Báo động mất an toàn giao thông nông thôn

30/08/2016 10:25

(Baonghean) - Giao thông nông thôn là hệ thống hạ tầng thiết yếu kết nối các vùng nông thôn với hệ thống quốc lộ, đường tỉnh, khu đô thị, khu kinh tế; thúc đẩy phát triển KT-XH khu vực nông thôn tỉnh ta. Điều đáng lo ngại hiện nay là tình trạng mất ATGT ở nông thôn...

Bất cập về hạ tầng

Mạng lưới đường bộ giao thông nông thôn Nghệ An hiện chiếm trên 70% tổng chiều dài mạng lưới đường bộ cả tỉnh. Trong đó, các tuyến đường huyện có tổng chiều dài: 378,4km; đường xã hiện có 11.882,5km; đường đô thị có 633,1km; đường chuyên dùng: 372km; 25 bến đò; có 1.325 cầu lớn, nhỏ trên các tuyến đường huyện, đường xã. Việc xây dựng mạng lưới giao thông nông thôn Nghệ An ngày càng phát triển. Từ năm 2010 đến nay, chiều dài đường giao thông nông thôn đã tăng 3.172 km; 242 cầu lớn, nhỏ trên đường huyện, đường xã được xây mới... Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban ATGT tỉnh, đường GTNT có cấp hạng kỹ thuật đường thấp nhất; đường có bề rộng hẹp chạy hai chiều và không có phân cách giữa hai chiều; tốc độ cho phép thấp; hệ thống báo hiệu không đầy đủ, tầm nhìn nhiều đoạn hạn chế; chất lượng mặt đường kém...

Tình trạng  giao thông lộn xộn ở xóm 5 xã Xuân Hòa (Nam Đàn).
Tình trạng giao thông lộn xộn ở xóm 5 xã Xuân Hòa (Nam Đàn).

Ông Võ Minh Đức - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết: Các tuyến đường nông thôn được bê tông hóa ngày càng nhiều nhưng các thiết bị phụ trợ gần như không có, vì đa số kinh phí cải tạo các tuyến đường này thường theo kiểu vận động, quyên góp, nên chủ yếu mới chỉ chú trọng làm phần nền đường, dẫn đến những điểm giao cắt, điểm họp chợ, điểm bị che khuất tầm nhìn đều không có biển cảnh báo, những đoạn đi qua khu vực nguy hiểm cũng không có đường hộ lan. Trong khi đó, những năm gần đây, do điều kiện sống được cải thiện, số lượng phương tiện giao thông ở nông thôn đã gia tăng nhanh chóng, đặc biệt là xe gắn máy và xe tải loại nhỏ.

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn Nghệ An đã đăng ký mới 6.290 ô tô, 67.801 mô tô - xe máy và 16.745 mô tô điện. Việc tăng nhanh số lượng phương tiện giao thông trong lúc hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập dẫn đến tình hình TNGT khu vực nông thôn ngày càng diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng.

Quốc lộ 46B đoạn qua xã Hưng Tây (Hưng Nguyên).  Ảnh: Thành Cường
Người dân phơi lúa trên quốc lộ 46B đoạn qua xã Hưng Tây (Hưng Nguyên). Ảnh: Thành Cường

Là một người từng tham gia xử lý các vụ tai nạn giao thông ở nông thôn, ông Vũ Đình Căn - Trưởng Công an xã Tăng Thành (Yên Thành) cho biết: Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, các đường giao thông trên địa bàn xã cơ bản đã được “cứng hóa”. Trên các trục đường liên xã, cùng với ô tô, xe máy, các phương tiện thô sơ tham gia giao thông nhiều, trong lúc đó cây cối người dân trồng lấn chiếm hành lang ATGT chưa được xử lý dứt điểm, đường nông thôn không có vỉa hè; không có biển báo hạn chế, không đèn tín hiệu giao thông tại các ngã tư... là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn. Tại địa bàn xã Tăng Thành, từ khi mở rộng đường 534 chạy qua địa bàn, ở các điểm giao cắt ngã ba, ngã tư thường xảy ra tai nạn giữa xe máy chạy từ đường làng ra và ô tô chạy trên trục đường lớn này.

Nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tai nạn giao thông ở khu vực nông thôn, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã đề ra các giải pháp, trong đó tập trung tuyên truyền, vận động người dân khu vực nông thôn tự giác chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, thực hiện các biện pháp phòng tránh tai nạn như đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy, tuân thủ tốc độ quy định, giảm tốc độ quan sát an toàn khi đi từ đường phụ ra đường chính; đã uống rượu bia thì không lái xe...

Hạn chế về nhận thức

Có thể thấy, những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông nông thôn tăng trong thời gian qua là do mặt đường ở khu vực nông thôn đã tốt hơn khi được nâng cấp, nên phương tiện tham gia giao thông đi nhanh hơn, song chiều ngang đường vẫn hẹp, tầm nhìn hạn chế, thiếu biển báo nên dễ xảy ra va chạm. Bên cạnh đó, kiến thức về Luật Giao thông của người tham gia giao thông ở khu vực này còn hạn chế. Trong khi lực lượng tuần tra, kiểm soát giao thông trên các tuyến đường nông thôn thiếu và mỏng. Lực lượng tuần tra của cảnh sát giao thông các địa phương thường chỉ bố trí ở quốc lộ, tỉnh lộ và cùng lắm là huyện lộ. Đường liên xã, liên thôn gần như bỏ ngỏ, thiếu hẳn sự kiểm soát về giao thông.

Đường Đặng Thai Mai.
Đường Đặng Thai Mai (Khu Công nghiệp Bắc Vinh) cũng biến thành sân phơi lúa

Theo thống kê của Phòng CSGT tỉnh, người dân ở khu vực nông thôn khi tham gia giao thông thường vi phạm một số lỗi điển hình như: Đi không đúng phần đường quy định; chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy; lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ cho phép, điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia; không có giấy phép lái xe hoặc giấy phép lái xe không hợp lệ (trong 6 tháng đầu năm 2016, tai nạn do không chú ý quan sát làm chết 21 người, không làm chủ tốc độ làm chết 22 người). Bên cạnh đó, phần lớn người dân sống bám dọc theo các tuyến giao thông nhưng ý thức chấp hành luật giao thông còn kém, tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT làm hàng quán, phơi các loại rơm rạ, lúa... vẫn diễn ra thường xuyên ở các địa phương trên toàn tỉnh.

Thượng tá Dương Thanh Cảnh - Phó Trưởng Công an huyện Tân Kỳ cho biết: Các vụ tai nạn giao thông nông thôn xảy ra chủ yếu do ý thức của người điều khiển phương tiện giao thông, trong đó nhiều trường hợp do uống rượu rồi đi xe máy. Ở Tân Kỳ các vụ tai nạn thường xảy ra trên tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua địa bàn huyện, vì xe cộ đi lại trên tuyến đường này tốc độ cao, trong lúc người dân tham gia giao thông lại theo tập quán ở đường làng “mạnh ai nấy đi”.

Theo số liệu của Phòng Cảnh sát giao thông, năm 2015 TNGT xảy ra tại các tuyến đường nông thôn (từ đường huyện trở xuống) chiếm 10,93% tổng số vụ, 12,67% số người chết và chiếm 11,63%) tổng số người bị thương TNGT đường bộ, trong đó TNGT liên quan đến xe mô tô chiếm tới 80%. Nếu tính cả tuyến đường tỉnh lộ thì số vụ TNGT chiếm trên 28% tổng số vụ TNGT đường bộ và có khoảng 70% tổng số vụ TNGT đường bộ xảy ra trên các tuyến đường bộ ở khu vực nông thôn. 3 tháng đầu năm 2016, TNGT nông thôn chiếm 12,1%, nếu tính cả đường tỉnh chiếm 28,1% tổng số vụ TNGT đường bộ.

Việc cần làm

Để hạn chế tai nạn giao thông nông thôn, ông Võ Minh Đức cho biết thêm: Trước mắt, các địa phương cần sớm lắp đặt biển báo và thiết bị bảo đảm an toàn giao thông nông thôn, làm gờ giảm tốc từ đường phụ ra đường chính; đồng thời vận động người dân phát quang cây cối, chỉnh sửa tường rào để tránh ảnh hưởng tầm nhìn tại các điểm giao cắt trên đường liên xã, liên thôn. Ngoài ra, cần huy động các lực lượng tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông khu vực nông thôn, nòng cốt là lực lượng công an huyện, công an xã tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm ở các tuyến đường tai nạn thường xảy ra. Không chỉ tuyên truyền, nhắc nhở mà phải xử lý vi phạm để nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân. Bên cạnh đó, phải xác định rằng công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông nông thôn là trách nhiệm của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị, trước hết là của các cơ quan Nhà nước có chức năng và đặc biệt là chính quyền, người đứng đầu chính quyền địa phương cần phải vào cuộc quyết liệt.

Đức Dũng

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Báo động mất an toàn giao thông nông thôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO