'Bảo kê' vỉa hè có còn tồn tại?

21/11/2017 08:29

(Baonghean) - Vấn đề giải tỏa hành lang vỉa hè, lập lại trật tự ATGT hiện đang là đề tài “nóng” khi UBND thành phố Vinh có chủ trương cho thuê 1 phần vỉa hè để kinh doanh nhưng chỉ sau vài ngày lại ban hành văn bản dừng triển khai.

Sự không thống nhất trên đặt ra bài toán, làm sao vừa quản lý tốt vỉa hè, nhưng vẫn đảm bảo nhu cầu của người dân lâu nay cốt bám vỉa hè mưu sinh?

“Vừa bán vừa chạy” và “bảo kê” vỉa hè

Trong những năm qua, cùng với các tỉnh, thành trên cả nước, tỉnh Nghệ An nói chung, thành phố Vinh nói riêng đang tích cực ra quân giải tỏa hành lang vỉa hè, lập lại trật tự ATGT, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại.

Không phủ nhận hiệu quả của những lần ra quân này khi nhiều tuyến phố trở nên thông thoáng hơn, nhiều điểm kinh doanh lấn chiếm lòng, lề đường đã được giải tỏa, trả lại không gian đô thị cho người đi bộ.

Chiến dịch này được dư luận đồng tình nhưng nhiều người bán hàng rong lại rơi vào cảnh hoang mang, lo lắng. Bởi đối với họ, vỉa hè lâu nay được xem là địa điểm kinh doanh “lý tưởng”, là nơi tạo thu nhập để nuôi sống bản thân và gia đình. Vì thế, mặc dù bị ngăn cấm, đẩy đuổi nhưng họ vẫn sẵn sàng chấp nhận cảnh “vừa bán vừa chạy”.

Tức là khi vắng bóng lực lượng chức năng thì bán, còn khi lực lượng chức năng xuất hiện thì ôm bàn ghế chạy.

Vỉa hè đường Phan Đăng Lưu rộng rãi, mặc dù không được phép nhưng người dân vẫn sử dụng để kinh doanh. Ảnh: Nguyên Hưng
Vỉa hè đường Phan Đăng Lưu rộng rãi, mặc dù không được phép nhưng người dân vẫn sử dụng để kinh doanh. Ảnh: Nguyên Hưng


Trước nhu cầu kinh doanh vỉa hè lớn, nhiều người dân sẵn sàng bỏ tiền để được kinh doanh “chui”, và từ đây tình trạng bảo kê vỉa hè ra đời. Điển hình là vụ việc xảy ra vào đầu tháng 10/2017, Trần Văn Tuấn (SN 1984, trú xóm 19, xã Nghi Phú, TP. Vinh), hành nghề lái xe taxi đã giả danh một cán bộ công an ở Đội Cảnh sát trật tự (Công an TP. Vinh) để lừa tiền một chủ quán cắt tóc trên đường Quang Trung (TP. Vinh) với lời hứa “có thể bảo kê cho chủ quán sử dụng một phần diện tích vỉa hè”.

Theo đó, Trần Văn Tuấn đã ung dung nhận hơn 8 triệu đồng và khẳng định rằng, có thể xin giấy phép kinh doanh vỉa hè của UBND phường Lê Lợi cho chủ quán cắt tóc.

Thiếu tá Phan Hiền - Đội phó Đội Cảnh sát trật tự Công an TP. Vinh cho biết: Hành động của đối tượng này khiến người dân hiểu sai rằng lực lượng công an lâu nay đứng ra bảo kê cho người dân kinh doanh trên vỉa hè. Trong khi để lập lại trật tự vỉa hè, Đội phản ứng nhanh về trật tự đô thị TP. Vinh đã phải ra quân hàng trăm cuộc, giải tỏa hàng trăm ốt kinh doanh, điểm bán hàng trên các tuyến đường của TP. Vinh, đảm bảo đường thông, hè thoáng...

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiện tượng lực lượng chức năng đứng ra bảo kê vỉa hè không phải là không có. Cụ thể là vào tháng 8/2016, Công an TP Vinh bắt quả tang ông Nguyễn Ngọc Sơn - Đội phó Đội Trật tự đô thị xã Nghi Phú (TP Vinh) đang nhận tiền bảo kê của các hộ buôn bán hàng rong lấn chiếm vỉa hè và lòng đường tại khu vực ngã tư giao giữa đường Hồ Tông Thốc với Đại lộ Lênin, khu vực trước cổng Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An.

Làm việc với cơ quan công an, ông Sơn đã thừa nhận về hành vi nhận hối lộ của mình để bảo kê, không xử lý những hộ bán hàng rong lấn chiếm lòng lề đường. Từ tháng 11/2015 đến khi bị bắt, hàng tháng, ông Sơn thường xuyên nhận tiền của khoảng 20 hộ bán hàng rong.

Hay như mới đây nhất, dư luận cho rằng, việc một số hộ kinh doanh tại điểm giao nhau giữa đường Thái Phiên và Ngư Hải (phường Lê Mao, TP. Vinh) là nhờ có sự bảo kê của lực lượng chức năng.

Tuy nhiên ông Bùi Văn Dũng- Phó Chủ tịch UBND phường Lê Mao phủ nhận thông tin trên và cho biết, phường đã tổ chức đẩy đuổi nhiều lần nhưng khi vắng bóng lực lượng chức năng, người dân lại ra bán. Đến nay, nhờ sự vào cuộc của Đội phản ứng nhanh Trật tự đô thị thành phố Vinh, điểm bán hàng lấn chiếm vỉa hè này bị giải tỏa.

Tình trạng lấn chiếm hành lang vỉa hè, lòng đường ở chợ Quán Bàu từng diễn ra nhức nhối. Ảnh: Nguyên Hưng
Tình trạng lấn chiếm hành lang vỉa hè, lòng đường ở chợ Quán Bàu từng diễn ra nhức nhối. Ảnh: Nguyên Hưng


Làm sao quản lý hiệu quả?

Thực tế, nhu cầu cần sử dụng một phần vỉa hè để kinh doanh, sinh hoạt của một bộ phận người dân là rất lớn. Chính vì vậy, sau nhiều lần bàn bạc, ngày 31/10/2017, UBND thành phố Vinh đã ban hành văn bản về việc thí điểm thực hiện cho thuê một phần vỉa hè để kinh doanh trên 2 tuyến đường Phan Đăng Lưu và Nguyễn Phong Sắc với mức thu từ 25.000 - 50.000 đồng/m² vỉa hè/tháng.

Cũng theo văn bản này, phần thí điểm cho thuê kinh doanh là phần vỉa hè trong cùng, chiều rộng khoảng 3 - 4m. Phần dành cho người đi bộ nằm giữa vỉa hè, có chiều rộng khoảng 2 - 3m và không vướng chướng ngại vật như cây xanh, cột điện, biển quảng cáo. Phần vỉa hè ngoài cùng cho phép đỗ ô tô, xe máy. Việc cho thuê vỉa phải đảm bảo tuân thủ các quy định về môi trường, cảnh quan, không gian. Các hộ dân bám mặt đường sẽ được ưu tiên cho thuê sử dụng một phần vỉa hè phía trước nhà để kinh doanh hoặc cho thuê lại để kinh doanh.

Trên địa bàn thành phố Vinh hiện có trên 300 tuyến đường, với tổng chiều dài hơn 305km. Diện tích vỉa hè và lề đường ở các tuyến đường gần 3,5 triệu m2, trong đó 90% tuyến đường thuộc vùng nội thị đã có vỉa hè lát gạch, với diện tích trên dưới 2 triệu m2. Trung bình, mỗi tuyến đường trong vùng nội thị thành phố có vỉa hè hơn 5m. Cá biệt, có những tuyến đường được TP. Vinh quy hoạch vỉa hè rộng tới 30m như Đại lộ Lê Nin, Lê Duẩn, Quang Trung, Nguyễn Trãi, Trường Thi...

Tuy nhiên, khi văn bản này xuất hiện đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều. Bên cạnh sự vui mừng của những người bán hàng rong, không ít ý kiến bày tỏ sự băn khoăn và cho rằng, việc cho thuê vỉa hè để kinh doanh của UBND thành phố Vinh là trái quy định. Bởi vì, hiện ở tất cả các thành phố trên cả nước đang tích cực dành lại vỉa hè để đảm bảo trật tự và văn minh đô thị.

Vì vậy, việc TP. Vinh có chủ trương cho thuê, biến vỉa hè thành nơi kinh doanh, buôn bán là đi ngược lại với mục tiêu chung là giành vỉa hè cho người đi bộ. Bên cạnh đó, việc cho thuê một phần vỉa hè chưa được thể hiện rõ ở góc độ pháp lý về quy hoạch, thu phí, cấp phép… nên rất dễ phát sinh hàng loạt vấn đề về tài chính, văn minh đô thị, các vấn đề xã hội.

Trước nhiều luồng ý kiến trái chiều, chỉ ít ngày sau khi ban hành, Chủ tịch UBND thành phố Vinh - ông Nguyễn Hoài An đã có văn bản thông báo dừng chủ trương này. Qua đó có thể thấy việc vừa quản lý tốt vỉa hè đảm bảo văn minh đô thị vừa giải quyết sinh kế cho các hộ dân “bám” vỉa hè mưu sinh vẫn đang là bài toán khó của chính quyền thành phố Vinh.

Thiết nghĩ về lâu dài, thành phố cần phải có quy hoạch cụ thể, đồng bộ và giải pháp mang tính căn cơ, bền vững trong quản lý vỉa hè. Trong đó xác định rõ khu phố nào được kinh doanh vỉa hè, loại hàng hóa, giờ giấc, nơi đậu xe theo trật tự… khu phố nào tuyệt đối cấm và công khai thông tin rộng rãi cho người dân được biết.

Bởi càng quy hoạch khoa học, cụ thể, rõ ràng càng đem lại hiệu quả cao trong công tác quản lý, vừa đảm bảo trật tự, văn minh đô thị vừa đáp ứng nhu cầu kinh doanh, buôn bán của người dân. Đồng thời hạn chế tiêu cực nảy sinh xung quanh câu chuyện “ bảo kê” vỉa hè.

Nguyên Hưng

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
'Bảo kê' vỉa hè có còn tồn tại?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO