Ban Kinh tế Trung ương giám sát tình hình huy động, quản lý, sử dụng vốn tín dụng chính sách tại huyện Nghi Lộc

Thu Huyền 16/06/2023 12:29

(Baonghean.vn) - Đoàn giám sát của Ban Kinh tế Trung ương đánh giá, trong điều kiện khó khăn đặc thù nhưng công tác huy động, quản lý và sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện Nghi Lộc đảm bảo kịp thời, hiệu quả cao, chất lượng tốt.

Sáng 16/6, đoàn giám sát của Ban Kinh tế Trung ương do đồng chí Đỗ Ngọc An - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương làm trưởng đoàn giám sát về việc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư về tình hình huy động, quản lý và sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội tại xã Nghi Đồng, huyện Nghi Lộc.

Cùng đi với đoàn có đồng chí Bùi Thanh An - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành; Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Nghệ An; lãnh đạo huyện Nghi Lộc.

Đoàn công tác giám sát hoạt động tín dụng chính sách tại điểm giao dịch xã Nghi Đồng. Ảnh: Thu Huyền

Hàng năm, xã Nghi Đồng bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách với số tiền 15 triệu đồng/năm, nhằm tạo điều kiện hỗ trợ các hộ nghèo phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, đồng thời, chỉ đạo các tổ chức chính trị, xã hội làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nguồn vốn nhàn rỗi trong nhân dân để huy động nguồn vốn tiết kiệm thị trường trong 3 năm 2021 - 2023 được gần 15 tỷ đồng.

Trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2022, xã Nghi Đồng được Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Nghi Lộc thực hiện cho vay đối với 1.234 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách, doanh số 39,542 tỷ đồng. Vốn tín dụng ưu đãi đã giúp hộ nghèo, hộ chính sách nâng cao thu nhập, bảo đảm đời sống và từng bước thoát nghèo; góp phần thực hiện tăng trưởng kinh tế, ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã mỗi năm từ 0,5-0,7%.

Đoàn giám sát xem thông tin vay vốn niêm yết tại điểm giao dịch xã Nghi Đồng (Nghi Lộc). Ảnh: Thu Huyền

Phát biểu tại cuộc làm việc, lãnh đạo huyện Nghi Lộc và xã Nghi Đồng cho biết, Nghi Đồng là xã nằm trong Khu Kinh tế Đông Nam, có thu hồi diện tích đất sản xuất nông nghiệp chuyển đổi lớn, có nhu cầu về vốn để sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi nghề, nên đề nghị cấp trên quan tâm bổ sung nguồn vốn chương trình cho vay tạo việc làm, nguồn vốn hộ trung bình, tăng thêm mức vốn vay chương trình nước sạch vệ sinh môi trường. Việc hỗ trợ, tăng cường nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay vốn đối với người lao động chưa có việc làm, giảm thiểu tình trạng thanh niên nông thôn không có việc làm, dẫn tới sa vào các tệ nạn xã hội, tín dụng đen.

Tại cuộc làm việc, các thành viên đoàn giám sát, đại diện các tổ chức chính trị, xã hội trên địa bàn xã cũng đã trao đổi, làm rõ thêm các nội dung liên quan.

Tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thanh An cho rằng, ngân hàng Trung ương, địa phương cần cân đối tín dụng ưu tiên cho địa phương bị thu hồi đất lớn để có điều kiện giải quyết việc làm. Về phía huyện Nghi Lộc cần đa dạng các nguồn lực, phát huy vai trò của các HTX tạo nhiều việc làm cho người lao động. Ảnh: Thu Huyền

Kết luận cuộc làm việc, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An - Trưởng đoàn giám sát đánh giá việc triển khai học tập, quán triệt Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư về tình hình huy động, quản lý và sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn xã Nghi Đồng, huyện Nghi Lộc được triển khai kịp thời, qua đó, tạo sự chuyển biến rất tích cực.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng xã Nghi Đồng đã nỗ lực đạt nhiều kết quả tốt trong công tác huy động, quản lý và sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh đảm bảo kịp thời, chính xác, đúng đối tượng, hiệu quả cao, chất lượng tốt;…

Toàn cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Thu Huyền

Trưởng đoàn giám sát Đỗ Ngọc An đề nghị huyện Nghi Lộc, xã Nghi Đồng tiếp tục cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm bổ sung nguồn vốn cho người nghèo, các đối tượng chính sách khác; Đồng thời, các tổ chức nhận ủy thác phát huy hơn nữa vai trò trong việc kiểm tra, giám sát nguồn vốn thực hiện chặt chẽ, không có nợ xấu.

Trước đó, chiều 15/6, đoàn giám sát của Ban Kinh tế Trung ương do đồng chí Đỗ Ngọc An - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương làm trưởng đoàn làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An.

Sau hơn 8 năm triển khai thực hiện cho thấy, tỉnh Nghệ An đã tổ chức phổ biến, quán triệt kịp thời Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW và các văn bản chỉ đạo của Trung ương tới các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan trên địa bàn. Từ đó, làm chuyển biến tích cực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền đối với tín dụng chính sách; nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình tín dụng chính sách xã hội. Các chủ trương lớn của Ban Bí thư đã thật sự đi vào đời sống, tác động mạnh mẽ, tích cực.

Đến ngày 31/12/2022, tổng nguồn vốn chính sách trên địa bàn Nghệ An đạt gần 10.878 tỷ đồng, tăng 4.636,7 tỷ đồng so với năm 2014, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 9,28%/năm. Trong đó, nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội cấp là 10.627 tỷ đồng; nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đạt 250,9 tỷ đồng. Giai đoạn 2014 - 2022, tổng doanh số cho vay đạt 23.117 tỷ đồng.

Mới nhất

x
Ban Kinh tế Trung ương giám sát tình hình huy động, quản lý, sử dụng vốn tín dụng chính sách tại huyện Nghi Lộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO