Anh Sơn chủ động phòng, chống lụt bão
(Baonghean.vn) - Anh Sơn là huyện miền núi có địa hình phức tạp, nhiều sông, suối, đồi núi. Để chủ động ứng phó với thiên tai trong mùa mưa bão năm nay, ngay từ đầu mùa, huyện đã triển khai nhiều giải pháp, phương án chủ động ứng phó.
X ã Cao Sơn (Anh Sơn) nằm ở vùng trũng thấp, hàng năm vào mùa mưa lũ thường bị ngập lụt, chia cắt thành nhiều vùng. Vào mùa mưa lũ năm nay, địa phương đã và đang triển khai các phương án chủ động cho công tác phòng chống bão lụt. Ông Nguyễn Hồng Sơn - Chủ tịch UBND xã Cao Sơn cho hay: Trước mùa mưa bão, xã phân công lực lượng về các thôn khảo sát, rà soát, lập danh sách những hộ dân có nhà cửa chưa vững chắc, sống ở vùng có nguy cơ ngập lụt nhằm có biện pháp chủ động di chuyển tài sản và người vào nơi an toàn khi có mưa lũ đến.
Chính quyền địa phương ngoài việc đánh giá cụ thể từng khu vực còn bố trí lực lượng xung kích phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, mỗi thôn từ 5-10 người và cấp xã từ 10-25 người. Ngoài phương châm “4 tại chỗ”, năm nay các hội, đoàn thể của xã kết hợp tuyên truyền, vận động nhân dân tuân thủ quy định phòng chống thiên tai, bảo vệ an toàn tính mạng với phương châm “tự quản tại chỗ’’để xử lý khi có tình huống xảy ra, tuyệt đối không để xảy ra bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Xã hướng dẫn cộng đồng tự quản lý, tương trợ lẫn nhau trong hoạn nạn; thôn, tổ có trách nhiệm quản lý người dân; nhà trường, thầy cô giáo quản lý học sinh; từng hộ gia đình tự quản các thành viên, nhất là trẻ nhỏ... Trong đó, ưu tiên đối tượng người già neo đơn, ốm đau..
Công ty TNHH Một thành viên Thủy lợi Tây Nam hiện đang quản lý 11 công trình phục vụ tưới tiêu, trong đó có 5 hồ đập lớn là hồ Khe Nậy (xã Đức Sơn), hồ Khe Chung (xã Tào Sơn), hồ Cao Cang (xã Phúc Sơn), hồ Đồng Quan (xã Lạng Sơn), hồ Ruộng Xối (xã Vĩnh Sơn) và 6 trạm bơm điện. Để chủ động đối phó với phòng chống lụt bão năm nay, Công ty đã xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể.
Ông Lê Văn Dương - Giám đốc Công ty cho biết: Công ty đã tăng cường công tác kiểm tra, tu sửa, gia cố các hồ đập, cống, tràn xả lũ; lập phương án kế hoạch, chuẩn bị nhân lực, vật lực, thiết bị, dụng cụ sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra. Bố trí lực lượng trực ban 24/24h tại đầu mối các hệ thống công trình thủy lợi; theo dõi chặt chẽ tình hình hoạt động của các công trình, đặc biệt tăng cường kiểm tra hiện trạng đập, các vị trí xung yếu dễ xảy ra hư hỏng, kịp thời triển khai biện pháp ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ” đảm bảo an toàn các hồ chứa.
Huyện Anh Sơn là địa phương có gần 97 km đường thủy với 3 con sông chảy qua đó là sông Lam, sông Giăng và sông Con. Dự báo năm 2023, tình hình thời tiết vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, các nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, gió lốc có thể xảy ra. Vì vậy, trước mỗi mùa mưa bão, UBND huyện Anh Sơn đã triển khai nhiều phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Ông Nguyễn Văn Thái - Phó phòng NN&PTNT huyện Anh Sơn cho biết: Huyện đã chỉ đạo các ngành chuyên môn, các địa phương tăng cường kiểm tra, triển khai các phương án phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai; Tổ chức kiện toàn, củng cố Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn từ huyện đến cơ sở, có sự phân công công việc cụ thể cho các thành viên và thành lập các tuyến để chỉ đạo; Đồng thời, thường xuyên đôn đốc các ngành, đơn vị chức năng kiểm tra, đánh giá chất lượng các công trình đê, kè, cống, các trạm bơm tiêu úng... để có phương án tu sửa kịp thời.
Căn cứ từng nhiệm vụ của từng ngành, đơn vị, địa phương xây dựng phương án và kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023 đảm bảo nội dung và sát với thực tế của địa phương và đơn vị. Trên cơ sở đó, các xã, thị trấn chủ động rà soát những điểm xung yếu, có nguy cơ sạt lở, bị ngập úng, lũ quét, các đập, ngầm qua suối để xây dựng phương án bảo vệ, di dời dân, tài sản, gia súc ra khỏi vùng nguy hiểm khi cần thiết.
Đối với những điểm có nguy cơ sạt lở, huyện Anh Sơn chỉ đạo các xã cắm biển cảnh báo, thông báo cho nhân dân biết phạm vi ảnh hưởng của sạt lở để chủ động phòng tránh, di dời đến nơi an toàn. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng tránh, ứng phó với thiên tai kịp thời đến các tầng lớp nhân dân. Chủ động chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư theo phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng ứng phó, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai bão lũ gây ra trên địa bàn huyện.