tử của Estonia, chủ yếu nhờ vào quan hệ đối tác công – tư. X-Road nhắm tới việc chuẩn hoá giao thức trao đổi giữa các tổ chức, cho phép các tổ chức kết nối với mọi nhà cung cấp dịch vụ mà không cần triển khai thêm các giao thức khác.

Bài học số 3: Cần sự minh bạch của chính phủ và sự tin cậy của người dân

Giám đốc các vấn đề toàn cầu tại Bộ Kinh tế và Truyền thông Estonia, Indrek Õnnik đã nói rằng, sự tin cậy và minh bạch đã đóng một vai trò quan trọng trong quá trình số hóa của đất nước. Về cốt lõi, điều này đề cập đến việc nhúng quyền riêng tư và bảo mật ở mọi giai đoạn phát triển công nghệ.

Ông Indrek Õnnik cho biết: “Chúng tôi đã hỗ trợ phần mềm mã nguồn mở và các hệ thống của chúng tôi, theo nguyên tắc, được thiết kế không có bất kỳ lỗ hổng bảo mật “cửa hậu” nào”.

Một khi “lời hứa” về tính minh bạch đã được thực hiện, nó phải được duy trì càng nhiều càng tốt, kể cả trong thời điểm mọi thứ diễn ra không như ý muốn. Vào tháng 8 năm 2017, Cơ quan quản lý hệ thống thông tin Estonia đã được thông báo về một điểm yếu bảo mật đã ảnh hưởng đến khoảng 800.000 thẻ căn cước của người dân Estonia, một trong những phương tiện xác thực và ký điện tử chính mà hơn 67% người Estonia sử dụng hàng ngày.

Margus Arm, Giám đốc của Cơ quan quản lý hệ thống thông tin Estonia cho biết: “Quyết định đầu tiên là chúng tôi sẽ không che giấu bất cứ điều gì và thông tin cho người dân càng nhiều càng tốt, chúng tôi sẽ nói về tình hình một cách cởi mở. Chúng tôi đã tiết lộ những gì chúng tôi đang giải quyết, nơi chúng tôi đang hướng tới và những rủi ro mà chúng tôi đang phải đối mặt. Chúng tôi hy vọng rằng sự cởi mở này sẽ duy trì niềm tin của công dân vào trạng thái kỹ thuật số của chúng tôi”.

Khi xảy ra sự việc, tất cả các cơ quan liên quan bắt đầu ngay lập tức để giải quyết vấn đề này mà không tìm ra người có lỗi hay che giấu bất cứ điều gì với công chúng. Các nhà chức trách đã nhanh chóng cung cấp phương tiện để gia hạn từ xa các thẻ căn cước bị ảnh hưởng, trong đó một nửa số đó đã được gia hạn vào cuối năm.

Nhìn lại, đây chắc chắn là cách tiếp cận đúng đắn. Chỉ vài tháng sau vụ việc, các cuộc bầu cử địa phương đã chứng kiến ​​số lượng cử tri lớn nhất từ ​​trước đến nay. Đây là một trong những dấu hiệu cho thấy niềm tin của người dân vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của nhà nước không bị ảnh hưởng nặng nề. Người ta tin rằng hành động chiến lược, minh bạch và cực kỳ nhanh chóng của chính quyền đã đóng một vai trò quan trọng trong đó.

Chính sách minh bạch thông tin đã giúp hệ thống tạo được niềm tin cho người dùng và đem lại những hiệu quả rõ rệt. Ngoài ra, tất cả các giao dịch giữa chính phủ và người dân, doanh nghiệp đều được theo dõi chặt chẽ để tạo ra sự minh bạch.

Tóm lại, một trong những yếu tố chính tạo nên sự thành công của Estonia trong quá trình chuyển đổi số để trở thành một xã hội số hàng đầu như hiện nay nằm ở niềm tin của người dân vào chính phủ của mình. Sự tin tưởng được thể hiện thông qua các dự án chuyển đổi số nhỏ nhưng đầy quyết tâm đã được chứng minh là thành công. Từ việc mang máy tính đến mọi trường học của Estonia vào giữa những năm 90 đến việc triển khai hệ thống bầu cử số (e-voting), y tế điện tử (e-health)….Những sáng kiến này đã cải thiện cuộc sống của người dân và không làm giảm sự tin tưởng của người dân vào chính phủ.

Bên cạnh niềm tin, một nhân tố quan trọng khác là tính minh bạch của cơ sở hạ tầng số Estonia, tức là một công dân điện tử Estonia có thể đăng nhập vào giao diện cổng thông tin của chính phủ, nơi lưu giữ các thông tin, dữ liệu người dân để xem thông tin của mình và xem ai đã tìm hiểu thông tin của mình.

Mới nhất
x
3 bài học từ Estonia - quốc gia xây dựng xã hội số tiên tiến nhất thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO