447 hộ bị ảnh hưởng bởi sụt lún ở 'thủ phủ khoáng sản' Nghệ An được hỗ trợ hơn 10 tỷ đồng
(Baonghean.vn) - 447 hộ dân ở xã Châu Hồng đã nhận khoản tiền hơn 10 tỷ đồng hỗ trợ do bị ảnh hưởng bởi sụt lún. Toàn bộ số tiền do Công ty CP Tân Hoàng Khang chi trả. Ngoài ra, còn 2 hộ dân chưa nhất trí với khoản hỗ trợ và phát sinh thêm 67 hộ khác.
Còn 2 hộ dân chưa nhất trí khoản tiền hỗ trợ
Ngày 14/3, ông Trần Đức Lợi - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, đã có 447 hộ dân bị ảnh hưởng bởi sụt lún bất thường ở xã Châu Hồng đã được nhận tiền hỗ trợ với tổng số tiền 10,428 tỷ đồng. “2 hộ dân chưa nhất trí đã được tính toán thiệt hại, tuy nhiên họ lại đòi khoản tiền hỗ trợ quá cao, nên phía doanh nghiệp và đoàn công tác của chính quyền không nhất trí”, ông Lợi nói.
Một hộ dân bị nứt nhà ở Châu Hồng. Ảnh: T.H |
Ngày 25/8/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung có công văn chỉ đạo các sở, ngành, địa phương xử lý các vấn đề liên quan đến tình trạng sụt lún, nứt nẻ nhà cửa, giếng cạn nước ở xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp. Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Xây dựng chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thành kiểm định, đánh giá chất lượng các công trình bị ảnh hưởng và bàn giao hồ sơ các công trình đã được kiểm định, đánh giá chất lượng cho UBND huyện Quỳ Hợp.
Sở Xây dựng sau đó đã giao cho Trung tâm Kiểm định xây dựng Nghệ An kiểm định, đánh giá chất lượng các công trình bị ảnh hưởng và xác định cấp độ ảnh hưởng công trình theo từng cấp A,B,C,D. Tuy nhiên, Trung tâm kiểm định không xác định, đánh giá được khối lượng cần khắc phục, sửa chữa cũng như phương án khắc phục, sửa chữa và chi phí cần thiết để khắc phục, sửa chữa công trình cho từng hộ dân. Từ đó, Sở Xây dựng đã bàn giao toàn bộ hồ sơ cho UBND huyện Quỳ Hợp.
“Đây là vấn đề khó khăn phức tạp đối với UBND huyện Quỳ Hợp”, lãnh đạo huyện Quỳ Hợp nói và cho biết, xác định đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, nhằm đảm bảo ổn định tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa bàn xã Châu Hồng nói riêng và địa bàn huyện Quỳ Hợp nói chung, UBND huyện Quỳ Hợp đã xin ý kiến chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy và đề ra phương án khắc phục, sửa chữa theo hướng: “Hư hỏng, sụt lún ở đâu thì sửa chữa, khắc phục ở đấy”.
UBND huyện sau đó đã thành lập Tổ công tác do Phó Chủ tịch UBND huyện làm tổ trưởng trực tiếp chỉ đạo hỗ trợ để khắc phục, sửa chữa nhà ở, công trình bị ảnh hưởng do sụt lún, nứt nẻ đất tại xã Châu Hồng; lập Ban vận động để tuyên truyền, vận động.
Kết quả kiểm tra, có tổng số 449 hộ dân xã Châu Hồng bị ảnh hưởng bởi sụt lún. Tổ công tác đã tính toán, hỗ trợ được 447 hộ với tổng số tiền phải chi trả là 10,428 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này đều do Công ty CP Tân Hoàng Khang chi trả.
Hố sụt lún ở cánh đồng. Ảnh: T.H |
Cụ thể, trong đợt 1 vào đầu tháng 5/2022, Công ty CP Tân Hoàng Khang đã hỗ trợ 64 hộ dân khắc phục, sửa chữa với số tiền là 3,48 tỷ đồng. Tuy nhiên, thời điểm đó phía công ty và người dân tự thỏa thuận mức hỗ trợ không thông qua chính quyền, vì thế 64 hộ này chưa được kiểm tra, đo đếm, tính toán, xác định mức hỗ trợ. Do vậy, hiện nay tổ công tác vẫn đang rà soát, tính toán lại mức hỗ trợ mà 64 hộ đã nhận.
Trong đợt 2, lãnh đạo huyện đã trực tiếp chỉ đạo các phòng, ban, ngành liên quan cùng với UBND xã Châu Hồng và Công ty CP Tân Hoàng Khang tiến hành đến từng nhà dân để xác định mức độ ảnh hưởng, tính toán khối lượng, giá trị cần khắc phục và chi tiền hỗ trợ cho 383 hộ dân, với tổng số tiền gần 7 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, vào cuối tháng 9/2022, khi Tổ công tác của huyện đang tiến hành tính toán, hỗ trợ cho các hộ dân thì có thêm 222 hộ khác tiếp tục có đơn đề nghị được hỗ trợ. UBND huyện đã chỉ đạo UBND xã Châu Hồng rà soát, xác định chính xác, khách quan những hộ đủ điều kiện được hỗ trợ. Tuy nhiên, qua rà soát, chỉ có 67/222 hộ trong khu vực bị ảnh hưởng. UBND huyện đang đề nghị Công ty CP Tân Hoàng Khang xem xét hỗ trợ cho 67 hộ này.
Theo ông Trương Văn Hóa - Chủ tịch UBND xã Châu Hồng, trong số 447 hộ dân đã nhận tiền hỗ trợ thì hộ nhiều nhất được nhận 300 triệu đồng, hộ bị ảnh hưởng ít nhất được nhận 5 triệu đồng. “Đối với 2 hộ chưa nhất trí, thì một hộ được Tổ công tác tính toán thiệt hại chỉ 14 triệu đồng nhưng lại đòi hỗ trợ gần 1 tỷ đồng. Hộ còn lại được tính toán thiệt hại 80 triệu đồng nhưng cũng đòi hơn 200 triệu đồng”, ông Hóa nói.
Như vậy, theo kết quả kiểm tra, đến nay xã Châu Hồng có 516 hộ bị ảnh hưởng bởi sụt lún. Trong khi đó, toàn xã này chỉ có 962 hộ dân.
Đến nay đã có 477 hộ dân được nhận tiền hỗ trợ do bị ảnh hưởng bởi sụt lún. Ảnh: T.H |
Vẫn chưa tìm ra nguyên nhân cụ thể
Địa bàn xã Châu Hồng là một thung lũng, xung quanh là những dãy núi, dưới dãy núi là hệ thống các hang caster và suối ngầm. Hệ thống hang caster chứa đầy nước, hệ thống suối ngầm chảy trong lòng đất, dưới chân núi kéo dài khoảng 25km từ xã Châu Hồng ra thị trấn Quỳ Hợp. Châu Hồng được xem như “thủ phủ khoáng sản” với rất nhiều mỏ được cấp phép khai thác suốt hàng chục năm qua. Phía Đông Bắc của xã được Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh Nghệ An cấp phép khai thác 6 mỏ đá trắng và 2 mỏ quặng thiếc. Trong đó chỉ có Công ty CP Tân Hoàng Khang khai thác quặng thiếc có bơm hút nước ngầm dưới lòng đất.
Xã Châu Hồng là một thung lũng, bao quanh bởi những dãy núi. Ảnh: T.H |
Thực trạng sụt lún, nứt nẻ đất, nhà cửa của nhân dân xã Châu Hồng bắt đầu xuất hiện từ cuối năm 2020, thời gian này chỉ xảy ra ở diện tích đất ruộng lúa. Theo lãnh đạo huyện Quỳ Hợp, sau khi nhận được các báo cáo của UBND xã Châu Hồng, UBND huyện đã thành lập các đoàn thường xuyên nắm bắt tình hình, trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo. Đồng thời, UBND huyện đã kịp thời báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của các Sở Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ.
Từ tháng 2/2021 đến tháng 10/2021, UBND huyện đã có 3 lần báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan. Các sở đã cử chuyên viên cùng phối hợp với UBND huyện và UBND xã kiểm tra, xác định nguyên nhân và đề ra biện pháp khắc phục. Tuy nhiên, sau mỗi lần kiểm tra các sở, ngành vẫn không xác định được nguyên nhân sụt lún, nứt nẻ.
Đầu năm 2022, hiện tượng này lan rộng đến nhà ở của các hộ dân, cơ quan và trường học của xã Châu Hồng. Các điểm sụt lún đất, có diện tích khoảng 25 - 30m trên đất sản xuất, chiều sâu 1,5 - 2,5m; các vết nứt đất kéo dài, xuyên qua sân, vườn, nhà ở của nhiều hộ gia đình; các vết nứt xuất hiện tại trường THCS Hồng Tiến, điểm Bưu điện Văn hóa xã và trụ sở cơ quan HĐND, UBND xã Châu Hồng. Theo kiến nghị của các hộ dân thì thực trạng này đã ảnh hưởng đến 449 hộ dân trên địa bàn 6 xóm của xã Châu Hồng.
Từ khi xảy ra vụ việc, UBND huyện Quỳ Hợp đã có 25 lần trực tiếp đến hiện trường kiểm tra, chỉ đạo; có 13 văn bản, báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng; đã có 19 văn bản chỉ đạo các phòng, ban, ngành và UBND xã Châu Hồng.
Dù đã khoan nhiều mũi thăm dò những đến nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra sụt lún. Ảnh: T.H |
Đến ngày 29/4/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có công văn, giao UBND huyện Quỳ Hợp ra thông báo yêu cầu các tổ chức, cá nhân tạm dừng ngay việc hút, khai thác nước ngầm tại khu vực bản Công, bản Na Hiêng, bản Pòng và vùng lân cận và có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp không thực hiện. Đến ngày 11/5/2022, UBND huyện có công văn, yêu cầu Công ty CP Tân Hoàng Khang dừng việc khai thác, bơm hút nước ngầm để khai thác mỏ. Tuy nhiên, do lo sợ các máy móc, thiết bị dưới hầm khai thác bị hư hỏng do ngập nước, phía doanh nghiệp đã không chấp hành.
Đến ngày 27/5/2022, UBND tỉnh có công văn giao cho UBND huyện Quỳ Hợp chỉ đạo các tổ chức, cá nhân tạm dừng ngay các hoạt động khai thác và sử dụng nước ngầm của các dự án liên quan trên địa bàn xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp. Từ đó đến nay, Công ty CP Tân Hoàng Khang đã dừng bơm hút nước ngầm để khai thác khoáng sản. Tình trạng sụt lún, nứt nẻ và khô cạn giếng nước không còn xảy ra.
Chủ tịch UBND tỉnh sau đó cũng đã trực tiếp đến hiện trường kiểm tra, chỉ đạo các sở, ngành và địa phương xử lý nhiều vấn đề liên quan. Theo lãnh đạo huyện Quỳ Hợp, thực hiện theo ý kiến chỉ đạo trong kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh sau buổi kiểm tra này, từ đó đến nay, địa phương thường xuyên kiểm tra việc chấp hành quyết định tạm dừng hoạt động bơm hút nước ngầm, khai thác nước ngầm của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn xã Châu Hồng; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Hình ảnh bơm hút nước ngầm tại mỏ quặng thiếc của Công ty CP Tân Hoàng Khang trước khi bị đình chỉ. Ảnh: T.H |
“Huyện cũng đã bám sát địa bàn, chỉ đạo UBND xã Châu Hồng đảm bảo an toàn, ổn định đời sống sinh hoạt cho người dân; UBND xã Châu Hồng đã di dời 10 hộ, với 44 khẩu đến tạm trú tại các gia đình khác, đồng thời hỗ trợ ổn định đời sống cho các hộ, mỗi khẩu 40.000 đồng/ngày trong vòng 6 tháng. Tổng số tiền đã hỗ trợ là 317 triệu đồng, từ nguồn xã hội hóa”, lãnh đạo huyện Quỳ Hợp nói.
Ngoài ra, huyện Quỳ Hợp đã ký hợp đồng trị giá gần 1 tỷ đồng với Liên Đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ để khảo sát, đánh giá chi tiết hiện trạng, xác định nguyên nhân sụt lún tại xã Châu Hồng. Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ đã hoàn thành và đã có báo cáo kết quả khảo sát, xác định nguyên nhân gây sụt lún tại xã Châu Hồng. Tuy nhiên, kết quả vẫn không xác định được nguyên nhân cụ thể, mà chỉ đưa ra nhận định chung chung đó là do cạn kiệt nguồn nước ngầm.
Sau đó, trong công văn chỉ đạo vào ngày 25/8/2022, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì tiếp tục làm rõ, đầy đủ, chính xác hơn các nguyên nhân gây ra sụt lún tại xã Châu Hồng. Về vấn đề này, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết đơn vị vẫn đang chủ trì, tham mưu chỉ đạo thực hiện. Hiện vẫn chưa có kết quả./.