Báo động về tình trạng tự ý dùng thuốc, dược liệu để điều trị bệnh

Thành Chung 31/05/2023 15:54

(Baonghean.vn) -  Đã có rất nhiều người dân bị ngộ độc phải nhập viện cấp cứu, thậm chí tử vong do tự ý sử dụng thuốc Nam, thuốc Đông y để điều trị bệnh; do sử dụng rượu ngâm dược liệu không rõ nguồn gốc; tin lời các “thần y” trên mạng internet nên sử dụng các sản phẩm thuốc hoàn tán tự chế…

Cảnh báo ngộ độc dược liệu

Tại huyện miền núi Quỳ Châu, từ đầu năm 2023 đến nay, ở địa phương đã có 3 trường hợp ngộ độc lá lộc mại phải nhập viện. Trường hợp bệnh nhân mới nhất là bà Lang Thị Kh. (70 tuổi), trú tại xã Châu Nga (Quỳ Châu) được người nhà đưa đến Trung tâm Y tế huyện Quỳ Châu cấp cứu vào ngày 10/5.

Qua thăm khám và xét nghiệm, các bác sĩ nhận thấy bệnh nhân da xanh, niêm mạc nhợt nhạt, hồng cầu còn 1,4 tr/4,5 tr (bt), Hst giảm 40/130 bt… Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị tan máu, suy thận, viêm ống thận cấp và cần cấp cứu, chuyển lên tuyến trên là Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An để điều trị và lọc máu. Khai thác bệnh trạng thì được biết, bà Lang Thị Kh. đã dùng lá lộc mại để điều trị bệnh táo bón và bị ngộ độc.

Bệnh nhân Lang Thị Kh. phải nhập viện cấp cứu do ăn lá lộc mại trị táo bón. Ảnh: TTYT huyện Quỳ Châu

Bác sĩ Đặng Tân Minh - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quỳ Châu cho hay: Ở nước ta, cây lộc mại còn được gọi với một số tên khác như là lục mại, mọ trắng, rau mại, rau mọi hay pơ chơ hái (tiếng Thái). Cây lộc mại thường mọc hoang ở các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Hà Giang, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Hòa Bình… Cây lộc mại là loại thảo dược có độc tính cao, có tác dụng chữa bệnh nhưng khi sử dụng cần phải theo chỉ định của bác sĩ.

Đơn vị tuyến cuối tiếp nhận điều trị các bệnh nhân bị ngộ độc các loại cây cỏ, hoa lá, dược liệu ở Nghệ An là Khoa Chống độc Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An. Theo các bác sĩ, không tính những vụ ngộ độc tập thể nhiều người mắc, thì mỗi tháng có khoảng từ 15 - 20 ca ngộ độc đơn lẻ vào đây điều trị. Thường gặp nhất đó là ngộ độc lá lộc mại; ngộ độc lá ngón (tự tử hoặc uống nhầm); ngộ độc rượu ngâm dược liệu (các loại cây cỏ không rõ nguồn gốc hoặc cây mú từn) và ngộ độc các loại thuốc hoàn tán Đông y.

Lá cây lộc mại. Ảnh: tư liệu

Tình trạng ngộ độc cũng rất đa dạng, nặng nhẹ, nguy kịch khác nhau. Với ngộ độc lá ngón, bệnh nhân có nguy cơ ngừng tim, rối loạn nhịp tim dẫn đến tử vong. Ngộ độc lá lộc mại thì làm tan máu, bệnh nhân bị thiếu máu rất nặng. Ngộ độc rượu ngâm thì khiến bệnh nhân mất não. Ngộ độc do sử dụng dược liệu, thuốc Đông y không rõ nguồn gốc làm suy đa tạng, tử vong.

Với những bệnh nhân được phát hiện ngộ độc sớm, khi vào viện thì được bác sĩ cho lọc máu tích cực và sử dụng các biện pháp điều trị hữu hiệu nên cơ hội sống rất cao. Tuy nhiên, có rất nhiều bệnh nhân phát hiện muộn đã bị tổn thương não vĩnh viễn hoặc toan chuyển hóa dẫn đến tử vong.

Tuy nhiên, việc điều trị cho các bệnh nhân ngộ độc là rất khó khăn. Điều này là do có rất nhiều loại cây dược liệu gây ngộ độc. Chính bản thân bệnh nhân cũng không nắm rõ được loại dược liệu mình đã sử dụng là loại gì. Trong mỗi loại dược liệu lại có nhiều thành phần gây độc, để xét nghiệm ra được từng thành phần thì rất khó và tốn kém, thậm chí là không thể xét nghiệm xác định đúng được chất độc mà bệnh nhân mắc phải.

Những lầm tưởng chết người

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Thủy - Trưởng Khoa Chống độc lưu ý 3 loại ngộ độc thường gặp do người dùng thiếu hiểu biết và lầm tưởng:

Bác sĩ Nguyễn Văn Thủy khám, điều trị cho một bệnh nhân bị ngộ độc nặng. Ảnh: Thành Chung

Thứ nhất, là ngộ độc rượu ngâm dược liệu không rõ nguồn gốc và ngâm cây mú từn. Ví dụ tiêu biểu có thể kể đến đó là vụ ngộ độc tại xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu vào ngày 13/2/2023 khiến 5 người mắc (hiện 1 trường hợp vẫn hôn mê và đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai). Hay vụ ngộ độc rượu “khỏe” ngâm cây rừng khiến 3 người trong 1 gia đình tử vong ở bản Chà Lắn, xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn vào năm 2018.

Với rượu ngâm rễ cây mú từn thì nhiều người không biết rằng, trong loại cây này có chất salicylate (dùng để giảm đau, có độc tính nhất định). Nếu không kiểm soát được về liều lượng, cách dùng, ngộ độc salicylate có thể dẫn đến những hậu quả nặng nề cho sức khỏe. Bệnh nhân chóng mặt, buồn nôn, ù tai, co giật, hôn mê, tụt huyết áp, có tổn thương não và tổn thương thận, rất dễ bị tử vong.

Thứ hai, ngộ độc thuốc hoàn trị tiểu đường có nguồn gốc từ miền Nam về. Trong thuốc này bị trộn lẫn phenformin (phenformin là một thuốc điều trị đái tháo đường, nhưng không còn được cấp phép lưu hành tại nhiều nước trên thế giới và Việt Nam do nguy cơ nhiễm toan chuyển hóa, thậm chí gây tử vong). Đã có trường hợp bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng và tử vong sau quá trình sử dụng thuốc.

Các bệnh nhân trong vụ ngộ độc rượu ngâm dược liệu xảy ra ở huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: Tư liệu

Thứ ba, ngộ độc do sử dụng các loại thuốc tự chế, không rõ thành phần và nguồn gốc do các thầy lang, “thần y” quảng cáo, đồn thổi ở trên mạng Internet là có hiệu quả trong điều trị. Nhiều người sau khi sử dụng các bài thuốc, sản phẩm thuốc này đã bị ngộ độc, suy gan, suy thận cấp do trong thành phần thuốc có kim loại nặng như chì, kẽm, đồng. Thậm chí, trong những người bị ngộ độc này có cả trẻ em. Những người bị ngộ độc loại này rất khó phục hồi, dễ tử vong.

Cần tỉnh táo với các “thần y”

Bác sĩ chuyên khoa II Bùi Thanh Hải - Hội Đông y tỉnh Nghệ An chia sẻ thực trạng đáng lo: Việt Nam có nguồn dược liệu dồi dào, nhiều bài thuốc gia truyền, do vậy, nhiều người lựa chọn sử dụng thuốc Đông y vì lành tính. Tuy nhiên, lợi dụng tâm lý này, trên thị trường đã xuất hiện nhiều loại thuốc không rõ nguồn gốc, không được kiểm nghiệm chất lượng, không được cấp phép nhưng bán tràn lan.

Thậm chí, có những người không hề có chuyên môn đã “trộm cắp” những bài thuốc rồi mua các loại dược thảo về tự chế, đóng mác nhãn hiệu, quảng cáo trên mạng internet và bán cho người dùng. Còn có một số “thầy lang” đã kết hợp Đông - Tây y một cách rất nguy hiểm khi làm thuốc Nam hoàn tán nhưng lại bỏ những loại thuốc Tây thế hệ cũ (tác dụng rất mạnh, có nhiều tác dụng phụ)… Các bệnh viện đã và đang tiếp nhận, cấp cứu cho rất nhiều trường hợp bị ngộ độc do uống thuốc Nam, Đông y không rõ nguồn gốc như vậy.

Khi có nhu cầu sử dụng thuốc Nam, Đông y, người dân nên đến các bệnh viện có khoa y học cổ truyền, phòng khám Đông y đã được cấp phép để được tư vấn, hướng dẫn cụ thể. Ảnh: Tư liệu

Người dân cần tỉnh táo khi lựa chọn phương pháp điều trị, cảnh giác và tránh xa những lời truyền miệng hay hình ảnh quảng cáo về các thầy lang, thần y trên mạng xã hội, mạng internet. Ngoài ra, mọi người cũng cần phải ý thức rõ, thuốc Nam, Đông y hay tân dược đều không thể sử dụng tùy tiện, không theo kê đơn của bác sĩ và không phải thuốc Nam, Đông y là lành tính, ít tác dụng phụ hơn tân dược. Việc tự ý dùng thuốc Nam, Đông y dẫn đến phải nhập viện cấp cứu không phải là hiếm.

Để an toàn hơn, khi có nhu cầu sử dụng thuốc Nam, Đông y thì người dân nên đến các bệnh viện y học cổ truyền, bệnh viện có Khoa Y học cổ truyền, phòng khám y học cổ truyền (đã được Sở Y tế cấp phép) để được chẩn trị - Bác sĩ Chuyên khoa II Bùi Thanh Hải khuyến cáo.

Hiện nay, Hội Đông y tỉnh Nghệ An đã xây dựng được 318 tổ chức hội, với tổng số trên 1.600 hội viên. Toàn tỉnh có 1 bệnh viện y học cổ truyền, 4 bệnh viện đa khoa và 7 bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh có Khoa Y học cổ truyền; 100% bệnh viện đa khoa tuyến huyện và trung tâm y tế huyện có điều trị chuyên Khoa Đông y; 432/460 trạm y tế có khám, chữa bệnh bằng Đông y.

Mới nhất
x
Báo động về tình trạng tự ý dùng thuốc, dược liệu để điều trị bệnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO