Tín dụng chính sách tiếp sức hộ nghèo ở Quỳ Hợp
Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40, hoạt động tín dụng chính sách đã tiếp sức cho hộ nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới Quỳ Hợp.
Người siêng không cho đất nghỉ
Theo chân cán bộ Ngân hàng chính sách xã hội huyện Quỳ Hợp, chúng tôi tìm về bản Mánh, xã Bắc Sơn để tìm gặp chị Vi Thị May Xúng (sinh năm 1989) - Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn của bản cũng là tổ viên vay vốn sản xuất hiệu quả.
Bản Mánh nằm cách trung tâm xã Bắc Sơn 10km, nhưng cuộc sống đồng bào đã đổi thay nhiều so với chục năm trước. Đồng bào dân tộc Thái nơi đây quần tụ ven dãy núi Pu Súng. Thời điểm chúng tôi tới, cả bản Mánh rộn ràng mùa thu hoạch lúa. Tạm gác lại những bận rộn việc nhà, việc bản, chị Vi Thị May Xúng và chồng chị - anh Lô Văn Dân (sinh năm 1986) tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn khang trang, mát mẻ giữa ngút ngàn xanh của quýt, keo lai.
Chị Xúng cho biết: "Được bầu chọn làm tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn, tôi xác định trước hết phải làm gương để hội viên, bà con theo đó mà sản xuất kinh doanh hiệu quả. Thế nên, giữa trăm mối lo toan gia đình con cái, tôi tập trung phát triển kinh tế trang trại, chăn nuôi trồng trọt tổng hợp".
Năm 2016, gia đình chị Xúng vay 30 triệu đồng hộ nghèo mua bò sinh sản. Chăn nuôi phát triển, trả được nợ ngân hàng, năm 2019, anh chị thoát nghèo và vay thêm 50 triệu đồng chương trình hộ cận nghèo để chăn nuôi bò sinh sản.
Tiếp đó, gia đình chị vay chương trình máy tính 20 triệu đồng cho 2 cháu đi học. Người siêng không cho đất nghỉ, năm 2023, anh chị tiếp tục vay chương trình hộ cận nghèo thêm 30 triệu để trồng keo.
Chị Xúng chia sẻ: Muốn đủ cái ăn, muốn đi lên chỉ còn cách nhìn vào đất rừng, phát triển chăn nuôi. Sau thời gian tập trung chăn nuôi, đàn bò phát triển, gia đình bán trả bớt nợ ngân hàng, hiện đang còn 14 con bò. Ngoài ra, gia đình hiện có 18ha keo keo nguyên liệu sắp đến kỳ thu hoạch, hiện cũng phát triển rất tốt.
Từ vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, ở Bắc Sơn có nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên khá giả. Điển hình như gia đình chị Lô Thị Đạt ở bản Mánh vay 30 triệu đồng chương trình hộ nghèo đầu tư chăn nuôi bò, trồng keo; thoát nghèo năm 2023. Chị Đạt hiện có 15 con bò, 5ha keo, 1 ha mía. Hay hộ Sầm Thị Tuất ở bản Pục Nháo từ hộ cận nghèo trở thành hộ khá, hiện có 16 con bò.
Anh Vi Văn Thoại - Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn, Quỳ Hợp cho biết: Trên địa bàn xã hiện có 300 hộ khách hàng đang vay vốn, với dư nợ Ngân hàng Chính sách xã hội 22 tỷ đồng. Riêng với bản Mánh, từ một bản thuộc diện đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ đói nghèo còn rất cao, những năm gần đây, đã “lột xác” trở thành một trong những bản giàu của xã Bắc Sơn.
Qua thực hiện cho thấy cấp ủy, chính quyền khẳng định vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội đóng vai trò quan trọng phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, giảm nghèo. Hiện nay, hơn 80 hộ đã thoát nghèo bền vững, hiện tỷ lệ hộ nghèo là 21,6% (năm 2014 tỷ lệ hộ nghèo trên 35%).
Gia đình chị Hồ Thị Kiều ở xóm Xuân Lợi, xã Văn Lợi, huyện Quỳ Hợp trước đây cũng thuộc diện hộ nghèo. Năm 2018, chị Kiều đã được bình xét cho vay nguồn vốn giải quyết việc làm 50 triệu đồng, về đầu tư chăn nuôi trâu sinh sản và trồng các loại cây ăn quả như cam, quýt...
Được tập huấn kỹ thuật, chịu khó học hỏi nên mô hình của gia đình chị Kiều phát huy hiệu quả tốt. Hiện tại gia đình chị Kiều có 2 ha trồng cam quýt, hơn 1 ha trồng mía. Từ sản xuất chăn nuôi, mỗi năm cũng mang về cho gia đình chị nguồn thu trên dưới 200 triệu đồng. Với số tiền đó đảm bảo cho gia đình chị trang trải cuộc sống và từng bước vươn lên trở thành hộ khá giả và điển hình trong phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách.
Hay ở xã Thọ Hợp, anh Trần Ngọc Huy (sinh năm 1992) ở xóm Thọ Sơn vay vốn chương trình giải quyết việc làm để mở cơ sở chế tác tranh gỗ.
Anh Huy chia sẻ: Xã Thọ Hợp với phần lớn là đồng bào dân tộc Thổ, nhiều gia đình có cây gỗ vườn trồng lâu năm như gỗ mít, gỗ lát. Tôi tận dụng những nguồn nguyên liệu lấy từ địa phương trong xã, huyện, và tay nghề của bản thân tạo ra sản phẩm tranh gỗ.
Nhờ vốn vay Ngân hàng Chính sách, anh Huy đầu tư máy móc tiên tiến để sản xuất ra các chi tiết hoa văn trên vật liệu bằng gỗ, vừa giảm được sức lao động, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Doanh thu của cơ sở hiện đạt khoảng 400 triệu đồng/năm, sản phẩm bán trong tỉnh và các tỉnh, thành phố khác.
Chính quyền địa phương tích cực vào cuộc
Quỳ Hợp là huyện miền núi phía Tây Bắc của tỉnh Nghệ An. Toàn huyện có 20 xã và 1 thị trấn thì có tới 14 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 52% tổng số hộ trên địa bàn. Vị trí địa lý của huyện rất thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và trồng các cây công nghiệp ngắn và dài ngày.
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/06/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực.
Các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp quan tâm, chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện về mọi mặt cho hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn.
Hàng năm, UBND huyện và các xã, thị trấn đã quan tâm trích nguồn ngân sách để ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất, bố trí điểm giao dịch xã, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi Ngân hàng Chính sách xã hội hoạt động hiệu quả, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Ông Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quỳ Hợp cho biết: Từ năm 2014 đến nay, đã có 45.685 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện được vay vốn từ ngân hàng, trong đó có 10.888 lượt hộ nghèo, 11.097 lượt hộ cận nghèo và 1.208 lượt hộ mới thoát nghèo được vay vốn phát triển sản xuất. Đến 30/4/2024, tổng dư nợ đạt 753,414 tỷ đồng, tăng so với trước khi thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW là 457,634 tỷ đồng, với 12.555 hộ đang còn dư nợ.
Với kết quả đó, tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng giúp tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm từ 22,05% năm 2014 xuống còn 11,68% cuối năm 2023; góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, ổn định an ninh, chính trị tại địa phương.
Hiện tại dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện ở top 5 toàn tỉnh Nghệ An, chất lượng tín dụng ngày càng được nâng lên. Trong những năm qua, lãnh đạo huyện Quỳ Hợp đã quan tâm chỉ đạo và dành nguồn lực tài chính từ ngân sách huyện để hỗ trợ cho người nghèo và các đối tượng chính sách thông qua kênh tín dụng. Tính đến ngày 30/4/2024, tổng nguồn ngân sách đạt 5,184 tỷ đồng. Nguồn vốn hỗ trợ này cùng với nguồn vốn Trung ương, nguồn ngân sách tỉnh đã giúp cho hàng chục ngàn hộ gia đình nghèo, hộ gia đình chính sách có vốn đầu tư vào sản xuất, tạo việc làm và thu nhập ổn định, góp phần cải thiện đời sống, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Ông Hoàng Văn Thái - Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quỳ Hợp