Barca và Real: Chuông nguyện hồn ai

14/05/2016 20:56

Một lần nữa, chức vô địch La Liga chỉ được định đoạt vào đúng vòng đấu cuối cùng, thậm chí có thể là tận những phút cuối cùng. Vậy thì nên chăng chúng ta khôi phục lại thanh danh một giải đấu bị gán mác là kém hấp dẫn?

* Các trận Granada - Barca, Deportivo - Real đều diễn ra lúc 17h ngày 14/5 (theo giờ Madrid, tức 22h Hà Nội).

Bạn sẽ dễ dàng đọc thấy ở đâu đó về sự thiếu cạnh tranh của giải vô địch Tây Ban Nha. Họ nói Barcelona - Real Madrid kỳ thực chỉ là một cuộc đua tranh ở cấp độ cao hơn của Glasgow Rangers - Celtic Rangers tại giải vô địch Scotland. Luận điểm ấy chưa từng đúng, và bây giờ lại càng sai. Vì Rangers đã... xuống hạng và chỉ vừa giành quyền lên chơi tại giải đấu cao nhất của Scotland từ mùa sau.

La Liga cũng chẳng còn là cuộc chơi riêng của Real và Barca nữa. Trước vòng đấu áp chót, cửa vô địch của Atletico thậm chí còn sáng hơn Real. Và họ chỉ hụt chân khi HLV Diego Simeone phải ngồi trên khán đài vì án cấm chỉ đạo. Hai năm trước, Atletico đăng quang ở vòng đấu cuối cùng khi vượt qua Barca.

barca-va-real-chuong-nguyen-hon-ai

Nếu không vì Simeone bị cấm chỉ đạo ba trận cuối mùa, Atletico Madrid có thể vẫn tiếp tục đua tranh với Real và Barca đến giờ chót, để tăng sức hấp dẫn kịch tính cho La Liga.

La Liga không lạ với những màn sinh tử vào phút chót như thế, đặc biệt là với Barca. Chín năm trước, họ đã bất lực nhìn Real lên ngôi vô địch ở vòng đấu chót, sau một cú sa chân nổi tiếng đến mức được gắn hẳn cái tên Tamudazo.

Còn hiện tại, đây là một mùa giải mà Barca từ biệt huyền thoại lớn của họ - Johan Cruyff. Sinh thời, trên vai trò HLV, Cruyff từng chứng kiến Barca ba lần liên tiếp đăng quang chức vô địch La Liga ở đúng vòng đấu cuối cùng, vào các năm 1992, 1993, 1994, với những kịch tính có thể khiến người trong cuộc phải "vỡ tim".

Khi vòng đấu chót của La Liga mùa này hạ màn, người ta vẫn còn gặp lại những đại diện của họ trong hai trận chung kết của các Cúp châu Âu. Sevilla sẽ chạm trán Liverpool để tranh Europa League, trong khi Real đấu Atletico cho vương miện Champions League tại Milan. Đấy là sự tái hiện của trận chung kết giải đấu này hai năm về trước ở Lisbon. Còn ở Europa League, đây đã là năm thứ ba liên tiếp Sevilla góp mặt ở trận đấu cuối cùng, hai năm trước họ đều vô địch.

Sự thống trị của bóng đá Tây Ban Nha ở cấp độ CLB mà trước đó là cả cấp độ đội tuyển là điều hoàn toàn không mới. Từ khi Cristiano Ronaldo đặt chân sang Tây Ban Nha, Quả bóng Vàng chưa bao giờ rời khỏi đất nước này và La Liga luôn chiếm đa số trong Đội hình tiêu biểu hàng năm của UEFA lẫn FIFA.

Và bây giờ, giải đấu ấy đang đón một cái kết như phim. Barca đến sân Granada trong khi Real, kém kình địch một điểm, làm khách tại Riazor của Deportivo La Coruna. Và suốt tuần nay, báo chí cả hai bên đều hăng hái bàn tán về cái gọi là "văn hóa cặp táp" (trong cặp táp tất nhiên là chứa... đầy tiền) ở La Liga. Phe Catalan tố phe Madrid chi tiền để Granada cầm chân. Phe Madrid thì tố Barca chi tiền để Granada "buông" trận đấu thủ tục của họ. Joan Gapsart, cựu Chủ tịch Barca, gọi cáo buộc của Real là "nỗi hổ thẹn của bóng đá". Ramon Calderon, cựu Chủ tịch Real, đáp lời: "Cũng chỉ là... gậy ông đập lưng ông mà thôi".

Tại sao lại là gậy ông đập lưng ông? Vì "văn hóa cặp táp" là do chính Barca khơi mào trong những năm 1990. Ngày ấy, Gaspart, hãy còn là Phó Chủ tịch Barca, được cho là đã dùng "cặp táp" để động viên các cầu thủ Tenerife - đối thủ của Real ở vòng đấu chót các mùa 1991-1992 và 1992-1993 - đá một trận sống mái dù không còn động lực. Và quả thực là Tenerife đã đánh bại Real ở cả hai mùa với các tỷ số là 3-2 và 2-0, góp một tay giúp Barca đăng quang.

barca-va-real-chuong-nguyen-hon-ai-1

Real Madrid của Hierro (phải) từng ngậm đắng nuốt cay nhìn Barca lên ngôi, vì bại trận dưới tay Tenerife ở vòng cuối năm 1992 và 1993.

"Văn hóa cặp táp" một lần nữa tái hiện vào năm 1994, chỉ có điều lần này đối thủ đua tranh của Barca là Deportivo La Coruna. Trong trận đấu chót, Deportivo bị Valencia cầm hòa 1-1. Kết quả này giúp Barca cán đích ở vị trí nhất bảng, hoàn thành cú poker, vô địch La Liga bốn năm liền (1991-1994).

Với Barca, đấy là một thành tựu tuyệt vời. Bởi vì trong suốt 31 năm từ 1960 đến 1991, họ chỉ vô địch Tây Ban Nha vỏn vẹn hai lần. Trong khi cùng kỳ thời gian ấy, Real có đến 19 lần đăng quang tại La Liga. Nghĩa là với ba chức vô địch cùng với Johan Cruyff, Barca đã đảo chiều bánh xe lịch sử.

Hãy cùng trở lại với trận đấu đã mở màn cho "văn hóa cặp táp"

Chủ Nhật, ngày 7/6/1992. Real bước vào vòng đấu chót với một điểm nhiều hơn Barca. Họ chơi bóng tự tin và mau chóng dẫn trước trước Tenerife 2-0 với các bàn của Fernando Hierro và Gheorghe Hagi. Trong khi đó, Barca của Cruyff có vẻ vẫn chưa thoát ra khỏi tâm trạng lễ hội sau khi giành được chiếc Cúp C1 đầu tiên trong lịch sử và vẫn đang hòa Athletic Bilbao 0-0. Hai trận đấu đều đang ở phút 55 và mọi thứ coi như đã an bài.

Nhưng rồi tất cả hoàn toàn thay đổi.

Đầu tiên là Tenerife gỡ lại một bàn. Kế đến là Hristo Stoichkov ghi liền hai bàn cho Barca trong chưa đầy 15 phút.

Rồi khi còn lại 13 phút, Tenrife bất ngờ ghi hai bàn trong vòng có 120 giây. Dù có một Luis Enrique trẻ trung và đầy nhiệt huyết trong đội hình, Real vẫn bị khí thế của Tenerife nuốt chửng.

Khi xem trận đấu ở nhà, cậu bé 12 tuổi Xavi vẫn còn cảm thấy khó chịu vì bố mẹ đã không cho cậu đến London xem trận chung kết Cúp C1 của Barca. Nhưng diễn biến trên sân làm cậu mau chóng quên sự khó chịu ấy. Những người hùng của cậu đã vô địch La Liga ngay trước mũi đại kình địch. Sau này, Xavi cho biết diễn biến kịch tính của La Liga mùa ấy đã có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời cậu, để cậu tự mình giành thêm... tám chức vô địch La Liga nữa về cho Barca, trong giai đoạn còn rực rỡ hơn cả kỷ nguyên "Dream Team" của Cruyff.

Sau cú trượt ngã ấy, Real một lần nữa rơi vào hoàn cảnh tương tự. Đúng một năm sau, lại là một chuyến hành quân đến sân Tenerife và lần này, chân các cầu thủ như đeo chì. Thất bại 0-2 khiến truyền thông Madrid gọi Tenerife là "hòn đảo bị nguyền rủa". Lorenzo Sanz, cựu Chủ tịch của Real Madrid, nói: "Ký ức tốt đẹp hiếm hoi của Madridista về Tenerife là họ đã bán cho chúng tôi Fernando Redondo". Hierro thì nói: "Nhưng họ lại bán linh hồn mình".

Tất nhiên, Barca không bao giờ thừa nhận việc đã dùng "cặp táp" để động viên tinh thần các cầu thủ Tenerife. "Chúng tôi chỉ mời họ đến dự Cup Joan Gamper mà thôi," Gaspart nói. Calderon hỏi vặn lại: "Nhưng trước đó sao họ không mời".

Thủ thành Granada, Ivan Kelava tỉnh bơ phát biểu: "Các đồng đội của tôi bảo việc nhận tiền để đánh bại một đội bóng nào đó là bình thường ở đây". Chủ tịch LFP Javier Tebas cách đây ba năm còn đặt ra một quy định được xem là để ngăn "văn hóa cặp táp" ấy: đội xếp cao hơn trong bảng điểm chung cuộc sẽ nhận nhiều tiền thưởng hơn. Nhưng tâm lý con người chỉ muốn nhận thêm chứ đâu muốn bỏ bớt.

barca-va-real-chuong-nguyen-hon-ai-2

Granada từng đánh bại Barca 1-0 ở La Liga cách đây hai năm. Một kết quả tương tự, nếu lặp lại hôm nay, có thể khiến Messi và đồng đội mất chức vô địch vào tay Real.

Nghĩa là, văn hóa cặp táp, hay còn gọi là văn hóa khích lệ, là một điều bình thường ở La Liga. Khi Raul Tamudo ghi hai bàn để tạo nên cú địa chấn Tamudazo ở Catalonia chín năm trước, anh đã nói: "Tôi không muốn bình luận gì về tiền của Real. Nhưng nếu vừa cầm chân Barca, vừa có tiền thì tốt chứ ssaossao".

Hôm nay, khi Granada tiếp Barca, trong đội ngũ của họ có ba cầu thủ bị Barca ruồng bỏ, có bốn cựu cầu thủ Real và một anh chàng tiền vệ tên Javi Marquez. Marquez đặc biệt chỗ nào? Anh đặt tên con trai mình là Modric vì quá hâm mộ tiền vệ Luka Modric của Real. "Có tiền hay không thì tôi cũng sẽ cố cầm chân Barca cho, yên tâm!" Marquez nói.

La Liga không hấp dẫn ư? Nhàm chán ư? Bạn cứ xem xong vòng đấu chót rồi suy nghĩ lại vẫn kịp!



Theo VNE

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Barca và Real: Chuông nguyện hồn ai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO