Nông dân Nghệ An nuôi ba ba, lươn sinh sản thu 200 triệu đồng/năm

Hồng Diện 08/05/2020 08:02

(Baonghean.vn) - Bằng niềm đam mê, sự quyết tâm cùng với những sáng tạo ứng dụng khoa học kỹ thuật trong quá trình thả nuôi nên anh Nguyễn Viết Quỳnh ở xóm 1, xã miền núi Tân Sơn, huyện Quỳnh Lưu đã phát triển thành công mô hình nuôi ba ba, lươn sinh sản và thương phẩm.

Sau nhiều năm học hỏi kỹ thuật ở các trang trại nuôi ba ba, lươn thuộc các tỉnh miền Tây, cách đây 2 năm, anh Nguyễn Viết Quỳnh đã về địa phương đầu tư xây dựng hệ thống trang trại khép kín, bao gồm cả khu vực ươm giống và trại sinh sản trên diện tích 7.000 m2 để nuôi các loại con giống này.

Ban đầu, anh mua 1 vạn con lươn giống, 1 vạn con ba ba sinh sản. Nhờ có kinh nghiệm, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên anh gặp nhiều thuận lợi ngay từ những bước đầu tiên trong quá trình tự sản xuất.

Ô nuôi lươn chủ yếu được anh Quỳnh làm bằng bạt nhằm giảm chi phí đầu tư
Ô nuôi lươn chủ yếu được anh Quỳnh làm bằng bạt nhằm giảm chi phí đầu tư. Ảnh: Hồng Diện

Anh Quỳnh chia sẻ: Đến thời kỳ con giống sinh sản, đòi hỏi người nuôi phải tỉ mỉ, nhẹ nhàng, cẩn trọng trong việc thu lượm, hạn chế tối đa việc làm vỡ trứng lươn và ba ba. Sau đó, anh xếp trứng ba ba vào các thùng xốp rồi phủ bằng cát, để trong nhà có nhiệt độ từ 30 - 32 độ C nhằm đảm bảo trứng không bị hỏng, sau hơn 20 ngày thì trứng nở con. Đối với trứng lươn thì anh cho vào chậu nhựa, có hệ thống ô xy hỗ trợ con giống sau khi nở.

Trong quá trình nuôi, ba ba và lươn được anh cho vào các ô có diện tích phù hợp theo từng giai đoạn sinh trưởng và hoàn toàn nuôi theo cách tự nhiên ngoài trời. Đồng thời, để vật nuôi có nơi trú ngụ, làm mát về mùa hè, ấm trong mùa đông thì anh Quỳnh thường thả lá chuối khô, giây ni lông, bèo tây vào mỗi ô. Đối với ô nuôi lươn, chủ yếu được anh làm bằng bạt nhằm giảm chi phí đầu tư. Đặc biệt, sau khi thu hoạch từ 2 - 3 lứa thì có thể thau rửa hoặc thay bạt mới tránh tình trạng nhiễm bẩn, gây ra bệnh dịch.

Về thức ăn, anh thường đi thu mua cá mương, trứng gà, trứng vịt, giun quế xay nhuyễn chia đều theo tỷ lệ nhất định cho ba ba, lươn ăn. Anh Quỳnh luôn chọn thời điểm lúc thời tiết mát mẻ là sáng sớm và chiều tối để thả thức ăn, giúp con giống ăn khỏe, phát triển nhanh và đạt được trọng lượng như ý muốn. Nguồn nước trong mỗi ô nuôi lươn và ao nuôi ba ba luôn được anh thay thường xuyên, đảm luôn luôn sạch sẽ.

Chú thích?
Nguồn nước trong mỗi ô nuôi lươn và ao nuôi ba ba luôn được anh thay thường xuyên, đảm bảo luôn sạch sẽ. Ảnh: Hồng Diện

Theo anh Quỳnh thông thường từ tháng 3 đến tháng 8, ba ba sinh sản nhiều, còn từ tháng 9 trở đi do thời tiết lạnh nên ba ba đẻ ít. Vào ban đêm, ba ba thường bò xung quanh bờ ao tìm nơi đất ướt, mềm, kín đáo làm tổ để đẻ và vùi trứng lại. Khi bới đất ra lấy trứng thì quả trứng nằm tư thế như thế nào thì anh bỏ vào thùng xốp y nguyên như thế.

Một năm trang trại của anh nuôi gối vụ hàng ngàn con ba ba và lươn thương phẩm. Sau 1 năm thả nuôi, ba ba đạt trọng lượng 1 - 2,5 kg/con thì anh tỉa bán dần với giá từ 250 - 420 nghìn đồng/kg, đối với lươn anh bán 150 - 220 nghìn đồng/1 kg. Một năm sau khi trừ chi phí gia đình anh thu lãi hơn 200 triệu đồng.

Hiện nay, nhiều hộ trong vùng đã mua ba ba giống của anh. Bất cứ ai đến mua giống tại trang trại cũng được anh đến tận lấy mẫu nước về kiểm tra, rồi tiếp tục gửi ra Viện Nông nghiệp phân tích. Sau đó, xử lý nước ở trang trại bằng các thành phần có trong nước ở mỗi hộ để con giống nhanh chóng hòa hợp, thích nghi ở môi trường mới, đạt tỷ lệ sống cao. Đồng thời, anh cũng truyền đạt các khoa học kỹ thuật giúp nhân dân nuôi đạt hiệu quả một cách cao nhất. Sau khi có sản phẩm anh tiếp tục bao tiêu sản phẩm cho các hộ nuôi.

chú thích
Một năm, gia đình anh Quỳnh xuất bán ra thị trường 20 vạn con ba ba. Ảnh: Hồng Diện

Ông Đậu Phi Châu - Chủ tịch UBND xã Tân Sơn, huyện Quỳnh Lưu cho biết: Anh Quỳnh có niềm đam mê rất lớn nên mới thành công trong việc phát triển thả nuôi loại con giống mới có quy mô lớn nhất xã. Về phía địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi về đất, môi trường và các điều kiện khác để anh Quỳnh tích cực xây dựng trở thành một mô hình điểm, mới của xã. Theo các ban, ngành cấp xã đánh giá thì mô hình này thực sự có hiệu quả rất tốt.

Hiện tại, anh Quỳnh đang tiếp tục xây dựng hệ thống nuôi lươn trong bùn, mở rộng quy mô trang trại thêm 7.000 m2. Với sự mạnh dạn trong suy nghĩ, sáng tạo trong cách làm, anh Quỳnh không những làm giàu cho gia đình mà còn góp phần tích cực cho phát triển kinh tế địa phương.

Mới nhất

x
Nông dân Nghệ An nuôi ba ba, lươn sinh sản thu 200 triệu đồng/năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO