Bài học đắt giá của các nạn nhân bị lừa đảo chiếm đoạt tiền tỷ qua Facebook

Hoài Thu - Quỳnh Trang 21/07/2020 11:11

(Baonghean) - Bài viết chỉ rõ những thủ đoạn tinh vi mà tội phạm lừa đảo qua facebook thường sử dụng giúp người dân nắm rõ để nhận biết và phòng tránh. Đây là những bài học đắt giá được rút ra từ những vụ việc cơ quan công an đã điều tra, xác minh các nạn nhân bị lừa mất hàng hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng chỉ vì mất cảnh giác khi sử dụng mạng xã hội Facebook.

Nhiều nạn nhân sập “bẫy”

Cuối tháng 5/2020, chị C.T.H ở Thị trấn Hưng Nguyên, huyện Hưng Nguyên đăng một dòng trạng thái trên zalo cá nhân thông báo việc tài khoản Facebook của mình bị kẻ gian chiếm dụng để lừa đảo. “Bạn bè anh em nếu ai nhận được tin nhắn qua Facebook của H. thì xin đừng trả lời và làm theo những yêu cầu của tin nhắn, vì Facebook của H. đã bị chiếm đoạt, kẻ gian dùng để lừa đảo vay tiền. Em trai tôi đã bị lừa mất 12 triệu đồng”. Tương tự ở xã Hưng Tân (Hưng Nguyên), chị L.T.T. cũng bị mất 50 triệu đồng vì các đối tượng lừa đảo chiếm được tài khoản facebook của bạn chị và nhờ chuyển tiền. Hoặc như ngày 12/5/2020, chị N.T.H (trú tại quận 2, TP. Hồ Chí Minh) có nhận được tin nhắn từ tài khoản Facebook của em gái nhờ chuyển tiền gấp vào số tài khoản của một người nào đó tên là Nguyễn Thị Nhân để xử lý công việc gấp.

Do trước đó, hai chị em cũng hay nói chuyện về tiền bạc, mua bán hàng trên Facebook nên chị đã không đề phòng mà chuyển ngay 40 triệu đồng cho tài khoản mà facebook em gái cung cấp. Cũng với cách bị lừa tương tự, anh N.L.H.C (ở quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) cũng đã chuyển cho “tin tặc” 30 triệu đồng.

Đối tượng Đỗ Thiên Hưng thực hiện lại hành vi chiếm đoạt tài khoản facebook tại cơ quan công an. Ảnh tư liệu Quỳnh Trang
Đối tượng Đỗ Thiên Hưng thực hiện lại hành vi chiếm đoạt tài khoản facebook tại cơ quan công an. Ảnh tư liệu Quỳnh Trang

Những vụ việc kể trên là một số ví dụ trong hàng chục trường hợp mà Công an thị xã Thái Hòa đã điều tra, xác minh sau khi nhận được trình báo từ người dân trong thời gian vừa qua. Công an thị xã Thái Hòa xác lập chuyên án đấu tranh và đã phát hiện một ổ nhóm chuyên hack facebook, trong đó, xác định Đoạn Vũ Trường (SN 1991, trú tại Triệu Ái, Triệu Phong, Quảng Trị) là đối tượng cầm đầu. Sau đó, lực lượng công an đã bắt được Đỗ Thiên Hưng (SN 1998), Võ Văn Mỹ (SN 1994), Võ Minh Tình (SN 1986) và Vũ Quốc Bá (SN 2000), cùng trú tại huyện Triệu Phong (Quảng Trị) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, khám xét và thu giữ 1 ô tô, 8 điện thoại di động, 1 máy tính laptop, hơn 300 triệu đồng tiền mặt.

Không những vậy, ban đầu xác định đường dây lừa đảo này đã chiếm đoạt của người khác hơn 20 tỷ đồng.

Cũng trú ở địa bàn tỉnh Quảng Trị, trước đó, tháng 4/2018, đối tượng Phan Anh Tuấn trú ở huyện Thiệu Phong, tỉnh Quảng Trị cũng đã xâm nhập tài khoản Facebook của chị Lê Thị Hà Giang (lúc đó đang lao động tại Nhật Bản) để lừa đảo. Chị Giang là em gái chị Lê Thị Thu sống tại phường Nghi Thủy, TX Cửa Lò. Sau đó đối tượng dùng tài khoản chiếm dụng được nhắn tin cho chị Thu với nội dung “nhờ chuyển 46 triệu đồng cho gia đình bạn do mẹ của bạn đang bị ốm...”. Tuấn nhắn số tài khoản và chị Thu đã chuyển tiền cho Tuấn mà không mảy may nghi ngờ.

Theo thông tin từ Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh (PCO2) cho biết, từ năm 2018 đến nay đối tượng Phan Anh Tuấn đã thực hiện trót lọt 16 vụ chiếm đoạt tài khoản Facebook để nhắn tin, lừa đảo bạn bè, người thân của các chủ tài khoản Facebook và đã chiếm đoạti số tiền hàng tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2020 Phòng Cảnh sát hình sự (PCO2) Công an tỉnh Nghệ An đã tiếp nhận, điều tra 25 vụ việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua Facebook với số tiền thiệt hại khoảng 500 triệu đồng. Khoảng vài năm lại nay, ở Nghệ An loại tội phạm chiếm dụng tài khoản Facebook để lừa đảo trung bình mỗi năm có khoảng 50 - 60 vụ việc, gây thiệt hại cho hàng trăm người với số tiền khoảng 1 tỷ đồng.

Trung tá Hà Huy Đức - Phòng PCO2

Nhận diện thủ đoạn, nâng cao cảnh giác

Trung tá Hà Huy Đức cho biết, qua công tác điều tra, đấu tranh khai thác thông tin từ các đối tượng phạm tội chiếm dụng tài khoản Facebook để lừa tiền cho thấy: Các đối tượng phạm tội thường sẽ lựa chọn các tài khoản Facebook “đẹp” để chiếm đoạt, ví như tài khoản Facebook của người đang lao động ở nước ngoài, các tài khoản kinh doanh online, các tài khoản có nhiều lượt tương tác, nhiều người theo dõi...

Ổ nhóm chuyên tấn công, chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản facebook hàng tỷ đồng bị Công an TP.Vinh triệt phá tháng 4/2019. Ảnh tư liệu Minh Tâm

Sau đó chúng sẽ thực hiện chiếm dụng theo cách tạo các facebook ảo rồi gửi lời kết bạn đến những người sinh sống, làm việc ở nước ngoài để quá trình lừa đảo các bị hại sẽ khó liên hệ ngay với chủ Facebook để kiểm chứng. Sau khi kết bạn, làm quen và nói chuyện vài lần với nhau trên mạng, chúng gửi một đường link ảo (có chứa mã độc) cho nạn nhân theo dạng bình chọn để nhận khuyến mãi. Ví như bình chọn giọng hát việt nhí, bình chọn danh lam thắng cảnh, bình chọn hoa hậu... Khi nạn nhân nhập vào đường link, nhập tên, mật khẩu để bình chọn thì tên và mật khẩu tài khoản của họ sẽ được chuyển về tài khoản do chúng quản lý.

Có được mật khẩu đăng nhập, các đối tượng ngay lập tức chiếm đoạt quyền sử dụng Facebook của nạn nhân và tiến hành nhắn tin cho bạn bè, người thân của nạn nhân để vay mượn và nhờ vả gửi tiền. Chúng thường nhắn tin cho người thân của nạn nhân như bố, mẹ, anh chị em, bạn thân... để nhờ chuyển tiền vào tài khoản mà chúng quản lý. Để hợp thức hóa số tiền chiếm đoạt, chúng thuê hoặc mua nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau. Sau khi các bị hại chuyển tiền qua tài khoản, chúng lập tức rút tiền mặt qua các cây ATM để chia nhau. Tinh vi hơn, các đối tượng thống nhất cách thức hành động, nếu bị hại là người miền Bắc thì tài khoản ngân hàng để chúng nhận tiền là ở miền Trung hoặc miền Nam để tránh bị phát hiện, điều tra...

Ngoài nhắn tin nhờ chuyển tiền, vay tiền thì khi chúng chiếm dụng được tài khoản Facebook nếu phát hiện các điểm yếu của chủ tài khoản như có nhắn tin ngoại tình, chat sex với người khác... thì các đối tượng sẽ dùng những hình ảnh, thông tin đó để tống tiền chính chủ tài khoản.

Các đối tượng chiếm đoạt quyền sử dụng Facebook của nạn nhân và nhắn tin cho bạn bè, người thân của nạn nhân để vay mượn và nhờ vả gửi tiền. Ảnh internet

Bởi vậy, Trung tá Hà Huy Đức khuyến cáo: Khi phát hiện thấy hành vi lừa đảo, người dùng Facebook có thể báo với cơ quan công an để được xử lý. Cơ quan công an sẽ sử dụng lời khai, kết hợp với các biện pháp nghiệp vụ để xác minh số điện thoại liên hệ, địa chỉ IP máy tính sử dụng ứng dụng Facebook để xác định hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội. Việc chứng minh tội phạm, hành vi vi phạm thuộc về các cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, để vụ việc sớm được sáng tỏ, nên cung cấp các thông tin thật đầy đủ, chính xác, đảm bảo cho việc chứng minh sự thật của cơ quan công an một cách nhanh chóng, chính xác.

Tiến sỹ, Luật sư Nguyễn Trọng Hải, Văn phòng Luật sư Trọng Hải và cộng sự cho biết, đối với tội phạm lừa đảo qua Facebook, tại Điểm c, Khoản 1, Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định: Người có hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác sẽ bị phạt tiền 1-2 triệu đồng.

Trong trường hợp hành vi lừa đảo đủ yếu tố bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), mức phạt thấp nhất là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm và mức phạt cao nhất lên đến tù chung thân tùy theo số tiền chiếm đoạt hoặc hành vi thực hiện.

Mới nhất
x
Bài học đắt giá của các nạn nhân bị lừa đảo chiếm đoạt tiền tỷ qua Facebook
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO